1. Khái niệm học thuyết về tội phạm

Từ trước đến nay, trong khoa học luật hình sự của nước ngoài và của Việt Nam mặc dù những vấn đề lý luận về tội phạm (như bản chất, khái niệm của tội phạm và các chế định gần hoặc có liên quan đến tội phạm như phân loại tội phạm, lỗi, đồng phạm.v.v.) được nghiên cứu nhiều, nhưng rất tiếc là chính bản thân phạm trù “học thuyết về tội phạm” là gì(?) và nó bao gồm các bộ phận (phần) cấu thành nào(?), thì lại chưa bao giờ được bàn đến. Chính vì vậy, xuất phát từ việc nghiên cứu các quy phạm và các chế định nhỏ thuộc (hoặc gần) về tội phạm với tư cách là một trong bốn chế định lớn nhất của luật hình sự, đồng thời trên cơ sở phân tích những trường phái và quan điểm khác nhau về vấn đề lý luận có liên quan đến tội phạm trong khoa học luật hình sự của nước ngoài và của Việt Nam, theo chúng tôi có thể đưa ra định nghĩa khoa học của khái niệm đang nghiên cứu như sau: Học thuyết về tội phạm trong khoa học luật hình sự là hệ thống những vấn đề lý luận của các trường phái, các quan điểm khác nhau về (hoặc liên quan đến) tội phạm, một trong bốn chế định lớn nhất của luật hình sự – mà hệ thống đó được hình thành và phát triển một cách đồng bộ và chặt chẽ qua các thời kỳ lịch sử với tư cách là những tư tưởng, luận điểm riêng về tội phạm, mang tính học thuật rõ rệt và được thừa nhận chung ở các mức độ nhất định.

2. Các đặc điểm cơ bản của học thuyết về tội phạm

Từ khái niệm đã nêu trên cho thấy, học thuyết về tội phạm có ba (03) đặc điểm cơ bản (dấu hiệu đặc trưng chính) sau đây:

– Đặc điểm thứ nhất, là hệ thống những vấn đề lý luận của các trường phái, các quan điểm khác nhau về (hoặc liên quan đến) tội phạm, một trong bốn chế định lớn nhất của luật hình sự.

– Đặc điểm thứ hai, hệ thống những vấn đề lý luận của các trường phái, các quan điểm đó về (hoặc liên quan đến) tội phạm được hình thành và phát triển một cách đồng bộ và chặt chẽ qua các thời kỳ lịch sử.

– Và cuối cùng, đặc điểm thứ ba, hệ thống những vấn đề lý luận của các trường phái, các quan điểm đó về (hoặc liên quan đến) tội phạm phải được đánh giá như là những tư tưởng luật hình sự riêng biệt, mang tính học thuật rõ rệt và được thừa nhận chung ở các mức độ nhất định.

3. Các bộ phận cấu thành của học thuyết về tội phạm trong khoa học luật hình sự Việt Nam:

Trên cơ sở phân tích các quy phạm và các chế định khác nhau trong pháp luật hình sự (thực định) của nước ta, đồng thời nghiên cứu một số công trình nghiên cứu cơ bản về tội phạm trong khoa học luật hình sự của Việt Nam (từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay) và của nước ngoài, theo quan điểm của chúng tôi có thể chỉ ra 9 (chín) bộ phận cấu thành (phần) tương ứng với các nhóm vấn đề lý luận cơ bản dưới đây của học thuyết về tội phạm.

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ nhất, lý luận về bản chất và khái niệm tội phạm có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. Bản chất xã hội – pháp lý của tội phạm; b. Khái niệm và các đặc điểm (dấu hiệu) của tội phạm; c. Tính quyết định xã hội của các đặc điểm của tội phạm; d. Phân biệt tội phạm với vi phạm pháp luật khác và hành vi trái đạo đức.

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ hai, lý luận về phân loại tội phạm có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. Khái niệm và các đặc điểm cơ bản của phân loại tội phạm; b. Những tiêu chí phân loại tội phạm và tính quyết định xã hội của chúng; c. Chế định phân loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và mô hình lý luận của kiến giải lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam.

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ ba, lý luận về cấu thành tội phạm có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. Khái niệm và phân loại cấu thành tội phạm; b. Bản chất và vai trò của cấu thành tội phạm; c. Khách thể của tội phạm; d. Chủ thể của tội phạm; đ. Mặt khách quan của tội phạm; e. Mặt chủ quan của tội phạm và f. Khách thể của tội phạm.

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ tư, lý luận về nhiều (đa) tội phạm có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. Khái niệm nhiều tội phạm và sự khác nhau của nó với tội đơn nhất phức tạp; b. Các dạng nhiều tội phạm trong luật hình sự Việt Nam.

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ năm, lý luận về lỗi hình sự có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. Cơ sở triết học và cơ sở tâm lý? Của lỗi trong luật hình sự; b. Khái niệm lỗi hình sự và khái niệm người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm; c. Các hình thức lỗi và các dạng lỗi trong luật hình sự; 4. Chế định lỗi trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và mô hình lý luận của kiến giải lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam.

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ sáu, lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: 1. Khái niệm và các dạng trong các giai đoạn thực hiện tội phạm; 2. Chuẩn bị phạm tội; 3. Phạm tội chưa đạt; 4. Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong hai giai đoạn đầu của tội phạm chưa hoàn thành – hoạt động phạm tội sơ bộ; 5) Tội phạm hoàn thành; 6) Tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm; 7) Chế định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và mô hình lý luận của kiến giải lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ bảy, lý luận về đồng phạm có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. định nghĩa khoa học của khái niệm đồng phạm và những dấu hiệu đặc trưng chung của đồng phạm; b. Các hình thức đồng phạm và những dấu hiệu đặc trưng riêng của từng hình thức; c. Các khái niệm có liên quan đến phạm tội có tổ chức; d. Các loại người đồng phạm và vấn đề trách nhiệm hình sự trong đồng phạm; đ. Chế định đồng phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và mô hình lý luận của kiến giải lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam.

– Bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ tám, lý luận về các trường hợp (tình tiết) loại trừ tính chất tội phạm của hành vi có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. Khái niệm và bản chất pháp lý của những trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi; b. Sự kiện bất ngờ; c. Gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; d. Tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể của hành vi; đ. Phòng vệ chính đáng; e. Tình thế cấp thiết; f. Về một số trường hợp khác loại trừ tính chất tội phạm của hành vi chưa được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam; g. Chế định những trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và mô hình lý luận của kiến giải lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam

– Và cuối cùng, bộ phận cấu thành và là nhóm vấn đề thứ chín, lý luận về việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam có nội dung tương ứng với những vấn đề khoa học như: a. Sự cần thiết của việc hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam; b. Những yêu cầu cơ bản của việc hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam; c. Một số nhược điểm chính của các quy định tại Phần chung về tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và mô hình lý luận của các kiến giải lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam.

4. Các phương hướng cơ bản của việc nghiên cứu học thuyết về tội phạm

Trong khoa học luật hình sự giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay được thực hiện theo những phương hướng sau:

Xuất phát từ các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền (đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ thực sự các quyền và tự do của con người và của công dân), đồng thời trên cơ sở phân tích các luận điểm trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cho phép chỉ ra các phương hướng cơ bản sau đây của việc nghiên cứu học thuyết về tội phạm trong khoa học luật hình sự nước ta hiện nay:

– Phương hướng cơ bản thứ nhất, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nữa về mặt lý luận tính quyết định xã hội của các đặc điểm của tội phạm và những tiêu chí phân loại tội phạm để góp phần phân biệt rõ hơn ranh giới giữa tội phạm với các vi phạm pháp luật khác và hành vi trái đạo đức, trên cơ sở đó luận chứng và đưa ra mô hình lý luận của các kiến giải lập pháp để hoàn thiện hơn nữa chế định này trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành.

– Phương hướng cơ bản thứ hai, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nữa về mặt lý luận hai chế định khó và phức tạp nhất của luật hình sự (lỗi và đa tội phạm) nhằm làm rõ các hình thức lỗi với các dạng của nó, cũng như các dạng nhiều tội phạm để trên cơ sở đó luận chứng và đưa ra mô hình lý luận của các kiến giải lập pháp nhằm hoàn thiện chế định lỗi và ghi nhận chế định đa tội phạm (với tư cách là một chế đinh riêng biệt) trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành.

– Phương hướng cơ bản thứ ba, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nữa về mặt lý luận chế định các giai đoạn thực hiện tội phạm và chế định đồng phạm nhằm luận chứng và đưa ra mô hình lý luận của các kiến giải lập pháp nhằm hoàn thiện hai chế định này trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành.

– Phương hướng cơ bản thứ tư, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nữa về mặt lý luận chế định những trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi để trên cơ sở đó luận chứng và đưa ra mô hình lý luận của các kiến giải lập pháp nhằm hoàn thiện chế định này thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành.

– Phương hướng cơ bản thứ năm, từ việc nghiên cứu để làm sáng tỏ về mặt lý luận những vấn đề nêu trên của học thuyết về tội phạm trong luật hình sự đã cố gắng luận chứng những cơ sở khoa học – thực tiễn của việc hoạch định chính sách hình sự (nói chung) và chính sách pháp luật hình sự (nói riêng), góp phần nâng cao hiệu quả của cải cách tư pháp trong lĩnh vực hình sự ở Việt Nam giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.

5. Ý nghĩa của việc nghiên cứu học thuyết về tội phạm ở Việt Nam

Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, sự cần thiết của việc nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản mang tính chất nhập môn của học thuyết về tội phạm (hay còn gọi là lý luận về tội phạm) với tư cách là tiền đề đầu tiên trước khi bắt tay vào phân tích khoa học các bộ phận cấu thành (phần) của học thuyết này có ý nghĩa lý luận và phương pháp luận rất quan trọng trên các bình diện sau:

Thứ nhất, trong hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản cần được nghiên cứu của học thuyết về tội phạm, thì phần nhập môn của học thuyết này chính là nội dung đầu tiên mà khoa học luật hình sự có nhiệm vụ phải làm sáng tỏ, tức là phải chỉ ra được nội hàm của các khái niệm và các phạm trù với tư cách là những đối tượng nghiên cứu được đề cập trong bài viết này, những vấn đề mà từ trước đến nay chưa bao giờ được đề cập đến trong khoa học luật hình sự Việt Nam (ví dụ: 1. Khái niệm và các đặc điểm cơ bản của phạm trù “học thuyết” trong khoa học luật hình sự là gì?; 2. Khái niệm và các đặc điểm cơ bản của phạm trù “trường phái” trong khoa học luật hình sự là gì?; 3. Sự giống nhau và khác nhau giữa hai phạm trù này như thế nào?; 4. Khái niệm, các đặc điểm cơ bản và các bộ phận cấu thành chủ yếu của học thuyết về tội phạm).

Thứ hai, chỉ có trên cơ sở tiếp cận nghiêm túc và đầy đủ phần nhập môn của học thuyết về tội phạm thì các luật gia, các nhà hình sự học mới có thể đưa ra sự phân tích khoa học một cách sâu sắc và chính xác những vấn đề lý luận cơ bản, mà cụ thể là 6 (sáu) đối tượng nghiên cứu nêu tại điểm 2 dưới đây của Phần “Đặt vấn đề” này.

Thứ ba, việc nắm vững một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề cơ bản của nhập môn học thuyết về tội phạm sẽ giúp chúng ta có được phương pháp tiếp cận vấn đề đúng đắn và khoa học để tiếp tục nghiên cứu một cách biện chứng và khách quan các các bộ phận cấu thành của học thuyết này (như: Bản chất và khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm, nhiều tội phạm, lỗi, các giai đoạn thực hiện tội phạm, đồng phạm.v.v.) trong mối quan hệ hữu cơ và thống nhất, tương hỗ và chặt chẽ của chúng với nhau.