Tại bây giờ tất cả các giấy tờ của đều làm theo trong chứng min, sổ bhxh của cháu cũng làm theo giấy chứng minh nên giờ rất khó đổi lại. Nên cháu muôns đổi lại giấy khai sinh với hộ khẩu khớp với chứng minh thư được khômg. Trả lời giúp cháu với ạ. Cháu cám ơn.
Người gửi : Hương
Luật sư trả lời:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật hộ tịch năm 2014
– Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
– Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân
– Công văn số 102/BHXH-THU về việc điều chỉnh thông tin cá nhân, chức danh công việc và quá trình đóng BHXH, BHTN
2. Luật sư tư vấn:
Việc ghi nhầm lẫn thông tin cá nhân, không khớp nhau giữa các giấy tờ của 1 người như: CMND, Giấy khai sinh, Hộ khẩu, bằng cấp là khá phổ biến… ghi sai thì phải điều chỉnh lại thôi.
Trong việc nhầm lẫn về tháng cụ thể là 12 và 10 này thì phải căn cứ vào giấy tờ chủ chốt là Giấy khai sinh để xác định tháng sinh cho chính xác. Thực tế Giấy khai sinh chính là tiền đề cho việc nhập Khẩu và làm CMT nhân dân.
Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
“1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấykhai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”
Theo quy định trên của pháp luật thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, nội dung trên mọi giấy tờ khác của cá nhân đều bắt buộc phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Do vậy, thông tin về ngày tháng năm sinh trên CMND, sổ bảo hiểm xã hội của cháu phải thống nhất với giấy khai sinh.
Để cải chính lại thông tin về ngày tháng năm sinh trên CMND và sổ bảo hiểm xã hội cháu cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
– Đối với việc cải chính lại ngày tháng năm sinh trên CMND:
Theo điểm c khoản 1 điều 5 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, việc thay đổi lại ngày tháng năm sinh trên CMND là một trong những trường hợp được đổi CMND :
“Điều 5. Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân
1- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân :
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
2- Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại ”
Trình tự thủ tục đổi CMND như sau:
– Đơn trình bày rõ lý do xin đổi chứng minh có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
– Xuất trình hộ khẩu thường trú;
– Xuất trình quyết định thay đổi ngày, tháng, năm sinh;
– Chụp ảnh;
– In vân tay hai ngón trỏ;
– Khai tờ khai xin cấp Chứng minh nhân dân;
– Nộp lại Chứng minh nhân dân cũ.
Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục trên đây, cơ quan công an phải làm xong Chứng minh nhân dân cho cháu trong thời gian sớm nhất, tối đa không quá 15 ngày (ở thành phố, thị xã), và 30 ngày (ở địa bàn khác).
Theo đó cháu sẽ phải nộp lệ phí theo quy định.
Đối với sổ bảo hiểm xã hội
Điều 2 Công văn số 102/BHXH-THU về việc điều chỉnh thông tin cá nhân, chức danh công việc và quá trình đóng BHXH, BHTN có quy định về điều chỉnh thông tin cá nhân như sau:
– Khi phát hiện sai lệch thông tin cá nhân như: thông tin về nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính) hoặc thông tin khác (số, ngày và nơi cấp CMND, địa chỉ thường trú) thì lập hồ sơ để điều chỉnh, bổ sung.
Lưu ý:
* Không điều chỉnh địa chỉ thường trú đối với trường hợp người lao động thay đổi nơi thường trú sau thời điểm lập hồ sơ tham gia BHXH.
* Không điều chỉnh số CMND đối với trường hợp người lao động thay đổi CMND do thay đổi nơi thường trú.
* Không điều chỉnh thông tin về ngày và nơi cấp CMND đối với trường hợp người lao động thay đổi CMND do cấp mất, cấp đổi CMND…
– Hồ sơ điều chỉnh lập theo Phiếu giao nhận hồ sơ số 302/…/SO, bao gồm:
+ Văn bản đề nghị (mẫu D01b-TS): ghi rõ lý do điều chỉnh và cam kết, chịu trách nhiệm của đơn vị: 1 bản.
+ Biểu D07-TS: 3 bản.
+ Bản sao CMND đối với trường hợp điều chỉnh họ tên, ngày tháng năm sinh nếu trong tờ thông báo ghi sai họ tên, ngày tháng năm sinh, hoặc không ghi ngày tháng sinh: 1 bản/người.
+ Sổ BHXH, tờ bìa sổ mới, thẻ BHYT, bản ghi quá trình đóng BHXH, BHTN… (nếu có) đối với những trường hợp cần phải in lại, do điều chỉnh thông tin cá nhân có liên quan.
Lưu ý:
* Đối với trường hợp giấy CMND không có ngày tháng năm sinh thì sử dụng giấy tờ thay thế như: giấy khai sinh; giấy cải chính hộ tịch của cơ quan tư pháp có thẩm quyền, bằng cấp, chứng chỉ; lý lịch Đảng viên, lý lịch CNV khai hoặc được cấp trước thời điểm đăng ký tham gia BHXH, để có cơ sở điều chỉnh.
* Trường hợp thông tin trên tờ thông báo chỉ có số CMND nhưng thiếu ngày và nơi cấp CMND thì lập biểu D07-TS bổ sung, không cần nộp các hồ sơ khác và sổ BHXH.
* Trường hợp sổ BHXH ghi đúng nhưng thông tin trên tờ thông báo sai, thì photo trang 3 sổ BHXH (hoặc trang 2 tờ bìa sổ mới) kèm theo biểu D07-TS, không cần nộp các hồ sơ khác.
* Trường hợp CMND (và những giấy tờ thay thế khác) của người lao động chỉ có năm sinh nhưng trên tờ thông báo ghi ngày tháng sinh là 01/01 hoặc 01/07 thì đơn vị không cần điều chỉnh (khi in tờ rời hằng năm cho NLĐ sẽ để trống ngày tháng sinh).
– Thời hạn trả kết quả 10 ngày làm việc.
Thành phần hồ sơ về điều chỉnh nhân thân (họ, tên, ngày tháng năm sinh) cụ thể bao gồm:
1. Công văn đề nghị của đơn vị (mẫu D01b-TS) (Lưu ý: nộp tại cơ quan BHXH tham gia cuối cùng).
2. Danh sách đề nghị thay đổi thông tin của người tham gia (mẫu D07-TS, 03 bản)
3. Đơn đề nghị của người tham gia (mẫu D01-TS)
4. Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân (Bản sao có chứng thực)
5. Sổ bảo hiểm xã hội mẫu cũ hoặc Tờ bìa sổ BHXH mẫu mới
6. Các tờ rời sổ BHXH
7. Bản ghi quá trình đóng BHXH, BHTN (mẫu 07/SBH) – nếu có
8. Thẻ BHYT cũ còn thời hạn sử dụng (nếu có điều chỉnh)
9. Trường hợp cải chính hộ tịch – nếu có: Văn bản đính chính các loại hồ sơ, giấy tờ của đơn vị quản lý và cơ quan có thẩm quyền (Bản sao có chứng thực)
Bên cạnh đó, nếu sau này cháu có hủy sổ thì khi tiếp tục tham gia bảo hiểm, cháu sẽ lại được cấp sổ mới. Và việc thay đổi thông tin này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội của cháu
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính – Công ty luật LVN Group