Hai lần bị hoãn thi hành án để “xem xét đơn”

Ông Nguyễn Thanh T. là một việt kiều Đức. Do bị o ép trong việc hùn vốn làm ăn tại công ty cổ phần Tân Toàn Cầu (có trụ sở tại tỉnh Tiền Giang), ông đã rút khỏi công ty. Khi rút, công ty cam kết sẽ trả lại vốn cho ông là 6 nền nhà giá trị 3 tỷ đồng. Nhưng công ty Tân Toàn Cầu đã không thực hiện đúng cam kết, ông T phải kiện ra tòa.

Sau gần 3 năm trời kiện tụng, qua 4 lần xét xử (án sơ thẩm lần 1 của TAND tỉnh Tiền Giang bị hủy, phải xử lại), tháng 2-2009 Tòa phúc thẩm TANDTC xử phúc thẩm (lần 2) ra bản án phúc thẩm số 50/2009 sửa án sơ thẩm, tuyên buộc công ty cổ phần Tân Toàn Cầu phải trả cho ông T. 3 tỷ đồng. Trong bản án ghi rõ “nếu Tân Toàn Cầu chậm thi hành án (trả tiền) thì phải chịu thêm lãi suất do Ngân hàng Nhà nước qui định”.

Theo qui định, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và phải thi hành ngay. Tuy nhiên, phía công ty Tân Toàn Cầu không tự nguyện trả tiền. Ông T. phải làm đơn nhờ Thi hành án tỉnh Tiền Giang vào cuộc.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Ngày 8-4-2009, Cục thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang ra “Quyết định thi hành án theo yêu cầu” số 226/QĐ-THA, yêu cầu công ty Tân Toàn Cầu thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 50/2009/DS-PT nói trên.

Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, mặc dù cơ quan Thi hành án đã nhiều lần mời lên làm việc, có những biện pháp cưỡng chế nhưng Tân Toàn Cầu vẫn cố tình né tránh, kéo dài, trì hoãn việc thi hành án.

Đến ngày 23-11-2009, ông T. bất ngờ nhận được một công văn của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), yêu cầu Cục trưởng cục thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang ra quyết định hoãn thi hành bản án dân sự phúc thẩm nêu trên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được công văn. Lý do: bà Ng. (một cổ đông trong công ty Tân Toàn) đã có đơn khiếu nại Bản án dân sự phúc thẩm số 50/2009/DS-PT. Vì thế, phải tạm hoãn thi hành án “để có thời gian xem xét đơn khiếu nại”.

Như vậy, việc thi hành án của ông T. chính thức phải hoãn 3 tháng để chờ TANDTC “xem xét đơn” của bên phải thi hành án.
Sau khi hết 3 tháng hoãn thi hành án, không có bất kỳ văn bản nào của TANDTC hay bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào đề nghị xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm số 50/2009/DS-PT đang có hiệu lực pháp luật.

Tại Khoản 4 Điều 48 Luật thi hành án dân sự quy định: “ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án”. Như vậy, xem như việc tiếp tục thi hành trở lại là hiển nhiên.

Thế nhưng, đâu có gì là tự nhiên. Ông T. lại phải viết đơn “đề nghị tiếp tục” thi hành bản án của mình ( điều mà lẽ ra ông không cần phải làm).

Tiếp đó, ông T. đã phải rất nhiều lần có đơn khiếu nại, mãi đến tháng 7-2010 Cục Thi hành án tỉnh Tiền Giang mới hoàn tất việc kê biên tài sản (6 nền nhà) của công ty Tân Toàn Cầu để bán đấu giá. (Khi bên phải thi hành án (Tân Toàn Cầu) không tự nguyện trả tiền thì cơ quan Thi hành án sẽ tiến hành biện pháp cưỡng chế : kê biên tài sản, đam đi bán đấu giá và lấy tiền bán được tài sản giao cho người được thi hành án (ông T.).

