Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015;
– Thông tư 30/2016/TT-BGTVT;
1. Kháng nghị hàng hải là gì?
Điều 118 Bộ luật hàng hải Việt Nam có quy định: Kháng nghị hàng hải là văn bản do thuyền trưởng lập, công bố hoàn cảnh tàu biển gặp phải và những biện pháp thuyền trưởng đã áp dụng để khắc phục hoàn cảnh đó, hạn chế tổn thất xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ tàu và những người có liên quan.
Khi tàu biển, người hoặc hàng hóa vận chuyển trên tàu bị tổn thất hoặc nghi ngờ có tổn thất do gặp tai nạn, sự cố thì thuyền trưởng phải lập kháng nghị hàng hải và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại Việt Nam là Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại nước ngoài là cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của quốc gia nơi tàu biển hoạt động.
Kháng nghị hàng hải được lập, xác nhận bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh; trường hợp kháng nghị hàng hải được lập bằng tiếng Anh thì theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải, thuyền trưởng phải trình kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt.
Quy định về kháng nghị hàng hải cũng được áp dụng đối với các loại tàu thuyền khác hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
2. Kháng nghị hàng hải có những nội dung gì?
Điều 3 Thông tư 30/2016/TT-BGTCT quy định kháng nghị hàng hải gồm một số nội dung chính sau:
– Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp của chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của thuyền trưởng.
– Thông tin về tàu thuyền gồm: tên tàu thuyền, cảng (nơi) đăng ký, số đăng ký, cảng đến (cảng rời, cảng trung chuyển), tổng dung tích, quốc tịch, số IMO (nếu có).
– Số lượng, chủng loại, đặc điểm đóng gói (rời/đóng bao) của hàng hóa trên tàu thuyền (nếu có).
– Thời gian, vị trí xảy ra tai nạn, sự cố.
– Điều kiện thời tiết khi xảy ra tai nạn, sự cố.
– Mô tả diễn biến về tai nạn, sự cố.
– Những tổn thất do tai nạn hoặc nghi ngờ có tổn thất do tai nạn, sự cố gây ra (nếu có).
– Những biện pháp đã áp dụng để khắc phục hoàn cảnh tai nạn, sự cố và hạn chế tổn thất do tai nạn, sự cố gây ra (nếu có).
– Những thông tin khác có liên quan đến tai nạn, sự cố (nếu có).
– Danh sách liệt kê các tài liệu kèm theo.
3. Giá trị pháp lý của kháng nghị hàng hải
Theo quy định của Điều 119 Bộ luật hàng hải Việt Nam:
– Kháng nghị hàng hải được xác nhận theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam có giá trị chứng cứ khi giải quyết tranh chấp có liên quan.
– Kháng nghị hàng hải đã được xác nhận không miễn trừ trách nhiệm của thuyền trưởng đối với sự kiện có liên quan.
4. Thời hạn trình kháng nghị hàng hải
– Nếu tai nạn, sự cố xảy ra trong khi tàu hành trình trên biển thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận chậm nhất 24 giờ kể từ khi tàu ghé vào cảng biển đầu tiên.
– Nếu tai nạn, sự cố xảy ra tại cảng biển Việt Nam thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận chậm nhất 24 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, sự cố đó.
– Nếu tai nạn, sự cố xảy ra có liên quan đến hàng hóa trong hầm hàng thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước khi mở nắp hầm hàng.
– Nếu không thể trình kháng nghị hàng hải theo thời hại đã nêu ở trên thì trong kháng nghị hàng hải phải ghi rõ lý do.
Trình kháng nghị hàng hải bổ sung: Thuyền trưởng có quyền lập kháng nghị hàng hải bổ sung nếu thấy cần thiết và trình cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
5. Trình tự, thủ tục xác nhận việc kháng nghị hàng hải
Cơ quan xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải:
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại Việt Nam là Cảng vụ hàng hải hoặc Đại diện Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải ở nước ngoài là cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của quốc gia nơi tàu thuyền hoạt động.
Hồ sơ xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải:
– Các giấy tờ phải nộp đối với tàu biển, tàu công vụ, giàn di động, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ và phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB:
+ Kháng nghị hàng hải (02 bản);
+ Bản trích sao các loại Nhật ký của tàu thuyền có liên quan đến vụ việc (01 bản);
+ Bản trích sao hải đồ liên quan đến vụ việc (trừ trường hợp tai nạn, sự cố xảy ra khi tàu thuyền đang neo đậu tại cảng biển) (01 bản).
– Các giấy tờ phải nộp đối với phương tiện thủy nội địa (trừ phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB), tàu cá:
+ Kháng nghị hàng hải (02 bản);
+ Bản trích sao các loại Nhật ký của tàu thuyền có liên quan đến vụ việc (01 bản, nếu có);
+ Bản sao Tự họa có mô tả sơ đồ vị trí xảy ra tai nạn, sự cố và đính kèm hình ảnh (01 bản, nếu có).
– Các giấy tờ phải xuất trình:
Đối với tàu biển, tàu công vụ, giàn di động, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ và phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB: các loại Nhật ký liên quan đến vụ việc (bản chính).
Lưu ý:
Các giấy tờ phải có chữ ký của thuyền trưởng và đóng dấu của tàu thuyền (nếu có); đối với bản kháng nghị hàng hải, ngoài chữ ký của thuyền trưởng và đóng dấu của tàu thuyền (nếu có con dấu) còn phải có chữ ký của máy trưởng, một sĩ quan hoặc một thủy thủ với tư cách là những người làm chứng.
Ngoài số lượng bản kháng nghị hàng hải được quy định trên, thuyền trưởng có thể yêu cầu xác nhận thêm các bản khác có cùng nội dung, nếu thấy cần thiết.
Trình tự thực hiện và xử lý hồ sơ xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải:
– Thuyền trưởng lập hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
– Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa phù hợp, chậm nhất 30 phút, kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thuyền trưởng hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
– Trong thời hạn không quá 01 giờ đối với Cảng vụ hàng hải hoặc Đại diện Cảng vụ hàng hải được Giám đốc Cảng vụ hàng hải ủy quyền theo quy định của pháp luật và 03 giờ đối với các cơ quan có thẩm quyền khác, kể từ khi đã nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.
– Cơ quan xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tiến hành lưu hồ sơ gồm 01 bản các giấy tờ có trong hồ sơ xác nhận kháng nghị hàng hải và gửi trả cho thuyền trưởng các bản kháng nghị hàng hải còn lại đã được xác nhận.
Nội dung xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải:
– Ngày, giờ nhận trình kháng nghị hàng hải.
– Xác nhận việc đã nhận trình kháng nghị hàng hải.
– Họ, tên, chức danh và chữ ký của người xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.
– Đóng dấu của cơ quan xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.
Phí xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải:
Cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải được thu phí xác nhận việc trình, kháng nghị hàng hải theo quy định của Bộ Tài chính.
6. Tìm kiếm và cứu nạn hàng hải
Điều 122 Bộ luật hàng hải có quy định:
Điều 122. Tìm kiếm và cứu nạn hàng hải
1. Tàu thuyền và thủy phi cơ khi gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp thì phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định.
2. Tàu thuyền và thủy phi cơ khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu khác gặp nạn trên biển, vùng nước cảng biển, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu và những người đang ở trên tàu của mình thì phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người gặp nạn, kể cả việc phải đi chệch khỏi hành trình đã định và phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan biết.
3. Cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải phải sẵn sàng tổ chức và phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn kịp thời đối với người gặp nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do mình phụ trách và được quyền huy động người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Theo Điều 107 Nghị định 58/2017/NĐ-CP:
Việc cứu người bị nạn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền và các phương tiện khác khi đang hoạt động ở trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Tàu thuyền khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu thuyền khác gặp nạn trên biển hoặc trong vùng nước cảng biển, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người và tàu thuyền của mình phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người gặp nạn, kể cả việc phải đi chệch hướng, chệch khỏi hành trình đã định và phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết. Tàu thuyền bị thiệt hại nhẹ hơn phải cứu trợ tàu thuyền bị thiệt hại nặng hơn cho dù lỗi gây ra tai nạn, sự cố không phải là của tàu thuyền mình.
Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, tàu thuyền và các phương tiện khác hiện có trong khu vực cảng biển để tìm kiếm, cứu nạn đối với người và phương tiện bị nạn; tất cả các đối tượng được huy động có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải. Đối với những tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải trên luồng hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực để kịp thời tiến hành cảnh giới, lắp đặt báo hiệu hàng hải và ra thông báo hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải phải sẵn sàng tổ chức và phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn kịp thời đối với người, phương tiện gặp nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do mình phụ trách và được quyền huy động người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển và trên các vùng biển, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.