Thưa Luật sư của LVN Group, tôi thường nghe về việc giám định thương tật khi tòa án giải quyết các vụ án hình sự. Vậy hoạt động giám định này được hiểu như thế nào? Và nó có vai trò gì đối với công tác giải quyết vụ việc? Rất mong nhận được giải đáp của Luật sư của LVN Group. Xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Nguyễn Tín – Cà Mau

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty Luật LVN Group. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Luật giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi năm 2020)

– Nghị định số 85/2013/NĐ-CP

– Nghị định số 157/2020/NĐ-CP

2. Giám định tư pháp là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2020: Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Người hành nghề giám định tư pháp được gọi là giám định viên tư pháp, nơi làm việc của họ là các tổ chức giám định tư pháp hoặc được chỉ định cá nhân giám định tư pháp theo vụ việc.

3. Tổ chức giám định tư pháp là gì?

Về tổ chức giám định tư pháp, pháp luật chia thành tổ chức công lập và ngoài công lập, cụ thể:

3.1. Tổ chức giám định tư pháp công lập

Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Cụ thể theo chuyên môn nghiệp vụ, các tổ chức công lập bao gồm:

Về pháp y: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y cấp tỉnh; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.

Về pháp y tâm thần: Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế. Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Về kỹ thuật hình sự: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

3.2. Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập

Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được tổ chức với hình thức là Văn phòng giám định tư pháp.

Văn phòng giám định tư pháp được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật giám định tư pháp, Luật doanh nghiệp, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải là giám định viên tư pháp. Văn phòng giám định tư pháp có thể có thành viên góp vốn.

Tên gọi Văn phòng giám định tư pháp bao gồm cụm từ “Văn phòng giám định tư pháp” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu của Văn phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Văn phòng giám định tư pháp có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

4. Vai trò của giám định tư pháp là gì?

Thực hiện giám định tư pháp là một biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết các vụ án, hướng hoạt động tố tụng theo cơ chế minh bạch, đúng người đúng tội, tránh oan sai, phụng sự công lý, nó là một kênh quan trọng để đánh giá trình độ phát triển pháp luật và mức độ dân chủ của một quốc gia cũng như ở các địa phương.

4.1. Giám định tư pháp giúp định hướng đúng trong công tác điều tra

Định hướng đúng trong công tác điều tra là điều cần có trước tiên đốì vối mọi cán bộ điều tra. Để có được điều này, không thể không có công tác giám định tư pháp.

Ngày nay, khoa học – công nghệ có rất nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhìn những loạị côn trùng sinh sôi, nảy nở trên thi thể nạn nhân, nhà khoa học đã có thể xác định được đúng thời gian xảy ra sự kiện. Chỉ bằng mẩu tàn thuốc, sợi lông hay sợi tóc, … thu thập được tại hiện trường, nhà tội phạm học với sự trợ giúp của những phương tiện máy móc hiện đại có thể xác định được “loại” người đã để lại dấu vết đó. Với dấu chân, dấu tay để lại tại hiện trường, những chuyên gia có khả năng đặc biệt đã khẳng định được chiều cao, độ tuổi, dáng đi, thói quen của những người để lại dấu vết đó. Báo chí đã nhiều lần nói đến tâm lý học tội phạm – một môn khoa học mới xuất hiện và khả năng dự đoán chính xác của những nhà tâm lý học tội phạm. Số chuyên gia này chưa nhiều nhưng họ có những khả năng đặc biệt. Họ đến hiện trường, họ quan sát, nghiên cứu các dấu vết để lại. Và sau đó họ đưa ra được những mô tả khá chi tiết về những thói quen, cá tính, hoàn cảnh sống, giới tính, độ tuổi, … của hung thủ. Nhờ đó, cơ quan điều tra, các điều tra viên đã định hưóng đúng cho công tác điều tra. Việc khám phá tội phạm và truy bắt hung thủ diễn ra một cách nhanh chóng. Cho dù hung thủ có những thủ đoạn hoá trang tinh vi, những nơi ẩn nấp kín đáo, nhưng nhờ có sự định hướng đúng điều tra viên vẫn dễ dàng tìm ra nơi kẻ phạm tội lẩn trốn.

Các cơ quan điều tra tội phạm ngày càng cần đến sự giúp đỡ của giám định tư pháp là do vậy.

4.2. Biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyển lợi hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự

Kết luận giám định là một loại chứng cứ, có giá trị như các loại chứng cứ khác.

Để bác bỏ chứng cứ buộc tội hay gỡ tội, để chứng minh được lỗi gây ra là do cố ý hay không cố ý. Để khẳng định là thật hay giả mà các loại vật chứng khác chưa chứng minh được thì trong nhiều trường hợp cơ quan tiến hành điều tra, bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong các vụ tranh chấp dân sự phải nhờ đến sự phân định của các kết luận giám định.

