Mối quan hệ giữa luật nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế

Luật nhân đạo quốc tế (còn được gọi là luật về xung đột vũ trang, hay luật về chiến tranh) và luật nhân quyền quốc tế là hai ngành luật có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau, mặc dù giữa chúng có một số điểm khác nhau quan trọng

1. Khái quát về luật nhân đạo quốc tế

Có nhiều định nghĩa về luật nhân đạo quốc tế, tuy nhiên, một cách chung nhất có thể hiểu đây là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực được thiết lập bởi các điều ước và tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa các bên tham chiến trong các cuộc xung đột vũ trang để bảo vệ những nạn nhân chiến tranh (bao gồm dân thường và những chiến binh bị thương, bị ốm, bị đắm tàu, bị bắt làm tù binh).

Cũng giống như luật nhân quyền quốc tế, bên cạnh các điều ước mà chỉ có hiệu lực ràng buộc các quốc gia thành viên, tất cả các bên tham chiến trong một các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới còn chịu sự ràng buộc bởi luật tập quán quốc tế (international customary law) về chiến tranh. Theo Công ước Viên về Luật Điều ước, luật tập quán quốc tế là những nguyên tắc cư xử chung được các quốc gia thừa nhận và tuân thủ như là các quy phạm pháp lý quốc tế, cho dù các nguyên tắc này không được thể hiện trong các điều ước cụ thể. Về vấn đề này, vào năm 2005, Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế đã ấn hành một nghiên cứu toàn diện có tên gọi là “Nghiên cứu về Luật tập quán nhân đạo quốc tế” (Customary International Humanitarian Law Study), trong đó xác định những nguyên tắc và quy tắc cụ thể được xem là luật tập quán quốc tế có hiệu lực ràng buộc với tất cả các bên tham chiến trong mọi cuộc xung đột vũ trang, bất kể các bên đó có là thành viên của các Công ước Giơnevơ năm 1949 và hai nghị định thư năm 1977 hay không.

Luật Nhân đạo Quốc tế là một phần chủ yếu của Công pháp quốc tế và bao gồm những quy tắc mà trong thời chiến, đều nhằm bảo vệ những người ngoài vòng chiến đấu hoặc đã bị loại khỏi cuộc xung đột, đồng thời nhằm hạn chế những phương pháp và phương tiện sử dụng trong chiến tranh.
 
Nói một cách chính xác hơn, đối với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (UBCTĐQT), Luật Nhân đạo Quốc tế áp dụng đối với các cuộc xung đột vũ trang có ý nghĩa như một Hiệp ước quốc tế hoặc những điều luật tập quán nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo trực tiếp nảy sinh từ các cuộc xung đột vũ trang dù có mang tính chất quốc tế hay không. Ví những lý do nhân đạo, các quy tắc của Luật Nhân đạo sẽ hạn chế quyền tự do sử dụng các phương pháp và phương tiện chiến tranh của các bên tham chiến, đồng thời bảo vệ người và tài sản bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng do cuộc xung đột.
Cụm từ “Luật Nhân đạo Quốc tế”, “Luật Xung đột vũ trang”, “Luật Chiến tranh” có thể được coi là có ý nghĩa tương đương. Các tổ chức quốc tế, các trường đại học, thậm chí các quốc gia thường chuộng dùng cụm từ Luật Nhân đạo Quốc tế (hoặc Luật Nhân đạo), trong khi các lực lượng vũ trang thích dùng hai cụm từ sau.
Xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế: là xung đột giữa lực lượng quân đội của ít nhất là hai quốc gia (Chiến tranh giải phóng dân tộc được xếp vào dạng xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế)
Xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế: là xung đột xảy ra trong phạm vi một quốc gia, giữa một bên là quân đội chính quy với bên kia là những phe nhóm xác định và có trang bị vũ trang, hoặc xung đột giữa các phe nhóm có trang bị vũ trang với nhau.
Xáo trộn nội bộ: là trong một nước xảy ra những rối loạn nghiêm trọng về trật tự xã hội, gây nên bởi các hành vi bạo lực không mang tính chất của xung đột vũ trang (ví dụ: bạo loạn, xung đột giữa các phe phái hoặc hành vi bạo lực chống đối chính quyền…).
Những nguyên tắc của Luật nhân đạo quốc tế : Là những quy phạm luật chủ yếu mà UBCTĐQT đã tóm tắt từ những nét chính của Luật Nhân đạo Quốc tế. Do vậy không có hiệu lực của một văn bản pháp lý và cũng không được đem thay thế các văn bản pháp lý khác đang có hiệu lực, chỉ nhằm tạo điều kiện cho việc phổ biến Luật Nhân đạo quốc tế mà thôi.

