Kính chào Luật sư của LVN Group, Xin Luật sư của LVN Group cho biết “hối lộ” là gì? Đối tượng của hành vi hối lộ là gì? Và nguyên nhân hình thành hối lộ trong xã hội là gì? Rất mong nhận được tư vấn của Luật sư của LVN Group. Xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Đặng Phấn – Hà Giang
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý xử lý hối lộ
– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
2. Hối lộ là gì ?
Hối lộ về bản chất là sự mua bán quyền lực, một hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, nhất là về phía người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ dứt khoát phải là người nắm giữ quyền lực và đã “bán” quyền lực đó để thu lợi bất chính cho mình.
Bản chất đây là hành vi “trao đổi” giữa lợi ích hai bên, dựa trên lý thuyết hành vi trao đổi hợp lý thì giải thích các mối quan hệ này phát triển có mục đích là cùng mang lại lợi ích giữa hai bên, quan hệ tạo nên lợi ích càng lớn thì mức độ tương tác xảy ra thường xuyên hơn, mạnh mẽ hơn. Và nó trở thành kỳ vọng mong muốn từ hai phía. Như vậy trong tương lai chúng sẽ được tiến hành lặp lại thành thói quen, có hệ thống và chuẩn mực rõ ràng hình thành lên khuân mẫu xã hội, một hiện tượng.
Hình mẫu hành động dựa trên hợp tác và trao đổi. Người này tự nguyện cho ra một cái gì đó mà anh ta cho rằng có thể không cần đến nó hoặc nó không quan trọng bằng thứ mà anh ta có thể nhận lại từ đối phương, và anh ta đánh giá thứ mà mình mang ra trao đổi có lợi ích cho đối phương hơn thứ đối phương dùng để trao đổi lại. Quá trình tiến hành trao đổi dựa trên đàm phám, thỏa thuận và vì lợi ích chung, ích kỷ về quyền lợi cá nhân từ hai phía. Nhưng dưới tác động đa chiều khi mạng lưới xã hội được trải ra và bao trùm lên cá nhân thì nó không còn đơn thuần là quá trình trao đổi thương lượng thông thường, công khai giữa hai bên. Hay nói cách khác nó bị điều chỉnh và biến thể hoặc tiềm ẩn đi hành động trao đổi này. Đó là hành vi tặng quà tết với mục đích hối lộ.
3. Các hành vi liên quan đến hối lộ
Hành vi hối lộ thực hiện được hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, trong đó, đưa và nhận hối lộ đóng vai trò then chốt, môi giới hối lộ như một chất xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi hơn, an toàn hơn cho hành vi hối lộ nói chung được thực hiện trót lọt.
Để đấu tranh chống lộ, cần thiết phải nhìn rõ bản chất của ba loại hành vi này.
3.1. Đưa hối lộ
Từ phía người đưa hối lộ. Đưa hối lộ thường là các doanh nhân hoặc cá nhân. Hối lộ là một trong những cách dùng tiền bạc và vật chất để mê hoặc người ra quyết định, người có chức có quyền để doanh nghiệp nhận được hợp đồng béo bở hoặc bản thân cá nhân nào đó thực hiện được một việc có lợi cho mình (có thể hợp pháp hoặc phi pháp). Khi việc kinh doanh ngày càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hối lộ là cách để có được hợp đồng hoặc một sự cho phép nào đó từ phía người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan công quyền, để từ đó kiếm lời bất chính. Vụ án “chạy quota” ở Bộ Thương mại là một ví dụ. Ở một số nước, nhiều doanh nghiệp coi hối lộ là một chi phí cần thiết trong kinh doanh.
Đối với các cá nhân, có thể xảy ra hai trường hợp, hoặc là họ chủ động hối lộ dưới hình thức quà cáp, hoặc là họ được gợi ý hay ép buộc. Lợi ích mà người đưa hối lộ đạt tới cũng khá đa dạng: có thể đó là lợi ích chính đáng, hợp pháp nhưng vì họ gặp khó khăn về thủ tục hay bị sách nhiễu, gây khó dễ nên tìm cách “bôi trơn”. Cũng có khi người đưa hối lộ nhằm vào một lợi ích bất hợp pháp, sau khi đã hạch toán giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được họ quyết định “đầu tư” cho quan chức bằng cách hối lộ để đạt được lợi ích phi pháp của mình. Như vậy, nếu như hành vi nhận hối lộ luôn là hành vi có lỗi thì tính chất của hành vi đưa hối lộ rất khác nhau và cần được xử lý khác nhau thì mới phù hợp.
Người đưa hối lộ nhiều khi do bị “ép buộc”. Vụ lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng lớn mới đây bị bắt đã chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp muốn có được hợp đồng, thậm chí muốn rút được tiền cũng phải chi tiền.
Trong đa số các trường hợp, người đưa hối lộ thừa biết mình phạm pháp. Pháp luật của hầu hết các nước đều cấm không chỉ nhận hối lộ mà cả đưa hối lộ. Vì biết rõ điều này nên tâm lý người đưa hối lộ luôn căng thẳng vì có thể bị bắt và bị bỏ tù bất cứ lúc nào.
3.2. Nhận hối lộ
Từ phía người nhận hối lộ. Đã là người nhận hối lộ phải là người có chức có quyền. Không có quyền thế, không có quyền quyết định thì chắc họ không phải là đối tượng được nhận hối lộ. Lòng tham vốn là bản tính cố hữu của con người. Khi có quyền lực trong tay lại thiếu vắng sự kiểm soát chặt chẽ, người có quyền lực khó cưỡng nổi sự cám dỗ.
