Căn cứ pháp lý:

– Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010;

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định 73/2016/NĐ-CP;

1. Chi nhánh là gì?

Theo Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chi nhánh như sau:

“1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Chi nhánh là một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2015, chi nhánh không có tư cách pháp nhân.

Về địa điểm được phép đặt chi nhánh, doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính và có thể thành lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài.

Ví dụ: Doanh nghiệp A ở Hà Nội, họ có thể thành lập các chi nhánh ở một hoặc nhiều địa điểm tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo khoản 1 Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020, ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh để tiến hành kinh doanh các ngành, nghề khác với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải làm thủ tục bổ sung ngành, nghề.

2. Văn phòng đại diện là gì?

Căn cứ khoản 2 điều 44 luật doanh nghiệp 2020, Văn phòng đại diện (VPĐD) là: “đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.”

Căn cứ vào khoản 1 điều 45 Luật doanh nghiệp 2020:

Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, VPĐD ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, VPĐD tại một địa phương theo địa giới hành chính. 

Là đơn vị phụ thuộc của công ty, nên VPĐD không có tư cách pháp nhân.

Chức năng của VPĐD:

Văn phòng đại diện (VPĐD) là: “đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.”

Vì vậy VPĐD không tự mình thực hiện các công việc kinh doanh được. VPĐD chỉ làm chức năng, nhiệm vụ uỷ quyền các hoạt động bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp mà thôi.

3. Điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mở chi nhánh, văn phòng đại diện

Điều 19 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định:

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc chuyển đổi văn phòng đại diện thành chi nhánh phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Vốn chủ sở hữu tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất không thấp hơn mức vốn pháp định được quy định tại Điều 10 Nghị định này;

1. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;

c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.

2. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

a) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;

c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.

3. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.

6. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:

a) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.

– Đáp ứng các quy định về biên khả năng thanh toán;

– Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với tổng số tiền từ 400 triệu đồng trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện;

– Có Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện; có bằng chứng về quyền sử dụng địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện.

– Giám đốc chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định này;

Điều 29. Tiêu chuẩn của Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện

1. Các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 26 Nghị định này.

2. Có bằng đại học hoặc trên đại học.

3. Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp.

4. Có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc lĩnh vực chuyên môn dự kiến đảm nhiệm.

5. Đối với kế toán trưởng, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của kế toán trưởng quy định tại các văn bản pháp luật về kế toán và có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm về kế toán hoặc kiểm toán trong lĩnh vực bảo hiểm.

6. Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

– Có hồ sơ đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc chuyển đổi văn phòng đại diện thành chi nhánh theo quy định.

4. Thủ tục mở chi nhánh, văn phòng đại diện

* Hồ sơ đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc chuyển đổi văn phòng đại diện thành chi nhánh bao gồm:

– Văn bản đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;

– Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định pháp luật;

– Bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu và biên khả năng thanh toán theo quy định.

– Lý lịch tư pháp, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, lý lịch, bản sao văn bằng chứng chỉ chứng minh trình độ, kinh nghiệm của người dự kiến được bổ nhiệm Giám đốc chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện;

– Bằng chứng về quyền sử dụng địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện.

– Văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.

Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

Trường hợp mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 19 nghị định 73/2016/NĐ-CP và quy định pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

5. Thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định;

– Việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện không gây thiệt hại đến các nghĩa vụ hiện tại đối với nhà nước, quyền lợi của bên mua bảo hiểm và các đối tượng khác có liên quan.

Hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện bao gồm:

– Văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;

– Văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;

– Báo cáo tình hình hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện trong 03 năm gần nhất. Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động chưa được 03 năm thì báo cáo tình hình hoạt động từ khi bắt đầu hoạt động;

– Báo cáo trách nhiệm, các vấn đề phát sinh và phương án xử lý khi chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.

Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

Trường hợp chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 19 Nghị định 73/2016/NĐ-CP và quy định pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

6. Thành lập, chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh

Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh ở nhiều địa bàn khác nhau so với trụ sở chính của công ty:

– Thành lập địa điểm kinh doanh cùng phường với trụ sở công ty;

– Thành lập địa điểm kinh doanh cùng quận với trụ sở công ty;

– Thành lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh với trụ sở công ty;

– Thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở công ty.

Vì được phát sinh hoạt động kinh doanh nên địa điểm kinh doanh phải nộp thuế môn bài với mức thuế là: 1.000.000 đồng/năm. Năm đầu thành lập địa điểm kinh doanh được miễn thuế môn bài nếu công ty hoặc chi nhánh chủ quản đang được miễn thuế môn bài.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được chủ động thành lập hoặc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập hoặc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm gửi thông báo đến Bộ Tài chính. Nội dung thông báo lập địa điểm kinh doanh gồm:

– Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh;

– Nội dung hoạt động của địa điểm kinh doanh;

– Họ, tên, nơi cư trú, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu địa điểm kinh doanh.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.