Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi:  1900.0191

1. Cơ sở pháp lý: 

– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

– Luật phòng, chống thiên tai năm 2013

– Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007

2. Thiên tai là gì?

Theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013,“thiên tai” là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội. Các hiện tượng thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. Như vậy, khái niệm thiên tai theo quy định pháp luật đã liệt kê cụ thể các hiện tượng tự nhiên bất thường. Tuy nhiên, việc xác định các hiện tượng này có phải là thiên tai hay không còn phụ thuộc vào mức độ, tính chất và thiệt hại gây ra trên thực tế.

3. Dịch bệnh là gì?

Pháp luật không có khái niệm cụ thể về “dịch bệnh” mà chỉ có các quy định về “dịch”, “bệnh truyền nhiễm” đối với người, động vật quy định trong Luật Thú y; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Trên thực tế, dịch bệnh có thể xảy ra đối với người, với động vật và thực vật. Do đó, từ các khái niệm được quy định trong các Luật trên, có thể hiểu “dịch bệnh” dùng để chỉ chung sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm đối với người và động vật, bệnh hại đối với thực vật, trong đó, số người, động vật, thực vật mắc bệnh vượt quá dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định. Để xác định có phải có dịch bệnh xảy ra hay không cần xem xét trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền đã công bố dịch hay chưa. Trên thực tế, thế giới đã trải qua các đại dịch để lại hậu quả khủng khiếp như dịch hạch, bệnh đậu mùa, dịch tả… và mới đây nhất là dịch Covid-19 đã và đang có diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu.

4. Sự cần thiết quy định lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết làm tăng nặng mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong phạm vi một khung hình phạt nhất định.

Như vậy, người bị buộc tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự mà họ phải chịu khi Tòa án quyết định hình phạt, nếu bị áp dụng tình tiết này, người bị buộc tội sẽ bị áp dụng mức hình phạt nặng hơn bình thường. Sở dĩ pháp luật quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là bởi các lý do sau:

Một là, xuất phát từ đặc thù của thiên tai, dịch bệnh có tính nguy hiểm cao đối với con người và toàn xã hội mà trong đó chỉ một cá nhân vi phạm các biện pháp phòng chống đã gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc làm mất đi sự bình ổn xã hội. Hơn nữa, trong điều kiện có thiên tai, dịch bệnh, hậu quả do thiên tai, dịch bệnh là rất lớn. Việc người bị buộc tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang cho nhân dân.

Hai là, việc người bị buộc tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội làm cho các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hoặc cứu trợ, tìm kiếm cứu nạn…., các biện pháp khắc phục thiên tai, dịch bệnh của chính quyền, của Nhà nước trở lên kém hiệu quả hoặc vô hiệu.

Ba là, thiên tai, dịch bệnh là những bối cảnh xã hội đặc biệt đòi hỏi sự chung tay, tự giác chấp hành pháp luật của tất cả người dân trong xã hội. Việc người bị buộc tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội có khả năng gây hậu quả rất lớn, khó khắc phục hoặc phải mất nhiều nguồn lực của Nhà nước mới khắc phục được. Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh khiến ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế cơ hội việc làm, tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng dẫn đến các loại tội phạm xảy ra nhiều hơn.

Vì các lý do trên, pháp luật quy định người bị buộc tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là đưa ra quy định pháp luật nghiêm khắc đối với người phạm tội trong trường hợp này tương xứng với hậu quả mà người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh.

5. Thế nào là lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội?

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nói chung và tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” cần được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng đảm bảo vừa có tính răn đe, phòng ngừa vừa không để xảy ra sai sót, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị buộc tội.

Yếu tố quyết định để áp dụng tình tiết này là người phạm tội bắt buộc phải có sự lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội.

Lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh được hiểu là trường hợp người phạm tội đã dựa vào những điều kiện thuận lợi cho mình được tạo ra bởi hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để phạm tội. Trong đó, người phạm tội nhận thức rõ hoặc biết được những thông tin nhất định về tình trạng thiên tai, dịch bệnh từ đó chủ động tính toán, liên hệ với các hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh nhằm khai thác hoàn cảnh đó có lợi cho mình để thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế, hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh dễ tạo nhiều cơ hội cho cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội trục lợi xuất phát từ việc trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh nhu cầu về hàng hóa, nhu yếu phẩm hay nhu cầu cung cấp vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch tăng cao.

Để xác định người phạm tội có sự lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội cần xác định:

– Người phạm tội nhận thức được việc đã xảy ra hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh trên thực tế.

