Một số điểm cơ bản của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

Việc xuất nhập khẩu hàng hoá thường được thực hiện thông qua hợp đồng giữa người mua và người bán với nội dung về: số lượng, phẩm chất, ký mã hiệu, quy cách đóng gói, giá cả hàng hoá, trách nhiệm thuê tàu và trả cước phí, phí bảo hiểm, thủ tục và đồng tiền thanh toán…

1. Hiểu thế nào về hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

Bảo hiểm hàng hóa đường biển (bảo hiểm hàng hải) là một loại bảo hiểm thuộc bảo hiểm phi nhân thọ nhằm hỗ trợ bảo vệ cho những rủi ro trên biển hoặc những rủi ro trên bộ, trên sông liên quan đến quá trình vận chuyển bằng tàu thuyền trên biển, gây ảnh hưởng đến các đối tượng chuyên chở do đó gây nên tổn thất về hàng hóa. Đây là sản phẩm bảo hiểm tài sản được nhiều doanh nghiệp tham gia vì những lợi ích thiết thực mà nó mang lại.

 

Chúng ta cũng biết rằng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) phải vượt qua biên giới của một hay nhiều quốc gia, người xuất khẩu và nhập khẩu lại ở xa và thường không trực tiếp áp tải được hàng hóa trong quá trình vận chuyển do đó phải tham gia bảo hiểm cho hàng hóa. Ở đây, vai trò của bảo hiểm là người bạn đồng hành với người được bảo hiểm.

Bên cạnh đó vận tải đường biển thường gặp nhiều rủi ro tổn thất đối với hàng hóa do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây nên như: Mắc cạn, đâm va, đắm chìm, cháy nổ, mất cắp, cướp biển, bão, lốc, sóng thần… vượt quá sự kiểm soát của con người.Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu lại được vận chuyển bằng đường biển đặc biệt ở những nước quần đảo như Anh, Singapore, Nhật, Hongkong… do đó phải tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo hợp đồng vận tải người chuyên chở chỉ chịu trách nhiệm về tổn thất của hàng hóa trong một phạm vi và giới hạn nhất định. Trên vận đơn đường biển, rất nhiều rủi ro các hãng tàu loại trừ không chịu trách nhiệm, ngay cả các công ước quốc tế cũng quy định mức miễn trách nhiệm rất nhiều cho người chuyên chở. Vì vậy các nhà kinh doanh phải tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.

Như vậy, việc tham gia bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là rất quan trọng và ngày càng khẳng định vai trò của nó trong thương mại quốc tế

2. Nguyên tắc của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

–  Về quyền lợi có thể bảo hiểm Người có quyền lợi có thể được bảo hiểm là người có quyền lợi đối với đối tượng bảo hiểm trong hành trình đường biển.

 Theo Luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906 (MIA1906), sẽ là một vi phạm nếu người nào thực hiện một hợp đồng bảo hiểm mà không có quyền lợi có thể bảo hiểm trên đối tượng bảo hiểm hoặc không dự kiến hợp lý để tiếp nhận quyền lợi ấy. Theo Luật kinh doanh bảo hiểm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền lợi có thể được bảo hiểm là yếu tố để xác lập và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp có Quyền lợi được bảo hiểm khi hàng hóa được đặt vào tình thế phải chịu hiểm họa hàng hải và doanh nghiệp được bảo hiểm phải có quan hệ pháp lý với hàng hóa thì khi đó doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nếu hàng hóa đó được bảo toàn hay về đến bến đúng hạn và bị thiệt hại khi hàng hóa đó bị tổn thất, hay bị cầm giữ hoặc phát sinh trách nhiệm.

– Về tính Trung thực tuyệt đối:  Người có quyền lợi trong một hành trình đường biển khi có bằng chứng chứng minh là có liên quan đến hành trình này hoặc bất kỳ đối tượng có thể bảo hiểm nào gặp rủi ro trong hành trình mà hậu quả là người đó thu được lợi nhuận khi đối tượng bảo hiểm đến cảng an toàn hoặc không thu được lợi nhuận khi đối tượng bảo hiểm bị tổn thất, hư hỏng, bị lưu giữ hoặc phát sinh trách nhiệm.

