1.Khái niệm hình thức pháp luật 

Hình thức pháp luật là những dạng tồn tại thực tế của pháp luật trong các kiểu nhà nước. Hình thức pháp luật cũng là một phương thức phản ánh ý chí của giai cấp cầm quyền ra bên ngoài thông qua việc hợp pháp hoá trong các hoạt động làm luật và ban hành luật của các nhà nước. Hình thức pháp luật là những cách thức mà giai cấp thống trị đã sử dụng để thể hiện ý chí của giai cấp mình thành những thể chế bắt buộc trong xã hội. Lợi dụng địa vị thống trị của mình, giai cấp thống trị đã hợp pháp hoá ý chí của mình thành ý chí nhà nước thông qua các hoạt động lập pháp.

2. Các hình thức pháp luật 

Hình thức của pháp luật có hai loại là: hình thức bên trong, và hình thức bên ngoài của pháp luật.

– Hình thức bên trong của pháp luật Hình thức bên trong của pháp luật chứa đựng các yếu tố nội tại kết cấu nên toàn bộ nội dung của hệ thống pháp luật. Nói cách khác, hình thức bên trong của pháp luật chính là hình thức cấu trúc của hệ thống pháp luật. Hình thức cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật của một nhà nước bao gồm các thành phần là các ngành luật độc lập, trong mỗi ngành luật lại được cấu tạo bởi nhiều chế định pháp luật có tính độc lập tương đối, và trong mỗi chế định pháp luật được cấu trúc từ nhiều quy phạm pháp luật. Ngành luật là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội có cùng tính chất hoặc thuộc về một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội (được gọi là đối tượng điều chỉnh) với những phương pháp điều chỉnh đặc trưng. Một ngành luật có sự khác nhau cơ bản ở đối tượng điều chỉnh, còn phương pháp điều chỉnh trong một số trường hợp cũng là căn cứ phân biệt ngành luật.

Các ngành luật cơ bản ở nước ta hiện nay như: hiến pháp, hành chính, hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, lao động, kinh tế, đất đai, hôn nhân và gia đình, bảo vệ môi trường, v.v. . . Chế định pháp luật là một nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội cùng loại, có mối liên hệ bền vững, có nội dung và tính chất đồng nhất nhưng vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của một ngành luật nhất định. Chẳng hạn trong ngành luật hôn nhân và gia đình có các chế định như: kết hôn, ly hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng … Quy phạm pháp luật là bộ phận cấu thành nhỏ nhất, là tế bào cấu tạo nên các chế định pháp luật, các ngành luật, và toàn bộ hệ thống pháp luật. Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung đối với mọi chủ thể do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận.

– Hình thức bên ngoài của pháp luật

Nguồn của pháp luật tức là những hình thức bên ngoài của pháp luật làm căn cứ dẫn chiếu để giải quyết các sự kiện pháp lý nảy sinh trong cộng đồng dân cư, trong hoạt động kinh doanh thương mại, nội bộ quốc gia hoặc với các nước khác. Về nguồn cơ bản thì có 3 loại là:

– Tập quán pháp (luật tục);

– Tiền lệ pháp (án lệ);

– Văn bản quy phạm pháp luật.

* Tập quán pháp (luật tục): Tập quán pháp là một hình thức pháp luật không thành văn, xuất hiện rất sớm trong xã hội, được sử dụng phổ biến trong các nhà nước chủ nô và phong kiến. Hình thức tập quán pháp được sử dụng để nhà nước phê chuẩn hoặc thừa nhận một số tập quán đã lưu truyền lâu đời trong xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền, đã được xác lập thành nguồn pháp luật của nhà nước. Do đặc tính của tập quán nói chung đều hình thành một cách tự phát, cục bộ và chậm biến đổi so với tình hình thực tế, do đó về nguyên tắc tập quán pháp không thể là hình thức cơ bản của nhà nước pháp quyền. Theo tinh thần Điều 14 Bộ luật Dân sự Việt Nam thì trong tình hình hiện nay, việc xử lý các quan hệ dân sự vẫn có thể được vận dụng các tập quán có nội dung tiến bộ, trong trường hợp chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

* Tiền lệ pháp (án lệ):

