1. Khái niệm cấu thành tội phạm

Cấu thành tội phạm là hệ thống các dấu hiệu cần và đủ đặc trưng cho từng tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự.

Khái niệm cấu thành tội phạm là khái niệm khoa học, được nghiên cứu cùng với việc nghiên cứu tội phạm trong môn học Luật hình sự. Bộ luật hình sự không quy định khái niệm cấu thành tội phạm nhưng lại quy định những dấu hiệu là yếu tố cấu thành tội phạm (cấu thành cụ thể). Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng tội phạm cụ thể nhà luật quy định (nhấn mạnh) một hoặc một số yếu tố cấu thành tội phạm mà không quy định hết các yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng khi xác định hành vi có phải là tội phạm hay không thì phải xác định tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm.

Tội phạm là một hiện tượng khách quan, còn cấu thành tội phạm là những quy định của nhà làm luật, nhưng vì phải khái quát, nên nhà làm luật không thể quy định hết tất cả những đấu hiệu là yếu tố cấu thành tội phạm được, mà chỉ quy định những yếu tố cơ bản đủ để xác định thế nào là tội phạm.

Nghiên cứu cấu thành tội phạm chính là nghiên cứu “kiến trúc” một “mô hình” mà mô hình đó chính là tội phạm. Ví dụ: Nhà làm luật muốn cấu tạo một cấu thành tội trộm cắp tài sản, thì phải dự kiến bao nhiêu dấu hiệu, những dấu hiệu đó là dấu hiệu nào. Đây cũng là đặc điểm của các quốc gia theo luật Châu Âu lục địa (luật thành văn), xây dựng một cấu thành tội phạm sẵn để nếu ai có hành vi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đó thì bị xử lý (truy cứu trách nhiệm hình sự).

Khoa học luật hình sự thuộc những nước theo luật thành văn, khi xây dựng cấu thành tội phạm đã phân biệt cấu thành tội phạm chung và cấu thành tội phạm cụ thể. Cấu thành tội phạm chung là cấu thành có tính chất khái quát mà tội phạm nào cũng phải có, còn cấu thành tội phạm cụ thể là cấu thành riêng cho từng tội phạm và cũng là căn cứ để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Cấu thành tội phạm chung và cấu thành tội phạm cụ thể là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng nếu xét nó dưới góc độ triết học. Về khoa học pháp lý, chỉ nghiên cứu cấu thành tội phạm chung. Khi đã nắm chắc các yếu tố cấu thắnh tội phạm thì có thể xác định được các dấu hiệu cấu thành tội phạm riêng (cấu thành tội phạm của từng tội cụ thể).

 

2. Khái niệm khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được Bộ luật hình sự bảo vệ.

Đây cũng là một yếu tố mà thiếu nó thì không cấu thành tội phạm. Các quan hệ xã hội thì có nhiều, do nhiều ngành luật điều chỉnh, nhưng Bộ luật hình sự chỉ bảo vệ những quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thể của Tổ quốc; chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an, toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân và những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội.

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về khách thể của tội phạm, nhưng tuyệt đại đa số cho rằng, khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, có người cho rằng, quan hệ xã hội chỉ là khách thể chung, khách thể loại, còn khách thể trực tiếp không phải là quan hệ xã hội. Sự lầm lẫn này, thể hiện ở một số sách báo pháp lý khi nói đến khách thể trực tiếp thường nhầm với đối tượng tác động. Ví dụ: khi nói đến khách thể của tội giết người lại cho rằng con người cụ thể (ông A, bà B) bị giết là khách thể trực tiếp.

Khách thể là một yếu tố rất quan trọng của tội phạm; các hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội không phải là khách thể của tội phạm thì hành vi đó không phải là tội phạm; hiểu rõ khách thể của tội phạm giúp chúng ta xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.

Khách thể của tội phạm là khái niệm khoa học pháp lý, nó chỉ được nhắc đến trong các giáo trình giảng dạy, các công trình khoa học. Bộ luật hình sự cũng không dùng khái niệm khách thể của tội phạm khi nêu khái niệm của tội phạm mà chỉ quy định các quan hệ xã hội (liệt kê) bị xâm phạm. Đó là: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an, toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân và những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Do đó không thể tách bạch quan hệ xã hội nào quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự là khách thể chung, quan hệ xã hội nào là khách thể loại, khách thể trực tiếp. Vì vậy, khi xét xử, cũng như viết bản án, các Tòa án cũng không nên dùng khái niệm khách thể khi xét xử các vụ án hình sự, nhất là trong các bản án lại càng không nên dùng khái niệm khách thể để mô tả hành vi phạm tội của bị cáo.

