Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng thì chế tài xử lý sẽ như thế nào? Mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự đến đâu?

 

1. Vi phạm quy định về xây dựng là gì?

– Quy định về xây dựng có thể hiểu là tổng hợp các quy tắc các quy định trong lĩnh vực xây dựng mà những người thực hiên, tham gia hay có liên quan phải thực hiện theo các quy định đó nhằm mục đích sử dụng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

– Qua đó có thể thấy các quy định về xây dựng là cần thiết, bắt buộc các chủ thể tham gia và liên quan phải thực hiện đúng để đảm bảo an toàn và tránh phát sinh rủi ro pháp lý.

– Về vấn để xử lý vi phạm các quy định về xây dựng thì tùy theo hành vi, mức độ nghiêm trọng và tác động của hành vi vi phạm đó mà sẽ có biện pháp, chế tài xử lý cho phù hợp.

Ví dụ: căn cứ theo Điều 298 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định như sau:

” Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ Luật này …”

Như vậy hành vi vi phạm quy định về xây dựng được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là tội phạm nhưng có giới hạn là hành vi vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực về khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liêu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác. Vi phạm về quy định xây dựng còn được quy định ở Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng hay tại Điều 281 cũng tại Bộ luật này là vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông.

 

2. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Tội danh này được quy định tại Mục 3 các tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng và cụ thể hơn là ở Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”

* Các yếu tố cấu thành tội phạm:

– Chủ thể: Trước hết phải khẳng định chủ thể của tội phạm này không phải là mọi đối tượng mà chỉ những chủ thể là người có trách nhiệm, nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, …

– Khách thể: Tội phạm vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xâm hại tới an toàn công cộng. Mà cụ thể ở đây là xâm hại đến tính mạng, sức khỏe hay tài sản trong quá trình xây dựng do vi phạm các quy định về xây dựng gây ra.

– Mặt chủ quan: Lỗi của người vi phạm tội này là lỗi vô ý. Người phạm tội khi có hành vi vi phạm quy định về xây dựng không muốn hậu quả xảy ra, có thể là người đó không thấy trước hậu quả hoặc do cẩu thả.

– Mặt khách quan: Ở tội danh này biểu hiện về hành vi khách quan ra bên ngoài rất rộng và kèm theo là gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi khách quan có thể là các hành vi sau

+ Vi phạm quy định xây dựng về khảo sát công trình: Ví dụ như đo đạc chưa chính xác các yếu tố tiền xây dựng như vị trí, độ lún, …

+ Vi phạm quy định xây dựng về thiết kế công trình: Ví dụ không thực hiện theo thiết kế ban đầu, tự ý sửa đổi, …

+ Vi phạm quy định xây dựng về thi công công trình: Ví dụ như thi công không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, …

+ Vi phạm quy định xây dựng về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc: Trường hợp này diến ra rất phổ biến có thể thể hiện ở hành vi “rút ruột công trình”, sử dụng các nguyên liệu, vật liệu hay máy móc không đúng theo yêu cầu và không đảm bảo chất lượng, …

+ Vi phạm quy định về giám sát công trình: Ví dụ không thực hiện đúng theo các quy định giám sát chung, lơ là hoặc cấu kết vì lợi ích khác để không thực hiện đúng trách nhiệm giám sát.

+ Vi phạm nghiệm thu công trình: Việc nghiệm thu là bước cuối cùng trong việc thi công xây dựng công trình, mục đích là đánh giá tất cả các hạng mục của công trình, tạo căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền quyết định có nghiệm thu sử dụng công trình này vào đúng mục đích, công năng của nó.

+ Vi phạm các quy định khác về xây dựng: Vi phạm khác là những vi phạm còn lại không bao gồm các vi phạm đã được liệt kê trên.

– Hậu quả: là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, cụ thể là phải gây hậu quả nghiêm trọng được mô tả trong các trường hợp tại các khoản được quy định ở Điều này (có thể là chết người, tổn hại sức khỏe, thiệt hại tài sản, …)

 

3. Hình phạt tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Hình phạt của tội phạm này được quy định tại 5 khoản của Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2016.

Hình phạt nặng nhất là phạt tù tới 20 năm (khoản 3) và phạt tiền đến 500.000.000 đồng (khoản 1) cụ thể như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mội người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;

b) Làm chết 02 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trên đây là bài viết của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.0191 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!