1. Giám định bảo hiểm là gì?
Giám định bảo hiểm là xem xét, kết luận về tình trạng của đối tượng bảo hiểm.
Giám định bảo hiểm được tiến hành trước khi kí kết hợp đồng bảo hiểm, do bên bảo hiểm tiến hành. Căn cứ kết quả giám định (kết luận giám định) bên bảo hiểm sẽ quyết định việc chấp hành hay từ chối bảo hiểm, mức phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm phải đóng… Thông thường, do bảo hiểm cho nhiều loại đối tượng ở nhiều lĩnh vực kinh tế, kĩ thuật nên bên bảo hiểm phải thuê chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp để giám định.
2. Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Hợp đồng bảo hiểm là các thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và bên cung cấp bảo hiểm. Nội dung trong hợp đồng đều được sự đồng ý và nhất trí của cả hai bên, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người mua lẫn doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo định nghĩa hợp đồng bảo hiểm là gì, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo quy định. Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền hoặc bồi thường cho người thụ hưởng, người được bảo hiểm.
Các loại hợp đồng bảo hiểm gồm:
- Hợp đồng bảo hiểm con người;
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
3. Những đặc trưng cơ bản của hợp đồng bảo hiểm
– Hợp đồng bảo hiểm mang tính may rủi
Mối quan hệ giữa các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm mang tính chuyển dịch rủi ro. Sự chuyển dịch này chuyển từ người mua bảo hiểm sang bên nhận bảo hiểm. Nhờ các mối quan hệ bảo hiểm, bên mua bảo hiểm được đảm bảo về sự an toàn, kinh tế trong các trường hợp xuất hiện rủi ro về sức khỏe, tính mạng, tài sản.
– Hợp đồng bảo hiểm theo mẫu cố định
Các điều khoản có trong hợp đồng bảo hiểm được cơ quan pháp luật hoặc doanh nghiệp bảo hiểm quy định theo mẫu cố định. Bên mua bảo hiểm không có quyền đàm phán, sửa đổi các điều khoản này.
Khi ký vào hợp đồng bảo hiểm đồng nghĩa với việc bên mua đồng ý các điều kiện thỏa thuận mà bên cung cấp bảo hiểm quy định. Bên mua bảo hiểm có quyền từ chối, không ký hợp đồng này.
Mẫu hợp đồng bảo hiểm bắt buộc sẽ do pháp luật quy định về các điều khoản như điều kiện bảo hiểm, mức phí… Hợp đồng này mang tính bắt buộc với các chủ thể theo quy định, hướng đến mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, trật tự an toàn xã hội.
Trong khi đó, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm tự nguyện sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra. Việc tham gia bảo hiểm này mang tính chất tự nguyện, do người mua bảo hiểm quyết định có tham gia hay không.
– Hợp đồng bảo hiểm có tính chất song vụ
Điều này có nghĩa là: Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm đều có nghĩa vụ đối với nhau. Việc thực hiện nghĩa vụ này là trách nhiệm của các bên tham gia, nghĩa vụ của bên này chính là quyền lợi của bên kia và ngược lại. Cụ thể:
Quyền lợi và nghĩa vụ của bên được bảo hiểm:
- Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích chi tiết, đầy đủ về các điều khoản có trong hợp đồng;
- Yêu cầu được giữ bí mật các thông tin đã cung cấp;
- Được cấp hợp đồng bảo hiểm đã giao kết;
- Được bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thoả thuận;
- Đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
- Chuyển nhượng hợp đồng theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin yêu cầu cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- Khi có sự thay đổi liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm thì phải thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm;
- Nộp phí bảo hiểm đầy đủ;
- Thông báo sự kiện bảo hiểm xảy ra cho doanh nghiệp bảo hiểm;
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, hạn chế tổn thất.
Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm:
- Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận đã ký trong hợp đồng;
- Yêu cầu bên được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đầy đủ, chính xác, trung thực;
- Đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
- Từ chối bồi thường khi có sự kiện xảy ra nhưng không nằm trong phạm vi trách nhiệm;
- Yêu cầu bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đề phòng rủi ro, hạn chế tổn thất.
- Giải thích rõ các điều khoản, quyền và nghĩa vụ cho bên mua.
- Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi ký hợp đồng cho bên mua;
- Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp phải trả tiền hoặc bồi thường kịp thời cho bên được bảo hiểm;
- Khi từ chối trả tiền hoặc bồi thường: Phải giải thích rõ cho bên được bảo hiểm lý do tại sao bằng văn bản;
- Phối hợp với bên mua để giải quyết yêu cầu bồi thường của người thứ ba khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra;
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Không xác định tính đền bù trong hợp đồng tại thời điểm giao kết trừ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết và có hiệu lực, các quan hệ bảo hiểm sẽ được hình thành. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc bồi thường cho bên được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Sự kiện bảo hiểm hay các rủi ro mà bên mua bảo hiểm có thể gặp phải là giả thiết nằm ở tương lai, mang tính khách quan. Không ai có thể đảm bảo rằng đó là sự kiện hay rủi ro gì, xảy ra khi nào, ở đâu, mức độ tổn thất là bao nhiêu…
Khi sự kiện này xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền, bồi thường cho bên được bảo hiểm theo Điều 571 Bộ luật dân sự 2005. Do đó, có thể hiểu rằng, mua bảo hiểm là để phòng ngừa các rủi ro không mong muốn trước khi nó xảy ra. Khi rủi ro xảy đến, bạn sẽ được bảo hiểm đền bù một khoảng tương xứng, giúp khắc phục tổn thất.
Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm cũng không thể dám chắc được. Bảo hiểm nhân thọ không chỉ đơn thuần là chuyển giao rủi ro mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu tích lũy tài chính, đầu tư… của khách hàng.
4. Tại sao phải kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm nhân thọ?
Kiểm tra sức khoẻ là giai đoạn không thể thiếu với nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt, ở các công ty uy tín rất coi trọng kết quả sức khoẻ của người được bảo hiểm. Bởi thực tế, mức độ rủi ro của hợp đồng phụ thuộc rất lớn vào tình trạng sức khoẻ khách hàng. Khi rủi ro càng lớn thì chi phí đóng bảo hiểm càng cao. Chính vì vậy, chuẩn bị tốt cho kỳ kiểm tra sức khoẻ là bước đi khôn ngoan nhất để có bản hợp đồng phù hợp.
Việc lựa chọn cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe trước khi mua bảo hiểm nhân thọ là yếu tố quan trọng, giúp cho kết quả chính xác, tiết kiệm thời gian của khách hàng.
5. Những điều cần lưu ý khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Bảo hiểm liên quan đến lĩnh vực sức khỏe hiện đang là vấn đề “nhạy cảm” đối với nhiều công ty bảo hiểm, bởi số vụ trục lợi liên quan đến vấn đề này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với hai trường hợp cụ thể trên, khoan hãy bàn đến chuyện có hay không việc khách hàng cố tình không khai báo đúng để trục lợi bảo hiểm, mà chỉ xét ở khía cạnh có thể những khách trên không hiểu hết ý nghĩa của việc phải khai báo trung thực khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm, dù các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn thường xuyên khuyến cáo và yêu cầu khách hàng phải đọc thật kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi đặt bút ký.
Thứ nhất: Kê khai bệnh tật không trung thực
Trở lại vấn đề khách hàng khi mua bảo hiểm kê khai bệnh tật không đúng so với thực trạng dẫn đến việc khi có rủi ro xảy ra công ty bảo hiểm từ chối bồi thường, nhiều trường hợp khách hàng đã khiếu nại rằng việc cung cấp thông tin sơ bộ là của khách hàng, còn việc kiểm chứng thông tin là của công ty bảo hiểm. Nhưng tìm hiểu kỹ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, không có quy định nào yêu cầu công ty bảo hiểm phải tổ chức khám sức khỏe cho khách hàng trước khi chấp thuận bảo hiểm.
Trên thực tế, các công ty bảo hiểm có thể yêu cầu khách hàng giám định sức khỏe trước khi phát hành hợp đồng. Việc khám sức khỏe có chính xác hay không còn tùy thuộc vào việc kê khai đầy đủ và trung thực về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm. Vì vậy, nguyên tắc tuyệt đối trung thực trong khai báo thông tin sức khỏe của người được bảo hiểm được đặt lên hàng đầu. Đây là cơ sở pháp lý để hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực…
Thứ hai: Về giấy yêu cầu bảo hiểm
Trước khi mua bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm đưa cho giấy yêu cầu bảo hiểm để khách hàng điền nội dung (như tên, tuổi, địa chỉ, yêu cầu bảo hiểm…), giấy này cũng ghi rõ sau khi đọc rõ các quy tắc, điều khoản bảo hiểm chấp nhận tham gia bảo hiểm.
Như vậy, vô tình người tham gia bảo hiểm đã chấp nhận toàn bộ quy tắc, điều khoản mà doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Những vấn đề mà người tham gia bảo hiểm chưa rõ thì có thể hỏi người tư vấn viên và bắt buộc người tư vấn phải trả lời. Điều này đã được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nếu tranh chấp xảy ra, người mua bảo hiểm không thể vin cớ là người tư vấn không giải thích thấu đáo hoặc tư vấn sai.
Thứ ba: Tiếp nhận thông tin tư vấn từ các chuyên viên
Các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, cùng với thời gian, những khó khăn phổ biến là sự hiểu biết của người dân về nguyên tắc bảo hiểm chưa cao, dẫn đến những thắc mắc, khiếu kiện không đáng có sẽ dần mất đi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh những hiểu nhầm không đáng có, khách hàng bảo hiểm cần được tư vấn viên/đại lý bảo hiểm giải thích kỹ càng… Bởi với hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có các điều khoản, quy định rất phức tạp, người mua bảo hiểm không dễ dàng hiểu được tất cả các điều khoản. Mặc dù, công ty bảo hiểm nào cũng có bộ phận tư vấn thêm cho khách hàng trong thời gian 21 ngày tự do xem xét, nhưng thực tế, vai trò của người tư vấn đầu tiên vẫn là quan trọng nhất.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các công ty bảo hiểm chính là việc đào tạo, nâng cao trình độ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho các tư vấn viên/đại lý bảo hiểm khi tư vấn cho khách hàng.