1.Quan hệ giữa ASEAN và các bên đối tác phát triển sâu rộng

Quan hệ đối ngoại của ASEAN tiếp tục được mở  rộng và đi vào chiều sâu thông qua các khuôn khổ ASEAN+1 (giữa ASEAN với từng nước đối tác đối thoại, gồm Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Nga, Hàn Quốc và Mỹ), ASEAN+3 (giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị cấp cao (HNCC) Ðông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Nhìn chung, các đối tác coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, triển khai kết nối khu vực. Các nước và tổ chức bên ngoài tiếp tục quan tâm và mong muốn đặt quan hệ với ASEAN, đến nay đã có 74 nước cử Ðại sứ tại ASEAN và 37 Ủy ban ASEAN tại nước thứ ba hoặc tổ chức quốc tế được thiết lập.

Quan hệ của ASEAN với từng bên đối thoại tiếp tục phát triển tích cực và thực chất. Với Trung Quốc, quan hệ hai bên được mở rộng sang một số lĩnh vực mới và được làm sâu sắc hơn thông qua việc hình thành một số cơ chế mới, trong đó có việc Trung Quốc lập Quỹ Hợp tác biển ASEAN – Trung Quốc trị giá ba tỷ nhân dân tệ, cho ASEAN vay tín dụng bổ sung trị giá 10 tỷ USD, góp thêm năm triệu USD cho Quỹ Hợp tác chung ASEAN – Trung Quốc. Kế hoạch Hành động ASEAN – Trung Quốc 2011 – 2015 đang được triển khai tích cực và hiệu quả với 180 dự án và hoạt động đang được triển khai hoặc hoàn tất. ASEAN và Trung Quốc nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và Tuyên bố của HNCC ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm ký DOC, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và Biển Ðông, đẩy mạnh tham vấn để sớm hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Ðông (COC). Trung Quốc là một đối tác ngoại khối đầu tiên và quan trọng nhất của ASEAN. Năm 2013, ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hai bên quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại ASEAN – Trung Quốc lên 500 tỷ USD trước năm 2015. Với Nhật Bản, bên cạnh việc thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký, trong năm 2013, Nhật Bản tăng cường hợp tác về ứng dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý thiên tai, ngoại giao, y tế toàn cầu, tăng trưởng xanh chống biến đổi khí hậu và quản lý đô thị hóa. Nhật Bản đề xuất 33 dự án hợp tác trọng điểm trên nhiều lĩnh vực và cam kết hỗ trợ ODA trị giá 500 tỷ yên cho các nước vùng Mê Công phát triển hạ tầng trong ba năm tới. ASEAN đánh giá cao Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực cũng như cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và Sáng kiến Liên kết ASEAN, gia hạn Quỹ Liên kết ASEAN – Nhật Bản (JAIF) tới ngày 31-12-2013. Hai bên đang nỗ lực tổ chức thành công HNCC kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản, dự kiến vào tháng 12 tới. Với Ấn Ðộ, HNCC kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác chiến lược song phương. Ấn Ðộ khẳng định hỗ trợ kết nối ASEAN, thúc đẩy các dự án kết nối Ấn Ðộ – ASEAN cả về đường bộ, đường không, hàng hải, kỹ thuật số… Việc ký Hiệp định thương mại và đầu tư ASEAN – Ấn Ðộ mở đường cho việc nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD vào năm 2015. Với Hoa Kỳ, hai bên nhất trí họp HNCC hằng năm và tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối thoại lên tầm chiến lược; Mỹ khẳng định chính sách tăng cường gắn kết với khu vực, cam kết thúc đẩy hợp tác với ASEAN về tất cả các mặt chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân, hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng vào 2015. Mỹ coi ASEAN là trung tâm của cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là trung tâm của chiến lược tái cân bằng mà Mỹ đang hướng tới. Với Liên hiệp châu Âu (EU), hai bên  khẳng định coi trọng quan hệ song phương. EU cam kết tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, coi việc nâng cao quan hệ với ASEAN là ưu tiên của khối, mong muốn hướng tới xây dựng khu vực mậu dịch tự do (FTA) ASEAN – EU. Với Hàn Quốc, hai bên khẳng định sẽ tăng cường hợp tác triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2011 – 2015, hướng tới mục tiêu nâng thương mại hai chiều từ 125 tỷ USD năm 2011 lên 150 tỷ USD vào năm 2015. Hai bên cũng cam kết hợp tác tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc…