-Bồi thương: Người được bảo hiểm phải có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất và có thể không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Khi đối tượng bảo hiểm được bảo hiểm theo điều kiện có tổn thất hoặc không có tổn thất thì người được bảo hiểm vẫn có thể được bồi thường mặc dù sau khi tổn thất xảy ra mới có quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp người được bảo hiểm biết tổn thất đã xảy ra, còn người bảo hiểm không biết việc đó.

Trường hợp người được bảo hiểm không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất thì không thể có được quyền đó bằng bất kỳ hành động hay sự lựa chọn nào sau khi người được bảo hiểm biết tổn thất đã xảy ra.

– Trường hợp người mua hàng đã mua bảo hiểm cho hàng hóa thì có quyền lợi bảo hiểm mặc dù có thể đã từ chối nhận hàng hoặc đã xử lý hàng hóa đó như đối với hàng hóa thuộc rủi ro của người bán hàng do giao hàng chậm hoặc vì những lý do khác.

– Một phần quyền lợi của tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác là quyền lợi có thể được bảo hiểm

3. Hình thức của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

Theo Ðiều 570 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài có khi nhiều năm thậm chí trên 20 năm như trường hợp bảo hiểm nhân thọ.

 Cũng như pháp luật của các quốc gia khác , pháp luật bảo hiểm Việt Nam quy định hình thức của mọi hợp đồng bảo hiểm là bằng văn bản . Có thể minh chứng qua các điều của Bộ luật dân sự , Bộ luật hàng hải và Luật kinh doanh bảo hiểm dưới đây. 

 Điều 683 khoản 7  Bộ luật dân sự 2015 quy định : ” Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt  Nam”. 

Tuy không quy định riêng trong một điều luật về hình thức của hợp đồng bảo hiểm hàng hải song tại khoản 3 Điều 303 Bộ luật hàng hải 2015 Việt Nam: ” Hợp đồng bảo hiểm hàng hải phải được giao kết bằng văn bản. “

Luật kinh doan bảo hiểm (sửa dổi, bổ sung 2010) cũng có quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định” (Điều 14).

Người có quyền lợi đối với đối tượng bảo hiểm , có thể chuyển nhượng đơn bảo hiểm ( trừ trường hợp trong đơn có thỏa thuận về cấm chuyển nhượng ) trước hoặc sau khi có tổn thất xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm Đây là sự khác biệt giữa bảo hiểm hàng hải so với các hoạt động bảo hiểm khác . Việc chuyển nhượng đơn bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hải nói chung và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển nói riêng , là cần thiết vì hàng hóa được bảo hiểm có thể thay đổi chủ sở hữu nhiều lần trong một hành trình .

 Đơn bảo hiểm hàng hải có thể được chuyển nhượng , trừ trường hợp trong đơn bảo hiểm có thỏa thuận về cấm chuyển nhượng Đơn bảo hiểm có thể chuyển nhượng trước hoặc sau khi có tổn thất xảy ra với đối tượng bảo hiểm . Người không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm thì không được chuyển nhượng đơn bảo hiểm

4. Thời điểm hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển

 

4.1. Trách nhiệm bảo hiểm hàng hóa

   1.  Trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực khi hàng hoá được bảo hiểm rời kho hoặc nơi chứa hàng tại địa điểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm để bắt đầu vận chuyển và tiếp tục có hiệu lực trong suốt quá trình vận chuyển bình thường. Trách nhiệm bảo hiểm kết thúc tại một trong số các thời điểm sau đây, tuỳ theo trường hợp nào xảy đến trước :

a) Khi giao hàng vào kho hay nơi chứa hàng cuối cùng của người nhận hàng hoặc của một người nào khác tại nơi nhận có tên trong hợp đồng bảo hiểm .hoặc

b) Khi giao hàng cho bất kỳ kho hay nơi chứa hàng nào khác, dù trước khi tới hay tại nơi nhận ghi trong hợp đồng bảo hiểm mà người được bảo hiểm chọn dùng làm:

– Nơi chia hay phân phối hàng, hoặc

– Nơi chứa hàng ngoài quá trình vận chuyển bình thường;

c) Khi hết hạn 60 ngày sau khi hoàn thành việc dỡ hàng hoá bảo hiểm hoặc sà lan (nếu là tàu Lash) khỏi tàu biển tại cảng dỡ hàng cuối cùng ghi trên đơn bảo hiểm.