Theo lịch trình, phiên đấu giá đã được tổ chức vào ngày 2-7-2010. Tuy nhiên tài sản bán được – có thể là do giá bán quá cao so với thực tế, nên không có hồ sơ nào tham gia đấu giá. ( Theo qui định, sẽ tổ chức bán đấu giá lần 2, với giá khởi điểm thấp hơn)

Điều đáng nói là ngay trong bối cảnh sắp bị bán đấu giá tài sản nói trên, công ty Tân Toàn Cầu đánh tiếng qua cơ quan thi hành án là sẽ trả ngay tiền mặt cho ông T. (điều chưa từng xảy ra). Nhưng khi ông T. nói đến nhận thì Tân Toàn Cầu … lặn luôn (không có mặt tại cơ quan thi hành án).

Bất ngờ đến ngày 4-7-2010, ông T. nhận được Công văn số 13/VKSTC-V5 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (ghi ngày 29-6-2010). Nội dung công văn này gần “y chang” công văn trước của TANDTC : hoãn thi hành án tiếp 3 tháng nữa. Lý do cũng là “để có thời gian xem xét đơn” của Tân Toàn Cầu.

Thế là ông T. lại phải “ngậm đắng”, chờ tiếp 3 tháng nữa.

Sau khi hết thời hạn hoãn thi hành án lần 2, quá nửa tháng không thấy động tĩnh gì từ phía cơ quan Thi hành án, ông T. lại phải có “Đơn đề nghị tiếp tục thi hành án” giống y như lần trước. Đến nay đã hơn 1 tháng nữa trôi qua, nhưng ngoài vài lời hứa miệng của cán bộ Thi hành án, vụ việc vẫn chưa có gì tiến triển.

Ông T. dù rất bức xúc những vẫn phải nhẫn nhịn … chờ đợi thêm !

Quít làm, cam chịu !

Nếu xét từ ngày khởi kiện, tới nay đã 5 năm trôi. Nếu tình từ ngày án có hiệu lực thì vụ việc cũng đã kéo dài đã hơn 15 tháng ông T. vẫn chưa nhận được quyền lợi chính đáng của mình. Việc chậm trễ đã gây cho ông T. những thiệt hại, khó khăn không nhỏ trong cuộc sống. Mọi kế hoạch, dự định đều bị trì hoãn theo.

Nếu xét theo qui định tại Luật thi hành án dân sự, việc TANDTC và VKSNDTC ra công văn yêu cầu tạm hoãn thi hành án là thuộc thẩm quyền của các cơ quan này (đúng luật). Cụ thể, luật qui định thời gian hoãn “tối đa” là 3 tháng. Việc hoãn là để xem xét và có thể kháng nghị giám đốc thẩm (xem xét, xét xử lại vụ án).

Trong thời gian tạm hoãn này, theo qui định thì phía phía công ty Tân Toàn Cầu không phải trả khoản lãi suất do chậm thi hành án. Như vậy, nếu chỉ tính với mức lãi suất rất thấp là 1%/tháng/3 tỷ đồng. Thì mỗi đợt tạm hoãn như vậy ông Tùng bị “mất” ít nhất 90 triệu đồng, tổng cộng 6 tháng là khoảng 200 triệu đồng. Và ngược lại, Tân Toàn Cầu được lợi về số tiền này.

Nói cách khác, ông T. đã phải chịu mất một số tiền lên đến nhiều trăm triệu đồng cùng biết bao phiền toái, khó khăn từ yêu cầu tạm hoãn thi hành án của TANDTC và VKSNDTC.

Rõ ràng là quít làm mà cam phải chịu.
 

Giỏi “chạy” hay kẽ hở pháp luật ?

Qua hai đợt hoãn thi hành án như trên, điều đáng nói là nếu lý do tạm hoãn xác đáng, có căn cứ rõ ràng thì không nói. Còn ở đây hoãn hai lần, mà lý do thì giống nhau – mà cuối cùng là chẳng “ông” nào có ý kiến gì chính thức gì hết – liên quan đến yêu cầu “hoãn” của mình. Điều này không thể là bình thường.

