NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Nguồn chứng cứ và chứng cứ:

Trong lịch sử luật tố tụng hình sự Việt Nam, nguồn chứng cứ lần đầu tiên được đề cập trong Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự được ban hành kèm theo Thông tư số 16/TATC ngày 27 tháng 09 năm 1974 của Tòa án nhân dân tối cao: “Nguồn chứng cứ bao gồm: dấu vết, đồ vật, tài liệu có thể chứng minh việc phạm pháp; lời khai của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có trách nhiệm bồi thường, người có tài sản, quyền lợi có liên quan đến việc phạm pháp, nhân chứng; lời kết luận của giám định viên, những tài liệu của cơ quan, đoàn thể cung cấp về nhân thân bị cáo”.

Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, cũng như trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, mặc dù chưa chính thức ghi nhận định nghĩa pháp lý của khái niệm nguồn chứng cứ nhưng cũng đã phân biệt chứng cứ và nguồn chứng cứ.

Đến Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định cụ thể về nguồn chứng cứ được thể hiện dưới dạng liệt kê tại Điều 87 như sau: ” 1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: a) Vật chứng; b) Lời khai, lời trình bày; c) Dữ liệu điện tửd) Kết luận giám định, định giá tài sản; đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; g) Các tài liệu, đồ vật khác.” Những tài liệu, đồ vật không được liệt kê ở Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đều không phải là nguồn chứng cứ.

Có thể hiểu chung rằng nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trong khoa học luật tố tụng hình sự, nguồn chứng cứ thường được gọi bằng thuật ngữ khác là phương tiện chứng minh.

Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Chứng cứ trong luật tố tụng hình sự được sử dụng làm phương tiện duy nhất để chứng minh tội phạm, làm rõ các tình tiết của vụ án. Cho nên, chứng cứ được sử dụng trong vụ án hình sự phải bảo đảm đầy đủ ba thuộc tính quan trọng sau, đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Như vậy, bản chất của chứng cứ chính là thông tin xác thực về sự kiện thực tế có liên quan đến vụ án. Những thông tin ở đây phải là những thông tin chính xác, phản ánh đúng đắn về các sự kiện thực tế đã xảy ra. Nếu thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan và không phản ánh về các vụ việc trong vụ án thì không được coi là chứng cứ. Tóm lại, đã có sự phân biệt rõ ràng giữa chứng cứ và nguồn chứng cứ: Chứng cứ là thông tin còn nguồn chứng cứ là vật mang thông tin. Bất kỳ chứng cứ nào cũng được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định để đảm bảo cho chứng cứ đúng đắn, khách quan.

2. Các loại nguồn chứng cứ:

2.1 Nguồn chứng cứ là vật chứng:

Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Vật chứng làm công cụ, phương tiện phạm tội. Cần phân biệt công cụ phạm tội với phương tiện phạm tội. Công cụ phạm tội là những vật mà kẻ phạm tội sử dụng để tác động trực tiếp vào đối tượng tác động của tội phạm; phương tiện phạm tội là những vật tuy không được kẻ phạm tội trực tiếp tác động vào đối tượng tác động của tội phạm, nhưng được sử dụng vào quá trình thực hiện tội phạm.

Một vật có thể là phương tiện phạm tội trong một vụ án này nhưng có thể được coi là công cụ phạm tội trong một vụ án khác như con dao mà kẻ phạm tội đã sử dụng để đâm vào người khác để thực hiện giết người được coi là công cụ phạm tội trong vụ án giết người nhưng nó có thể được coi là phương tiện phạm tội trong vụ trộm cắp tài sản mà kẻ phạm tội dùng con dao đó để mở khóa nhà để thực hiện trộm cắp tài sản trong vụ án trộm cắp tài sản.

Vật chứng mang dấu vết tội phạm. Đây không phải là công cụ hay phương tiện phạm tội mà nó chỉ là những vật mang dấu vết trong quá trình xảy ra tội phạm, như quần áo dính máu, chiếc cốc có dấu vân tay,…Dấu vết ở đây có rất nhiều loại khác nhau, có thể là dấu vết sinh học, hóa học, dấu vân tay, dấu vết chân, giày, dép, tóc,…

Vật chứng cũng có thể là đối tượng của tội phạm. Đó là những vật mà tội phạm nhắm đến trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ như tài sản, các công trình phương tiện quan trọng, những tài liệu có chứa bí mật quốc gia, bí mật quân sự,…

Vật chứng còn là tiền bạc và vật khác không thuộc các loại trên có giá trị chứng minh tội phạm. Tiền bạc cũng là tài sản cũng có thể là đối tượng của tội phạm. Vậy trong trường hợp nào thì tiền bạc được xếp vào nhóm tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh? Tiền bạc được xếp vào nhóm này khi mà thông qua hành vi phạm tội mà có tiền rồi để mua sắm các đồ dùng khác. Ví dụ: A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là một chiếc xe máy. A đem chiếc xe máy đó đi bán được 10 triệu. Số tiền đó A lấy đi mua 1 chiếc điện thoại 5 triệu. Trong trường hợp này, chiếc điện thoại và số tiền 10 triệu đó được gọi là tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm.

Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng, nó ghi nhận chính xác những sự kiện thực tế của vụ án nên giá trị chứng minh của nó trong vụ án hình sự có thể là rất cao và trong nhiều trường hợp, không có gì có thể thay thế được chúng. Với đặc tính là vật duy nhất, vật chứng tồn tại một cách khách quan, nó lưu giữ các hình ảnh xảy ra trong hiện thực bởi vậy, nó không thể thay thế được bằng bất cứ vật thể nào khác. Nói một cách khác, vật chứng là chứng cứ mang tính vật chất, nó tồn tại độc lập, khách quan và không bị chi phối bởi ý thức chủ quan của con người.

Vật chứng mang dấu vết tội phạm có vai trò giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được hướng điều tra để giải quyết nhanh chóng vụ án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự tồn tại của vật chứng chỉ mang tính chất tương đối, chỉ ở một mức độ, một thời hạn nhất định. Do đó, trong quá trình thu thập, bảo quản vật chứng, các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo nguyên vẹn, không để mất mát, hư hỏng hay lẫn lộn vật chứng. “Biên bản thu thập vật chứng phải ghi nhận và mô tả tỷ mỷ đặc điểm của vật đó như: mà sắc, khối lượng, trọng lượng hình dáng, những dấu vết tội phạm để lại ở vật chứng, nơi tìm thấy vật chứng hoặc người cung cấp”. Và đây có thể được coi là đặc điểm thứ ba của vật chứng, đó là nó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu thập theo trình tự mà pháp luật tố tụng hình sự quy định, đồng thời người có trách nhiệm bảo quản phải thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng quy định, nếu vi phạm tuỳ mức độ sẽ bị xử lý.

2.2 Nguồn chứng cứ là lời khai:

Nguồn chứng cứ là lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo:

Có thể hiểu một cách chung nhất, lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là lời trình bày của những người này về những tình tiết của vụ án hình sự mà họ biết. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể tại các điều: Lời khai của người làm chứng (Điều 91); lời khai của người bị hại (Điều 92); lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (Điều 93); lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 94); lời khai của bị can, bị cáo (Điều 98).

Dạng nguồn chứng cứ này có sự khác biệt so với vật chứng. Theo đó, nếu vật chứng là một vật cụ thể được xác định, mang tính vật chất và nó phản ánh khách quan về vụ án, do đó không thể có một vật nào khác thay thế cho nó. Trong khi đó, lời khai của các đối tượng trên lại được hình thành từ tư duy, ý thức của con người. Ví dụ: Khi một người biết những tình tiết của vụ án và được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến với tư cách là người làm chứng, thì họ nhận thức, tri giác về nó và trên cơ sở đó, lời khai của người này là sự diễn tả lại, tạo dựng lại diễn biến vụ án thông qua lăng kính chủ quan của họ. Chính vì vậy, tính khách quan của lời khai không được đảm bảo như vật chứng, đặc biệt là trong trường hợp người khai báo lại có mối liên quan ít hay nhiều đến vụ án. Tùy từng đối tượng tham gia với tư cách nào trong vụ án như: bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… và mối quan hệ của họ với nhau mà mỗi lời khai lại có những ảnh hưởng của đặc điểm tâm lý khác nhau. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, chẳng hạn bị cáo bao giờ có tâm lý không muốn bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện; người bị hại có tâm lý muốn trả thù; nguyên đơn dân sự lại mong được bồi thường thiệt hại nhiều; bị đơn dân sự lại không muốn phải bồi thiệt thiệt hại hoặc bồi thường ít; người làm chứng không thích bị phiền hà, liên lụy và họ sợ bị trả thù…

Đối với lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, pháp luật quy định không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do họ trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được những tình tiết đó. Nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được những tình tiết đó thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không có căn cứ để tin những điều họ trình bày là đúng sự thật hay không, hay chỉ là những lời mà người này muốn nói theo ý chí chủ quan của mình nhằm mục đích gỡ tội hoặc buộc tội một chủ thể nào đó khi tham gia tố tụng. Do đó, pháp luật không cho phép dùng làm chứng cứ những tình tiết do họ trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được những tình tiết đó là hoàn toàn hợp lý cả về mặt lý thuyết và thực tiễn.

