>> Luật sư tư vấn pháp luật Hành chính, gọi: 1900.0191
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010
– Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về bảo vệ tiền Việt Nam
– Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy đinh xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định của pháp luật hành vi sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà chưa được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng nhà nước là một trong những hành vi bị cấm.
Theo điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 quy định như sau:
Điều 23. Các hành vi bị cấm
1. Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.
2. Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.
3. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
4. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Và khoản 3 điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam
Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
4. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, việc sao chụp hình tờ tiền Việt Nam để in bao lì xì trong dịp tết Kỷ Hợi năm 2019 mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là hành vi bị cấm. Những bao lì xì hiện nay trên thị trường mà có in hình tờ tiền Việt Nam thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh, chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.
Căn cứ theo quy định trên, bạn kinh doanh bao lì xì có in hình tờ tiền Việt Nam mà chưa có Giấy phép (Văn bản chấp thuận của Ngân hàng nhà nước) là hành vi vi phạm pháp Luật và bị xử phạt là đúng. Cụ thể bạn sẽ bị xử phạt theo Điều 10, Nghị định 185/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 10. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Đối với hành vi buôn bán hàng cấm quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
…
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi sản xuất hàng cấm.
3. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng cấm;
b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm;
c) Người có hành vi giao nhận hàng cấm.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
d) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
đ) Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em và văn hóa phẩm độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Như vậy:
– Người buôn bán bao lì xì sẽ bị phạt tiền từ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Người sản xuất bao lì xì bị phạt tiền gấp đôi người buôn bán.
Ngoài bị phạt tiền nêu trên người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng cấm; Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng…Và áp dụng cả biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính – Công ty luật LVN Group