Từ rất lâu, người viết đã nghe nói về những đường dây “chạy” (hoãn) thi hành án. Theo đó, phía phải thi hành án chỉ cần chi ra một số tiền khoảng từ vài chục triệu đồng là có thể “mua” được “giấy” hoãn thi hành án theo kiểu như trên. Thậm chí có người còn cho biết “giá vé” hoãn thi hành án thông thường bằng khoảng 50% giá trị tiền lãi mà lẽ ra bên phải thi hành án phả trả cho bên được thi hành án.

Nghĩa là như trường hợp của ông T. thay vì Tân Toàn Cầu phải trả lãi 180 triệu đồng (trong 6 tháng hoãn ) thì chỉ cần bỏ ra khoảng 90 triệu đồng là “chạy” được 2 vé tạm hoãn nói trên. Lãi chán.

(Hãy hình dung, nếu không phải là 3 tỷ đồng, mà là 10 tỷ đồng, thì số tiền “tạm hoãn” đã lên tới ít nhất 600 triệu đồng ( cho 2 lần)).

Một câu hỏi khác đặt ra là tại sao cứ phải hoãn trong thời hạn “tối đa” (3 tháng) ? Mà không phải là 1 tháng hay 2 tháng ?

Tất nhiên, đây cũng chỉ là những “phỏng đoán” của cá nhân tôi ( và nhiều người khác) mà thôi. Chứ nếu quả thật có bằng chứng về việc “chạy” như nói trên, thì chắc chắn phía ông T. không để yên, và cả bên “chạy” lẫn bên nhận chắc chắn sẽ bị tù rục xương về tội đưa và nhận hối lộ. ( Tuy nhiên, trong vụ việc này, chính vị chấp hành viên của thi hành án Tiền Giang còn có lần nói với hàm ý là ông giám đốc của Tân Toàn Cầu “quen biết” mạnh lắm).

Bất luận như thế nào, thì rõ ràng với việc Tòa, Viện hoãn mà không đưa ra được gì mới, xem như đã làm cho đương sự chịu thiệt hại quá lớn.

Chính vì vậy, vấn đề pháp lý cần đặt ra là : Qua sự việc như trên, phải chăng là công ty Tân Toàn Cầu giỏi “chạy”, hay ngẫu nhiên gì đó mà các quan chức cỡ lớn của TANDTC và VKSNDTC đã quá “ưu ái” cho bên thua kiện. Chỉ có một lá đơn mà ra công văn hoãn thi hành một bản án đang có hiệu lực pháp luật, đã được xét xử nhiều lần tại chính TANDTC – mà không đếm xỉa gì đến thiệt hại của một bên còn lại

Đây chính là kẽ hở của Luật thi hành án dân sự hiện nay.

Theo chúng tôi, cần phải bổ sung, chỉnh sửa Luật thi hành án dân sự theo hướng hạn chế và ngăn chặn việc ra quyết định hoãn thi hành án theo kiểu “lạm dụng”, lý do không rõ ràng và gây thiệt hại cho đương sự – thì phải bị xử lý, thậm chí phải bồi thường – ít nhất 50% giá trị thiệt hại cho đương sự chẳng hạn. Nếu được như vậy chắc chắn kiểu hoãn thi hành án mơ hồ như vụ việc này sẽ giảm đi nhiều.

Với nhiều năm hành nghề Luật sư của LVN Group, tôi có thể khẳng định rằng khâu thi hành án luôn là một trong những “cửa ải” – khó ăn, khó nói – mà vị Luật sư của LVN Group nào cũng muốn không phải đụng đến.

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG (Nguồn: Ecolaw.vn)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tranh tụng tại tòa án và đại diện ngoài tố tụng;