1. Tổng quan về giám sát tác giả 

1.1. Giám sát tác giả là gì?

Giám sát tác gải được hiểu là thực hiện các công việc bao gồm các hoạt động như kiểm tra, xử lý, giải thích những vướng mắc, thay đổi hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động xây dựng. 

Giám sát tác giả được thực hiện với mục đích là nhằm bảo đảm việc triển khai lắp đặt, cài đặt, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm thương mại hoặc xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu sao cho đảm bảo đúng thiết kể chi tiết và bảo đảm quyền tác giả của các cá nhân, tổ chức đối với thiết kế chi tiết theo quy định.

Hoạt động giám sát tác giả được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế công trình xây dựng và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Giám sát tác giả thường được thực hiện trong lĩnh vực xây dựng công trình. Do đó, chủ thể có trách nhiệm thực hiện giám sát tác giả là các tổ chức thiết kế lập đồ án thiết kế công trình.

 

1.2. Ý nghĩa của hoạt động giám sát tác giả

Để công trình xây dựng được thuận lợi triển khai xây dựng thì phải luôn có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bên, từ bên giao thầu đến nhà thiết kế cùng với đội thi công, công trình xây dựng và tổ giám sát thi công xây dựng. Và giám sát tác giả là một hoạt động quan trọng trong suốt quá trình triển khai thi công công trình đó.

Hoạt động này được ví như là chiếc “xương sống” của một công trình trước khi đưa công trình vào thi công để phê duyệt bản vẽ thiết kế kiến trúc. Tuy nhiên, bản vẽ thiết kế sử dụng nhiều ký hiệu chuyên môn liên ngành mà chỉ những nhà thiết kế mới có thể hiểu hết ý nghĩa những ký hiệu đó, do đó rất cần có sự tham gia giám sát tác giả trong quá trình thi công. Hoạt động giám sát tác giả giúp cho công trình xây dựng được thực thi theo đúng thiết kế, kỹ thuật và tiến độ, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, cũng như gây mất an toàn trong quá trình xây dựng.

Những công trình xây dựng dù có quy mô lớn hay quy mô nhỏ, nếu như không được thực hiện cẩn trọng thì cũng sẽ xảy ra sự cố, làm mất sự an toàn thiết kế và có thể có nguy cơ gây ảnh hưởng thương tích đến cho con người. Vì vậy hoạt động giám sát tác giả cần được đặt ra nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật, công trình được thực thi đúng như theo thiết kế đã được phê duyệt, tránh xảy ra sự cố, tai nạn đáng tiếc.

 

2. Nội dung giám sát tác giả của nhà thiết kế

Nhà thầu lập thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện giám sát theo yêu cầu của chủ đầu tư và quy định trong hợp đồng xây dựng.

Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 06/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng thì nội dung về giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong thi công xây dựng công trình như sau:

– Cần làm rõ các tài liệu thiết kế liên quan

Giải thích và làm rõ các tài liệu thiết kế công trình khi có yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình. Đây là một trong những bước rất quan trọng trong quá trình thực hiện việc xây dựng công trình. Bởi vì khi chủ đầu tư đưa ra những yêu cầu hay nhà thầu thi công xây dựng cần được làm rõ các vấn đề liên quan đến tài liệu thiết kế đối với công trình đó thì việc giải thích và làm rõ là hình thức hỗ trợ cũng như giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình được hiểu rõ những vấn đề, những nội dung còn vướng mắc. Để việc thực hiện công trình đó diễn ra suôn sẻ và đúng với kế hoạch đã đưa ra cũng như yêu cầu bước đầu nhằm phục vụ cho việc tiến hành thi công

– Giải quyết các vấn đề còn vướng mắc

Phối hợp với chủ đầu tư khi được yêu cầu để giải quyết các vướng mắc, phát sinh về thiết kế trong quá trình thi công xây dựng; điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế thi công xây dựng công trình, xử lý những bất hợp lý trong thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư.

– Kiến nghị biện pháp xử lý nếu có sai sót

Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư và kiến nghị biện pháp xử lý khi phát hiện việc thi công sai với thiết kế được duyệt của nhà thầu thi công xây dựng.

– Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng

Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư. Trường hợp phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng không đủ điều kiện nghiệm thu phải có ý kiến kịp thời bằng văn bản gửi chủ đầu tư.

 

3. Hình thức và chi phí giám sát tác giả của nhà thiết kế

3.1. Hình thức giám sát tác giả thiết kế

Dựa theo thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng giữa hai bên là nhà thầu thiết kế và chủ đầu tư mà nhà thầu thiết kế sẽ có quyền cử người có đủ kinh nghiệm, năng lực chuyên môn đến để tiến hành giám sát quá trình thi công.

 

3.2. Chi phí giám sát tác giả thiết kế

Hiện nay, chi phí giám sát tác giả được xác định bằng 10% tổng chi phí thiết kế. Chi phi thiết kế xây dựng được xác định bằng định mức chi phí tỷ lệ phần trăm (%) nhân với chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) tương ứng với loại, cấp của từng công trình trong tổng mức đầu tư được duyệt.

