Khóa học này đi học mất 18 triệu nhưng trường sẽ chi trả số 18 triệu này khi tôi ký 1 hợp đồng với nội dung là khi học xong trường sẽ giữ chứng chỉ gốc 18 tháng. Nhưng đến ngày đi học tôi mang bản hợp đồng cho kế toán nhưng kế toán không nhận và trả lại. Thế là tôi không kí bản hợp đồng đào tạo và trường cũng không bắt tôi ký hợp đồng đào tạo đó. Sau 1 tháng học xong khóa đào tạo đó thì trường thu luôn chứng chỉ bản gốc đó của tôi và đến nay tôi đã làm việc được gần 3 năm, thời gian họ giữ chứng chỉ của tôi đã quá 18 tháng.

Tôi nói chuyện với hiệu trưởng và hiệu trưởng đồng ý trả lại chứng chỉ cho tôi. Nhưng khi tôi xuống văn phòng lấy thì họ tìm hợp đồng đào tạo của tôi không thấy và đòi hợp đồng của tôi. Tôi bảo không có hợp đồng vì tôi không ký và trường cũng không nhắc tôi ký. Vậy tôi muốn hỏi Luật sư của LVN Group trong trường hợp trên tôi không ký hợp đồng đào tạo và trường không trả cho tôi chứng chỉ là đúng hay sai ?

Mong Luật sư của LVN Group giải quyết giúp tôi và hướng dẫn tôi cách để tôi lấy lại chứng chỉ. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý: 

Bộ luật Lao động năm 2012

Nghị định 95/2013/NĐ-CP : quy định về hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo him xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đng.

2. Luật sư tư vấn:

Điều 62 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

c) Chi phí đào tạo;

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì có nghĩa là bạn không ký hợp đồng đào tạo với hiệu trưởng nhưng bạn vẫn được tham giao khóa đào tạo và trường vẫn thanh toán chi phí đào tạo này. Trong trường hợp này cần xác định xem việc bạn được cử đi đào tạo có được thể hiện bằng Quyết định hay văn bản pháp lý tương đương nào khác không? Trên thực tế nếu bạn không ký hợp đồng đào tạo hay không có văn bản nào khác có nghĩa là giữa bạn và người đại diện theo pháp luật của trường ( Hiệu trưởng) không phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự, tức là bạn sẽ không được tham gia đào tạo, công ty không phải trả chi phí hay giữ lại chứng chỉ của bạn. Tuy nhiên, do bạn vẫn tham gia đào tạo, và nhà trường lại giữ bản chính chứng chỉ của bạn thì Điều 20 Bộ luật Lao động 2012 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy, hành vi giữ chứng chỉ bản chính của bạn là trái pháp luật. Theo quy định tại điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

Như vậy, trong trường hợp này nếu nhà trường không gửi lại chứng chỉ cho bạn thì bạn có thể gửi đơn đến Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Lao động về hợp đồng đào tạo, gọi:   1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group