Chỉ khi người phạm tội biết được trên thực tế có thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì họ mới có thể lợi dụng được các hoàn cảnh bất thường đó để thực hiện các hành vi phạm tội. Việc xảy ra thiên tai, dịch bệnh mà họ biết được có thể tại nơi họ sinh sống, học tập và làm việc, cũng có thể diễn ra ở địa điểm khác. Có quan điểm cho rằng, người phạm tội phải thực hiện hành vi phạm tội vào thời gian, địa điểm đang có dịch bệnh thì mới có thể áp dụng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội”. Quan điểm này chưa bao quát hết được các trường hợp người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh bởi trong nhiều loại tội phạm, người phạm tội có thể không trong vùng có thiên tai, dịch bệnh nhưng qua các phương tiện thông tin khác nhau, họ hoàn toàn có thể biết được các địa điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh và lợi dụng các thông tin, tình hình, diễn biến về thiên tai, dịch bệnh đó để thực hiện hành vi phạm tội. Theo quan điểm của tác giả, khi áp dụng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội”, không nhất thiết đòi hỏi người phạm tội phải thực hiện hành vi phạm tội vào thời gian, địa điểm đang có dịch bệnh. Từ chính thực tế diễn biến dịch Covid-19 cho thấy, dịch bệnh không xảy ra ở địa phương này nhưng hệ quả của việc xuất hiện dịch bệnh (ở địa phương khác) lại có thể là điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội.

– Người phạm tội khai thác hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra để tạo điều kiện có lợi cho mình thực hiện hành vi phạm tội.

Hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh tạo ra nhiều khó khăn cho đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Người phạm tội nhận thức và lợi dụng những khó khăn đó để vụ lợi bằng cách sử dụng các thông tin, tình hình, diễn biến, hậu quả, biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh tạo điều kiện có lợi cho mình để thực hiện hành vi phạm tội. Thực tế cho thấy, các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội có thể là lợi dụng tình tình thiên tai để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của nhân dân; lợi dụng việc chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai để chuyên trở hàng cấm, hàng lậu, lợi dụng những khó khăn do bão lụt gây ra để mua vét hàng hoá bán với giá rất cao nhằm trục lợi; lợi dụng việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch lừa đảo mua, bán khẩu trang chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; phát tán thông tin dịch bệnh có chứa mã độc trên mạng xã hội để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản; đầu cơ, tích trữ vật tư y tế (khẩu trang, nước, dung dịch sát khuẩn); sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; đưa thông tin không đúng sự thật chống phá Đảng, Nhà nước…

Người phạm tội chỉ cần khai thác hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra để tạo điều kiện có lợi cho mình thực hiện hành vi phạm tội mà không nhất thiết phải đang trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh đó. Như vậy, người phạm tội có thể thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian, địa điểm có dịch bệnh hoặc không có dịch bệnh nhưng người phạm tội đã thực sự lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để làm điều kiện có lợi cho mình khi thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội”. Nếu phạm tội trong hoàn cảnh dịch bệnh mà người phạm tội không lợi dụng sự kiện này để phạm tội thì không thể áp dụng tình tiết tăng nặng này.

6. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt. Theo đó, việc Tòa án áp dụng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” cũng như các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự  khác có tác dụng làm tăng hình phạt trong phạm vi một khung hình phạt nhất định. Mức độ tăng này phụ thuộc vào mức khó khăn nhiều hay ít do thiên tai, dịch bệnh khi tội phạm xảy ra và ý thức lợi dụng của người phạm tội đối với khó khăn đó. Việc tăng nặng trách nhiệm hình sự khi áp dụng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” chủ yếu mang tính định tính, không rõ ràng, cụ thể như đối với tình tiết định khung tăng nặng, phụ thuộc vào nhận định, đánh giá và áp dụng của Tòa án khi xét xử.

Tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chủ yếu đối với người phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm sở hữu, cá biệt cũng có trường hợp người phạm tội lợi dụng dịch bệnh để xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của người khác. Riêng đối với các tội xâm phạm sở hữu, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” là tình tiết định khung tăng nặng, xuất phát từ mức độ nguy hiểm và mức độ phổ biến của việc người phạm tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh trên thực tế. Theo đó, người phạm vào các tội xâm phạm sở hữu mà bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” sẽ phải chịu sự phân hóa cao về trách nhiệm hình sự so với phạm tội trong điều kiện thông thường và có sự chênh lệch rõ rệt với trường hợp áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, khi nền văn minh của con người ngày càng phát triển và tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp thì cũng có ngày càng nhiều thiên tai, dịch bệnh xuất hiện. Do nhu cầu phát triển của xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm, Bộ luật Hình sự quy định trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là phù hợp với lý luận và thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, cần phải có hướng dẫn để việc áp dụng tình tiết này đảm bảo đúng pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.

Nguồn: Bài viết được sưu tầm từ tạp chí điện tử Luật sư của LVN Group Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập