Mô hình nhân quả tích lũy (cumulative causation model) là phương pháp tiếp cận để phân tích quá trình tăng trưởng kinh tế vùng. Phương pháp này dựa trên quan điểm của G. Mydral cho rằng các lực lượng thị trường có xu hướng làm gia tăng những khác biệt về kinh tế giữa các vùng trong nền kinh tế. Nếu ban đầu một vùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn các vùng khác, thì việc di chuyển nhân tố sản xuất từ các vùng khác (có tỷ lệ tăng trưởng thấp) sang vùng đó sẽ làm tăng thêm lợi thế ban đầu của nó. Những hiệu ứng tiêu cực đối với các vùng khác được gọi là hiệu ứng nghịch và thường lớn hơn hiệu ứng tích cực của quá trình phát triển chung đối với các vùng này (gọi là hiệu ứng truyền bá), ví dụ tạo ra và mở rộng thị trường, tiến bộ công nghệ. Vùng tăng trưởng nhanh được lợi nhờ hiệu quả quần tụ, chẳng hạn nó có thể cắt giảm chi phí sản xuất nhờ sự tập trung hoá hoạt động sản xuất về mặt địa lý.
Mô hình này dự báo có sự phân hoá ngày càng tăng giữa các vùng về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, số liệu thực tế không ủng hộ kết luận như vậy. Do đó, một mặt người ta đi đến quan điểm cho rằng chính phủ phải can thiệp để chống lại phân hoá tốc độ tăng trưởng giữ các vùng, mặt khác người ta cho rằng cần sửa đổi mô hình để nó cho phép dự báo sự phân hoá về thu nhập đầu người, chứ không phải tốc độ tăng trưởng giữa các vùng.