Và một trong những yếu tố doanh nghiệp có xu hướng thoả thuận nhiều nhất nhằm nâng cao lợi nhuận, kìm hãm hay triệt tiêu cạnh tranh của đối thủ là về giá và các vấn đề liên quan đến giá của các sản phẩm dịch vụ. Các hành vi thoả thuận này được gọi là thoả thuận ấn định giá. 

 

1. Khái niệm về thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Dưới góc độ kinh tế thì thoả thuận hạn chế cạnh tranh được hiểu là sự thống nhất giữa các doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép của cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hành động một cách độc lập giữa các đối thủ.

Dưới góc độ pháp lý thì pháp luật cạnh tranh và pháp luật nước ngoiaf không đưa ra một khía niệm cụ thể về thoả thuận hạn chế cạnh tranh nhưng có thể hiểu là sự thống nhất ý chí giữa các  bên doanh nghiệp độc lập với nhauđể thực hiện hành vi nhằm mục đích thủ tiêu hoặc hạn chế sự cạnh tranh giữa chúng và qua đó ngăn cản sự tham gia thị trường của các đối thủ cạnh tranh khác cũng như các daonh nghiệp tiềm năng.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chỉ được hình thành khi có sự thống nhất ý chí của các bên tham gia thỏa thuận. Sự thống nhất cùng hành động giữa các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận được thể hiện công khai hoặc không công khai. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các hành vi giống nhau của các doanh nghiệp chưa đủ để chứng minh là đã có thỏa thuận giữa họ, mà phải có sự thống nhất ý chí cùng hành động của các bên tham gia thỏa thuận. Ở dấu hiệu này, chúng ta cần phân biệt sự thống nhất ý chí của các doanh nghiệp với sự thống nhất về mục đích của doanh nghiệp khi tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Khi thống nhất thực hiện hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể cùng hoặc không cùng một mục đích theo đuổi.

 

2. Khái niệm về thoả thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh.

Thoả thuận ấn định giá  được coi là một trong những hành vi thoả thuận gây tác động hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng nên được quy định điều chỉnh trong pháp luật cạnh tranh/ chống độc quyền của các quốc gia. Thuật ngữ “ấn định giá” cũng có thể được hiểu là từ dùng để chỉ những hành động chung của các đối thủ cạnh tranh làm ảnh hưởng đến giá cả. Tuy không có một định nghĩa thống nhất giữa các pháp luật của các quốc gia nhưng có thể hiểu một cách chung nhất “thỏa thuận ấn định giá” là một thỏa thuận bất kỳ giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm tăng, giảm, ấn định hoặc duy trì giá sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Đối với hành vi thỏa thuận ấn định giá không nhất thiết đòi hỏi các bên tham gia thỏa thuận phải bán ở cùng một mức giá giống nhau, một mức giá đồng nhất hoặc tất cả các đối thủ cạnh tranh trong một ngành nhất định cùng phải tham gia vào thỏa thuận.

Thỏa thuận ấn định giá là một khái niệm thường dùng để diễn tả một loạt các hành động được tiến hành bởi các đối thủ cạnh tranh tác động một cách trực tiếp đến giá. Nhìn từ góc độ kinh tế học, bản chất của hành vi thỏa thuận ấn định giá là nhằm giả lập vị trí của doanh nghiệp độc quyền, qua đó sử dụng sức mạnh thị trường mà các bên đạt được thông qua thỏa thuận thống nhất hành động để tác động đến giá và sản lượng đầu ra trên thị trường liên quan.

Vậy có thể hiểu thỏa thuận ấn định giá là một thỏa thuận bất kì giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm tăng, giảm hoặc duy trì giá sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Về bản chất, thỏa thuậnấnđịnh giá là thỏa thuận nhằm loại bỏ, triệt tiêu hoặc hạn chế cạnh tranh về giá cả giữa các doanh nghiệp. Thỏa thuận ấn định giá có thể bao gồm các thỏa thuận (ngầm hoặc công khai) nhằm tăng, giảm, kìm giữ giá các sản phẩm trên thị trường.

