Đường đẳng lượng hay đường đẳng sản (isoquant curve or isoproduct curve) là đường biểu thị những cách kết hợp nhân tố sản xuất khác nhau để sản xuất ra một mức sản lượng nhất định với giả định công nghệ không thay đổi và các đầu vào nhân tố có thể thay thế cho nhau trong quá trình sản xuất như trong hình 35.
Nếu đường đẳng lượng trong hình 35 biểu thị mức sản lượng là 100 đơn vị mỗi thời kỳ, thì dọc theo đường này, chúng ta có thể xác định các kết hợp nhân tố cần thiết để sản xuất 100 đơn vị sản lượng. Độ dốc của đường đẳng lượng phản ánh khả năng thay thế nhân tố này (tư bản) bằng nhân tố kia (lao động) trong quá trình sản xuất 100 đơn vị sản lượng.
Đường đẳng lượng dốc xuống vì hai đầu vào có thể thay thế cho nhau trong quá trình sản xuất. Nó là đường lồi so với gốc toạ độ vì các đầu vào không thay thế hoàn hảo cho nhau. Vì vậy, tỷ lệ thay thế kỹ thuật cận biên của tư bản đối với lao động giảm dần khi chúng ta di chuyển xuống phía dưới của đường đẳng lượng.
Nhìn qua chúng ta thấy đường đẳng lượng tương tự như đường bàng quan. Tuy nhiên, cần chú ý rằng trong khi không thể đo được mức thỏa mãn hay ích lợi bằng các đơn vị hiện vật, mà chỉ có thể nói nó cao hay thấp, thì chúng ta lại có thể tính được lượng sản phẩm sản xuất ra trên mỗi đường đẳng lượng. Vì vậy, đường đẳng lượng cao hơn biểu thị mức sản lượng cao hơn được sản xuất ra bằng các kết hợp đầu vào có quy mô mỗi loại lớn hơn.
Điểm A trên hình 34 là tiếp điểm của đường đẳng phí và đường đẳng lượng. Nó cho biết kết hợp đầu vào có chi phí thấp nhất để sản xuất ra một số đơn vị sản lượng nhất định (ví dụ 100).
Hình 35. Đường đẳng lượng rà đường đẳng phí.