1. Kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm

Điều 36 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định:

– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện các quy chế phân công trách nhiệm trong nội bộ doanh nghiệp; quy trình nghiên cứu phát triển sản phẩm, khai thác, thẩm định, bồi thường, tái bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài), quy trình môi giới bảo hiểm (đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và các quy trình nghiệp vụ khác theo quy định pháp luật.

– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải lập hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ bảo đảm doanh nghiệp, chi nhánh hoạt động an toàn và đúng pháp luật.

– Hoạt động kiểm soát nội bộ phải độc lập với các hoạt động điều hành, hoạt động kinh doanh; bộ phận kiểm toán nội bộ phải độc lập với bộ phận kiểm soát nội bộ và bảo đảm đánh giá, phát hiện kịp thời mọi rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả và mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, phản ánh kịp thời với cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp, chi nhánh để có biện pháp xử lý thích hợp.

– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật, các quy trình nghiệp vụ và quy định nội bộ; trực tiếp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh nhằm đánh giá chính xác kết quả hoạt động kinh doanh và thực trạng tài chính của doanh nghiệp.

– Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thực hiện kiểm toán nội bộ đối với các hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh.

– Kết quả kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ phải được lập thành văn bản và lưu giữ tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

2. Kiểm soát nội bộ

Điều 12 Thông tư 50/2017/TT-BTC quy định:

– Tùy theo quy mô, mức độ, phạm vi và đặc thù hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được chủ động quyết định thành lập phòng/bộ phận kiểm soát nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác kiểm soát nội bộ tại doanh nghiệp, chi nhánh.

– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP. Quy trình nghiệp vụ phải đảm bảo các yêu cầu sau để phục vụ công tác kiểm soát nội bộ:

+ Quy trình nghiệp vụ phải phân cấp, ủy quyền rõ ràng, minh bạch về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong việc triển khai từng hoạt động;

+ Quy trình nghiệp vụ phải xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện từng giao dịch.

– Quy trình kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) ban hành bằng văn bản. Việc xây dựng và triển khai quy trình kiểm soát nội bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Cho phép kiểm tra chéo giữa các cá nhân, các bộ phận cùng tham gia một quy trình nghiệp vụ;

+ Được thông báo đến tất cả người lao động của doanh nghiệp để người lao động nhận thức được tầm quan trọng và tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động kiểm soát nội bộ;

+ Trưởng các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ, các cá nhân có liên quan phải thường xuyên xem xét, đánh giá về tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; mọi khiếm khuyết của hệ thống này phải được báo cáo kịp thời với cấp quản lý trực tiếp; những khiếm khuyết lớn có thể gây tổn thất hoặc nguy cơ rủi ro phải được báo cáo ngay cho Tổng Giám đốc (Giám đốc), Chủ tịch Hội đồng quản trị (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Ban Kiểm soát;

+ Trưởng các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm báo cáo, đánh giá về kết quả kiểm soát nội bộ tại bộ phận do mình phụ trách hoặc trong phạm vi nhiệm vụ được giao; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với những tồn tại, bất cập (nếu có) gửi lãnh đạo cấp quản lý trực tiếp theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo cấp quản lý trực tiếp.

3. Kiểm toán nội bộ

Điều 13 Thông tư 50/2017/TT-BTC quy định:

– Căn cứ vào quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm chủ động tổ chức kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp, chi nhánh theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và quy định pháp luật về kiểm toán nội bộ.

– Nội dung, quy trình và các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy định pháp luật về kiểm toán nội bộ.

4. Kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm trên thế giới

Trên thế giới, kiểm toán nội bộ (KTNB) ra đời từ những thập kỷ 60 và phát triển rất mạnh mẽ vào những thập kỷ 80 của thế kỷ 20 trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Trong các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu trên thế giới không thể bỏ qua Prudential PLC và Manulife Financial Corporation. 

4.1. Tổ chức kiểm toán nội bộ tại Prudential PLC

Prudential PLC là tập đoàn tài chính bảo hiểm đa quốc gia hoạt động chính ở châu á, Mỹ và Anh. Hiện nay, Tập đoàn đã được niêm yết trên sàn chứng khoán London, Hongkong, Singapore và Newyork.