Mặc dù không có văn bản pháp lý quy định chi tiết, cụ thể những biểu hiện của hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018. Tuy nhiên, phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh trên thế giới và thông lệ của Việt Nam, biểu hiện của hành vi thỏa thuận ấn định giá:  

Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp bao gồm nhưng không giới hạn ở các hành vi thỏa thuận sau đây: (i) Thỏa thuận áp dụng các mức giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ; (ii) Thỏa thuận tăng giá ở một mức cụ thể hoặc thống nhất về tỉ lệ tăng giá; (iii) Thỏa thuận không giảm giá hoặc chỉ giảm giá ở một mức cụ thẻ hoặc thống nhất về tỉ lệ giảm giá; (iv) Thỏa thuận áp dụng công thức tính giá hoặc các yếu tố cấu thành giá; (v) Thỏa thuận về mức giá tối thiểu của hàng hóa, dịch vụ; (vi) Thỏa thuận về xác định hoặc duy trì giá trong một khoảng nhất định; (vii) Thỏa thuận về việc phải thông tin, tham vấn lẫn nhau mỗi khi tăng hoặc giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ; (viii) Thỏa thuận về các mức giá của hàng hóa, dịch vụ để đàm phán ký kết hợp đồng với một bên thứ ba bất kỳ.

Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách gián tiếp bao gồm nhưng không giới hạn ở những hành vi thỏa thuận sau đây: (i) Các hành vi thỏa thuận tại khoản 1 điều này đối với các hàng hóa, dịch vụ khác có liên quan; (ii) Thỏa thuận không chiết khấu, không khuyến mại, không cấp tín dụng hoặc không thực hiện các chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng hoặc các điều kiện thương mại có liên quan trực tiếp đến giá khác; (iii) Thỏa thuận giữa nhà cung cấp với các đại lý, nhà phân phối về giá bán lại tối thiểu hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng; (iv) Trao đổi thông tin về giá và các chương trình khuyến mại, giảm giá, chiết khấu.

 

3. Căn cứ để xác định hành vi ấn định giá.

Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ là việc các doanh nghiệp thống nhất chung một mức giá hoặc một cách thức tính giá chung cho hàng hóa, dịch vụ mà các doanh nghiệp này sẽ giao dịch với khách hàng. Cho dù thỏa thuận diễn ra dưới hình thức nào thì có thể nhận thấy những hành vi ấn định giá đều tồn tại những đặc điểm chung, chính những đặc điểm đó là căn cứ để xác định hành vi ấn định giá và hỗ trợ cho việc phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh trong thực tế.

Trong thực tế, hành vi thỏa thuận ấn định giá có thể diễn ra ở bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất và phân phối. Đó có thể là thỏa thuận về giá của hàng hóa thiết yếu, trung gian hay hàng hóa thành phẩm; cũng có thể là thỏa thuận về tăng giá, giảm giá, áp dụng thống nhất một mức giá với khách hàng; áp dụng công thức tính giá và những cách thức trao đổi thông tin về giá

Những thị trường với những đặc điểm dưới đây có nguy cơ cao về việc hình thành thỏa thuận ấn định giá:

Có rất ít doanh nghiệp, hoặc chỉ vài doanh nghiệp quan trọng, tức là những doanh nghiệp lớn này nắm giữ phần lớn thị phần;

 Các doanh nghiệp tương tự nhau về cơ cấu giá cả, quy trình sản xuất, mức độ sản xuất;

 Sản phẩm chỉ mang tính thuần nhất, tức là các sản phẩm không có sự khác biệt nhiều;

 Sản phẩm không có sản phẩm khác thay thế;

 Nhu cầu của người tiêu dùng không thể giảm một cách đáng kể;