Khoa học luật hình sự chia khách thể của tội phạm ra làm ba loại: Khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Tuy nhiên, việc phân biệt các loại khách thể chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học, còn thực tiễn xét xử khi nghiên cứu khách thể của tội phạm chủ yếu nghiên cứu khách thể trực tiếp, nếu một hành vi nguy hiểm chưa xâm phạm đến khách thể trực tiếp thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm, cho dù các yếu tố khác đã thoả mãn. Ví dụ: A thấy B đã chết vì ngộ độc, nhưng vì quá căm thù B, nên mặc dù biết B đã chết nhưng A vẫn dùng dao đâm nhiều nhát vào người B cho hả giận. Hành vi này của A có các yếu tố cấu thành tội giết người, nhưng hành vi của A lại không xâm phạm đến khách thể trực tiếp của tội giết người là quyền sống của B, nên hành vi của A không phải là hành vi phạm tội giết người.

 

3. Khách thể chung của tội phạm

Khách thể chung là tổng hợp các quan hệ xã hội được luật hình bảo vệ, đó là các quan hệ xã hội quan trọng nhất, cơ bản nhất cần được bảo vệ bằng luật hình sự. Khách thể chung được quy định ngay trong khái niệm của tội phạm theo phương thức liệt kê các quan hệ xã hội như: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an, toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân và những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu khách thể chung giúp chúng ta thấy được chính sách hình sự của Nhà nước và bản chất của Nhà nước, đồng thời giúp ta phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác không phải là tội phạm.

 

4. Khách thể loại của tội phạm

Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất có liên quan với nhau và bị một nhóm tội phạm xâm phạm. Khách thể loại của tội phạm được thể hiện trong Bộ luật hình sự chính là đầu đề của các chương quy định ở phần các tội phạm. Ví dụ: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.v.v…

Nghiên cứu khách thể loại của tội phạm chủ yếu có ý nghĩa trong công tác lập pháp, là cơ sở để hệ thống, sắp xếp từng chương trong phần riêng của Bộ luật hình sự cho phù hợp với tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Căn cứ vào khách thể loại, chúng ta có thể phân biệt được nhóm tội phạm này với nhóm tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự.

 

5. Khách thể trực tiếp

Khách thể trực tiếp là quan hệ xã hội cụ thể bị một tội phạm cụ thể trực tiếp xâm phạm. Khách thể trực tiếp là chính là yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Thông thường, mỗi hành vi phạm tội xâm phạm đến một khách thể trực tiếp, nhưng cũng có trường hợp một hành vi phạm tội xâm phạm đến nhiều khách thể, nhưng căn cứ vào những yếu tố khác như: ý thức chủ quan hoặc hành vi khách quan, hoặc hậu quả gây ra, mà nhà làm luật quy định khách thể trực tiếp nào là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, còn các khách thể khác chỉ là những tình tiết có tính chất tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Tội cướp tài sản, hành vi phạm tội cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, đó là quan hệ sở hữu và tính mạng, sức khoẻ của con người, nhưng căn cứ vào mục đích, động cơ của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản nên nhà làm luật coi quan hệ sở hữu là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội cướp tài sản. Khách thể trực tiếp cũng rất ít được nhà làm luật quy định ngay trong cấu thành tội phạm mà thường quy định đối tượng tác động. Đây là đặc điểm dễ làm cho nhiều người nhầm lẫn giữa khách thể với đối tượng tác động. Ví dụ: Trong các tội xâm phạm sở hữu, nhà làm luật chỉ quy định nhằm chiếm đoạt, hoặc gây thiệt hại tài sản, nên nhiều người cho rằng tài sản là khách thể trực tiếp của các tội xâm phạm sở hữu mà không thấy rằng khách thể trực tiếp của các tội phạm này là quan hệ sở hữu về tài sản.

Để xác định đâu là khách thể trực tiếp, không chỉ căn cứ vào điều luật quy định về tội phạm đó xâm phạm đến cái gì mà phải căn cứ vào các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm như: lỗi, động cơ, mục đích, các dấu hiệu khách quan, các đặc điểm của chủ thể…

Nghiên cứu khách thể trực tiếp, giúp chúng ta phân biệt tội phạm này với tội phạm khác nếu các yếu tố khác của hai tội đem so sánh giống nhau. Ví dụ: Nếu xác định được khách thể trực tiếp của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì không thể nhầm lẫn với tội chiếm đoạt trẻ em.