2. Ai có nghĩa vụ phổ biến kiến thức về các Công ước và Nghị định thư?

Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phổ biến rộng rãi kiến thức về các Công ước và Nghị định thư:
Các bên tham gia Công ước cam kết phổ biến nội dung các Công ước này càng rộng rãi càng tốt trong đất nước của mình cả trong thời bình và thời chiến và trong chừng mực có thể, nên đưa nội dung Công ước vào các chương trình huấn luyện quân sự và đưa vào các chương trình giáo dục dân sự, làm sao cho những nguyên tắc của Công ước được thông suốt trong toàn thể nhân dân, đặc biệt là trong các lực lượng vũ trang chiến đấu, trong các nhân viên y tế và trong các giáo sĩ. (Điều 47, 48, 127 và 144 của các Công ước Giơ-ne-vơ I, II, III và IV theo thứ tự).
Các bên tham gia Nghị định thư cam kết phổ biến nội dung các Công ước và Nghị định thư này trong đất nước của mình càng rộng rãi càng tốt cả trong thời bình cũng như trong thời chiến, đặc biệt là đưa nội dung Công ước và Nghị định thư này vào các chương trình huấn luyện quân sự và khuyến khích người dân hiểu biết về các Công ước và Nghị định thư, làm sao để nội dung của các Công ước và Nghị định thư đó được các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân thông suốt. (Điều 83, Nghị định thư I).
 
“Nghị định thư này cần được phổ biến càng rộng rãi càng tốt”. (Điều 19, Nghị định thư II).

3. Những nguyên tắc và quy tắc cụ thể được xem là luật tập quán quốc tế

 

 “Nghiên cứu về Luật tập quán nhân đạo quốc tế” (Customary International Humanitarian Law Study), trong đó xác định những nguyên tắc và quy tắc cụ thể được xem là luật tập quán quốc tế 

Thứ nhất: Những người không tham chiến hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu phải được tôn trọng về sinh mạng, được bảo đảm toàn vẹn về thân thể và nhân phẩm. Trong mọi trường hợp, các đối tượng đó phải được bảo hộ và đối xử nhân đạo mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

Thứ hai: Nghiêm cấm giết hoặc gây thương tích cho đối phương khi họ đã quy hàng hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Thứ ba: Người bị thương hoặc bị ốm của bên đối phương cũng phải được thu gom và chăm sóc. Các nhân viên y tế, các trạm y tế, phương tiện vận chuyển và trang thiết bị y tế phải được tôn trọng và bảo vệ. Biểu tượng Chữ Thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ trên nền trắng là dấu hiệu bảo hộ những người và phương tiện y tế và phải được tôn trọng.

Thứ tư: Tù binh và dân thường bị phía đối phương bắt giữ phải được tôn trọng về sinh mạng, phẩm giá, các quyền và tự do, kể cả niềm tin về chính trị, tín ngưỡng và tôn giáo. Cấm các hành động bạo lực hoặc trả thù đối với họ và phải bảo đảm quyền của họ được liên lạc với gia đình và được tiếp nhận sự cứu trợ.

Thứ năm: Mỗi người đều có quyền được hưởng các bảo đảm pháp lý cơ bản. Không ai phải chịu trách nhiệm về những việc mà họ không thực hiện. Không được tra tấn về thể chất và tinh thần, dùng nhục hình, đối xử tàn bạo hoặc làm mất nhân phẩm đối với họ.

Thứ sáu: Các bên tham chiến và thành viên các lực lượng vũ trang phải hạn chế sử dụng các biện pháp và phương tiện chiến tranh mà gây ra những tổn hại không cần thiết hoặc sự đau đớn quá mức với đối phương.

Thứ bảy: Các bên tham chiến phải luôn luôn phân biệt giữa dân thường và các công trình dân sự với các mục tiêu quân sự. Không được coi dân thường và các công trình dân sự là mục tiêu tấn công. Chỉ được tấn công vào các mục tiêu quân sự.

4. Những điểm giống nhau cơ bản giữa luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế

Mặc dù là hai ngành luật quốc tế độc lập, luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế có khá nhiều điểm chung:

Thứ nhất, cả hai ngành luật này đều nhấn mạnh việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Cụ thể, cả hai ngành luật đều có những quy định về cấm tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc nhục hình, về các quyền cơ bản của con người trong tố tụng hình sự, về việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em…

Thứ hai, cả hai ngành luật này có chung một số nguyên tắc cơ bản, cụ thể như nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc tôn trọng tính mạng, phẩm giá con người…

Thứ ba, cả hai ngành luật này có một số điều ước và văn kiện quốc tế áp dụng chung (cả văn kiện hoặc một số điều khoản trong các văn kiện), ví dụ như Công ước về quyền trẻ em, Nghị định thư tùy chọn bổ sung công ước này về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang hay Quy chế Rôm về Tòa án hình sự quốc tế…

Thứ tư, cả hai ngày luật này đều xác định chủ thể có nghĩa vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong việc thực thi luật là các quốc gia thành viên.

5. Những điểm khác nhau cơ bản giữa luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế

Mặc dù có nhiều điểm chung, song luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế cũng có những điểm khác biệt như sau:

Thứ nhất, mỗi ngành luật được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh khác nhau, theo những cách thức khác nhau. Cụ thể, luật nhân đạo quốc tế được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XIX bởi những nỗ lực của Hiệp hội Chữ Thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế – một tổ chức có tư cách phi chính phủ. Các văn kiện của ngành luật này chủ yếu được thông qua tại các Hội nghị ngoại giao quốc tế. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế mới được hình thành và phát triển sau khi Liên hợp quốc ra đời (1945), chủ yếu do những nỗ lực của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc – một tổ chức có tư cách liên chính phủ.

Thứ hai, luật nhân đạo quốc tế chỉ áp dụng trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ ttrang (có hoặc không có tính chất quốc tế), trong khi luật nhân quyền quốc tế được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong bối cảnh hòa bình hoặc chiến tranh.

Thứ ba, một số nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế liên quan đến những vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, những khía cạnh về hành vi thù địch, hành động tham chiến, địa vị của tù binh chiến tranh và của thường dân, quy chế bảo vệ của biểu tượng chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ…Tương tự, một số nội dung của luật nhân quyền quốc tế không thuộc về phạm 93 vi điều chỉnh của luật nhân đạo quốc tế. Ví dụ, các quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền bầu cử hay quyền đình công…

Thứ tư, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ các nạn nhân chiến tranh bằng cách cố gắng giảm thiểu những tổn hại và đau đớn do chiến tranh gây ra với con người; trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ mọi con người bằng cách thúc đẩy sự phát triển và sự tham gia của họ vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Thứ năm, luật nhân đạo quốc tế quan tâm trước hết tới việc đối xử với những người nằm trong vòng kiểm soát của đối phương và việc giới hạn những phương pháp, phương tiện tiến hành chiến tranh của các bên tham chiến. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế quan tâm trước hết đến việc hạn chế quyền tự do hành động vô nguyên tắc của các nhà nước đối với các công dân của họ và những người khác đang sinh sống trên lãnh thổ hay thuộc quyền tài phán của nước họ.

Thứ sáu, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ những thường dân bị kẹt trong hoàn cảnh xung đột vũ trang, thông qua các nguyên tắc về tiến hành chiến tranh (nguyên tắc phân biệt giữa chiến binh và dân thường, giữa các mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự; nguyên tắc cấm tấn công dân thường và các mục tiêu dân sự, cấm tấn công các mục tiêu quân sự nếu có thể gây ra những tổn hại không cân xứng đối với dân thường hay các mục tiêu dân sự..). Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ tất cả mọi cá nhân trong mọi hoàn cảnh thông qua những tiêu chuẩn quốc tế về các quyền và tự do của con người.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com