Căn cứ pháp lý:

– Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010;

– Nghị định 18/2005/NĐ-CP;

– Thông tư 52/2005/TT-BTC;

1. Khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại khoản 3 Mục V Thông tư 52/2005/TT-BTC và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định.

Nghị định 18/2005/NĐ-CP quy định:

1. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải trích lập dự phòng nghiệp vụ từ phí bảo hiểm của từng nghiệp vụ bảo hiểm đối với phần trách nhiệm giữ lại của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

2. Dự phòng nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ bao gồm:

a) Dự phòng phí chưa được hưởng, được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;

b) Dự phòng bồi thường cho các khiếu nại chưa giải quyết, được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;

c) Dự phòng bồi thường cho các giao động lớn về tổn thất, được sử dụng để bồi thường khi có giao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính sau khi đã trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết không đủ để chi trả tiền bồi thường đối với phần trách nhiệm giữ lại của tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

d) Các loại dự phòng nghiệp vụ khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Mục V Thông tư 52/2005/TT-BTC quy định: 

3.1. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải lập các loại dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 của Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

3.2. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép lựa chọn và đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm theo hướng dẫn tại điểm 3.4 khoản 3 Mục V Thông tư này hoặc các phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ khác thận trọng hơn và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng.

3.3. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ không được thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm trong năm tài chính. Trong trường hợp thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cho năm tài chính kế tiếp, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải đề nghị và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng.

3.4. Phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ :

3.4.1. Dự phòng phí chưa được hưởng:

Cách tính dự phòng phí chưa được hưởng được áp dụng theo phương pháp lấy mức phí giữ lại của 2 (hai) tháng cuối đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và 40% tổng phí giữ lại của tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm còn lại trong năm tài chính.

3.4.2. Dự phòng bồi thường:

Cách tính mức trích lập dự phòng bồi thường được áp dụng theo phương pháp thống kê.

3.4.3. Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất:

Cách tính mức trích lập dự phòng dao động lớn được áp dụng theo phương pháp thống kê và được trích lập hàng năm cho đến khi khoản dự phòng dao động lớn bằng 100% phí thực giữ lại trong năm tài chính của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

2. Biên khả năng thanh toán tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ 

Biên khả năng thanh toán tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ bằng 20% tổng phí bảo hiểm thực giữ lại tại thời điểm xác định biên khả năng thanh toán.

Ví dụ: Tại thời điểm xác định biên khả năng thanh toán, tổ chức bảo hiểm tương hỗ A có tổng phí bảo hiểm giữ lại là 50 tỷ đồng Việt Nam. Biên khả năng thanh toán tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ A = 50 tỷ đồng Việt Nam x 20% = 10 tỷ đồng Việt Nam.

3. Biên khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Biên khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Các tài sản sau sẽ không được đưa vào để tính biên khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ:

– Các khoản vốn góp để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm khác từ nguồn vốn chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

– Các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định của pháp luật hiện hành;

– Các quỹ khen thưởng, phúc lợi (nếu có).

4. Trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải làm gì?

Trong trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải thực hiện các biện pháp sau đây:

– Lập phương án khôi phục khả năng thanh toán, củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, báo cáo Bộ Tài chính và thực hiện phương án đã được Bộ Tài chính chấp thuận;

– Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính về việc khôi phục khả năng thanh toán.

– Kiểm soát đối với tổ chức bảo hiểm tương hỗ có nguy cơ mất khả năng thanh toán:

+ Trong trường hợp tổ chức bảo hiểm tương hỗ không khôi phục được khả năng thanh toán theo phương án đã được chấp thuận, Bộ Tài chính ra quyết định thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

+ Ban kiểm soát khả năng thanh toán có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo và giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo phương án đã được chấp thuận;

b) Thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan về việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán để phối hợp thực hiện;

c) Hạn chế phạm vi và lĩnh vực hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

d) Đình chỉ những hoạt động có thể dẫn đến việc tổ chức bảo hiểm tương hỗ mất khả năng thanh toán;

đ) Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tương hỗ chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ khác;

e) Tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành và yêu cầu tổ chức bảo hiểm tương hỗ thay thế thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) nếu xét thấy cần thiết;

g) Yêu cầu Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án khôi phục khả năng thanh toán đã được chấp thuận;

h) Kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục hoặc chấm dứt các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán;

i) Báo cáo Bộ Tài chính về việc áp dụng và kết quả của việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.

+ Ban kiểm soát khả năng thanh toán phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật trong quá trình áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu, quyết định của Ban kiểm soát khả năng thanh toán.

– Chấm dứt việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán

+ Việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn áp dụng biện pháp khôi phục khả năng thanh toán;

b) Hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trở lại bình thường;

c) Tổ chức bảo hiểm tương hỗ đã được hợp nhất, sáp nhập trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp khôi phục khả năng thanh toán;

d) Tổ chức bảo hiểm tương hỗ lâm vào tình trạng phá sản.

+ Việc chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Quyết định này được thông báo cho các cơ quan có liên quan.

5. Lĩnh vực và nội dung hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Nghiệp vụ bảo hiểm:

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm sau đây:

– Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người;

– Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;

– Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;

– Bảo hiểm xe cơ giới;

– Bảo hiểm cháy, nổ;

– Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu;

– Bảo hiểm trách nhiệm chung;

– Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;

– Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;

– Bảo hiểm nông nghiệp;

Đối tượng khách hàng:

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép bảo hiểm cho các đối tượng sau đây: Doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề (sản xuất, chế biến, nuôi trồng, chuyên chở, phân phối, lưu thông, cung cấp dịch vụ và tiến hành các hoạt động kinh doanh khác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp), có nhu cầu bảo hiểm, có quyền lợi có thể được bảo hiểm và có cùng loại rủi ro gắn liền hay xuất phát từ lĩnh vực, ngành nghề đó.

Đối tượng bảo hiểm:

– Đối tượng bảo hiểm là tài sản; trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba; tính mạng, sức khoẻ và tai nạn của người được bảo hiểm. Cụ thể như sau:

– Đối tượng bảo hiểm tài sản là cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hoá, nguyên vật liệu; nhà xưởng, máy móc thiết bị, công cụ lao động; phương tiện vận chuyển phục vụ cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng và chế biến, lưu thông; các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

– Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và đời sống nông thôn.

– Đối tượng bảo hiểm con người là tính mạng, sức khoẻ và tai nạn của người tham gia vào quá trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến, cung cấp dịch vụ, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

Địa bàn hoạt động:

Căn cứ vào phương án kinh doanh, nội dung hoạt động và năng lực tài chính, tổ chức bộ máy, tổ chức bảo hiểm tương hỗ có thể hoạt động trong phạm vi một tỉnh, một số tỉnh, hoặc phạm vi toàn quốc theo quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.