Người bị bắt, bị tạm giữ trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.

Đối với bị can, bị cáo, pháp luật quy định lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, và không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Để lưu lại lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau. Có thể là bản tự khai của họ, có thể là băng ghi âm, ghi hình lời khai của họ, nhưng phổ biến nhất vẫn là biên bản (bao gồm biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung hay biên bản đối chất, nhận dạng,…). Những biên bản này phải được lập thành văn bản theo mẫu quy định và theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.

2.3 Nguồn chứng cứ là kết luận giám định:

Theo Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định kết luận giám định. Theo đó, kết luận giám định là đánh giá cụ thể bằng văn bản của người có trình độ chuyên môn về vấn đề khoa học, kỹ thuật tương ứng liên quan đến vụ án hình sự được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu. Việc giám định có thể do một người hoặc một nhóm người tiến hành. Nếu do một nhóm người tiến hành thì kết luận giám định là văn bản kết luận chung; nhưng nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi ý kiến kết luận riêng vào văn bản kết luận chung. Phạm vi giám định được giới hạn trong quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải giám định: Điều 206, điểm b khoản 1 Điều 90 và những trường hợp giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng thấy cần thiết.

Tuy nhiên, không phải tất cả các kết luận giám định đều là loại nguồn phát sinh từ nguồn khác trong tố tụng hình sự. Có rất nhiều loại dấu vết mà cơ quan có thể thu thập được trong quá trình khám nghiệm hiện trường cần phải được giám định. Chẳng hạn như các chuyên gia khám nghiệm hiện trường phát hiện thấy dấu vân tay, vết máu… trên cửa kính thì không thể mang cả tấm kính về cơ quan điều tra để coi nó là vật chứng được. Do đó, các chuyên gia phải dùng các phương tiện kỹ thuật để ghi nhận và giám định vết máu, vết vân tay đó, có nghĩa là những thông tin có thật và có liên quan đến vụ án về vết máu, vết vân tay đó chỉ có trong các kết luận giám định mà thôi, không có ở một loại nguồn nào khác. Những ghi nhận về các vết này ở trong biên bản khám nghiệm hiện trường cũng chỉ là ghi nhận sự có mặt, hay vẻ bề ngoài của những dấu vết này.

2.4 Nguồn chứng cứ là biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác:

Các hoạt động tố tụng trong điều tra và xét xử vụ án hình sự như bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, tiến hành phiên tòa và các hoạt động tố tụng khác như thu giữ tài liệu, điện tín, điện báo, xem xét dấu vết trên thân thể,…thực hiện theo quy định của pháp luật đều phải lập thành văn bản. Những tình tiết được ghi trong các biên bản đó có thể được coi là chứng cứ.

Theo Điều 102 và Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự thì chứng cứ có thể là những tình tiết được ghi trong các biên bản bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, biên bản phiên tòa và biên bản về các hoạt động tố tụng khác tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc những tình tiết có liên quan đến vụ án dược ghi trong các tài liệu cũng như đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ.

Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử là những biên bản ghi nhận quá trình hoạt động điều tra và xét xử vụ án, biên bản đó là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng và không thể thiếu ở bất kỳ vụ án nào, nhưng đòi hỏi những biên bản đó phải được lập theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu vi phạm quy định về việc lập biên bản thì các tình tiết được phản ánh trong đó không thể coi là chứng cứ.

Các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án là những văn bản pháp lý, vật chứa đựng những thông tin về những tình tiết có liên quan đến vụ án hình sự do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng. Các tài liệu có thể là sổ sách, hóa đơn, chứng từ, những số liệu, báo cáo có liên quan đến vụ án hình sự,… Các đồ vật khác có thể là các vật mẫu cùng loại với công cụ, phương tiện phạm tội, đối tượng tác động của tội phạm, những đồ vật mà người phạm tội, những đồ vật mà người phạm tội sử dụng trong công tác có liên quan đến vụ án,… Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi nhận trong các tài liệu, cũng như các đồ vật này có thể được coi là chứng cứ.

Những tình tiết có liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp được quy định tại khoản 3 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, có thể được công nhận là chứng cứ, nếu thỏa mãn ba thuộc tính của chứng cứ được quy định tại Điều 86 Bộ luật này.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group