Thưa Luật sư của LVN Group, hiện nay tôi thấy khá nhiều công ty tài chính xuất hiện và hoạt động mạnh mẽ ở việt Nam. Đối với loại hình doanh nghiệp này pháp luật có quy định như thế nào về điều kiện thành lập? Và trình tự, thủ tục thành lập được quy định tại văn bản pháp lý nào? Rất mong được giải đáp. Xin cảm ơn!

 

Luật sư tư vấn:

1. Công ty tài chính là gì?

Khoản 4 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Theo đó, có thể hiểu công ty tài chính là một hình thức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, được thành lập theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và thực hiện một số hoạt động ngân hàng (trừ nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng).

 

2. Hình thức tổ chức của công ty tài chính

Điều 4 Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định về hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng như sau:

1. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới các hình thức sau đây:

a) Công ty cổ phần do các cổ đông là tổ chức và cá nhân cùng góp vốn thành lập theo quy định;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một ngân hàng thương mại Việt Nam làm chủ sở hữu;

c) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ngân hàng thương mại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam góp vốn thành lập (trong đó một ngân hàng thương mại Việt Nam sở hữu ít nhất 30% tổng số vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng) hoặc các ngân hàng thương mại Việt Nam góp vốn thành lập.

2. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng liên doanh được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bằng vốn góp của bên Việt Nam (gồm một hoặc nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam) và bên nước ngoài (gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài) trên cơ sở hợp đồng liên doanh.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một tổ chức tín dụng nước ngoài làm chủ sở hữu hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn thành lập.

Theo đó, đối với công ty tài chính trong nước có thể tổ chức thành lập dưới dạng công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (1 thành viên là ngân hàng thương mại Việt Nam), công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên (trong đó có thành viên là ngân hàng thương mại Việt Nam).

 

3. Điều kiện xin cấp phép thành lập công ty tài chính cổ phần

3.1. Điều kiện về vốn

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng cụ thể là công ty tài chính cần đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định theo quy định của chính phủ từng thời kì. Mức vốn này được quy định dựa trên tình hình kinh tế và các vấn đề liên quan khác trong từng thời điểm cụ thể. Hiện nay mức vốn pháp định mà pháp luật quy định đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là công ty tài chính áp dụng mức vốn 500 tỷ đồng.

 

3.2. Điều kiện về cổ đông sáng lập

Theo Thông tư 30/2015/TT-NHNN được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 15/2016/TT-NHNN các điều kiện đối với cổ đông sáng lập được quy định hết sức cụ thể tại Khoản 2 điều 11.

 

3.3. Điều kiện về cổ đông

a) Cổ đông là cá nhân:

+ Phải mang quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật.

+ Không thuộc các trường hợp là đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

b) Cổ đông là tổ chức:

+ Được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Kinh doanh có lãi trong 03 năm liên tục trước khi nộp hồ sơ xin giấy phép.

+ Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về Thuế, bảo hiểm xã hội theo quy định đến ngày nộp hồ sơ.

Thêm vào đó, đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại) cần đảm bảo các điều kiện về vốn sở hữu tối thiểu là 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu là 1000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước ngày nộp hồ sơ. Trường hợp tổ chức là ngân hàng thương mại thì tổng tài sản tối thiểu cần đảm bảo là 100.000 tỷ đồng và một số điều kiện đặc thù khác liên quan.

 

4. Hồ sơ thành lập công ty tài chính cổ phần

Căn cứ quy định tại Điều 15 Thông tư 30/2015/TT-NHNN. Hồ sơ bao gồm:

+ Đơn xin cấp Giấy phép (theo mẫu).

+ Dự thảo Điều lệ, phương án hoạt động: nêu rõ nội dung, phương thức hoạt động, địa bàn hoạt động, lợi ích đối với nền kinh tế; trong đó, xác định kế hoạch hoạt động cụ thể 3 năm đầu.

+ Danh sách, lý lịch (theo mẫu) các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty tài chính.

+ Phương án góp vốn điều lệ, danh sách và cam kết về mức góp vốn điều lệ của các bên góp vốn.

+ Tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về các cổ đông lớn. Đối với các cổ đông lớn là doanh nghiệp, các tài liệu phải nộp gồm: Quyết định thành lập; Điều lệ hiện hành; Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số vốn điều lệ và số vốn thực có năm hiện hành; Văn bản cử người đại diện pháp nhân của Doanh nghiệp; Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất.

 

5. Trình tự thủ tục cấp Giấy phép

Điều 8 Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhưu sau:

Bước 1: Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 14, khoản 1, 2, 3 Điều 15, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 16 Thông tư này và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không chấp thuận.

Bước 4: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 15, khoản 7 Điều 16 Thông tư này và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ các văn bản nêu trên thì văn bản chấp thuận nguyên tắc không còn giá trị.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ văn bản.

Bước 5: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.

 

6. Điều kiện khai trương hoạt động công ty tài chính cổ phần

Theo quy định tại Điều 26 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Điều kiện khai trương hoạt động đối với công ty tài chính cổ phần như sau:

Một là, đã đăng ký Điều lệ tại Ngân hàng Nhà nước;

Hai là, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có đủ vốn điều lệ, vốn được cấp, có kho tiền đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, có trụ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn tài sản và phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;

Ba là, có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

Bốn là, có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động;

Năm là, có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính; quy chế nội bộ về quản lý rủi ro; quy chế về quản lý mạng lưới;

Sáu là, vốn điều lệ, vốn được cấp bằng đồng Việt Nam phải được gửi đầy đủ vào tài khoản phong tỏa không hưởng lãi mở tại Ngân hàng Nhà nước ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động. Vốn điều lệ, vốn được cấp được giải tỏa khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khai trương hoạt động;

Bảy là, đã công bố thông tin hoạt động theo quy định tại Điều 25 của Luật này.

Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì công ty tài chính tiến hành khai trương hoạt động.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!