Hỏi: Có ý kiến cho rằng: “Hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được là trường hợp phạm tội cướp tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt”. Ý kiến đó đúng hay sai? Giải thích ?

Đáp: Ý kiến trên là sai. Bởi vì:

Khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, tội phạm được hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được thì tội phạm được thực hiện ở giai đoạn hoàn thành chứ không phải là giai đoạn chưa đạt.

 

Luật LVN Group phân tích chi tiết các quy định pháp lý để làm rõ vấn đề trên như sau:

 

1. Dấu hiệu pháp lý của phạm tội chưa đạt

Để xác định bản chất và tính chất nguy hiểm cho xã hội của giai đoạn phạm tội chưa đạt cần thiết phải xác định chính xác các dấu hiệu pháp lý của phạm tội chưa đạt. Điều 18 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”.

Chỉ có các tội được thực hiện do cố ý thì mới có phạm tội chưa đạt, điều luật không quy định hình thức cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp, nhưng căn cứ vào nội dung của điều luật quy định “không thực hiện được đến cùng”. Tức là người phạm tội có mục đích thực hiện tội phạm đến cùng, nên họ mong muốn cho hậu quả xảy ra chứ không thể để mặc cho hậu quả xảy ra, phạm tội chưa đạt chỉ có thể xảy ra đối với trường hợp cố ý trực tiếp. Theo luật hình sự Việt Nam, có ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt.

– Dấu hiệu thứ nhất: người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm

Đây là dấu hiệu phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội, sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. 

Ví dụ: Trong vụ án về tội giết người, người phạm tội đã thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng người khác (như đã đâm, đã bán, đã chém, đã cho uống thuốc độc,…) là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự). Trong thực tiễn áp dụng luật hình sự cho thấy cũng được coi là đã bắt đầu thực hiện tội phạm nếu người phạm tội đã thực hiện được hành vi đi liền trước hành vi khách quan. Đó là những hành vi (xét về khách quan và chủ quản) thể hiện là sự bắt đầu của hành vi khách quan và kế tiếp ngay sau nó hành vi khách quan sẽ xảy ra.

Ví dụ: Hành vi nhặt dao để đâm, lắp đạn để bắn trong trường hợp phạm tội giết người được coi là những hành vi “đi liến trước” của hành vi tước đoạt tính mạng người khác. Những hành vi này chưa phải là hành vi tước đoạt tình mạng người khác (hành vi đâm, hành vi bắn) nhưng là sự bắt đầu của hành vi tước đoạt tính mạng người khác và ngay sau nó hành vi tước đoạt tính mạng người khác (hành vi đâm, hành vi bắn) sẽ xảy ra. Hành vi “đi liền trước” như vậy tuy thể hiện là sự chuẩn bị nhưng vì rất gần với hành vi khách quan, không tách ra được nên cũng được coi là hành vi thực hiện tội phạm.

– Dấu hiệu thứ hai: người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng (về mặt pháp lý), nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm như trong tội giết người thì chưa gây ra cái chết cho nạn nhân, trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác thì chưa gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe nạn nhân. Trường hợp hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm có thể xảy ra ở một trong những dạng dưới đây.

+ Trường hợp thứ nhất, chủ thể chưa thực hiện được hành vi khách quan mà mới chỉ thực hiện được “hành vi đi liền trước”. Ví dụ: Kẻ giết người mới nhặt dao để đâm thì bị bắt giữ hoặc ngăn cản.

+ Trường hợp thứ hai, chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa gây ra hậu quả của tội phạm. Ví dụ: Kẻ giết người đã đâm được nạn nhân nhưng nạn nhân không chết.

+ Trường hợp thứ ba, chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết. Ví dụ: Tội phạm hiếp dâm mới vật ngã được nạn nhân nhưng chưa thực hiện được việc giao cấu thì bị bắt giữ.

+ Trường hợp thứ tư, hậu quả thiệt hại tuy đã xảy ra nhưng không có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan mà chủ thể đã thực hiện. Ví dụ: anh H cầm dao đột nhập vào nhà để giết anh B, H thấy B chùm chăn nằm trên giường liền lao tới và đâm nhiều nhát vào người B, nghĩ rằng B đã chết nên H bỏ đi. Tuy nhiên trên thực tế, trước khi H đột nhập vào nhà B thì đã chết trước đó vài giờ, như vậy hậu quả chết người tuy đã xảy ra với B nhưng không có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan của H. Trong bốn dạng có thể xảy ra nêu trên, hai dạn (2 và 4) chỉ có thể có ở những tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất.

– Dấu hiệu thứ ba, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ, bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành có thể là do:

a) Nạn nhân hoặc người bị hại đã chống cự lại được hoặc đã tránh được;

b) Người khác đã ngăn chặn được;

c) Có những trở ngại khác như bắn nhưng đạn không nổ, thuốc độc để đầu độc không đủ liều lượng.

2. Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự

Dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng  không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.

* Yếu tố cấu thành tội phạm cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự:

– Về mặt Chủ thể: 

Chủ thể của tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác.

+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu các khung hình phạt rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng của tội cướp tài sản.

– Về mặt Khách thể

Hành vi cướp tài sản đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Ngoài ra, hành vi đó còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người cản trở việc thực hiện hành vi tội phạm.

– Về hành vi Khách quan:

+ Dùng vũ lực: là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chỉ của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói,… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng,…

+ Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: là đe dọa dùng tức khắc sức mạnh vật chất được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ hành động đe dọa sẽ tấn công người quản lý tài sản hoặc những người khác nếu không đáp ứng yêu cầu hoặc có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Ví dụ: A dùng súng bằn chỉ thiên và đe dọa, bắt B phải tháo đồ trang sức trên người đưa cho hắn nếu không hắn sẽ bắn chết ngay,…

Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản: Người phạm tội không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, xong bằng mọi cách thức, thủ đoản, người phạm tội đã đưa nạn nhân vào một tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản như dùng ê te, các loại thuốc ngủ đầu độc nạn nhân, dùng dây chằng qua đường làm nạn nhân vấp ngã để cướp tài sản,…

– Về mặt chủ quan:

+ Về mặt lỗi: Lỗi cố ý trực tiếp

+ Về động cơ phạm tội: Tư lợi cá nhân, mong muốn chiếm đoạt tài sản đó thể thu lợi từ giá trị tài sản mang lại.

+ Về mục đích phạm tội: Chiếm đoạt tài sản của người khác và ý định chiếm đoạt này phải được nảy sinh từ trước.

Mọi vướng mắc pháp lý, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Trân trọng cảm ơn!