Cơ sở pháp lý:
– Luật quân nhân chuyên nghiệp, công chức và viên chức quốc phòng năm 2015;
– Thông tư 162/2017/TT-BQP;
1. Quân nhân chuyên nghiệp là gì?
Theo Luật quân nhân chuyên nghiệp, công chức và viên chức quốc phòng năm 2015: Quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.
Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương, gồm:
Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp; Đại úy quân nhân chuyên nghiệp; Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp; Trung úy quân nhân chuyên nghiệp; Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp.
Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp gồm: Loại cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; Loại trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; Loại sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.
2. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp
Điều 17 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công chức và viên chức quốc phòng năm 2015 có quy định:
Điều 17. Thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau:
a) Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp;
b) Phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm:
a) Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;
b) Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;
c) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
3. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.
4. Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Như vậy, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm như sau:
– Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;
– Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;
– Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
3. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân và viên chức quốc phòng
Công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ.
Điều 31 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công chức và viên chức quốc phòng năm 2015 có quy định:
Điều 31. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân và viên chức quốc phòng
1. Nam đủ 60 tuổi.
2. Nữ đủ 55 tuổi.
4. Điều kiện và chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi
Điều kiện và chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi được quy định tại Điều 5 Thông tư 162/2017/TT-BQP.
4.1. Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đang công tác trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, được hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi khi thuộc diện dôi dư biên chế ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội có quyết định giải thể, sáp nhập, rút gọn, hạ cấp độ tổ chức, chuyển đổi mô hình hoạt động dẫn đến giảm số lượng mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng hoặc không bố trí được vị trí công tác mới.
Các trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi nêu trên phải được xem xét, đề nghị từ cấp ủy cơ sở đến cấp ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương và được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt
4.2. Hạn tuổi để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần
Hạn tuổi để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần khi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17, Điều 31 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, cụ thể như sau:
a) Đối với quân nhân chuyên nghiệp
– Cấp úy: |
Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; |
– Thiếu tá, Trung tá: |
Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; |
– Thượng tá: |
Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. |
b) Đối với công nhân và viên chức quốc phòng
Nam 60 tuổi; nữ 55 tuổi.
c) Tuổi để xác định quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu trước hạn tuổi so với tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm hướng dẫn tại điểm a hoặc so với hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân và viên chức quốc phòng tại điểm b khoản này ít nhất là một năm (đủ 12 tháng), được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng hưởng lương hưu hằng tháng.
Trường hợp hồ sơ không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ xác định được năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 và năm sinh của đối tượng để làm căn cứ tính tuổi nghỉ hưu.
Ví dụ 1: Đồng chí Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị K, sinh tháng 9 năm 1968, nhập ngũ tháng 9 năm 1986, theo quy định hiện hành thì đến ngày 01 tháng 10 năm 2020 (đủ 52 tuổi) đồng chí K hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, nhưng do đơn vị sáp nhập, Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2018 (đủ 50 tuổi). Do vậy, đồng chí K được hưởng trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất của cấp bậc quân hàm Đại úy (vì đồng chí K nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm là 02 năm = 24 tháng).
d) Cấp bậc quân hàm để xác định hạn tuổi cao nhất tương ứng đối với quân nhân chuyên nghiệp hướng dẫn tại điểm a khoản này là cấp bậc quân hàm tại thời điểm có quyết định về việc nghỉ hưu (nghỉ chuẩn bị hưu) của cấp có thẩm quyền.
Ví dụ 2: Đồng chí Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn A, sinh tháng 9 năm 1967, nhập ngũ tháng 02 năm 1986, do đơn vị giải thể, Quân đội không còn nhu cầu bố trí, sử dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu (nghỉ chuẩn bị hưu) từ ngày 01 tháng 10 năm 2016, cấp bậc quân hàm Đại úy quân nhân chuyên nghiệp; có quyết định hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2017 (đủ 50 tuổi); trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, đồng chí A được xét nâng lương và phiên quân hàm Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp. Theo quy định, đồng chí A thuộc đối tượng nghỉ hưu trước hạn tuổi theo cấp bậc quân hàm Đại úy quân nhân chuyên nghiệp. Cụ thể là:
52 tuổi – 50 tuổi = 2 năm.
4.3. Chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đủ điều kiện nghỉ hưu trước hạn tuổi thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và ngoài chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành, còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần, như sau:
a) Trợ cấp 03 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi, được tính theo công thức sau:
Tiền trợ cấp tính cho thời gian nghỉ hưu trước tuổi quy định |
= |
Số năm được trợ cấp (tính theo thời gian nghỉ hưu trước hạn tuổi quy định) |
x 03 tháng x |
Tiền lương tháng bình quân |
b) Trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân, được tính theo công thức sau:
Tiền trợ cấp cho số năm công tác |
= |
{5 tháng + [(tổng số năm công tác – 20 năm) x 1/2 tháng]} |
x |
Tiền lương tháng bình quân |
Ví dụ 3: Trường hợp đồng chí Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn A (nêu tại ví dụ 2) có tổng thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội (từ tháng 02 năm 1986 đến hết tháng 9 năm 2017) là 31 năm 08 tháng. Giả sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu của đồng chí A là 9.500.000 đồng/tháng.
Khi nghỉ hưu, ngoài chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội, đồng chí A còn được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi theo cấp bậc quân hàm, như sau:
– Trợ cấp một lần cho số năm nghỉ hưu trước tuổi
02 năm x 03 tháng x 9.500.000 đồng = 57.000.000 đồng.
– Trợ cấp một lần cho thời gian công tác
{5 tháng +[(31 năm 8 tháng – 20 năm) x 1/2 tháng]} x 9.500.000 đồng.
= (5 tháng + 6 tháng) x 9.500.000 đồng = 104.500.000 đồng.
Tổng số tiền trợ cấp một lần đồng chí Nguyễn Văn A được nhận là:
57.000.000 đồng + 104.500.000 đồng = 161.500.000 đồng.
4.4. Trường hợp không được hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc một trong các trường hợp sau đây, không được hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi:
– Không đủ điều kiện theo hướng dẫn đã nêu tại mức 3.1 và 3.2;
– Còn đủ điều kiện phục vụ Quân đội mà Quân đội còn nhu cầu bố trí, sử dụng nhưng xin nghỉ hưu trước tuổi;
– Bị kỷ luật hình thức giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân đối với quân nhân chuyên nghiệp; hạ bậc lương, buộc thôi việc đối với công nhân và viên chức quốc phòng;
– Đi học tập, công tác, nghỉ phép ở nước ngoài quá thời hạn từ 30 ngày trở lên không được cấp có thẩm quyền cho phép.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.