Kính chào Luật sư của LVN Group. Xin Luật sư của LVN Group cho biết “hối lộ” là gì? Pháp luật hình sự quy định như thế nào về tội phạm liên quan đến hối lộ? Rất mong nhận được tư vấn của Luật sư của LVN Group. Xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Văn Thanh – Bắc Ninh
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
1. Hối lộ là gì?
Hối lộ về bản chất là sự mua bán quyền lực, một hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, nhất là về phía người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ dứt khoát phải là người nắm giữ quyền lực và đã “bán” quyền lực đó để thu lợi bất chính cho mình.
Hành vi hối lộ thực hiện được hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, trong đó, đưa và nhận hối lộ đóng vai trò then chốt, môi giới hối lộ như một chất xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi hơn, an toàn hơn cho hành vi hối lộ nói chung được thực hiện trót lọt.
2. Có những hành vi hối lộ nào?
Để đấu tranh chống hối lộ, cần thiết phải nhìn rõ bản chất của ba loại hành vi này.
Thứ nhất, từ phía người đưa hối lộ. Đưa hối lộ thường là các doanh nhân hoặc cá nhân. Hối lộ là một trong những cách dùng tiền bạc và vật chất để mê hoặc người ra quyết định, người có chức có quyền để doanh nghiệp nhận được hợp đồng béo bở hoặc bản thân cá nhân nào đó thực hiện được một việc có lợi cho mình (có thể hợp pháp hoặc phi pháp). Khi việc kinh doanh ngày càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hối lộ là cách để có được hợp đồng hoặc một sự cho phép nào đó từ phía người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan công quyền, để từ đó kiếm lời bất chính. Vụ án “chạy quota” ở Bộ Thương mại là một ví dụ. Ở một số nước, nhiều doanh nghiệp coi hối lộ là một chi phí cần thiết trong kinh doanh.
Đối với các cá nhân, có thể xảy ra hai trường hợp, hoặc là họ chủ động hối lộ dưới hình thức quà cáp, hoặc là họ được gợi ý hay ép buộc. Lợi ích mà người đưa hối lộ đạt tới cũng khá đa dạng: có thể đó là lợi ích chính đáng, hợp pháp nhưng vì họ gặp khó khăn về thủ tục hay bị sách nhiễu, gây khó dễ nên tìm cách “bôi trơn”. Cũng có khi người đưa hối lộ nhằm vào một lợi ích bất hợp pháp, sau khi đã hạch toán giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được họ quyết định “đầu tư” cho quan chức bằng cách hối lộ để đạt được lợi ích phi pháp của mình. Như vậy, nếu như hành vi nhận hối lộ luôn là hành vi có lỗi thì tính chất của hành vi đưa hối lộ rất khác nhau và cần được xử lý khác nhau thì mới phù hợp.
Người đưa hối lộ nhiều khi do bị “ép buộc”. Vụ lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng lớn mới đây bị bắt đã chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp muốn có được hợp đồng, thậm chí muốn rút được tiền cũng phải chi tiền.
Trong đa số các trường hợp, người đưa hối lộ thừa biết mình phạm pháp. Pháp luật của hầu hết các nước đều cấm không chỉ nhận hối lộ mà cả đưa hối lộ. Vì biết rõ điều này nên tâm lý người đưa hối lộ luôn căng thẳng vì có thể bị bắt và bị bỏ tù bất cứ lúc nào.
Thứ hai, từ phía người nhận hối lộ. Đã là người nhận hối lộ phải là người có chức có quyền. Không có quyền thế, không có quyền quyết định thì chắc họ không phải là đối tượng được nhận hối lộ. Lòng tham vốn là bản tính cố hữu của con người. Khi có quyền lực trong tay lại thiếu vắng sự kiểm soát chặt chẽ, người có quyền lực khó cưỡng nổi sự cám dỗ.
Không ít cán bộ có chức có quyền nhưng bị thoái hoá, biến chất. Họ tham tiền và chấp nhận việc nhận hối lộ. Thậm chí gợi ý, ép doanh nghiệp, cá nhân phải đưa hối lộ. Nếu không đưa hối lộ, họ tìm mọi cách làm khó dễ, thậm chí làm cho hỏng việc. Vì tham lam, họ bất chấp luật pháp, bao che, dung túng, thậm chí tiếp tay cho những hành vi phạm pháp, nhắm mắt trước những hậu quả sẽ xảy ra cho xã hội.