2.ASEAN-Trung Quốc 

Đối với Trung Quốc, các quan hệ thương mại và kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Các cuộc đàm phán về Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (viết tắt là ‘ACFTA’) đã chính thức được tiến hành từ năm 2001. Sau sáu vòng đàm phán, hai bên đã kí kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc (viết tắt là ‘ACFA’) tại Hội nghị cấp cao ASEANTrung Quốc vào ngày 4/11/2002. Cho tới nay, năm nước ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định này.76 Hiệp định khung không đặt ra các quy định chi tiết về hội nhập kinh tế. Thay vào đó, theo Hiệp định ACFA, các nước ASEAN và Trung Quốc đã kí kết bốn hiệp định cụ thể khác. Hiệp định về thương mại hàng hoá năm 2004 quy định phương thức giảm thuế quan và loại bỏ thuế quan trong các dòng thuế đã liệt kê trong Danh mục IL hoặc Danh mục SL. Hiệp định về thương mại dịch vụ giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc được kí kết ngày 14/1/2007. Mức độ tự do hoá trong các cam kết của Hiệp định này cao hơn các cam kết mà các bên kí kết đưa ra trong GATS. Hiệp định về đầu tư của ASEAN và Trung Quốc được kí ngày 15/8/2009 và có hiệu lực ngày 1/1/2010. Tranh chấp giữa chính phủ với chính phủ phát sinh theo Hiệp định khung và các hiệp định liên quan do Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc, kí ngày 29/11/2004, điều chỉnh.

3. ASEAN-Hàn Quốc 

Sau khi hoàn thành các nghiên cứu về tính khả thi trong một năm, Hàn Quốc tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 vào tháng 12/2004 là nước này sẽ tiến hành đàm phán FTA với ASEAN vào năm 2005. Sau đó, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc (viết tắt là ‘AKFA’) và Nghị định thư của Hiệp định đã được kí kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 9 vào ngày 13/12/2005. Tương tự như Hiệp định ACFA, Hiệp định AKFA cũng có hiệu lực ngày 1/7/2006 khi Hàn Quốc và ít nhất một nước thành viên ASEAN phê chuẩn. Hiện nay, đã có năm nước ASEAN phê chuẩn Hiệp định.Trong khuôn khổ Hiệp định AKFA, bốn Hiệp định chi tiết khác đã được kí kết và là các văn kiện pháp lí thiết lập FTA của ASEAN với Hàn Quốc. Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc về thương mại hàng hoá (viết tắt là ‘AKTIG’), kí ngày 24/8/2006, đặt ra các thoả thuận thương mại ưu đãi giữa mười nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc. Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc về thương mại dịch vụ (viết tắt là ‘AKTIS’), kí ngày 21/11/2007, quy định các cam kết cao hơn các quy tắc hiện hành của GATS. Hiệp định này có thêm các ngành hay tiểu ngành mới trong danh mục cam kết và nới lỏng các hạn chế gia nhập thị trường và chế độ đối xử đối với nhiều lĩnh vực dịch vụ như kinh doanh, xây dựng, giáo dục, dịch vụ truyền thông, môi trường, dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải. Các điều khoản của Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc về đầu tư (viết tắt là AKAI), kí ngày 2/6/2009, khá giống với các hiệp định khác của ASEAN về đầu tư để thiết lập môi trường pháp lí minh bạch và bảo đảm cho các nhà đầu tư của ASEAN và Hàn Quốc cũng như các khoản đầu tư của họ. Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc về cơ chế giải quyết tranh chấp, kí ngày 13/12/2005, quy định cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ với chính phủ phát sinh từ các hiệp định nói trên, bao gồm cả Hiệp định khung, trừ các tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ nước tiếp nhận đần tư thì theo quy định của Hiệp định AKAI

4.ASEAN-Nhật Bản 

Theo Dữ liệu thống kê ASEAN FDI, kể từ tháng 5/2009, trong số các đối tác của ASEAN, Nhật Bản là nước có dòng vốn FDI vào ASEAN lớn thứ hai. Tháng 1/2002, Thủ tướng Nhật Bản Kô-i-du-mi đã đề xuất ý tưởng một hiệp định đối tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản. Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản (viết tắt là ‘AJCEP’) sau đó đã được kí kết ngày 8/10/2003. Hiệp định này quy định các biện pháp thúc đẩy và hợp tác đàm phán các quy tắc về thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư giữa các bên. Các cuộc đàm phán AJCEP được bắt đầu ở Tô-ky-ô vào tháng 4/2005. Sau ba năm, ASEAN và Nhật Bản kí kết Hiệp định AJCEP vào ngày 7/4/2008. ASEAN và Nhật Bản không áp dụng cách tiếp cận của ASEAN và Trung Quốc hay Hàn Quốc. Hai bên không đàm phán các hiệp định riêng rẽ về từng lĩnh vực cụ thể. Thay vào đó, AJCEP là hiệp định toàn diện với 10 chương và 80 điều khoản, quy định các biện pháp thúc đẩy và hợp tác, cũng như tự do hoá thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư và giải quyết tranh chấp. Hiệp định có hiệu lực ngày 1/12/2008. Tám nước ASEAN và Nhật Bản đã phê chuẩn Hiệp định này.

5. ASEAN-Ấn Độ

Hiệp định khung ASEAN-Ấn Độ về hợp tác kinh tế toàn diện, trong đó bao gồm một khu vực thương mại tự do về hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, đã được kí kết ngày 8/10/2003. Trong khuôn khổ Hiệp định khung này, các hiệp định sau đây đã được kí kết: Hiệp định ASEAN-Ấn Độ về thương mại hàng hoá (AITIG) và Hiệp định ASEAN-Ấn Độ về cơ chế giải quyết tranh chấp, cả hai cùng được kí ngày 13/8/2009. ASEAN và Ấn Độ hiện đang đàm phán các Hiệp định ASEAN-Ấn Độ về thương mại dịch vụ và đầu tư. E. ASEAN-Úc và Niu Di-lân Giống như trong mối quan hệ pháp lí về hội nhập kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản, các quy tắc điều chỉnh hợp tác kinh tế giữa ASEAN, Úc và Niu Di-lân được quy định trong một văn kiện toàn diện, Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-Niu-Di-lân (viết tắt là ‘AANZFTA’) kí ở Thái Lan ngày 27/2/2009. Bốn nước ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định. Hiệp định AANZFTA điều chỉnh thương mại hàng hoá và dịch vụ, thương mại điện tử, dịch chuyển của thể nhân, đầu tư, hợp tác kinh tế, giải quyết tranh chấp và các điều khoản chi tiết về thủ tục hải quan, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật, IPRs và cạnh tranh. Các bên cam kết: – Tự do hoá dần dần thuế quan kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và giảm thuế quan ít nhất 90% tất cả các dòng thuế quan trong các lộ trình cụ thể; – Loại bỏ dần dần các rào cản thương mại dịch vụ và cho phép các nhà cung ứng dịch vụ của các bên kí kết khác có được khả năng tiếp cận thị trường nhiều hơn; – Tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển của thể nhân – là những người tham gia các hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực; – Bảo hộ các khoản đầu tư trong phạm vi điều chỉnh; – Tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển hàng hoá bằng việc thực thi các điều khoản cụ thể về quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp SPS; tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp. Các phụ lục của Hiệp định AANZFTA chứa đựng các biểu cam kết cụ thể của các bên. ASEAN đã rất tích cực trong việc đưa ra các quy tắc về hội nhập kinh tế trong khu vực và giữa ASEAN với các đối tác. Phần khái quát trên về khuôn khổ pháp lí của ASEAN cho thấy quyết tâm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) như đã được nêu ra trong Bản kế hoạch chi tiết về AEC rằng: AEC là việc hiện thực hoá mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế như được nêu trong Tầm nhìn 2020, văn kiện được xây dựng trên sự hội tụ các lợi ích của các nước thành viên ASEAN, nhằm làm cho hội nhập kinh tế sâu và rộng hơn nữa thông qua các sáng kiến mới và hiện có với lộ trình rõ ràng. Khi thiết lập AEC, ASEAN sẽ hành động theo các nguyên tắc của một nền kinh tế mở, có tầm nhìn xa, mở rộng và kinh tế thị trường, phù hợp với các quy tắc đa phương cũng như tuân thủ luật pháp, nhằm đạt được sự tuân thủ và thực thi hiệu quả các cam kết kinh tế.

Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập)