Căn cứ pháp lý:
– Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010;
– Nghị định 18/2005/NĐ-CP;
– Thông tư 52/2005/TT-BTC;
1. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là gì?
Điều 59 Luật kinh doanh bảo hiểm có quy định:
Các tổ chức kinh doanh bảo hiểm bao gồm:
1. Công ty cổ phần bảo hiểm;
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm;
3. Hợp tác xã bảo hiểm;
4. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
Như vậy, Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là một loại hình tổ chức kinh doanh bảo hiểm.
Điều 70 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:
Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm.
2. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm nào?
Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm sau đây:
– Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người;
– Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;
– Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;
– Bảo hiểm xe cơ giới;
– Bảo hiểm cháy, nổ;
– Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu;
– Bảo hiểm trách nhiệm chung;
– Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;
– Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;
– Bảo hiểm nông nghiệp;
3. Đối tượng khách hàng của tổ chức bảo hiểm tương hỗ
Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép bảo hiểm cho các đối tượng sau đây: Doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề (sản xuất, chế biến, nuôi trồng, chuyên chở, phân phối, lưu thông, cung cấp dịch vụ và tiến hành các hoạt động kinh doanh khác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp), có nhu cầu bảo hiểm, có quyền lợi có thể được bảo hiểm và có cùng loại rủi ro gắn liền hay xuất phát từ lĩnh vực, ngành nghề đó.
4. Đối tượng bảo hiểm
Đối tượng bảo hiểm là tài sản; trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba; tính mạng, sức khỏe và tai nạn của người được bảo hiểm. Cụ thể như sau:
– Đối tượng bảo hiểm tài sản là cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu; nhà xưởng, máy móc thiết bị, công cụ lao động; phương tiện vận chuyển phục vụ cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng và chế biến, lưu thông; các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
– Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và đời sống nông thôn.
– Đối tượng bảo hiểm con người là tính mạng, sức khỏe và tai nạn của người tham gia vào quá trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến, cung cấp dịch vụ, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Căn cứ vào phương án kinh doanh, nội dung hoạt động và năng lực tài chính, tổ chức bộ máy, tổ chức bảo hiểm tương hỗ có thể hoạt động trong phạm vi một tỉnh, một số tỉnh, hoặc phạm vi toàn quốc theo quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động.
5. Nội dung hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ
Điều 60 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:
1. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm;
b) Đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;
c) Giám định tổn thất;
d) Đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;
đ) Quản lý quỹ và đầu tư vốn;
e) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
5.1. Khai thác bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ
Đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm:
– Việc đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được áp dụng đối với các sản phẩm bảo hiểm được quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/8/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ chỉ được đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động do Bộ Tài chính cấp cho tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ chịu trách nhiệm về nội dung và tính hợp pháp của quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm đăng ký với Bộ Tài chính.
– Khi đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải gửi cho Bộ Tài chính các tài liệu sau:
+ Văn bản đề nghị đăng ký sản phẩm bảo hiểm theo mẫu quy định tại phụ lục V kèm theo Thông tư 52/2005/TT-BTC;
+ Quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm dự kiến áp dụng.
– Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ các tài liệu đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, Bộ Tài chính có trách nhiệm xác nhận việc tổ chức bảo hiểm tương hỗ đã hoàn tất thủ tục đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.
– Trong trường hợp cần thay đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải đăng ký các thay đổi, bổ sung theo thủ tục quy định tại điểm 1.1.4 khoản 1 Mục IV Thông tư 52/2005/TT-BTC. Đối với các rủi ro đặc thù hoặc chưa đề cập đầy đủ trong quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, tổ chức bảo hiểm tương hỗ và bên mua bảo hiểm được phép thỏa thuận về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm để bảo hiểm cho rủi ro và thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm sau khi giao kết hợp đồng.
Phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm
– Trước khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải nộp Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bao gồm những tài liệu sau:
+ Văn bản đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi áp dụng;
+ Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai;
+ Công thức, phương pháp và giải trình cơ sở tính phí, dự phòng nghiệp vụ của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại các điểm nêu trên, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.
2.2. Hoa hồng bảo hiểm
– Hoa hồng bảo hiểm là khoản chi phí của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trả cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ chỉ được chi trả hoa hồng bảo hiểm từ phần phí bảo hiểm thực tế thu được theo tỷ lệ hoa hồng quy định tại Thông tư 52/2005/TT-BTC.
– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được chủ động sử dụng hoa hồng bảo hiểm cho các nội dung chi phí sau:
+ Chi trả trực tiếp cho đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sau khi những tổ chức, cá nhân này mang lại dịch vụ cho tổ chức bảo hiểm tương hỗ nhằm bù đắp các chi phí sau đây:
- Chi phí khai thác ban đầu (tìm hiểu, thuyết phục và giới thiệu khách hàng);
- Chi phí thu phí bảo hiểm;
- Chi phí theo dõi hợp đồng và thuyết phục khách hàng duy trì hợp đồng bảo hiểm.
+ Chi hoa hồng bảo hiểm để phục vụ cho việc quản lý đại lý bao gồm:
- Chi cho người quản lý đại lý không phải là nhân viên của doanh nghiệp;
- Chi khuyến khích đại lý khai thác vượt định mức về doanh thu, về số lượng hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm cao;
- Chi phí để thực hiện một số chính sách phúc lợi và tạo điều kiện ổn định thu nhập cho đại lý.
– Tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa mà tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép trả cho đại lý bảo hiểm được thực hiện theo bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm áp dụng cho từng nghiệp vụ bảo hiểm được quy định tại Phụ lục IV – Bảng tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa áp dụng cho các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ đính kèm Thông tư này.
– Hoa hồng bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm trọn gói được tính bằng tổng số tiền hoa hồng của từng rủi ro được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói.
– Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm được xác định trên cơ sở thoả thuận giữa tổ chức bảo hiểm tương hỗ và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phù hợp với luật pháp Việt Nam và tập quán quốc tế. Tuỳ thuộc vào phạm vi, mức độ và nội dung dịch vụ môi giới bảo hiểm được cung cấp, hoa hồng môi giới bảo hiểm được trả đến 15% phần phí bảo hiểm thực tế thu được.
5.3. Hoạt động tái bảo hiểm
Quy định về nhượng tái bảo hiểm
– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ không được nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ khác hay cho tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài để hưởng hoa hồng tái bảo hiểm.
– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ chỉ được phép giữ lại mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% tổng nguồn vốn thành lập. Phần trách nhiệm vượt quá tỷ lệ 10% nói trên phải nhượng tái bảo hiểm.
Quy định về nhận tái bảo hiểm
Tổ chức bảo hiểm tương hỗ có thể nhận tái bảo hiểm trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ khác đã nhận bảo hiểm phù hợp với nội dung và lĩnh vực hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Khi nhận tái bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải đánh giá rủi ro để bảo đảm phù hợp với khả năng tài chính của mình.
5.4. Đại lý bảo hiểm
Các quy định về đại lý bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về đại lý bảo hiểm và pháp luật có liên quan.
5.5. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm
Các quy định về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm và pháp luật có liên quan.
5.6. Đề phòng, hạn chế tổn thất
– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được trích không quá 2% số phí bảo hiểm thực thu trong năm tài chính để chi cho các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất được quy định tại khoản 2, Điều 25 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/08/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
– Chi đề phòng, hạn chế tổn thất của tổ chức bảo hiểm tương hỗ được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về quản lý tài chính doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.