Người nhận hối lộ chắc chắn biết rằng, việc ăn đút lót, hối lộ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, rằng họ có nguy cơ một ngày nào đó phải đứng trước vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp và sự khinh bỉ của nhân dân. Tuy nhiên có vẻ như, phần lớn những kẻ nhận hối lộ tin tưởng rằng, mình sẽ không bị phát hiện. Niềm tin sẽ không bị phát hiện càng được củng cố khi thực tế đang cho thấy, rất ít người bị phát hiện và xử lý về tội hối lộ.
Hành vi môi giới hối lộ và người môi giới hôi lộ. Đây là hành vi chỉ xuất hiện khi xã hội phát triển đến mức độ nào đó, khi chuyện mua bán không thể thực hiện trực tiếp hoặc pháp luật đã quy định trừng trị những hành vi đưa, nhận hối lộ. Môi giới hối lộ chính là làm cho “cung/cầu” gặp nhau. Người cần được việc nhưng không biết chỗ bán, lại có người có ý định bán vì nhiều lý do khác nhau nhưng không biết rõ ai có ý định cần mua, hai đối tượng này không thể trực tiếp thực hiện hành vi của mình. Khi đó xuất hiện các loại “cò” trung gian. Đôi khi người môi giới không vì mục đích kiếm lời mà đơn giản chỉ là muốn giúp người mua hoặc người bán. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người môi giới thực hiện hành vi môi giới để kiếm lợi từ một trong hai phía hoặc từ cả hai phía: người đưa và nhận hối lộ. Thậm chí có những người đã coi môi giới là một nghề. Tất nhiên, do đưa hối lộ và nhận hối lộ là hành vi phi pháp nên “nghề môi giới” cũng được thực hiện một cách lén lút, không chính thức.
3. Quy định pháp luật hình sự các tội phạm về hối lộ
Mỗi một xã hội có những tiêu chuẩn riêng về giá trị văn hoá, bao hàm những tiêu chuẩn chung để xác định bản chất hối lộ nhưng dù với hình thức, phương pháp, thủ đoạn như thế nào thì hối lộ vẫn bị pháp luật trừng trị.
3.1. Tội nhận hối lộ
Nhận hối lộ là một dạng tham nhũng thể hiện ở việc cán bộ, công chức nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới mọi hình thức để làm một việc thuộc hoặc có khi không thuộc trách nhiệm của mình hoặc không làm một việc phải làm hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để làm một việc không được phép làm vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:
“Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
3.2. Tội đưa hối lộ
Đưa hối lộ cũng là hành vi phi đạo đức và phạm pháp. Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với mức hình phạt tù từ 2 đến 7 năm (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 2); từ 7 đến 12 năm (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 3); từ 12 đến 20 năm (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 4) và tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 4).
Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nếu người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Quy định về tội phạm tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) cũng áp dụng cho người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Xem cụ thể tại Điều 364 trích dẫn dưới đây:
Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
……………………..
3.3. Tội môi giới hối lộ
Ngoài ra, mọi hành vi tiếp tay, môi giới cho việc đưa – nhận hối lộ cũng như lạm dụng chức vụ, quyền hạn đặt ra những khoản thu trực tiếp hay gián tiếp để chia nhau hưởng lợi ngoài giới hạn quy định, không được pháp luật cho phép cũng là một hình thức hối lộ.
Làm môi giới hối lộ là hình thức trung gian giúp việc xác lập và thỏa thuận việc người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ và theo sự uỷ nhiệm của người đưa hối lộ chuyển tiền, của hối lộ cho người nhận.
Tội làm môi giới hối lộ được quy định tại Điều 365 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với mức hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 1); từ 2 đến 7 năm (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 2); từ 5 đến 10 năm (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 3) và tù từ 8 đến 15 năm (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 4).
Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Tội phạm quy định tại Điều 365 cũng áp dụng cho người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Xem chi tiết quy định hình phạt về tội môi giới hối lộ dưới đây:
Điều 365. Tội môi giới hối lộ
1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
………………………….
4. Xử lý kỷ luật người nhận hối lộ
Căn cứ Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
Trường hợp công chức, viên chức phạm tội nhận hối lộ bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Tóm lại, người nhận hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 354 Bộ luật hình sự và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ phạm tội.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập