1. Giao dịch điện tử là gì?

Theo giải thích tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì Giao dịch điện tử được hiểu là giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

Hiểu một cách đơn giản thì “giao dịch điện tử” chỉ giao dịch được thực hiện trên mạng, giao dịch được thực hiện mà không đòi hỏi các bên trong giao dịch trực tiếp mặt đối mặt chính diện trên thực tế trong cùng một không gian và thời gian như đối với giao dịch truyền thống.

Hiện tại, dựa vào chủ thể tham gia giao dịch điện tử mà trên thực tế giao dịch điện tử được chia thành  9 nhóm như sau:

Nhóm 1: B2B: Business to Business: Doanh nghiệp với doanh nghiệp. Nhóm này được hiểu là giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Đây cũng là hình thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Nhóm 2: B2C: Business to Consumer: Doanh nghiệp với khách hàng. Nhóm này được hiểu là giao dịch điện tử được thiết lập giữa doanh nghiệp và khách hàng nhăm mục đích thương mại.

Nhóm 3: B2E: Business to Employee: Doanh nghiệp với nhân viên. Đây là giao dịch điện tử được thiết lập giữa doanh nghiệp với nhân viên. Kênh giao dịch này thường được áp dụng ở doanh nghiệp lớn nhằm mục đích thông tin, quản lý trong doanh nghiệp.

Nhóm 4: B2G: Business to Goverment: Doanh nghiệp với Chính phủ. Đây là nhóm giao dịch điện tử được thiết lập giữa doanh nghiệp và chính phủ nhằm mục đích cho việc mua bán giữa doanh nghiệp và khối hành chính công.

Nhóm 5: G2B: Coverment to Business: Chính phủ với doanh nghiệdp. Đây là nhóm giao dịch điện tử được thiết lập giữa Chính phủ (khối hành chính công) với Doanh nghiệp, các giao dịch điện tử này không mang tính chất thương mại mà thường là cung cấp các thông tin về pháp luật, quy chế, chính sách và các dịch vụ, thủ tục hành chính công trực tuyến cho doanh nghiệp. Đây là một trong các yếu tố chính để xây dựng Chính phủ điện tử. Việt Nam cũng đang trong tiến trình triển khai mô hình giao dịch điện tử này.

Nhóm 6: G2G: Goverment to Goverment: Chính phủ với Chính phủ. Đây là nhóm giao dịch điện tử được thiết lập giữa các tổ chức chính phủ khác nhau với nhau.

Nhóm 7: G2C: Goverment to Citizen: Chính phủ với Công dân. Đây là nhóm giao dịch điện tử được thiết lập giữa Chính phủ và Công dân nhằm triển khai các chính sách, thủ tục hành chính công.

Nhóm 8: C2C: Consumer to Consumer: Khách hàng với Khách hàng. Đây là nhóm giao dịch điện tử được thiết lập giữa người tiêu dùng với nhau. Biểu hiện của mô hình này là sàn thương mại điện tử hoạt động bằng hình thức bán đấu giá trực tuyên, rao vặt trên mạng.

Nhóm 9: Consumer to Business: Khách hàng với doanh nghiệp. Đây là nhóm giao dịch điện tử được thiết lập giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thể hiện qua việc doanh nghiệp thu thập ý tưởng hữu ích từ người tiêu dùng, người dùng cung cấp sản phẩm, vật liệu cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trả tiền cho người dùng.

 

2. Ý nghĩa của giao dịch điện tử là gì?

Khi mạng internet chưa phổ biến chúng ta thấy rằng khoảng cách địa lý và thời gian là vấn đề chi phối nhiều nhất tới hiệu quả thực hiện các giao dịch truyền thống. Bởi để thực hiện được các giao dịch các bên tham gia giao dịch phải gặp mặt nhau và tại cùng một địa điểm, một khung thời gian nhất định. Nhưng từ khi mạng internet trở nên phổ biến, công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ thì các giao dịch điện tử cũng được thiết lập rộng rãi hơn. Cho đến thời điểm hiện nay thì chúng ta đã thấy sự hiện diện của giao dịch điện tử trên nhiều lĩnh vực: hành chính công, thương mại, lao động …. Mỗi nhóm giao dịch điện tử thì sẽ có những ưu điểm riêng trong lĩnh vực triển khai song nhìn chung việc giao dịch điện tử được thiết lập sẽ có những ưu điểm hơn so với giao dịch truyền thống đó là:

– Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho các bên tham gia giao dịch điện tử;

– Không bị trở ngại bởi không gian địa lý, chênh lệch thời gian, chỉ cần có thiết bị kết nối mạng internet thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể thiết lập một giao dịch điện tử với bên còn lại dù ở bất cứ đâu và thời điểm nào;

– Minh bạch trong việc thực hiện giao dịch vì mọi thao tác đều được lưu trữ trên hệ thống thiết lập giao dịch điện tử;

– Không tốn chi phí cho mặt bằng;

– Mở rộng phạm vi tiếp cận đối tác, khách hàng.

 

3. Hoạt động thương mại điện tử là gì?

Giao dịch điện tử thực hiện nhằm mục đích thương mại được gọi là Hoạt động thương mại điện tử. Theo giải thích tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Cũng theo hướng dẫn tại Nghị định này ghi nhận và điều chỉnh các hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam gồm: website thương mại điện tử (website); Sàn giao dịch thương mại điện tử; website khuyến mại trực tuyến; website đấu giá trực tuyến.

Trong đó:

– Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa , dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Ngày nay thì chúng ta thấy rằng cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0 hầu hết các chủ thể kinh doanh đều thiết lập cho mình một website để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng. Ví dụ như website: http://luatLVN.vn.

– Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Mô hình này thì bạn đọc có thể thấy rõ ở các website như lazada, tiki, shopee, sendo…

– Website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại. Ở Việt Nam có thể kể đến một số website khuyến mại trực tuyến đó là: adayroi.com, vatgia.com, enbac.com…

– Website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó. Ở Việt Nam có thể kể đến một số website như: sohot.vn, 5giay.vn, chilindo.com…

Giao dịch điện tử nói chung, hoạt động thương mại điện tử nói riêng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, nhờ thông qua phương thức điện tử mà các giao dịch được thiết lập một cách nhanh chóng, minh bạch và tiết kiệm.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về giao dịch điện tử. Mọi vướng mắc pháp lý cần tham vấn ý kiến Luật sư của LVN Group bạn đọc vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.0191 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến bởi Luật sư của Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!