Trong thực tiễn xét xử hình sự đã xảy ra không ít trường hợp khó phân biệt đúng sai. Ví dụ: A bị nghi là người đã giết B. Sự nghi ngờ dựa trên các hiện tượng như: giữa A và B có mối quan hệ căng thẳng. Trước hôm xảy ra vụ án mạng, A và B đã to tiếng với nhau. Trước cơ quan điều tra, A đã thừa nhận các tình tiết nêu trên nhưng khẳng định A không giết B.

Kết quả giám định cho biết vết máu tìm thấy tại hiện trường không trùng hợp với nhóm máu của A. Vì vậy, cơ quan điều tra không có cơ sở để buộc tội A phạm tội giết người.

Một ví dụ khác:

N bị buộc tội hiếp dâm M, nạn nhân M không nhận được mặt kẻ đã làm hại mình. Trong lúc chống cự M đã giật được một nhúm tóc của kẻ phạm tội. N một mực chối tội. Kết quả giám định cho thấy tinh trùng lấy từ âm đạo của M trùng hợp với các đặc tính tinh trùng của N. Những sợi tóc mà nạn nhân M giật được từ kẻ phạm tội không rõ mặt đem nộp cơ quan điều tra có những đặc tính hoàn toàn giống tóc của N. N một mực chối cãi nhưng kết luận giám định đã cho phép cơ quan điều tra khẳng định N phạm tội hiếp dâm M.

Như vậy, kết luận giám định tư pháp chứa đựng trong nó những yếu tố mang tính khoa học và khách quan rất rõ nét. Do đó, yêu cầu tiến hành giám định không chỉ xuất hiện trong các vụ án hình sự mà còn trong cả các vụ án dân sự, các vụ án kinh tế, khi các bên đương sự muốn làm rõ các chứng cứ mà họ cho là giả mạo.

4.3. Khẳng định vững chắc căn cứ pháp lý, nâng cao tính thuyết phục của quyết định, phán quyết của các cơ quan tư pháp

Công lý đòi hỏi các quyết định của cơ quan điều tra, cơ quan công tố và các quyết định, phán quyết của Tòa án phải có đầy đủ cơ sở pháp lý. Các cơ sở pháp lý phải được trình bày một cách rõ ràng, minh bạch, có hệ thống và không thể bác bỏ được trong các quyết định, phán quyết của các cơ quan tư pháp. Điều này làm cho các quyết định, phán quyết có tính tâm phục, khẩu phục cao. Tính giáo dục phòng ngừa, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và giữ vững kỷ cương được phát huy.

Những kết luận giám định tư pháp được tiến hành đúng theo trình tự, thủ tục pháp luật và phù hợp với sự thật khách quan có tác dụng rất lớn cho việc khẳng định tính chắc chắn của các căn cứ pháp lý và có những ảnh hưởng thuận lợi và nhạy bén đến tâm lý xã hội khi các cơ quan tư pháp đưa ra các quyết định, phán quyết. Do vậy, các kết luận giám định tư pháp thường được các cơ quan tư pháp và các bên đương sự, những người tham gia tố tụng đánh giá cao.

Ở một số nước, những người sùng bái kỹ thuật cho rằng giám định viên là “thẩm phán khoa học”, là “thẩm phán của các thẩm phán”. Sự đề cao quá đáng này đã dẫn đến hiện tượng coi kết luận giám định tư pháp là loại chứng cứ có giá trị tuyệt đối, cao hơn chứng cứ khác. Do vậy, đã xảy ra các hiện tượng xét xử oan sai mà nhiều năm sau mới sửa được khi các tiến bộ khoa học – công nghệ đã chứng minh được sự sai sót của các giám định viên là những nhà khoa học nổi tiếng.

Thừa nhận giá trị của kết luận giám định là thừa nhận vai trò, tác dụng của khoa học. Những điều đó không có nghĩa là kết luận giám định tư pháp có giá trị hơn các loại chứng cứ khác. Kết luận giám định tư pháp chỉ được thừa nhận là chứng cứ có giá trị khi nó phù hợp với các loại chứng cứ khác. Khi xem xét đánh giá kết luận giám định tư pháp, phải đặt nó vào trong cùng hệ thống các chứng cứ đã thu thập được và phân tích, nhận xét vối quan điểm toàn diện, tổng thể.

Pháp luật ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đã có quy định rằng, các cơ quan tư pháp có quyền yêu cầu những cơ quan giám định độc lập cùng tiến hành một vụ việc để so sánh, kết luận. Các bên đương sự cũng có quyền yêu cầu tiến hành giám định lại khi có mối nghi ngờ về tính vô tư, chính xác của kết luận giám định đã được công bố. Thực tế điều tra, xét xử một số vụ án ở nưốc ta cũng cho thấy có những trường hợp để xác minh đúng sự thật, cơ quan tư pháp đã phải yêu cầu các cơ quan khác nhau tiến hành giám định mới khẳng định đúng tính chất vụ việc.

Với những vai trò đã phân tích trên đây, có thể thấy Giám định tư pháp thật sự là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp cần thiết.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về nội dung “Giám định tư pháp là gì? Tổ chức giám định tư pháp và vai trò của giám định tư pháp là gì?”. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập)