Bình đẳng giới có nghĩa là nữ giới và nam giới đều có cơ hội như nhau để làm việc và phát triển. Bình đẳng giới trong gia đình là mọi thành viên trong gia đình, trước hết là vợ chồng đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ngang bằng nhau trong lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội

1. Định nghĩa sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ

Theo Điều 1 của CEDAW, “phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” được hiểu là: “…bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào được đề ra dựa trên cơ sở giới tính, mà có tác dụng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hóa việc phụ nữ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ như thế nào, được công nhận, thụ hưởng hay thực hiện các quyền con người và tự do cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự hay bất kể lĩnh vực nào khác, trên cơ sở bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ”. Như vậy, phân biệt đối xử chống lại phụ nữ là một khái niệm rất rộng. Xét về động cơ, nó bao gồm tất cả những hành động có và không có chủ đích. Xét về biểu hiện của hành vi, nó bao gồm không chỉ sự phân biệt mà còn sự loại trừ hay hạn chế phụ nữ. Xét về hậu quả, nó làm tổn hại hoặc vô hiệu hoá không chỉ sự thực hiện mà còn cả sự công nhận và sự thụ hưởng các quyền và tự do của phụ nữ. Xét về phạm vi tác động, nó có thể diễn ra trên mọi lĩnh vực, cả trong đời sống gia đình và ngoài xã hội, trong khu vực công cộng hoặc tư nhân. Xét về chủ thể của hành vi, nó có thể do mọi đối tượng gây ra, kể cả bởi bản thân phụ nữ.
–  Tự thân sự đối xử khác nhau không phải là sự phân biệt đối xử theo nghĩa tiêu cực, mà chỉ khi sự đối xử khác biệt đó gây tổn hại hay vô hiệu hoá các quyền con người của phụ nữ thì mới mang nghĩa tiêu cực (khía cạnh này được đề cập thêm ở phần liên quan đến Điều 4 dưới đây).
 

2. Nghĩa vụ quốc gia

Theo Điều 2 và 3 CEDAW, để loại trừ mọi sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, các quốc gia có những nghĩa vụ cơ bản sau:
– Quy định nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp, pháp luật quốc gia và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc này trên thực tế;
 – Ngăn chặn các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ bằng mọi biện pháp, kể cả bằng chế tài hình sự;
– Thiết lập các cơ chế pháp lý để giúp phụ nữ bảo vệ các quyền bình đẳng của họ;
– Bảo đảm rằng hoạt động của các cơ quan nhà nước ở các cấp không có tính chất phân biệt đối xử chống lại phụ nữ;
– Thực thi tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ những hành động phân biệt đối xử với phụ nữ của bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào, bất kể đó là cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp.
– Điều chỉnh, xoá bỏ những quy định pháp luật, các phong tục, tập quán có tính chất phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.
Như vậy, nghĩa vụ quốc gia trong việc loại trừ mọi sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ bao gồm những biện pháp toàn diện, cả về pháp lý, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, tác động đến cả đời sống công cộng lẫn gia đình. Nhà nước có nghĩa vụ xóa bỏ những hành động phân biệt đối xử với phụ nữ do bất kỳ chủ thể nhà nước hay phi nhà nước nào thực hiện, chẳng hạn như các cơ quan nhà nước, những người sử dụng lao động hay các thành viên trong gia đình. Những biện pháp này không chỉ nhằm mục đích ngăn cấm, trừng phạt các hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, mà còn nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ có thể tham gia chống lại các hình thức phân biệt đối xử với họ.
Liên quan đến nghĩa vụ quốc gia trong việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong việc hưởng thụ các quyền con người, Ủy ban quyền con người (UNHRC

3. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ

Chăm sóc sức khỏe là một nhu cầu thiết yếu của con người nhưng có ý nghĩa đặc biệt với phụ nữ. Điều này là bởi khác với đàn ông, phụ nữ phải gánh vác chức năng sinh nở và nuôi con – chức năng mà hàm chứa rất nhiều rủi ro về sức khỏe.
Tuy nhiên, điều bất hợp lý là trên thực tế, phụ nữ thường phải chịu thiệt thòi trong việc hưởng thụ quyền này do dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở các quốc gia thường là dịch vụ trả tiền, trong khi xét chung, phụ nữ có thu nhập thấp hơn nhiều so với nam giới. Điều 12 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhằm bảo đảm phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Điều này cũng yêu cầu các quốc gia thành viên Công ước phải bảo đảm cho phụ nữ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt có liên quan đến chức năng làm mẹ, cụ thể là những dịch vụ về thai nghén, sinh đẻ và nuôi con, và phải bảo đảm là những dịch vụ này được cung cấp cho phụ nữ một cách miễn phí nếu cần thiết. Liên quan đến Điều 12, Uỷ ban CEDAW đã thông qua Khuyến nghị chung số 24 tại phiên họp lần thứ 20 năm 1999, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền được chăm sóc sức khỏe với phụ nữ, đồng thời, khuyến nghị các quốc gia thành viên thực thi một chiến lược toàn diện cấp quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ suốt đời, trong đó bao gồm các biện pháp nhằm phòng, chống và điều trị những loại bệnh tật và điều kiện tác động đến sức khỏe của phụ nữ, bảo đảm cho mọi phụ nữ được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả dịch vụ sức khỏe sinh sản, với chi phí vừa phải, đồng thời, phân bổ ngân sách, nhân lực thích đáng cho hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và quản lý để bảo đảm các nguồn lực đó được sử dụng có hiệu quả (các đoạn 29,30). Ngoài Khuyến nghị chung số 24, một số Khuyến nghị chung khác của Ủy ban CEDAW cũng đề cập nhiều khía cạnh cụ thể về quyền được chăm sóc sức khỏe của phụ nữ. Cụ thể, các Khuyến nghị chung số 14 (thông qua tại phiên họp lần thứ 9 năm 1990) và 19 (thông qua tại phiên họp lần thứ 11 năm 1992) yêu cầu các quốc gia thành viênthực thi những biện pháp thích hợp để xoá bỏ những tập tục nguy hại cho sức phụ nữ như tục cắt bỏ âm vật nữ, tục bắt phụ nữ có thai và nuôi con phải ăn kiêng, tục đa thê, tục trọng nam khinh nữ dẫn tới sự lựa chọn giới tính cho thai nhi hoặc ép buộc phụ nữ phải mang thai để có con trai. Khuyến nghị chung số 15 được Ủy ban thông qua tại phiên họp lần thứ 9 năm 1990 khuyến nghị các quốc gia tăng cường những biện pháp bảo vệ phụ nữ trước đại dịch HIV và chống phân biệt đối xử với phụ nữ trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Khuyến nghị chung số 24 được Ủy ban thông qua tại phiên họp lần thứ 20 năm 1999 yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm quyền của phụ nữ được thông tin, giáo dục về những dịch vụ sức khoẻ tình dục và chú trọng đến nhu cầu đặc biệt về sức khoẻ của các phụ nữ trong những hoàn cảnh khó khăn như trong xung đột vũ trang, bị buôn bán, bóc lột tình dục, cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe của phụ nữ cao tuổi và phụ nữ khuyết tật.

4. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống kinh tế, xã hội

Thực tế ở khắp nơi trên thế giới cho thấy, trên lĩnh vực kinh tế, phụ nữ thường bị phân biệt đối xử trong việc hưởng trợ cấp gia đình, quản lý, sử dụng tài sản, thế chấp và vay vốn ngân hàng… Cùng với việc làm, đây là những tiền đề quyết định khả năng về tài chính của phụ nữ – một trong những yếu tố thiết yếu tạo nên vị thế bình đẳng nam nữ. Về phương diện xã hội, do gánh nặng đa vai trò về giới, phụ nữ thường có rất ít thời gian vui chơi, giải trí và hưởng thụ đời sống văn hoá, trong khi điều này được xem là một trong những biểu hiện thực chất của sự bình đẳng nam nữ.
Chính vì vậy, Điều 13 CEDAW yêu cầu các quốc gia bảo đảm cho phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong ba khía cạnh:
(i) Hưởng các phúc lợi gia đình;
(ii) Tín dụng, ngân hàng (ví dụ như: vay tiền của ngân hàng, thế chấp tài sản và tham gia các loại hình tín dụng..)
(iii) Tham gia các hoạt động giải trí và văn hoá.
 

5. Bình đẳng trong các quan hệ dân sự

Điều 15 CEDAW không chỉ khẳng định vị thế bình đẳng của phụ nữ với nam giới trước pháp luật mà cả trong những quan hệ dân sự cụ thể – lĩnh vực mà theo truyền thống văn hoá của nhiều xã hội, phụ nữ thường phải chịu sự phân biệt đối xử nặng nề so với đàn ông. Theo Điều này, các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho phụ nữ có vị thế bình đẳng với nam giới trong mọi quan hệ dân sự, cụ thể là trong các vấn đề như giao kết các hợp đồng, quản lý tài sản, tự do đi lại, lựa chọn nơi cư trú và trong các hoạt động tố tụng… Điều này cũng quy định tất cả các hợp đồng và giấy tờ dân sự mà có nội dung hạn chế tư cách pháp lý của phụ nữ phải bị coi là vô giá trị và không có hiệu lực thi hành. Trong Khuyến nghị chung số 21 thông qua tại phiên họp lần thứ 11 năm 1992, Uỷ ban CEDAW nêu rằng, việc giới hạn các quyền của phụ nữ trong việc ký kết hợp đồng, tự do lựa chọn chỗ ở hay tiếp cận với tòa án và dịch vụ pháp luật,v.v. đều làm hạn chế nghiêm trọng khả năng tự chủ trong cuộc sống của phụ nữ và đều bị coi là phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (các đoạn 7,8,9). Ủy ban cũng cho rằng, những phụ nữ nhập cư sống và làm việc tạm thời ở nước ngoài với chồng hay bạn tình cũng phải được bình đẳng về tư cách pháp lý với người chồng hay bạn tình đó (đoạn 10).

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến bài viết Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật  trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực pháp luật  luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật  – Công ty luật LVN Group

Luật LVN Group xin cảm ơn!