KTNB Tập đoàn Prudential PLC thành lập từ năm 2006 được gọi là KTNB Tập đoàn (Group-wide Internal Audit) được thành lập với mục tiêu là hỗ trợ Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành Tập đoàn, ủy ban kiểm toán (UBKT) và ủy ban rủi ro Tập đoàn trong việc bảo vệ tài sản, uy tín và tính bền vững của tổ chức thông qua đánh giá và báo cáo về hiệu quả tổng thể của các quy trình quản lý, kiểm soát và quản trị rủi ro trong toàn Tập đoàn; và giúp nhà quản lý cải thiện hiệu quả của các quy trình đó. Hoạt động của KTNB Tập đoàn luôn đảm bảo duy trì tính độc lập và khách quan trong quá trình kiểm toán, không bị hạn chế trong phạm vi dưới bất kỳ hình thức nào, được UBKT trao quyền kiểm toán tất cả các bộ phận của Tập đoàn Prudential và sẽ có quyền truy cập đầy đủ vào bất kỳ hồ sơ, tài sản và nhân sự nào của Tập đoàn. Tất cả nhân viên được yêu cầu hỗ trợ KTNB Tập đoàn đều phải hoàn thành vai trò và trách nhiệm của mình.

Về tổ chức bộ máy KTNB tại Prudential PLC

Về vị trí của bộ phận KTNB:

Tại Tập đoàn Prudential PLC, trong cơ cấu tổ chức của Tập đoàn bộ phận KTNB Tập đoàn trực thuộc UBKT thuộc HĐQT. Giám đốc KTNB toàn Tập đoàn chịu trách nhiệm trước UBKT thông qua báo cáo chuyên môn cho Chủ tịch của ủy ban. Giám đốc KTNB sẽ định kỳ đánh giá và báo cáo cho UBKT, về sự phù hợp liên tục của nhiệm vụ, tính độc lập, tính khách quan, thẩm quyền, trách nhiệm, tài nguyên và kinh nghiệm chuyên môn để cho phép bộ phận KTNB hoàn thành các mục tiêu của mình.

Bộ phận KTNB tại Tập đoàn Prudential hoạt động như một tuyến phòng thủ thứ ba, trong việc cung cấp sự đảm bảo về tính độc lập và khách quan của KSNB. Phạm vi của KTNB của Tập đoàn bao gồm cả việc đánh giá tính đầy đủ và hiệu quả của các chức năng quản lý rủi ro, tuân thủ và tài chính. Do đó, bộ phận KTNB độc lập và không chịu trách nhiệm cũng không phải là một phần của các chức năng này.

Về mô hình tổ chức KTNB:

Bộ máy KTNB tại Prudential PLC được tổ chức theo mô hình tập trung từ năm 2006, trước đó, mỗi công ty trong Tập đoàn thành lập bộ phận KTNB riêng và báo cáo cho giám đốc điều hành công ty với phương pháp, kỹ thuật kiểm toán khác nhau trong việc lập kế hoạch, thực hiện và báo cáo kiểm toán. Hiện tại, các Giám đốc bộ phận phụ trách các lĩnh vực kinh doanh sẽ báo cáo trực tiếp cho Giám đốc kiểm toán toàn Tập đoàn – người sẽ báo cáo chuyên môn cho UBKT Tập đoàn và báo cáo quản lý cho giám đốc điều hành.

Về nhân sự KTNB:

Giám đốc KTNB Tập đoàn là người trực tiếp phụ trách điều hành hoạt động của Tập đoàn, chịu trách nhiệm trước HĐQT và UBKT về hoạt động của bộ phận KTNB. Các giám đốc KTNB phụ trách từng lĩnh vực kinh doanh là người giúp việc và báo cáo cho Giám đốc KTNB Tập đoàn. Bộ phận KTNB tại Prudential PLC tuân thủ các yêu cầu của Viện Kiểm toán nội bộ (IIA) như được quy định trong “Quy tắc đạo đức” và “Chuẩn mực quốc tế về thực hành chuyên môn“ của IIA.
Giám đốc KTNB toàn Tập đoàn sẽ đảm bảo rằng, nhóm kiểm toán có các kỹ năng và kinh nghiệm tương xứng với các rủi ro của tổ chức. Khi thích hợp, các chuyên gia kỹ thuật nội bộ hoặc bên ngoài độc lập sẽ được tham gia để bổ sung cho đội ngũ nòng cốt, thực hành cải tiến và đảm bảo chất lượng.

