Nhưng cho đến lúc tôi nghỉ việc là vào ngày 01/09/2016 thì vẫn không được đóng bảo hiểm và lương của chúng tôi thì luôn trong tình trạng bị nợ. Thời điểm ít nhất là công ty còn nợ 02 tháng lương, lâu nhất là 06 tháng lương (tính theo thời gian trả lương theo hợp đồng lao động). Nhiều lần chúng tôi kiến nghị về vấn đề này với lãnh đạo công ty nhưng chỉ nghe câu trả lời chung chung là tình hình tài chính công ty còn khó khăn hoặc hẹn ngày trả nhưng cũng nhiều lần không thấy trả và sau đó rất rất nhiều lần không được phản hồi từ phía lãnh đạo. Chịu chung số phận với tôi là toàn bộ nhân viên của công ty (khoảng 50-70 người), rồi lần lượt mọi người xin nghỉ việc. Riêng tôi vẫn cố gắng bám trụ với hy vọng công ty sẽ có một tương lai tươi sáng. Nhưng cho đến thời điểm tôi xin nghỉ việc thì tôi không thể cố gắng được nữa. Hiện tại tôi đã làm mọi thủ tục bàn giao, nghỉ việc theo đúng yêu cầu quy định của công ty và nhận được bảng chốt lương của mình là còn hơn 28 triệu đồng (nếu theo như mức lương của tôi thì là khoảng 4 tháng lương, trong đó có cả lương từ năm 2015 còn nợ). Nhưng sau khi lấy bảng chốt lương còn lại thì tôi không nhận được văn bản nào từ ban lãnh đạo nói về thời gian trả lương mà chỉ nghe câu trả lời từ miệng của một chị làm bộ phận hành chính nói là công ty sẽ trả lương dần, mỗi tháng trả từ 2 đến 3 triệu. Những nhân viên nghỉ việc trước cũng đều chỉ nhận được câu trả lời tương tự và có tháng được trả khoảng 2 triệu, tháng không được trả. Các nhân viên nghỉ việc trước đây cũng bị nợ nhiều tiền nên đã thuê đòi nợ thuê bên ngoài để đòi cho nhanh. Tôi nghĩ nếu mình làm như vậy có thể sẽ lấy được tiền nhưng sẽ chỉ còn lại khoảng 60% và số tiền phải lớn thì đội đòi nợ thuê đó mới làm. Hiện nay theo thống kê của tôi thì có khoảng ít nhất 20 nhân viên đã nghỉ việc và chưa lấy được hết lương từ công ty. Tôi biết rằng công ty làm vậy trái với pháp luật và chúng tôi có quyền khởi kiện nhưng chúng tôi chúng tôi chỉ muốn lấy lại số tiền lương từ công sức làm việc của mình. Vậy mong công ty Luật LVN Group tư vấn giúp tôi cách để chúng tôi có thể lấy lại số tiền lương đó.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn luật lao động  của công ty luật LVN Group.

Luật sư tư vấn luật lao động gọi:  1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật lao động số 10/2012/QH13

Nội dung phân tích: 

Trong câu hỏi bạn chỉ yêu cầu chúng tôi hỗ trợ về cách lấy lại số tiền lương do công ty đang còn nợ do đó chúng tôi chỉ hỗ trợ cho bạn về vấn đề này.

Khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động quy định “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”

Do đó, theo dữ liệu bạn đưa ra có thấy thấy rằng công ty bạn đang không thực hiện đúng theo quy định pháp luật về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong trường hợp này có thể xác nhận tranh chấp giữa bạn với người sử dụng lao động là tranh chấp lao động cá nhân, do đó đối chiếu theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Lao động thì Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là:

1. Hoà giải viên lao động.

2. Toà án nhân dân.

Điều 201 Bộ luật Lao động quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau:

“Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.”

Như vậy, khi công ty nợ tiền lương, bạn phải làm đơn lên hòa giải viên lao động yêu cầu họ xem xét và giải quyết cho mình trước đã. Nếu hòa giải viên không giải quyết được, bạn mới làm đơn yêu cầu cơ quan Tòa án giải quyết.

Ngoài ra, bạn cần phải lưu ý về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

“Điều 202. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.”

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.                                  

Bộ phận Tư vấn pháp luật Lao động.