Tiền lệ pháp là hình thức nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc xét xử được coi là mẫu mực khi giải quyết các sự kiện pháp lý cụ thể, lấy đó làm cơ sở để áp dụng đối với các trường hợp tương tự. Án lệ là hình thức pháp luật không phải do cơ quan lập pháp ban hành, mà do các cơ quan hành pháp hoặc xét xử xử lý vụ việc trên thực tế, do đó dễ tạo ra tình trạng tuỳ tiện, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế. Bởi vậy, hình thức án lệ trong nhà nước pháp quyền không thể coi là hình thức cơ bản của pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng tiền lệ pháp được thực hiện theo phương pháp cải tiến, tức là hàng năm các cơ quan hành pháp, xét xử tổng kết việc xử lý các vụ việc, các loại án cụ thể, điển hình từ đó đề ra đường lối chung hướng dẫn các cơ quan hành chính, xét xử ở địa phương giải quyết các vụ việc tương tự, trong trường hợp chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

* Văn bản quy phạm pháp luật:

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có đầy đủ các yếu tố sau đây: – Là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đúng với hình thức, tên loại theo luật định; – Được ban hành theo đúng thủ tục, trình tự do pháp luật quy định; – Có chứa đựng các quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần, đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng, có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc hoặc từng địa phương; Quy tắc xử sự chung là những chuẩn mực mà mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo khi tham gia quan hệ xã hội được quy tắc đó điều chỉnh; – Được Nhà nước đảm bảo thi hành bằng các biện pháp như tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, các biện pháp về tổ chức, hành chính, kinh tế, trong trường hợp cần thiết thi Nhà nước áp dụng biện pháp cưỡng chế bắt buộc thi hành và quy định chế tài đối với người có hành vi vi phạm. Lưu ý: Những văn bản cũng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mà không có đầy đủ các yếu tố nói trên để giải quyết những vụ việc cụ thể đối với những đối tượng cụ thể, thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản cá biệt như: quyết định lên lương, khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định phê duyệt dự án v.v….

3. Hiệu lực về thời gian của văn bản quy phạm pháp luật 

Hiệu lực theo thời gian chính là việc xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản, và thời điểm hết hiệu lực của văn bản đó.

1) Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cấp trung ương: Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng ngay trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là Công báo) chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Trong thời hạn chậm nhất là hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo. Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản. Văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc.

2) Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được quy định như sau các cấp: – Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực sau mười ngày và phải được đăng trên báo cấp tỉnh chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký ban hành, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn. – Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực sau bảy ngày và phải được niêm yết chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký ban hành, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn. – Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã có hiệu lực sau năm ngày và phải được niêm yết chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký ban hành, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn. Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân quy định các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, dịch bệnh, an ninh, trật tự thì có thể quy định ngày có hiệu lực sớm hơn. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật:

1. Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước.

2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây: a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

3- Không quy định hiệu lực trở về trước đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Những trường hợp ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật:

1. Văn bản quy phạm pháp luật bị đình chỉ việc thi hành thì ngưng hiệu lực cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định huỷ bỏ thì văn bản hết hiệu lực, nếu không huỷ bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực

2. Thời điểm ngưng hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực của văn bản hoặc hết hiệu lực của văn bản phải được quy định rõ tại quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực: Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây

1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;

2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;

3. Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4.Hiệu lực về không gian (lãnh thổ) và đối tượng áp dụng

Đối với văn bản của cấp trung ương ban hành: Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp văn bản có quy định khác hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Đối với văn bản của HĐND và UBND các cấp ban hành: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân của đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có hiệu lực trong phạm vi nhất định của địa phương thì phải được xác định ngay trong văn bản đó. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có hiệu lực áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật đó điều chỉnh. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính 1. Trong trường hợp một đơn vị hành chính được chia thành các đơn vị hành chính mới thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân của đơn vị hành chính được chia có hiệu lực đối với các đơn vị hành chính mới cho đến khi Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế. 2. Trong trường hợp nhiều đơn vị hành chính được sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân của đơn vị hành chính được sáp nhập có hiệu lực đối với đơn vị hành chính đó cho đến khi Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế. 3. Trong trường hợp một phần địa phận và dân cư của đơn vị hành chính này được sáp nhập về một đơn vị hành chính khác thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân của đơn vị hành chính được mở rộng có hiệu lực đối với phần địa phận và bộ phận dân cư được sáp nhập.

5. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. 2. Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 3. Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật. 4. Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật. 5. Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Luật LVN Group( sư tàm và biên tập)