Việc đào tạo và tuyển dụng nhân sự tại Tập đoàn cũng được quan tâm, các khóa đào tạo tại Tập đoàn chủ yếu là đào tạo về phương pháp, kỹ thuật kiểm toán và các kỹ năng hoạt động nhóm và phát triển con người. Các kỹ năng kiểm toán viên nội bộ (KTVNB) được quan tâm nhất tại Tập đoàn khi tuyển dụng và đào tạo phát triển đội ngũ nhân viên là: hiểu biết về kỹ thuật, chuyên môn kiểm toán; kỹ năng mềm như viết báo cáo, giao tiếp và thương thảo; và hiểu biết về công ty.

4.2. Tổ chức kiểm toán nội bộ tại Manulife Financial Corporation

Manulife Financial Corporation, được thành lập tại Toronto vào năm 1887, hoạt động như một tổ chức bảo hiểm tương hỗ cho đến năm 1999, khi nó trở thành một công ty niêm yết công khai tại Toronto, New York, Hồng Kông và Philippines. Ngày nay, Manulife cung cấp bảo vệ tài chính và các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài sản trên cơ sở toàn cầu. Manulife hoạt động với 8 bộ phận và hoạt động riêng biệt tại 14 quốc gia trên thế giới. Mặc dù là một công ty Canada, nhưng khoảng 60% doanh nghiệp (DN) Manulife có trụ sở tại Hoa Kỳ, 30% tại Canada và 10% tại châu Á và Nhật Bản. Ngày nay, Manulife là công ty bảo hiểm lớn nhất Canada và là một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới.

Bộ phận KTNB của Manulife được thành lập từ năm 1996 với bề dày lịch sử phát triển lâu đời. KTNB tại Manulife là tuyến phòng thủ thứ ba, đảm bảo độc lập rằng các biện pháp kiểm soát có hiệu quả và phù hợp với rủi ro tiềm tàng trong DN và đảm bảo các chương trình giảm thiểu rủi ro và chức năng giám sát rủi ro có hiệu quả trong việc quản lý rủi ro.

Về tổ chức bộ máy KTNB tại Manulife

Về vị trí của bộ phận KTNB:

Tại Manulife Bộ phận KTNB trực thuộc UBKT thuộc HĐQT. Giám đốc KTNB chịu trách nhiệm báo cáo chuyên môn cho UBKT và báo cáo quản lý cho Tổng cố vấn /giám đốc điều hành cấp cao.

Về mô hình tổ chức:

Bộ phận KTNB tại Manulife được tổ chức theo mô hình phân tán. Bộ phận KTNB được phân chia theo địa lý. Triết lý của Manulife là để các KTVNB của họ gần gũi với khách hàng, vì điều đó giúp KTVNB hiểu rõ hơn về môi trường địa phương mà họ hoạt động và cho phép KTNB cung cấp dịch vụ hàng ngày cho các nhà quản lý tại công ty địa phương. Năm trưởng nhóm kiểm toán dựa trên địa lý báo cáo trực tiếp cho Giám đốc kiểm toán được đặt tại Toronto và Waterloo, Ontario; Boston; Hồng Kông; và Tokyo.

Về nhân sự KTNB:

Hồ sơ các KTVNB của Manulife rất đa dạng, tiêu chí tuyển dụng và đào tạo KTVNB tại Manulife là tìm kiếm sự kết hợp các kỹ năng chủ yếu là kiến thức chuyên môn, trí thông minh cơ bản và khả năng giao tiếp. Ngoài ra, Manulife cho rằng chuyên gia tính phí bảo hiểm là một thành phần quan trọng của bất kỳ công ty bảo hiểm nào. Do đó, họ đã đưa chuyên gia tính phí bảo hiểm vào nhân viên KTNB để kiểm toán rủi ro về giá và rủi ro định giá dự trữ. Ngoài ra, Manulife cũng có bộ phận cốt lõi là các kiểm toán viên CNTT chịu trách nhiệm kiểm toán CNTT để đảm bảo quản lý thích hợp các kiểm soát CNTT.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)