1.Khái niệm nguồn của luật hình sự Việt Nam 

Để diễn tả, ghi nhận các quan hệ pháp luật hình sự về cơ sở của trách nhiệm hình sự và việc áp dụng trách nhiệm hình sự, Luật hình sự có những hình thức biểu hiện nhất định. Có thể có hình thức bên ngoài hoặc hình thức nội tại. Những hình thức biểu hiện bên ngoài là tất cả những gì có thể làm cơ sở để biểu hiện được nội dung các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, một văn bản pháp luật nào đó có chứa đựng quy định của pháp luật liên quan đến pháp luật hình sự. Những hình thức biểu hiện nội tại là các quy phạm pháp luật hình sự. Chẳng hạn, chế định phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự; chế định đồng phạm được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự…v.v… Có hai cách hiểu về nguồn của Luật hình sự Việt Nam. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, nguồn của Luật hình sự Việt Nam được hiểu là tất cả những căn cứ có giá trị áp dụng trực tiếp đối với tất cả các phạm vi của việc thiết kế và thực hiện chính sách hình sự, cho việc lập pháp hình sự, cho việc áp dụng pháp luật hình sự của các cơ quan tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng hình sự, cho việc xây dựng và củng cố ý thức pháp luật của mọi công dân. Theo nghĩa này, nguồn của Luật hình sự Việt Nam rất rộng bao gồm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, Hiến pháp, các đạo luật và các văn bản dưới luật có liên quan đến pháp luật hình sự; các văn bản của các cơ quan tư pháp hình sự, như các văn bản hướng dẫn, đánh giá, tổng kết…; các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự mà Việt Nam có tham gia hoặc ký kết. Tuy nhiên, đa số các tài liệu nghiên cứu hiện nay cũng như các giáo trình Luật hình sự đều hiểu nguồn của Luật hình sự Việt Nam theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa này, nguồn của Luật hình sự chỉ bao gồm những căn cứ trực tiếp tạo cơ sở cho việc xác định tội phạm và áp dụng hình phạt. Như vậy, nguồn của Luật hình sự Việt Nam chỉ có thể là các đạo luật hình sự. Nếu trong giai đoạn hiện nay, đạo luật hình sự cũng chính là Bộ luật hình sự. Vì vậy, trong phạm vi của bài này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan đến đạo luật hình sự nói chung và Bộ luật hình sự nói riêng, với tư cách là nguồn theo nghĩa hẹp của Luật hình sự Việt Nam.

2. Khái niệm đạo luật hình sự Việt Nam 

Đạo luật hình sự là một khái niệm chung dùng để chỉ một bộ luật hoàn chỉnh hoặc một văn bản pháp quy đơn hành (Pháp lệnh, Sắc luật, Sắc lệnh, Luật sửa đổi, bổ sung…) quy định về một vấn đề cụ thể liên quan đến tội phạm và hình phạt. Như vậy, đạo luật hình sự là một văn bản pháp luật hình sự (luật thành văn). Đạo luật hình sự là văn bản pháp quy đơn hành có thể có mức độ điều chỉnh cao hoặc thấp khác nhau, quy định một nhóm tội phạm nhất định và hình phạt kèm theo các tội phạm đó. Đạo luật hình sự loại này ở nước ta chỉ tồn tại trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành. Ở nhiều quốc gia khác, loại này hiện nay vẫn còn tồn tại và tỏ ra có hiệu quả khi xác định được tính đặc thù của từng nhóm tội phạm trong từng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và mức chế tài tương ứng kèm theo. Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng có ý kiến rằng Luật hình sự Việt Nam nên thừa nhận quan điểm này nhưng cơ quan lập pháp vẫn chưa đồng ý vì e ngại sự tuỳ tiện, không đảm bảo nguyên tắc pháp chế. Đạo luật hình sự là bộ luật hoàn chỉnh chính là Bộ luật hình sự, là hình thức pháp điển hoá cao nhất của pháp luật hình sự, chứa đựng hầu hết các quy định về những nội dung có liên quan đến tội phạm và hình phạt. Cho đến nay, giới nghiên cứu Luật hình sự Việt Nam vẫn chưa thống nhất về khái niệm đạo luật hình sự. Tuy nhiên, dù cách này hay cách khác, đạo luật hình sự có thể được hiểu thống nhất và đầy đủ với các đặc điểm vốn có của nó là văn bản quy phạm pháp luật hình sự, do cơ quan lập pháp ban hành theo trình tự luật định, xác định những hành vi nguy hiểm nào là tội phạm, xác định cơ sở và điều kiện của trách nhiệm hình sự, xác định hệ thống hình phạt, các biện pháp tác động hình sự, các chế định pháp lý hình sự khác cũng như những điều kiện, các căn cứ quyết định hình phạt và các biện pháp tha miễn trách nhiệm hình sự và hình phạt. Dựa trên khái niệm này, chúng ta cần phân biệt một đạo luật hình sự với các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự (Thông tư, Nghị quyết…): – Về nội dung: các đạo luật hình sự đều quy định về tội phạm và hình phạt. Các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực hình sự chỉ giải thích một số điều khoản của đạo luật hình sự đó. – Về hình thức: đạo luật hình sự có kết cấu chuẩn mực, chặt chẽ hơn so với các văn bản hướng dẫn. – Về thẩm quyền ban hành: đạo luật hình sự do cơ quan lập pháp (ở nước ta là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước (Quốc hội) ban hành. Đạo luật hình sự bắt buộc phải có hai phần: phần điều khoản cơ bản và phần những điều luật cụ thể kèm theo chế tài. Các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự có thể do Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…ban hành. – Giá trị pháp lý: đạo luật hình sự có tính bắt buộc đối với các hành vi của toàn bộ các cơ quan, tổ chức và các cá nhân và có tính ổn định lâu dài. Văn bản hướng dẫn chỉ có giá trị bắt buộc đối với từng ngành, trong từng giai đoạn lịch sử nhất định và thường xuyên thay đổi. Đạo luật hình sự là một phạm trù lịch sử, thay đổi theo sự phát triển của các điều kiện kinh tế, xã hội nhất định. Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, do yêu cầu kháng chiến, kiến quốc, Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật hình sự quy định về tội phạm và hình phạt để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết đó. Đến năm 1985, Quốc hội ban hành Bộ luật hình sự 1985 và do sự thay đổi của điều kiện đất nước, Bộ luật này đã bốn lần được sửa đổi. Tuy nhiên, đến năm 1999, Bộ luật hình sự 1999 lại được ban hành, thay thế Bộ luật hình sự 1985 cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới của đất nước.

3. Cấu trúc vĩ mô 

Bộ luật hình sự được chia làm hai phần: phần chung và phần các tội phạm. Phần chung là phần quy định về nhiệm vụ của Luật hình sự, cơ sở của trách nhiệm hình sự, về tội phạm, hình phạt và các chế định liên quan đến việc xác định tội phạm và áp dụng hình phạt… Phần các tội phạm là phần quy định về các loại tội phạm và các tội phạm cụ thể cũng như loại và mức hình phạt áp dụng đối với các tội phạm này… Phần chung và phần các tội phạm trong Bộ luật hình sự liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự. Chúng đều là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ án hình sự. Cả hai phần nói trên của Bộ luật hình sự đều được chia thành các chương. Tuỳ theo nội dung và tính chất của từng vấn đề được quy định, một số chương có thể chia thành mục và gồm nhiều điều luật. Nhìn chung, cấu trúc của Bộ luật hình sự khá hoàn chỉnh, nó cho phép nhà làm luật thực hiện đầy đủ các ý đồ, nội dung cần thiết của một đạo luật. Mặt khác, nó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác áp dụng pháp luật hình sự.

4. Cấu trúc vi mô 

Cấu trúc vi mô của Bộ luật hình sự là cấu trúc của một quy phạm pháp luật hình sự. Chúng ta cần phân biệt quy phạm pháp luật với một điều luật. Quy phạm pháp luật là đơn vị hoàn chỉnh nhỏ nhất của một đạo luật, nó có thể tách ra khỏi điều luật. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng cách áp dụng chế tài đối với người vi phạm. Theo đó, quy phạm pháp luật hình sự là quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng cách áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Chúng ta đều biết, mỗi quy phạm pháp luật gồm ba phần: phần giả định, phần quy định và phần chế tài. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, quy phạm pháp luật có thể thiếu phần này hoặc phần khác. Quy phạm pháp luật hình sự cũng tương tự như vậy. Trong Bộ luật hình sự, chúng ta có thể chia ra thành hai loại quy phạm pháp luật hình sự: * Quy phạm pháp luật hình sự phần chung mang tính chỉ dẫn (cho phép hoặc bắt buộc). Cấu trúc quy phạm pháp luật phần chung có hai bộ phận là giả định và quy định, không có phần chế tài. Tuy nhiên không phải tất cả các quy phạm pháp luật đều chứa đựng hai bộ phận này. Chỉ những quy phạm mang tính chất nguyên tắc mới chứa đựng hai phần này. Phần quy định trong quy phạm phần chung thường nêu lên quy tắc xử lý, quyền hạn, nghĩa vụ của các cơ quan áp dụng pháp luật, cụ thể là các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm. Chẳng hạn, theo Điều 2 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trong quy định này, phần giả định là “người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định”, và phần quy định là “phải chịu trách nhiệm hình sự”. * Quy phạm pháp luật phần các tội phạm. Trong phần các tội phạm, quy phạm pháp luật có đầy đủ ba phần: giả định, quy định và chế tài. Quy phạm pháp luật phần các tội phạm quy định những chuẩn mực pháp lý cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Các chuẩn mực này gọi là cấu thành tội phạm. Nói về phần giả định có một số quan điểm cho rằng quy phạm pháp luật hình sự không có phần giả định hoặc phần giả định được coi là ẩn. Theo chúng tôi, quan điểm này chưa chính xác. Phần giả định trong quy phạm pháp luật hình sự phần các tội phạm được biểu hiện thông qua cụm từ “người nào…”, “công dân Việt nam nào…”, “người đã thành niên nào…”, “người có chức vụ quyền hạn nào…”…v.v… Ví dụ, “người nào vô ý làm chết người” là phần giả định của quy phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự 1999. Phần quy định là phần nêu lên các nguyên tắc xử sự bắt buộc đối với các chủ thể. Phần quy định trong phần các tội phạm là những quy định mang tính chất cấm chỉ. Sự cấm chỉ biểu hiện ở việc Nhà nước luôn đe doạ áp dụng hình phạt đối với bất kỳ một hành vi phạm tội nào. Có thể khẳng định phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự trong phần các tội phạm ẩn trong phần giả định. Chẳng hạn, quy định của quy phạm pháp luật tại Điều 98 có thể được tìm thấy ẩn chứa trong cụm từ “vô ý làm chết người”. Thông qua phần giả định, có thể phân thành 3 loại quy định trong phần các tội phạm như sau: – Quy định giản đơn: là loại quy định chỉ nêu tên tội danh, không cần có những mô tả chi tiết về dấu hiệu pháp lý của tội danh hoặc chỉ nêu những dấu hiệu chung nhất trong số các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Chúng ta thường bắt gặp loại quy định này ở những trường hợp mà hành vi phạm tội quá rõ ràng, dễ nhận biết. Ví dụ: Điều 93 quy định “Người nào giết người…”, Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Người nào trộm cắp tài sản…”…v.v… – Quy định mô tả: là loại quy định được áp dụng đối với những hành vi phạm tội có tính chất phức tạp, dễ bị nhầm lẫn với các hành vi khác. Quy định mô tả xác định trực tiếp trong luật các dấu hiệu đặc trưng của cấu thành tội phạm cụ thể. Ví dụ: Điều 133 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”. – Quy định viện dẫn: là loại quy định trong đó nhà làm luật chỉ nêu tên gọi tội phạm hoặc chỉ nêu điều kiện để áp dụng chế tài mặc dù đây cũng là các tội phạm có tính chất phức tạp. Để xác định dấu hiệu pháp lý của tội phạm đó cần xem xét các điều luật khác. Các điều luật này có thể nằm trong Bộ luật hình sự, một đạo luật hoặc một văn bản luật điều chỉnh trong lĩnh vực khác. Ví dụ: Điều 114 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Người nào cưỡng dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi…”. Hành vi cưỡng dâm trẻ em cũng thật sự phức tạp, khó nhận biết và cần thiết phải được mô tả rõ ràng về các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nhà các làm luật đã không làm như thế là bởi vì họ đã mô tả hành vi cưỡng dâm tại Điều 113 rồi là “Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc vào mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu…”. Vì vậy, muốn xác định cấu thành tội phạm của tội này chúng ta phải tra cứu Điều 113. 

5 .Các loại chế tài 

– Chế tài tương đối dứt khoát: nêu lên mức thấp nhất và mức cao nhất của một khung hình phạt (có trường hợp chỉ nêu mức cao nhất). Loại chế tài này ít gặp trong các quy định của phần riêng Bộ luật hình sự hiện hành vì nó không tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật hình sự trong việc phân hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt. Ví dụ, Điều 150 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Người nào giao cấu…thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. – Chế tài lựa chọn: là loại chế tài trong đó Nhà làm luật nêu nhiều loại hình phạt để Toà án lựa chọn. Loại chế tài này thường gặp trong các quy định của phần riêng Bộ luật hình sự. Chẳng hạn, Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Khi quy định chế tài lựa chọn, thẩm quyền và khả năng của Toà án được mở rộng, có điều kiện thực hiện nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt. – Chế tài dứt khoát: Luật hình sự Việt Nam hiện chưa có quy phạm pháp luật nào quy định chế tài dứt khoát. Chế tài này đã từng được quy định trong Luật Hồng Đức, Luật Gia Long, Luật hình sự của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Ví dụ, Điều 278 Bộ hình luật 1972 quy định: “Sẽ bị phạt khổ sai chung thân người nào làm giả ấn tín quốc gia hay dùng ấn tín giả ấy…”

Luật LVN Group( sưu tầm và biên tập)