1. Khái niệm hôn nhân thực tế

Hôn nhân thực tế là hôn nhân được công nhận dựa trên cơ sở thực tế là các bên nam, nữ đã và đang chung sống như vợ chồng, có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng kí kết hôn tại cơ quan đăng kí kết hôn có thẩm quyền.

Hôn nhân thực tế là trường hợp nam nữ chung sống với nhau và thỏa mãn những điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật công nhận hôn nhân hợp pháp, được giải quyết quyền, lợi ích và nghĩa vụ như hôn nhân hợp pháp.

Hôn nhân thực tế là một thuật ngữ pháp lý để chỉ những trường hợp hai bên nam nữ chung sống trong quan hệ vợ chồng, đã được gia đình, xã hội thừa nhận nhưng chưa được đăng ký tại cơ quan hộ tịch, chưa được cấp giấy chứng nhận kết hôn.

 

2. Đặc điểm hôn nhân thực tế

Hôn nhân thực tế có các đặc điểm sau:

– Hôn nhân thực tế là việc hai người trong mối quan hệ đó được pháp luật công nhận là vợ chồng những giữa họ không có giấy đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp.

– Phải có chứng cứ là hai người đã và đang chung sống như vợ chồng về mặt thực tế và thực sự coi nhau như vợ chồng.

Việc tồn tại khái niệm hôn nhân thực tế là phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và phong tục tập quán của đất nước trong thời kỳ trước đó.

 

3. Cách xác định hôn nhân thực tế

Theo Thông tư 01/2001/ Thông tư liên tịch của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình thì những trường hợp hai bên nam nữ không đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế, quyền và nghĩa vụ được áp dụng như hôn nhân hợp pháp như sau:

Trường hợp thứ nhất, hai bên nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng, xác lập quan hệ vợ chồng với nhau trước ngày 03/01/1987.

Các mối quan hệ hôn nhân của hai bên nam nữ hình thành từ thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực là thời điểm pháp luật chưa thật sự đi sâu và phổ biến trong đời sống của người dân. Những mối quan hệ vợ chồng được hình thành dựa sự tự nguyện và tình cảm của hai bên, dựa trên phong tục tập quán của mỗi địa phương, và có nhiều cặp vợ chồng không trình diện với cơ quan chức năng mà chỉ sống chung với nhau mà không có giấy hôn thú. Nắm bắt được tình hình đó, nhằm bảo đảm sự ổn định về mặt nhân khẩu tại địa phương, quy định của pháp luật vẫn công nhận những cặp vợ chồng này có hôn nhân hợp pháp.

Hôn nhân hợp pháp của những cặp vợ chồng này được tính từ thời điểm hai bên bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng ví dụ như: ngày hai bên nam nữ tổ chức đám cưới, kể từ ngày sống chung có người làm chứng của hai bên vợ chồng,,vv..Mặc dù những thời điểm đó không thật sự rõ ràng để xác định nhưng pháp luật vẫn ghi nhận để có thể dễ dàng giải quyết khi có tranh chấp. Theo đó, mặc dù họ chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn nhưng họ vẫn được đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của vợ chồng; khi làm thủ tục ly hôn hay có tranh chấp về vấn đề gì thì vẫn được cơ quan chức năng áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết.

Trường hợp thứ hai, hai bên nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng sau thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2001.

Đối với những trường hợp nam nữ sống chung với nhau kể từ sau khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đến trước thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực, mặc dù họ có đủ điều kiện theo quy định của luật để kết hôn nhưng vẫn chưa làm thủ tục đăng ký thì bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kết hôn lên cơ quan có thẩm quyền để được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên trong thời điểm mà họ đăng ký kết hôn sẽ không được mặc định là thời điểm họ được xác lập mối quan hệ vợ chồng mà quan hệ của họ vẫn được công nhận kể từ ngày họ sống chung với nhau. Thời điểm họ về ở chung với nhau kể từ thời điểm họ có sự sống chung với nhau, chăm sóc giúp đỡ và cùng nhau xây dựng gia đình hay tính từ mốc thời gian tổ chức lễ cưới, về chung sống với nhau có người khác chứng kiến. Theo đó nếu sống chung với nhau trong khoảng thời gian này mặc dù Luật hôn nhân và gia đình 1986 đã có hiệu lực nhưng pháp luật vẫn cho các cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn một khoảng thời gian hợp lý để kịp thời bổ sung thủ tục này. Trong khoảng thời gian đó nếu có yêu cầu ly hôn hay giải quyết tranh chấp thì vẫn được áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành để giải quyết. Theo quy định của Thông tư liên tịch 01/2001 thì những trường hợp này phải đăng ký kết hôn trong khoảng thời gian từ thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2001 đến thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2003.

Nếu như sau thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2003 mà các cặp vợ chồng không tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn hợp pháp thì họ sẽ không được xem là vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Theo đó nếu có yêu cầu về thực hiện thủ tục ly hôn thì không áp dụng luật mà chỉ xử lý về vấn đề tranh chấp quyền nuôi con và tranh chấp phân chia tài sản.

