Tôi muốn hỏi: Công ty em có trường hợp nghỉ thai sản từ ngày 11/06/2014-11/12/2014, ngày 12/12/2014 – 16/12/2014 người lao động đến xin nghỉ dưỡng sức thêm vì sức khỏe yếu, công ty em chấp thuận cho nghĩ dưỡng sức, và làm đề nghị chuyển đến BHXH để giải quyết dưỡng sức cho người lao động.
Nhưng cơ quan bảo hiểm trả lời rằng: do công ty em chưa báo tăng cho người lao động này, nên không nhận hồ sơ dưỡng sức? Xin cho hỏi là Bảo hiểm xử lý như vậy là đúng hay sai? Trong khi Thời gian nghỉ thai sản trong tháng 12 + thời gian nghỉ dưỡng sức là trên 50% thời gian làm việc trong tháng thì tháng 12 không tham gia BHXH.
Mong sớm nhận được câu trả lời của Luật sư của LVN Group.
Người gửi: Huong
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật lao động của Công ty Luật LVN Group
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006
Công văn 1246/BHXH-BT giải quyết chế độ cho người lao động trong các đơn vị bị khởi kiện
2. Nội dung phân tích:
Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
“Điều 28. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;
d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
“Điều 37. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản
1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.
2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung”
Theo Công văn 1246/BHXH-BT thì:
“1. Đối với đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm xã hội số tiền lớn, thời gian dài: khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, kiên quyết khởi kiện ra Tòa án.
2. Đối với đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội đang bị khởi kiện, đang được Tòa án xét xử hoặc đơn vị đang thi hành án theo phán quyết của Tòa án thì thực hiện thu Bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ cho người lao động như sau:
a) Tiếp tục tính thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát sinh, cùng với số tiền nợ và tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo quy định.
b) Việc ghi, xác nhận sổ bảo hiểm xã hội làm căn cứ giải quyết chế độ đối với người lao động ngừng việc và các trường hợp tử tuất thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 62 Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
c) Giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động đối với người lao động theo nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội đến thời điểm nào thì giải quyết chế độ đến thời điểm đó.
d) Về chế độ bảo hiểm y tế: theo Công văn số 6168/BYT-BH ngày 03/10/2011 của Bộ Y tế về việc giải quyết quyền lợi khám chữa bệnh trong thời gian không đóng bảo hiểm y tế thì người lao động không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế, kể cả các trường hợp đã truy đóng.”
Như vậy, nếu người lao động đóng bảo hiểm từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì người lao động sẽ được hưởng các chế độ về thai sản như trợ cấp, dưỡng sức..người lao động có quyền yêu cầu tổ chức bảo hiểm giải quyết chế độ dưỡng sức cho mình.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group