1. Hiệu lực theo không gian 

Hiệu lực của Bộ luật hình sự về không gian được xác định dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch. Nội dung của nguyên tắc lãnh thổ thể hiện ở mọi tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc phạm vi áp dụng của Bộ luật hình sự Việt Nam. Nguyên tắc quốc tịch chỉ ra rằng, mọi công dân Việt Nam khi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự Việt Nam dù họ phạm tội ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Cả hai nguyên tắc này đều được ghi nhận khái quát trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Về nguyên tắc, Bộ luật hình sự Việt Nam có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Điều 5 Bộ luật hình sự 1999). Điều này xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền toàn vẹn và tuyệt đối của luật quốc gia đã được luật quốc tế thừa nhận rộng rãi. Nghĩa là bất kỳ tội phạm nào thực hiện trên vùng đất, vùng nước, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (lãnh thổ Việt Nam) đều bị đưa ra xét xử theo Luật hình sự Việt Nam. Theo Điều 1 Hiến pháp 1992, Điều 1 Tuyên bố 7 điểm ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa, Điều 1 Tuyên bố ngày 5/6/1984 của Chính phủ Việt Nam về vùng trời Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam gồm: – Vùng đất liền: bao gồm vùng đất và các hải đảo trong phạm vi biên giới quốc gia Việt Nam. – Vùng trời: là khoảng không gian trên các vùng đất, vùng biển, trên các đảo và quần đảo mà Việt Nam có chủ quyền. – Vùng nước: gồm toàn bộ phần nước nằm trong vùng biên giới quốc gia, như: vùng nước nội địa, nội thuỷ và lãnh hải. Vùng lãnh hải được tính từ đường cơ sở vuông góc ra biển rộng 12 hải lý và các đảo, quần đảo thuộc khu vực đó (thuộc chủ quyền toàn phần). – Lòng đất: là phần nằm sâu bên dưới phần đất liền, dưới các vùng nước, hải đảo, quần đảo mà Việt Nam có chủ quyền toàn phần. Tất cả các tàu bè quân sự mang quốc kỳ Việt Nam và các thuyền cứu hộ của tàu này đang ở bất cứ nơi nào trên biển, kể cả đang neo đậu ở nước nào (nếu được phép của nước sở tại) cũng đều coi là lãnh thổ quốc gia di động của Việt Nam. Những tàu phi quân sự mang quốc kỳ Việt Nam đang đi trên vùng biển quốc tế cũng được coi là lãnh thổ Việt Nam. Tất cả các máy bay quân sự của Việt Nam mang quốc kỳ đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các máy bay dân dụng của Việt Nam hoặc mang cờ Việt Nam đang trên đường bay quốc tế cũng xem là lãnh thổ Việt Nam. Các đường ngầm, cáp ngầm của Việt Nam trong lòng đất của vùng biển quốc tế cũng được xem là lãnh thổ di động của Việt Nam. Một vấn đề cần được làm sáng tỏ ở đây là địa điểm phạm tội. Trong Bộ luật hình sự, địa điểm phạm tội không được đề cập nhưng chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề này vì khái niệm phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng nhằm áp dụng đúng đắn vấn đề hiệu lực của Bộ luật hình sự về không gian. Địa điểm phạm tội có thể được hiểu là nơi tội phạm kết thúc (về mặt pháp lý) hoặc nơi mà tội phạm bị ngăn chặn. 49 Căn cứ vào đặc điểm pháp lý của tội phạm, một tội phạm được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp sau: – Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức (sẽ được đề cập sau), địa điểm phạm tội được coi là nơi xảy ra hành vi phạm tội hoặc hành vi phạm tội được chấm dứt mà không cần hậu quả xảy ra. Ví dụ, hành vi điều khiển máy bay đi vào, ra hoặc đi ngang qua vùng không phận Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của Việt Nam được xem là phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. – Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất (sẽ được đề cập sau), địa điểm phạm tội hiện nay vẫn là vấn đề tranh cãi trong khoa học Luật hình sự. Có quan điểm cho rằng, địa điểm phạm tội là nơi mà hậu quả đối với tội phạm xảy ra.50 Một số quan điểm khác lại cho rằng trong trường hợp này, địa điểm phạm tội được xác định là nơi mà hành vi phạm tội được thực hiện, không cần hậu quả của tội phạm có xảy ra hay không.51 Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. Điều này là hợp lý vì nếu như quan điểm thứ nhất, có trường hợp hành vi phạm tội và người phạm tội không hề hiện diện ở nơi mà hậu quả xảy ra và nơi đó được xem là địa điểm phạm tội. Chẳng hạn, A đâm B tại Việt Nam nhưng B chưa chết. Sau đó, B được đưa sang Singapore điều trị và chết ở đó. Trong trường hợp này, nếu xác định địa điểm phạm tội của A là Singapore thì thật không hợp lý. Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt, địa điểm phạm tội được xác định như sau: – Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc tội phạm chưa đạt, địa điểm phạm tội là nơi mà hành vi phạm tội bị ngăn chặn. – Đối với tội phạm có đồng phạm, địa điểm phạm tội được xác định theo người thực hành. – Đối với tội phạm kéo dài, địa điểm phạm tội là nơi mà hành vi phạm tội lần đầu tiên (để sau đó kéo dài) được thực hiện. – Đối với tội phạm liên tục, địa điểm phạm tội là nơi mà hành vi phạm tội cuối cùng (trong số loạt hành vi liên tục) được thực hiện. Những người nào có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự Việt Nam đối với hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam? Người có thể chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là người Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch. Như vậy, theo nguyên tắc lãnh thổ, Bộ luật hình sự Việt Nam có hiệu lực tuyệt đối với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, dù người phạm tội là công dân Việt Nam, người nước ngoài, hay người không quốc tịch. Nguyên tắc lãnh thổ có một biệt lệ với những người nước ngoài được hưởng các quyền đặc miễn tư pháp theo luật quốc tế. Nếu những người này phạm tội ở Việt Nam nam thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo con đường ngoại giao với chính phủ nước họ. Khoản 2 Điều 5 Bộ luật hình sự quy định: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”. Thông thường những người được hưởng quyền miễn trừ về tư pháp là những người đứng đầu Nhà nước, các thành viên của phái đoàn Quốc hội hoặc Chính phủ nước ngoài, những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao, các thành viên của đoàn ngoại giao như Đại sứ, Tham tán đại sứ, Bí thư, Tuỳ viên… Theo thông lệ quốc tế thì vợ chồng hoặc con cái chưa thành niên của họ cũng được hưởng quyền đặc miễn tư pháp. Những người thuộc cơ quan lãnh sự như Tổng lãnh sự, Lãnh sự, Bí thư, Tuỳ viên, đại diện lãnh sự cũng được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự (có thể tham khảo Công ước Viên năm 1961 để hiểu thêm về vấn đề này). Đối với những hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam luật hình sự có quy định riêng tại Điều 6 Bộ luật hình sự: – Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này. Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam. – Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2. Hiệu lực theo thời gian 

Hiệu lực theo thời gian của Bộ luật hình sự là khoản thời gian kể từ thời điểm phát sinh cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực của Bộ luật đó. Thông thường, thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Bộ luật hình sự được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự và hết hiệu lực kể từ khi có Bộ luật hình sự mới được ban hành thay thế có hiệu lực. Nội dung của hiệu lực của Bộ luật hình sự theo thời gian được quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự: “Điều luật áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Hiện nay, chưa có một văn bản chính thức nào giải thích thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm nào. Tuy nhiên, theo chúng tôi, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm hành vi phạm tội thực sự chấm dứt trên thực tế hoặc thời điểm mà tội phạm được ngăn chặn (thời điểm tội phạm kết thúc). Riêng đối với tội phạm được thực hiện do đồng phạm, thời điểm phạm tội được xác định theo người thực hành. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng thời điểm phạm tội đối với những người đồng phạm được xác định theo từng vai trò khác nhau và không trùng nhau. Chẳng hạn, thời điểm phạm tội của người xúi giục được xác định là thời điểm mà người xúi giục chấm dứt hành vi xúi giục của mình. Tuy nhiên, quan điểm này chưa được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ.

3. Hiệu lực hồi tố trong luật hình sự Việt Nam 

Thông thường, đạo luật hình sự chỉ có thể áp dụng đối với những tội phạm xảy ra sau khi đạo luật đó có hiệu lực thi hành và trước khi đạo luật đó hết hiệu lực. Về nguyên tắc, Luật hình sự Việt Nam không có hiệu lực hồi tố. Điều đó xuất phát từ nguyên tắc của Luật hình sự là có luật có tội. Nếu hành vi của một người được thực hiện trước khi đạo luật đó có hiệu lực thì không thể áp dụng đạo luật này để buộc họ phải chịu hình phạt. Quan điểm này không đồng nhất với thuyết “Không biết luật không có tội”. Bởi vì yếu tố không biết luật không đồng nhất với yếu tố không có luật. Khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực pháp luật”. Trước khi Bộ luật hình sự được ban hành, do điều kiện Luật hình sự chưa hoàn chỉnh nên Luật hình sự Việt Nam còn duy trì nguyên tắc hồi tố. Việc duy trì nguyên tắc này xuất phát từ sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội và lợi ích của công dân. Ngày nay, trên cơ sở nguyên tắc nhân đạo, xuất phát từ lợi ích của bị can, bị cáo, Luật hình sự vẫn cho phép áp dụng hiệu lực hồi tố. Nhưng những điều kiện và những trường hợp được phép áp dụng hiệu lực hồi tố được luật quy định hết sức chặt chẽ, rõ ràng và chỉ nhằm mục đích mang lại quyền lợi cho bị can, bị cáo phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của Luật hình sự. Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự quy định: “Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành” (xem thêm Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA (05/07/2000) và Nghị quyết 32/QH10 (21/12/1999)).

4. Giải thích của cơ quan xét xử 

Toà án nhân dân Tối cao cũng như các Toà án nhân nhân khác khi xét xử các vụ án cụ thể có trách nhiệm giải thích luật. Sự giải thích luật của toà án khi xét xử một vụ án cụ thể có giá trị bắt buộc trong phạm vi hiệu lực của bản án. Luật hình sự Việt Nam không thừa nhận vai trò của án lệ. Án lệ được hiểu là sự giải thích của một bản án lại có giá trị bắt buộc đối với các bản án xử sau đó. Sự giải thích luật của Toà án nhân dân tối cao có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì đã được ghi trong luật. Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao có thẩm quyền: “Hướng dẫn các toà án áp dụng thống nhất pháp luật”. Giải thích của các cơ quan xét xử chỉ có tính chất bắt buộc đối với các cơ quan trong ngành Tư pháp, đặc biệt là các cơ quan xét xử.

5. Giải thích có tính chất khoa học 

Đây là sự giải thích của các luật gia, cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn trong các bài báo, báo cáo khoa học, sách giáo khoa… Sự giải thích này không có giá trị bắt buộc nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao kiến thức của cán bộ tư pháp, trong việc phát triển khoa học luật hình sự, tổng kết thực tiễn xét xử và dự thảo luật. Ngoài cách chia trên đây, một số nhà nghiên cứu còn dựa trên phương pháp giải thích để chia giải thích Bộ luật hình sự thành (1) giải thích văn phạm là dựa theo các quy tắc văn phạm để làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của điều luật trong Bộ luật hình sự; (2) giải thích theo logic là việc xác định nội dung của quy phạm pháp luật hình sự xuất phát từ ý nghĩa và sự logic của sự thể hiện đã được diễn đạt trong Bộ luật hình sự; (3) giải thích có hệ thống là dựa vào sự hiểu biết về hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống quy phạm pháp luật hình sự nói riêng như một chỉnh thể thống nhất biện chứng bên trong được xây dựng trên những nguyên tắc thống nhất; (4) giải thích theo lịch sử là việc giải thích Bộ luật hình sự căn cứ vào việc tìm hiểu, nghiên cứu các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội…trong giai đoạn mà Bộ luật hình sự ra đời để làm sáng tỏ nội dung của nó. Hoặc căn cứ vào phạm vi giải thích, giải thích Bộ luật hình sự được chia thành (1) giải thích theo nguyên văn Bộ luật hình sự là việc giải thích nội dung và ý nghĩa của Bộ luật hình sự phù hợp với từ ngữ của Bộ luật hình sự; (2) giải thích hạn chế Bộ luật hình sự là việc giải thích nội dung của Bộ luật hình sự hẹp hơn so với nguyên văn của nó; (3) giải thích mở rộng Bộ luật hình sự là việc giải thích rộng hơn so với nguyên văn của điều luật.

Luật LVN Group ( sưu tầm và biên tập)