Chi phí thiết kế xây dựng được xác định theo công thức sau:

Ctk = Cxd x Nt x k

Trong đó:

– Ctk: Chi phí thiết kế xây dựng, đơn vị tính: giá trị;

– Cxd: Chi phí xây dựng tương ứng với loại, cấp của từng công trình trong tổng mức đầu tư được duyệt, đơn vị tính: giá trị;

– Nt: Định mức chi phí thiết kế theo công bố, đơn vị tính: tỷ lệ %;

– k: Hệ số điều chỉnh định mức chi phí thiết kế.

Chi phí thiết kế xây dựng tính theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) được pháp luật quy định đã bao gồm cả chi phí lập dự toán xây dựng và chi phí lập dự toán xây dựng này chiếm khoảng 12% của chi phí thiết kế xây dựng.

Căn cứ tiểu mục 5 Mục IV Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 79/QĐ-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 15/02/2017 công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng thì quy định về định mức chi phí thiết kế xây dựng điều chỉnh trong những trường hợp như sau: 

Trường hợp 1: Công trình sửa chữa hoặc công trình cải tạo hoặc công trình nâng cấp hoặc công trình mở rộng

– Thiết kế sửa chữa hoặc cải tạo hoặc nâng cấp:

+ Trường hợp thiết kế không thay đổi kết cấu chịu lực của công trình: k = 1,1.

+ Trường hợp thiết kế có thay đổi kết cấu chịu lực (không gồm móng công trình) của công trình hoặc thiết kế cải tạo, nâng cấp dây chuyền công nghệ, bổ sung thiết bị: k = 1,2.

+ Trường hợp thiết kế có thay đổi kết cấu chịu lực và móng công trình hoặc hạng mục công trình: k = 1,3.

– Thiết kế mở rộng có tính toán kết nối với dây chuyền công nghệ của công trình hiện có: k = 1,15.

Trường hợp 2: Thiết kế xây dựng công trình xây dựng trên biển, công trình ngoài hải đảo, thiết kế dây chuyền công nghệ có hệ thống điều khiển tự động hóa

Đối với trường hợp thiết kế xây dựng công trình xây dựng trên biển, công trình ngoài hải đảo, thiết kế dây chuyền công nghệ có hệ thống điều khiển tự động hóa SCADA (System Control and Data Acquisition), DCS (Distributed Control System) thì k = 1,15.

Trường hợp 3. Trường hợp sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan có thẩm quyền ban hành; thiết kế công trình lặp lại trong một cụm công trình hoặc trong một dự án hoặc sử dụng lại thiết kế

Đối với các loại công trình sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và công trình sử dụng thiết kế lặp lại trong một cụm công trình hoặc trong một dự án hoặc sử dụng lại thiết kế thì chi phí thiết kế xác định theo công thức sau:

Ctk = Cxd x Nt x (0,9 x k + 0,1)

Trong đó:

– k: Hệ số điều chỉnh giảm định mức chi phí thiết kế do:

+ Sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình: Công trình thứ nhất: k = 0,36; công trình thứ hai trở đi: k = 0,18.

+ Thiết kế công trình lặp lại trong một cụm công trình hoặc trong một dự án hoặc sử dụng lại thiết kế: Công trình thứ nhất: k = 1 (không điều chỉnh); công trình thứ hai: k = 0,36; công trình thứ ba trở đi: k = 0,18.

– 0,1: Chi phí giám sát tác giả (10%).

Như vậy, Chi phí giám sát tác giả được xác định theo tỷ lệ 10% chi phí thiết kế được quy định theo pháp luật nêu trên.

 

3.3. Chi phí khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế có thuộc định mức chi phí thiết kế xây dựng không?

Căn cứ tiểu mục 9 Mục IV Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 79/QĐ-BXD năm 2017 quy định về định mức chi phí thiết kế xây dựng chưa gồm chi phí để thực hiện các công việc sau:

– Khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế;

– Đưa tim, mốc thiết kế công trình ra thực địa;

– Đo đạc, đánh giá hiện trạng công trình phục vụ thiết kế sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng;

– Thiết kế di dời; thiết kế biện pháp phá dỡ công trình;

– Thiết kế chế tạo thiết bị (trừ thiết kế thiết bị cơ khí công bố tại bảng TL1 ban hành trong Quyết định);

– Thiết kế hệ thống điều khiển thông minh của tòa nhà;

– Làm mô hình hoặc thí nghiệm mô hình thủy lực công trình;

– Mô tả địa chất trong quá trình xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi;

– Lập báo cáo tác động môi trường, lập cam kết bảo vệ môi trường;

– Lập báo cáo đánh giá động đất công trình (theo yêu cầu phải lập báo cáo riêng);

– Lập các báo cáo, hồ sơ thỏa thuận chuyên ngành theo yêu cầu của chủ đầu tư (nếu có);

– Mua bản quyền thiết kế.

Theo đó, chi phí bỏ ra để các cá nhân, tổ chức thực hiện các công việc nêu trên sẽ được xác định theo các văn bản hướng dẫn tương ứng hoặc được xác định bằng lập dự toán chi phí. Như vậy, theo pháp luật hiện hành thì định mức chi phí thiết kế xây dựng chưa gồm chi phí khảo sát xây dựng phục vụ cho việc lập bản thiết kế.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.