– Khi hàng được giao vào bất kì kho hay nơi chứa hàng nào khác với nơi nhận do nhầm lẫn

Hợp đồng bảo hiểm sẽ kết thúc hiệu lực thi hàng được giao vào kho hay nơi chứa hàng cuối cùng , do đó tổn thất của cả lô hay của từng kiện sau khi động tác bốc dỡ cả lô hay của từng kiện ấy đã thực hiện xong tại nơi nhận đó sẽ không thuộc trách nhiệm của người bảo hiểm Nói cách khác , không có bảo hiểm cho hàng hóa ở trong những kho này . Như vậy , về không gian hàng hóa được bảo hiểm trong suốt quá trình vận chuyển từ kho đi tới kho đến . Do đó chủ hàng chỉ cần thu xếp một hợp đồng bảo hiểm mà hàng hóa vẫn được bảo hiểm cả quá trình vận chuyển trên biển lẫn trong quá trình vận chuyển trên bộ ở hai đầu cảng đi và cảng đến .

Một điểm đáng lưu ý là , mặc dù theo quy định chung , hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ kho người bán đến kho người mua song pháp luật Việt Nam cũng như các nước đều không ngăn cấm chủ hàng và người bảo hiểm thỏa thuận để bảo hiểm cho hàng hoá chỉ trong hành trình vận chuyển trên biển mà thôi . Thực tế , có không ít hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển biển quốc tế được ký kết tại các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam để bảo hiểm cho hàng hóa kể từ khi được xếp xuống tàu cho đến khi dỡ ra khỏi tàu biển tại cảng đến.

4.2. Đương nhiên chấm dứt hiệu lực hợp đồng bảo hiểm hàng hải

Hợp đồng bảo hiểm hàng hải đương nhiên chấm dứt hiệu lực, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, rủi ro được bảo hiểm đã xảy ra hoặc không có khả năng xảy ra trong thực tế; trong trường hợp này, người bảo hiểm không phải bồi thường nhưng vẫn có quyền thu phí bảo hiểm theo hợp đồng, trừ trường hợp trước khi giao kết, người bảo hiểm đã biết về sự kiện đó.

4.3.Quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

1. Trường hợp người được bảo hiểm cố ý vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 308 của Bộ luật hàng hải thì người bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng. Trường hợp người được bảo hiểm không có lỗi trong việc khai báo không chính xác hoặc không khai báo theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này thì người bảo hiểm không có quyền chấm dứt hợp đồng, nhưng có quyền thu thêm phí bảo hiểm ở mức hợp lý.

2. Trước khi trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu, người được bảo hiểm có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm hàng hải, nhưng phải trả cho người bảo hiểm các chi phí hành chính và người bảo hiểm phải hoàn trả phí bảo hiểm cho người được bảo hiểm.

3. Người bảo hiểm và người được bảo hiểm không được chấm dứt hợp đồng sau khi trách nhiệm bảo hiểm đã bắt đầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

   Trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận về việc hợp đồng có thể bị chấm dứt sau khi trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu và người được bảo hiểm yêu cầu chấm dứt hợp đồng thì người bảo hiểm có quyền thu phí kể từ ngày trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu cho đến ngày chấm dứt hợp đồng và việc hoàn phí được tính tương ứng với thời gian còn lại. Trường hợp người bảo hiểm yêu cầu chấm dứt hợp đồng thì phí bảo hiểm của thời gian còn lại được hoàn trả cho người được bảo hiểm kể từ ngày yêu cầu chấm dứt đến ngày hết hạn hợp đồng.

4. Các quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng trong trường hợp người được bảo hiểm yêu cầu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm hàng hóa và hợp đồng bảo hiểm chuyến đối với tàu biển sau khi trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu.

Luật LVN Group (sưu tầm & phân tích)

 
 
 

Luật LVN Group (sưu tầm & phân tích)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com