 Có nhiều thông tin về giao dịch bán hoặc thu mua, điều này giúp các thành viên trong thỏa thuận ấn định giá sẽ giám sát được lẫn nhau. Những thỏa thuận ấn định giá có thể biểu hiện dưới những hình thức sau:

– Thỏa thuận tăng giá;

– Thỏa thuận về một công thức chuẩn dùng để tính giá;

– Thỏa thuận về việc duy trì một tỷ lệ cố định về giá cả của những sản phẩm cạnh tranh giống nhau nhưng không đồng nhất;

– Thỏa thuận để loại trừ việc chiết khấu giá hoặc thiết lập mức chiết khấu đồng bộ;

– Thỏa thuận về những điều khoản tín dụng dành cho khách hàng;

– Thỏa thuận đưa ra thị trường những sản phẩm được chào bán ở mức giá thấp nhằm hạn chế nguồn cung và giữ giá cao;

– Thỏa thuận về việc không giảm giá nếu không thông báo cho các

– thành viên khác của cartel;

– Thỏa thuận về việc tuân theo mức giá đã được công bố;

– Thỏa thuận không bán, trừ khi các điều khoản về giá cả được thỏa thuận và đáp ứng;

– Thỏa thuận sử dụng mức giá đồng bộ tại thời điểm khởi đầu của cuộc đàm phán

Dựa trên nội dung của thỏa thuận có thể phân chia thỏa thuận thành hai nhóm với những đặc điểm riêng: Thứ nhất, gồm các thỏa thuận trực tiếp giá mua gồm việc các doanh nghiệp thỏa thuận áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng (tăng giá hoặc giảm giá; áp dụng công thức chung). Đặc điểm của nhóm thỏa thuận này là việc các doanh nghiệp đã tạo ra mặt bằng chung về giá bán hoặc mua hàng hóa trên thị trường. Như vậy, mức giá đó được hình thành dựa trên thỏa thuận của các doanh 17 nghiệp mà không liên quan gì đến quy luật tự nhiên của thị trường. Thứ hai, các loại thỏa thuận tác động gián tiếp đến giá mua, bán hàng hóa 

dịch vụ (bao gồm việc các doanh nghiệp cùng thỏa thuận duy trì tỉ lệ cố định về giá của sản phẩm cạnh tranh giống nhau nhưng không đồng nhất, duy trì tỉ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan, loại trừ trường hợp chiết khấu giá hay mức chiết khấu không đồng bộ, không được giảm giá khi không thông báo cho các thành viên khác). Về bản chất, các dạng thỏa thuận này không trực tiếp tạo ra mặt bằng chung về giá, nhưng lại khuyến khích doanh nghiệp tham gia định giá dựa trên những tiêu chuẩn có sẵn trong thỏa thuận mà không phải định giá một cách độc lập và tự do theo điều kiện riêng của từng doanh nghiệp.Như vậy có thể thấy rằng dù mức giá về hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp đưa ra tuy không giống nhau nhưng đều là kết quả của những thỏa thuận chung mà không phải hình thành từ những quy luật của thị trường.

 

4. Hậu quả pháp lý của hành vi ấn định giá.

Theo quy định tại Điều 111, Luật Cạnh tranh 2018 mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh quy định phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận đối với hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận đối với hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

 

5. Chế tài đối với các trường hợp vi phạm quy định về cạnh tranh.

Doanh nghiệp vi phạm các quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, vi phạm quy định về tập trung kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm các quy định về cạnh tranh khác có thể phải gánh chịu những chế tài sau:

Thứ nhất, chế tài hành chính – là các biện pháp, hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh được quy định chi tiết tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh

Thứ hai, chế tài hính sự – áp dụng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Chế tài hình sự áp dụng đối với tội vi phạm quy định về cạnh tranh quy định tại Điều 217 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Thứ ba, chế tài dân sự – như bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, buộc xin lỗi hoặc cải chính công khai,… Việc áp dụng chế tài dân sự có thể cùng lúc với chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.

Luật LVN Group (tổng hợp)