Giả thuyết thu nhập thường xuyên (permanent income hypothesis) là giả thuyết cho rằng tiêu dùng của cá nhân phụ thuộc vào thu nhập thường xuyên từ lao động hoặc đầu tư. M.Friedman, người đã nêu ra giả thuyết này, cho rằng con người tiêu dùng một tỷ lệ xác định giá trị hiện tại của dòng thu nhập mà anh ta kiếm được từ lao động và của cải. Ông gọi giá trị hiện tại của dòng thu nhập này là thu nhập thường xuyên.

Mức thu nhập thường xuyên hàng năm là tổng thu nhập mà người tiêu dùng dự kiến nhận được trong cả cuộc đời chia cho tuổi thọ của anh ta tính bằng số năm. Tiêu dùng thường xuyên và thu nhập thường xuyên là những bộ phận dự kiến hay có kế hoạch của tiêu dùng và thu nhập. Mối quan hệ giữa chúng là mối quan hệ thuận.

Ngược lại, thu nhập tạm thời phản ánh những yếu tố khác, mang tính ngẫu nhiên, chẳng hạn của thừa kế, mất thu nhập do ốm đau. Nó là cơ sở cho tiêu dùng tạm thời, chẳng hạn đi du lịch do được hưởng của thừa kế, giảm mức chỉ tiêu hàng ngày do ốm đau. Friedman lập luận rằng thu nhập và tiêu dùng tạm thời hoàn toàn không có mối liên hệ gì với thu nhập và tiêu dùng thường xuyên. Theo ông, người ta cần phải nghiên cứu cả hai phương diện thường xuyên và tạm thời để xác định mối quan hệ tổng hợp giữa thu nhập và tiêu dùng.