Không ít cán bộ có chức có quyền nhưng bị thoái hoá, biến chất. Họ tham tiền và chấp nhận việc nhận hối lộ. Thậm chí gợi ý, ép doanh nghiệp, cá nhân phải đưa hối lộ. Nếu không đưa hối lộ, họ tìm mọi cách làm khó dễ, thậm chí làm cho hỏng việc. Vì tham lam, họ bất chấp luật pháp, bao che, dung túng, thậm chí tiếp tay cho những hành vi phạm pháp, nhắm mắt trước những hậu quả sẽ xảy ra cho xã hội.
Người nhận hối lộ chắc chắn biết rằng, việc ăn đút lót, hối lộ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, rằng họ có nguy cơ một ngày nào đó phải đứng trước vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp và sự khinh bỉ của nhân dân. Tuy nhiên có vẻ như, phần lớn những kẻ nhận hối lộ tin tưởng rằng, mình sẽ không bị phát hiện. Niềm tin sẽ không bị phát hiện càng được củng cố khi thực tế đang cho thấy, rất ít người bị phát hiện và xử lý về tội hối lộ.
3.3. Môi giới hối lộ
Hành vi môi giới hối lộ và người môi giới hôi lộ. Đây là hành vi chỉ xuất hiện khi xã hội phát triển đến mức độ nào đó, khi chuyện mua bán không thể thực hiện trực tiếp hoặc pháp luật đã quy định trừng trị những hành vi đưa, nhận hối lộ. Môi giới hối lộ chính là làm cho “cung/cầu” gặp nhau. Người cần được việc nhưng không biết chỗ bán, lại có người có ý định bán vì nhiều lý do khác nhau nhưng không biết rõ ai có ý định cần mua, hai đối tượng này không thể trực tiếp thực hiện hành vi của mình. Khi đó xuất hiện các loại “cò” trung gian. Đôi khi người môi giới không vì mục đích kiếm lời mà đơn giản chỉ là muốn giúp người mua hoặc người bán. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người môi giới thực hiện hành vi môi giới để kiếm lợi từ một trong hai phía hoặc từ cả hai phía: người đưa và nhận hối lộ. Thậm chí có những người đã coi môi giới là một nghề. Tất nhiên, do đưa hối lộ và nhận hối lộ là hành vi phi pháp nên “nghề môi giới” cũng được thực hiện một cách lén lút, không chính thức. Và đây cũng là hành vi phạm pháp luật và được quy định là tội phạm thuộc bộ luật hình sự.
4. Các hình thức của đối tượng hối lộ là gì?
4.1. Hối lộ vật chất
Tiền là thứ phổ biến nhất, do bởi nó nhỏ gọn và có giá trị cao. Thời phong kiến ở phương Đông, người ta không dùng tiền mà thường dùng vàng hoặc bạc. Dù sao thì nó vẫn là phương tiện trao đổi tiền tệ.
Ngọc hoặc châu báu hoặc của lạ của một vùng nào đó, là những thứ thường được dùng trong thời phong kiến, được các quý bà (là người có uy quyền hoặc có chồng là người có uy quyền).
Người, ở đây thường là người con gái được đưa đi làm dâu hoặc hiến cho vua, hoặc đơn giản chỉ là để cho người nhận được quan hệ tình dục với người bị đem đi hối lộ.
4.2. Hối lộ phi vật chất
Các hình thức đưa và nhận hối lộ truyền thống – giao dịch tiền, quyền – hiện nay đã lạc hậu. Thay vào đó là hình thức hối lộ phi vật chất, hối lộ phi vật chất được chia thành ba loại:
Hối lộ tình dục: là điển hình của hối lộ phi vật chất; người đưa hối lộ thông qua phục vụ tình dục để mong đạt được lợi ích;
Hối lộ thông tin: là người đưa hối lộ cung cấp thông tin cho người nhận hối lộ để mưu cầu lợi ích; người nhận hối lộ cũng nhận được lợi ích từ thông tin được cung cấp. Thông tin này chủ yếu là về thăng chức, thuyên chuyển, bí mật thương mại, thông tin mật về kết án, …;
Hối lộ thành tích: là hình thức hối lộ giữa cấp trên và cấp dưới trong cùng hệ thống, cùng ngành; người đưa hối lộ cố ý chuyển thành tích công việc cho cấp trên hưởng. Cũng có trường hợp cấp trên muốn được thăng chức cao hơn nên cố ý chiếm thành tích của nhân viên. Khi được thăng chức cao hơn, cấp trên sẽ điều động cấp dưới trở thành vị trí cao hơn và có lợi hơn.
Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc xác định hối lộ bao gồm cả lợi ích vật chất và phi vật chất. Nhưng đến nay, các quy định pháp luật của đa số các quốc gia chỉ dừng lại đối tượng hối lộ là vật chất (tiền bạc, vật dụng, nhà cửa,…).
5. Nguyên nhân của việc hối lộ là gì?
Việc tấn công tội phạm tham nhũng ngày càng gay gắt. Do vậy, quan tham cấp cao chỉ nhận hối lộ đến mức độ nào đó rồi thay đổi phương thức nhận hối lộ từ vật chất sang phi vật chất;
Vẫn còn tồn tại kẽ hở pháp luật.
Thói quen quyền lực; người đưa hối lộ thường tìm cách với người có quyền thông qua quan hệ tình cảm. Dần dà người có quyền lực bị mê hoặc dẫn đến sai phạm và cuối cùng trở thành quan tham.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập