Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (tiếng Anh: United Nations Human Rights Council) là một tổ chức liên chính phủ trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới
1. Cấu trúc của Hội đồng Nhân quyền
Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan liên chính phủ (thành viên là đại diện các quốc gia). Các quyết định của Hội đồng được đưa ra theo các cơ chế là nghị quyết của các kỳ họp thành viên.
Hội đồng Nhân quyền có ba kỳ họp thường xuyên vào tháng 3 (kéo dài bốn tuần), tháng 6 (ba tuần) và tháng 9 (ba tuần) hàng năm. Ngoài ra, Hội đồng có thể họp bất thường, gọi là kỳ họp đặc biệt, để giải quyết các vấn đề khẩn cấp và vi phạm nhân quyền, khi có một phần ba thành viên yêu cầu. Tính đến tháng 5/2020, đã có 28 kỳ họp đặc biệt được tổ chức.
Hội đồng có các cơ quan và cơ chế trực thuộc, mang tính liên chính phủ (gồm đại diện của các quốc gia) hoặc là cơ chế chuyên gia (do các chuyên gia độc lập thực hiện): Nhóm thứ nhất là các cơ quan trực thuộc Hội đồng, bao gồm: Nhóm công tác về Rà soát Định kỳ Phổ quát (cơ chế liên chính phủ); Ủy ban tư vấn (gồm 18 chuyên gia độc lập); Thủ tục khiếu nại; Nhóm thứ hai là các cơ chế chuyên gia để đối thoại và tư vấn về các chủ đề; Nhóm thứ ba là Các thủ tục đặc biệt; và Nhóm thứ tư là các cơ chế liên chính phủ mở chuyên về việc thảo luận và xây dựng các văn kiện và công ước nhân quyền.
Hội đồng Nhân quyền có 47 thành viên là các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, được bầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các thành viên được bầu sẽ giữ nhiệm kỳ 03 năm, và các nhiệm kỳ này gối nhau. Vì vậy việc bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra hàng năm với khoảng một phần ba số ghế của Hội đồng được bầu (lần lượt 14, 15 hoặc 18 ghế được bầu cử hàng năm). Một thành viên Hội đồng có thể được bầu không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
2. Thành viên của Hội đồng Nhân quyền
Thành viên của Hội đồng Nhân quyền được cơ cấu theo nhóm vùng quốc gia như sau:
13 ghế dành cho các nước châu Phi (4-6 vị trí được bầu hàng năm)
13 ghế dành cho nhóm các nước châu Á – Thái Bình Dương (4-6 vị trí được bầu hàng năm)
6 ghế dành cho các nước Đông Âu (1-2 vị trí được bầu hàng năm)
8 ghế dành cho các nước Mỹ Latinh và vùng Caribea (2-3 vị trí được bầu hàng năm)
7 ghế dành các các nước Tây Âu và các nước khác (2-3 vị trí được bầu hàng năm)
Khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, các quốc gia có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền như được thống nhất trong Nghị quyết thành lập ra Hội đồng 60/251. Theo khoản 8 của nghị quyết này, các quốc gia được bầu chon căn cứ vào “đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như những lời hứa tự giác và cam kết của ứng cử viên”. Vì vậy khi tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, một quốc gia thường công bố một bản Cam kết tự nguyện với tư cách thành viên.
Khi một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền có vi phạm nhân quyền rộng lớn và mang tính hệ thống, tư cách thành viên có thể bị bãi bỏ bằng một cuộc bỏ phiếu thống nhất bởi ít nhất 2/3 đa số quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu.
Theo Điều 5 Nghị quyết 60/251 của ĐHĐ, UNHRC bao gồm 47 nước thành viên (UNCHR trước đây có 53 nước thành viên). Các nước thành viên được bầu trực tiếp bằng phiếu kín bởi đa số thành viên ĐHĐ, phục vụ với nhiệm kỳ 3 năm và chỉ được bầu lại sau hai nhiệm kỳ kế tiếp. Các nước thành viên được phân bổ theo khu vực địa lý, cụ thể như sau: Nhóm các nước châu Phi: 13 ghế; Nhóm các nước châu Á: 13 ghế; Nhóm các nước Đông Âu: 6 ghế; Nhóm các nước châu Mỹ Latinh và Caribê: 8 ghế; Nhóm các nước Tây Âu và các quốc gia khác: 7 ghế. Đứng đầu UNHRC là một Chủ tịch phục vụ với nhiệm kỳ một năm, do các nước thành viên của UNHRC bầu ra.
Danh sách các quốc gia đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc cập nhật tại đây. Tính đến tháng 01/2020, đã có 117 quốc gia từng giữ vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền.
47 thành viên đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền được bầu chọn vào ngày 9 tháng 5 năm 2006. Để có bầu cử gối đầu, nhóm thành viên đầu tiên gồm 14 nước chỉ có nhiệm kỳ 01 năm, nhóm thứ hai là nhóm 15 nước có nhiệm kỳ 02 năm và nhóm thứ ba là nhóm 18 nước có nhiệm kỳ 03 năm.
3. Nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền
Trong Hội nghị thượng định thế giới tổ chức vào tháng 9 năm 2005, ý tưởng về việc thành lập UNHRC được đa số các quốc gia tán thành. Các khía cạnh về tính chất và cấu trúc của UNHRC sau đó được đưa ra thảo luận thêm ở ĐHĐ trong suốt 5 tháng. Cuối cùng, dự thảo nghị quyết về việc thành lập UNHRC được công bố vào tháng 3 năm 2006 và được thông qua bởi ĐHĐ vào ngày 3-4-2006, với 170 phiếu thuận, 4 phiếu chống (Ixrael, Quần đảo Mácsan, Palau, Hoa Kỳ) và 3 phiếu trắng (Bêlarút, Iran và Vênêxuêla). Từ khi được thành lập đến nay, UNHCR họp định kỳ đều đặn, trong phiên họp lần thứ hai (tháng 6 năm 2007), UNHRC đã thông qua cơ cấu, thủ tục và cơ chế hoạt động của mình.
Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về thành lập Hội đồng Nhân quyền công bố 10 nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền như sau
(a) Thúc đẩy giáo dục và học tập về quyền con người cũng như các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực, sẽ cung cấp bằng tham vấn và trên cơ sở đồng thuận của các quốc gia thành viên liên quan;
(b) Là diễn đàn cho các đối thoại về các vấn đề chuyên đề về tất cả các quyền con người;
(c) Đưa ra khuyến nghị cho Đại hội đồng LHQ về những bước phát triển của luật quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền;
(d) Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ nhân quyền của các quốc gia và theo dõi các mục tiêu và cam kết về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền được ghi nhận trong các Hội nghị và Hội nghị thượng đỉnh của LHQ ;
(e) Tiến hành rà soát định kỳ phổ quát, dựa trên các thông tin khách quan và đáng tin cậy, về việc thực thi các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của từng quốc gia theo cách thức đảm bảo tính phổ quát trong tham gia và đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia; việc rà soát phải là một cơ chế hợp tác, dựa trên đối thoại tương tác, với sự tham gia đầy đủ của quốc gia liên quan và cân nhắc đến các nhu cầu xây dựng năng lực của quốc gia đó; cơ chế này cần bổ sung và không trùng lặp với công việc của các cơ quan điều ước; Hội đồng phải xây dựng mô hình và phân bổ thời gian cần thiết cho cơ chế rà soát định kỳ phổ quát trong vòng một năm kể từ kỳ họp đầu tiên;
(f) Đóng góp, thông qua đối thoại và hợp tác, vào việc ngăn chặn vi phạm nhân quyền và phản ứng nhanh chóng với những tình trạng khẩn cấp về nhân quyền;
(g) Tiếp nhận vai trò và trách nhiệm của Ủy ban Nhân quyền liên quan đến công việc của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ (OHCHR);
(h) Phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực nhân quyền với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các thiết chế nhân quyền quốc gia và xã hội dân sự;
(i) Đưa ra các khuyến nghị về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền;
(j) Gửi báo cáo thường niên lên Đại hội đồng;
4. Cơ chế Đánh giá Định kỳ toàn thể (hay phổ quát) (Universal PeriodicReview – UPR)
Thay thế cho phương thức hoạt động của UNCHR trước đây là hàng năm chọn ra các vụ việc nghiêm trọng nhất về quyền con người xảy ra ở các quốc gia trên thế giới để đưa ra xem xét, đánh giá, UNHRC tiến hành một thủ tục mới là UPR. UPR sẽ đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc dựa trên các báo cáo từ các nguồn khác nhau. Để thực hiện UPR, một Nhóm công tác (working group) do UNHRC thành lập sẽ tiến hành ba kỳ họp mỗi năm, mỗi kỳ họp kéo dài hai tuần và sẽ đánh giá 16 quốc gia. Như vậy, mỗi năm UPR đánh giá được 48 quốc gia và phải mất hơn bốn năm để hoàn tất thủ tục này với toàn bộ thành viên của Liên hợp quốc. Từ năm 2008 đến tháng 10/2011, UNHRC mới kết thúc vòng đánh giá đầu tiên đối với 193 quốc gia. Vòng đánh giá UPR thứ hai diễn ra từ năm 2012 đến năm 2016. Tiến trình UPR về cơ bản bao gồm các bước như sau:
– Chuẩn bị thông tin làm cơ sở cho việc xem xét: Trong bước này, các tài liệu cần chuẩn bị bao gồm:
(i) Báo cáo của quốc gia được xem xét (không quá 20 trang);
(ii) Tổng hợp của OHCHR về tình hình ở quốc gia được xem xét từ báo cáo của các cơ quan giám sát điều ước và các tài liệu khác (không quá 10 trang);
(iii) Bản tóm tắt những báo cáo của các chủ thể liên quan khác (các tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quyền con người quốc gia) của OHCHR (không quá 10 trang).
– Xem xét đánh giá: Việc này được thực hiện ở Giơnevơ dưới dạng đối thoại trong ba giờ giữa quốc gia được đánh giá với các thành viên Nhóm công tác về UPR, các quốc gia thành viên và quan sát viên của UNHRC.
– Kết luận, đánh giá: Nhóm công tác về UPR sẽ thông qua văn bản kết luận (dưới hình thức một báo cáo) sau khi kết thúc quá trình, trong đó tóm tắt trình tự xem xét, đánh giá, các cam kết đưa ra bởi quốc gia liên quan và các kết luận, khuyến nghị với quốc gia đó rồi trình lên UNHCR. UNHRC sẽ xem xét để thông qua báo cáo này, thường là vào kỳ họp tiếp theo.
– Thực hiện các khuyến nghị: Quốc gia được xem xét sẽ áp dụng những khuyến nghị nêu trong báo cáo kể trên và thông báo về kết quả của việc áp dụng những khuyến nghị đó trong lần báo cáo định kỳ tiếp theo của nước mình.
5. Ủy ban Tư vấn (Advisory Committee)
Tương tự như mô hình Tiểu ban thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của UNCHR trước đây, UNHRC thành lập một Ủy ban tư vấn để hỗ trợ Hội đồng trong các hoạt động chuyên môn. Ủy ban này bao gồm 18 chuyên gia được Hội đồng bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín từ danh sách những ứng cử viên mà các quốc gia thành viên đề cử. Mặc dù vậy, các chuyên gia thành viên của Ủy ban hoạt động với tư cách cá nhân. Nhiệm kỳ của mỗi chuyên gia là 3 năm, chỉ được bầu lại một lần. Cơ cấu của Ủy ban tư vấn được cân nhắc để bảo đảm tính cân bằng về giới và về khu vực địa lý. Cụ thể, để đảm bảo sự cân bằng về khu vực địa lý, thành phần của Ủy ban được phân bổ như sau: Các quốc gia châu Phi: 5 ghế; Các quốc gia châu Á: 5 ghế; Các quốc gia Đông Âu: 2 ghế; Các quốc gia châu Mỹ La tinh và Caribê: 3 ghế; Các quốc gia Tây Âu và các quốc gia ở khu vực khác: 3 ghế. Về hoạt động, Ủy ban tư vấn họp tối đa hai kỳ một năm, mỗi kỳ tối đa 10 ngày, ngoài ra có thể họp các kỳ bổ sung với sự chấp thuận của UNHRC. Về trách nhiệm, Ủy ban chịu sự điều phối của UNHRC. Hội đồng có thể yêu cầu toàn bộ, một nhóm thành viên hoặc một cá nhân thành viên của Ủy ban thực hiện những nhiệm vụ nhất định.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến bài viết Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực pháp luật luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group
Luật LVN Group xin cảm ơn!