Như vậy, việc quy định về các trường hợp hôn nhân thực tế được quy định rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm khuyến khích việc đăng ký kết hôn giữa các bên nam nữ sống chung với nhau, và là cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi các vấn đề liên quan đến mối quan hệ hôn nhân này có tranh chấp.

 

4. Hôn nhân thực tế có được công nhận không?

Để được coi là hôn nhân thực tế thì cần phải đáp ứng cả yếu tố về hình thức và yếu tố về nội dung. Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng”. Phân tích từ điều luật trên có thể thấy rằng đối với những trường hợp được coi là hôn nhân thực tế thì việc đăng ký kết hôn đặt ra chỉ mang ý nghĩa “khuyến khích” chứ không hề mang tính bắt buộc. Trong trường hợp đăng ký kết hôn thì thủ tục sẽ được thực hiện như đối với việc đăng ký kết hôn theo Pháp luật về Hộ tịch hiện hành. Nếu không tiến hành đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Ngoài ra, tại Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 cũng có những quy định tương tự như điều luật chúng tôi vừa trích dẫn cũng có giá trị thừa nhận quan hệ hôn nhân thực tế.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận và nam, nữ trong cuộc hôn nhân thực tế đó được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp.

 

5. Quy định của luật hôn nhân và gia đình 2014 về hôn nhân thực tế

Hiện nay, trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không có điều luật nào quy định trực tiếp về “hôn nhân thực tế”. Tuy nhiên, không phải các nhà làm luật đã bỏ qua chế định này mà nó được thể hiện bằng một cách khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về điều khoản chuyển tiếp có quy định:

“Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.

Ở đây, cần lưu ý rằng quy định trên là quy định về “điều khoản chuyển tiếp” hay còn gọi là “quy định hồi tố”. Đây là quy định về những trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ hay những quan hệ pháp luật được xác lập trước thời điểm pháp luật mới có hiệu lực thì khi nào áp dụng pháp luật cũ, khi nào áp dụng pháp luật mới. Do đó, hôn nhân thực tế sẽ không được quy định trực tiếp tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 mà sẽ áp dụng quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.

 

6. Thủ tục ly hôn không có đăng ký kết hôn

Phân tích theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì ly hôn khi không đăng ký kết hôn được đặt ra trong ba trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp hôn nhân thức tế, tức là nam, nữ sống chung với nhau trước ngày 03/01/1987 mặc dù có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn.

Thứ hai, trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ, chồng từ sau ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2003 tuy đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nhưng không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn.

Thứ ba, trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ, chồng từ sau ngày 03/01/1987 đến sau ngày 01/01/2003 tuy đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nhưng không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn.

Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì trường hợp thứ nhất và trường hợp thứ hai vừa kể trên, việc ly hôn sẽ được thực hiện “theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung”. Tức là việc ly hôn khi không đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện như khi có đăng ký kết hôn bình thường. cụ thể, thủ tục ly hôn sẽ diễn ra như sau:

– Bước một, chuẩn bị hồ sơ: người có yêu cầu ly hôn phải chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

  • Đơn xin ly hôn;
  • Giấy xác nhận của địa phương về quá trình chung sống của 2 người hoặc giấy xác nhận hôn nhân thực tế;
  • Sổ hộ khẩu (bản sao có công chứng);
  • Chứng minh nhân dân của vợ, chồng (bản sao có công chứng);
  • Giấy khai sinh của con chung (bản sao có công chứng);
  • Giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp vợ chồng có yêu cầu tòa án chia tài sản chung của vợ chồng).

– Bước hai, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nguyên đơn nộp đơn lên Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết.

– Bước ba, sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ Tòa án sẽ ra thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn. Trong thời hạn được quy định trong thông báo đương sự phải tiến hành thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí và mang Biên lai thu tiền tạm ứng án phí nộp lại Tòa án.

– Bước bốn, Tòa án tiến hành mở phiên họp hòa giải, giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Tại đây, tòa án sẽ xác minh lại phạm vi yêu cầu khởi kiện, tư cách đương sự tham gia tố tụng, kiểm tra việc giao nộp các chứng cứ mới và công bố các chứng cứ.

– Bước năm, xét xử vụ án ly hộ hoặc ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

  • Đối với thủ tục ly hôn đơn phương, nếu tại buổi hòa giải các bên vẫn không thể hòa giải thành thì tòa án lập Biên bản hòa giải không thành. Sau đó tòa án sẽ có thông báo đưa vụ án ra xét xử để giải quyết vụ án.
  • Đối với trường hợp ly hôn thuận tình nếu các bên không thể đoàn tụ trong buổi hòa giải thì Tòa án sẽ lập Biên bản và trong thời hạn 07 ngày kể từ thời điểm biên bản được lập các bên không có thay đổi thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Nếu một trong các bên có sự thay đổi thì tòa án thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.