1. Thu phí đường bộ tự động không dừng là gì?

Thu phí đường bộ tự động không dừng là cách mọi người gọi tên hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Đây là hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện giao thông đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí sử dụng đường bộ khi tới trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Quá trình tính toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện tự động bởi hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Việc thu phí điện từ không dừng được thực hiện nhằm mục đích tăng tốc độ lưu thông qua trạm thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.

Trên thực tế, việc sử dụng hình thức thu phí tự động không dừng đã chứng minh những ưu điểm như sau:

– Tiết kiệm thời gian:Thay vì dừng lại hay xếp hàng để chờ, tài xế sẽ được di chuyển thông suốt không dừng, đỡ tốn thời gian chờ đợi.

– Giảm ô nhiễm: Xe giảm được lượng khí thải trong quá trình tăng tốc/dừng để trả tiền mặt.

– Giảm ùn tắc tại các trạm thu phí: Sẽ không còn cảnh tượng vào giờ/ngày cao điểm hàng dài xe xếp hàng chờ đợi tại trạm thu phí.

– Tăng tuổi thọ đối với phương tiện: Không phải thao tác tắt máy, dừng, đỗ, khởi động lại giúp đảm bảo tuổi thọ xe.

Có thể thấy, việc áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí không chỉ có lợi đối với người điều khiển xe mà còn có lợi đối với toàn xã hội.

 

2. Thẻ thu phí đường bộ không dừng

Thẻ thu phí đường bộ tự động không dừng (thẻ đầu cuối) là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện giao thông đường bộ để giao tiếp thông tin với hệ thống thu phí điện tử không dừng theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây và lưu trữ các thông tin liên quan đến việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Mỗi một phương tiện giao thông đường bộ được nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vự sử dụng đường bộ cấp một mã số định danh khi gắn thẻ đầu cuối.

 

3. Đơn vị cung cấp dịch vụ dán thẻ thu phí đường bộ không dừng

Hiện nay trên thị trường có 02 nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng là thẻ ePass của VDTC và thẻ e-Tag của VETC.

 

3.1. Thẻ ePass của VDTC

VDTC là thương hiệu thu phí không dừng của Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam, là Công ty thành viên của tập đoàn Viễn thông quân đôiụ Viettel, cung cấp thẻ ePass được dán trên kính lái hoặc đèn xe nhằm mục đích nhận diện phương tiện giao thông tự đồng và trừ tiền vé vào tài khoản đã đăng ký giúp phương tiện di chuyển qua các trạm thu phí một các dễ dàng. Hiện nay VDTC có 35 trạm thu phí trên toàn quốc.

Phương thức dán thẻ:

Bước 1: Khách hàng chuẩn bị giấy tờ gồm: Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; Giấy đăng ký phương tiện; GIấy đăng kiểm phương tiện kèm 01 hình ảnh chịp chính diện xe, rõ biển số.

Bước 2: Tới siêu thị Viettel Store gần nhất để được hỗ trợ đăng ký mở tài khoản

Bước 3: Nhân viên tư vấn dán tem ePass lên xe theo quy chuẩn

Đối với khách hàng là cá nhân có thể đăng ký online dán thẻ ePass tại nhà. Theo đó, khi có nhu cầu đăng ký online chủ xe thực hiện theo các cách như sau:

Cách 1: Đăng ký tại website chính chủ của VDTC http://epass-vdtc.com.vn/ và làm theo hướng dẫn.

Cách 2: Tải App ePass tại Appstore hoặc CHplay và đăng ký, nhân viên VDTC sẽ liên hệ khách hàng để nhận và tới dán thẻ tại nhà.

 

Cách thức để sử dụng thẻ ePass:

Sau khi thẻ đã được dán lên xe, người dùng cần tiến hành các bước sau:

Bước 1: Tải app ePass, đăng nhập theo tài khoản và mật khẩu được gửi đến tin nhắn điện thoại của bạn

Bước 2:  Liên kết tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử Viettel Money với tài khoản ePass 

Bước 3: Nạp tiền vào tài khoản ePass bằng tài khoản thanh toán đã liên kết ở bước 2. Vậy là xong, mỗi lần khách hàng qua trạm thu phí, số tiền cần thanh toán sẽ trừ ngay trong tài khoản

 

3.2. Thẻ e-Tag của VETC

VETC là thương hiệu thu phí không dừng của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Công ty bắt đầu triển khai và cung cấp dịch vụ thu phí không dừng từ năm 2015.

Thẻ e-Tag là thẻ định danh được dán trên kính/đèn xe giúp chủ phương tiện đi qua trạm thu phí mà không phải dừng một cách dễ dàng. Hiện nay VETC đang vận hành 79 trạm thu phí.

Cách thức dán thẻ

VETC triển khai hai hình thức dán thẻ đó là dán thẻ trực tiếp tại các điểm trạm và dán thẻ online tại nhà:

* Hình thức dán thẻ trực tiếp tại các điểm, trạm trên toàn quốc:

Đối với khách hàng cá nhân:

Giấy tờ chuẩn bị gồm:  Chứng minh nhân dân/ Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu/Giấy phép lái xe (Hạng B1 trở lên); Đăng ký xe, đăng kiểm xe.

Đối với khách hàng doanh nghiệp

Giấy tờ chuẩn bị gồm: Giấy đăng ký kinh doanh (bản gốc hoặc bản photo công chứng); Giấy đề nghị mở tài khoản; Đăng ký xe, đăng kiểm xe.

Đối với khách hàng là Tổ chức hoặc các Cơ quan/đơn vị hành chính sự nghiệp:

Giấy tờ chuẩn bị gồm: Công văn đề nghị mở tài khoản (có dấu đỏ); Giấy đề nghị mở tài khoản; Đăng ký xe, đăng kiểm xe.

* Hình thức đăng ký dán thẻ Online tại nhà

Cách 1: Đăng ký tại website chính chủ https://vetc.com.vn/

Cách 2: Tải App VETC tại Appstore hoặc CHPlay và đăng ký

Hướng dẫn sử dụng

Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng VETC, điều kiện cần là chủ phương tiện cần dán thẻ định danh VETC (dán kính hoặc đèn). Trong tài khoản giao thông phải có số dư tối thiểu một lần phí qua trạm.

Để hỗ trợ khách hàng trong việc nạp tiền vào tài khoản được dễ dàng hơn, VETC triển khai rất nhiều kênh nạp tiền.

Cách 1: Nạp tiền qua hệ thống ngân hàng

Tên đơn vị thụ hưởng: Công ty TNHH thu phí tự động VETC

Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Sở giao dịch III (Hà Nội): 16010000000626

Nội dung chuyển khoản: biển số xe hoặc Số tài khoản giao thông của khách hàng

Cách 2: Nạp tiền qua các cổng thanh toán, ví điện tử:

– Tải các ứng dụng: VNPAY, MoMo, Zalo Pay, Payoo về điện thoại và làm theo hướng dẫn trên ứng dụng

Cách 3: Nạp tiền trực tiếp

Khách hàng nạp tiền trực tiếp tại các điểm dịch vụ VETC: Trạm thu phí có dịch vụ VETC, Quầy giao dịch ngân hàng, Trung tâm đăng kiểm, Các đại lý ủy quyền.

 

4. So sánh thẻ thu phí tự động không dừng của VETC và VDTC

Giống nhau:

– Đều cung cấp thẻ định danh dán trên kính xe/ đèn xe hỗ trợ phương tiện đi qua trạm thu phí mà không phải dừng thanh toán phí sử dụng đường bộ.

– Đều sử dụng công nghệ RFID độ chính xác và nhận diện điện tử cao, giúp giảm thời gian xử lý giao dịch.

– Giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký: Thẻ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, Giấy phép láy xe và giấy đăng kiểm (đối với xe trả góp cần giấy xác nhận của ngân hàng về thông tin đăng ký xe)

Khác nhau

So sánh thẻ thu phí không dừng của VETC và VDTC
Tiêu chí  VETC VDTC
Tên thẻ e-Tag ePass
Thời điểm triển khai

Năm 2015

Năm 2020
Phí dán thẻ

Miễn phí dán thẻ lần đầu.

Dán lần thứ hai phí dán thẻ là 120.000 đồng/lần

120.000 đồng/thẻ

dán lỗi thẻ do nhân viên của VDTC , khách hàng được miễn phí dán lại.

Địa điểm đăng ký dán thẻ

– Trung tâm đăng kiểm và trạm thu phí

– Chủ xe có thể đăng ký thẻ định danh online, đợi 3-4 ngày để nhận thẻ và tự dán vào phương tiện.

 

– Trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí và các địa điểm 

– Tại hệ thống hơn 300 diêu thị Viettel Store trên toàn quốc

– Chủ xe có thể đăng ký Online dán thẻ ePass tại nhà

Hình thức nạp tiền vào thẻ

Cho phép khách hàng nạp tiền vào tài khoản thông qua hình thức chuyển khoản (miễn phí) hoặc các cổng thanh toán (có phí từ 1% trở lên)

Chưa có tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử nên khách hàng phải nạp tiền trước vào tài khoản

Cho phép khách hàng nạp tiền vào tài khoản ePass từ hơn 40 ngân hàng, ví điện tử Viettel Money.
Ưu điểm

Triển khai từ năm 2015, có nhiều kinh nghiệm trong vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.

– Chưa ghi nhận các sự cố liên quan đến hệ thống.

– Đội ngũ kỹ sư công nghệ của VETC không ngừng kiểm tra nâng cấp hệ thống nhằm đảm bảo hoạt động trơn tru, mượt mà nhất cho khách hàng. VETC bố trị nhân sự túc trực tại các trạm để hỗ trợ nhanh nhất khi khách hàng gặp sự cố trên làn ETC.

Với tính năng liên kết với ví điện tử, cho phép người dùng không cần duy trì số dư tài khoản trong ePass như VETC. giúp hạn chế tình trạng chủ xe bị xử phạt do quên nạp tiền vào tài khoản ePass
Nhược điểm  Chưa có tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng, ví điện tử nên người dùng phải nạp tiền trước vào thẻ để đảm bảo không gián đoạn trong lưu thông qua trạm thu phí tự động

Trong một vài trường hợp cổng thanh toán gặp sự cố, chủ xe có thể gặp rắc rối khi qua trạm do dòng tiền không được chuyển về hệ thống ePass để thanh toán.

– Đã phát sinh nhiều sự cố trong quá trình vận hành hệ thống.

– Nhiều người phản ánh xe dán ePass qua trạm thu phí vẫn phải dừng lại do thanh chắn không tự động mở, nhân viên trực tại trạm phải chủ động mở thanh chắn.

Bảng so sánh trên đây đã thể hiện một số tiêu chí cơ bản để thấy một số điểm khác biệt giữa thẻ thu phí tự động của nhà cung cấp VETC và VDTC. Trên cơ sở đánh giá trải nghiệm của khách hàng thì đều cho thấy mỗi nhà cung cấp đều có những tồn tại, có khách hàng chia sẻ sử dụng thẻ ePass có lỗi hệ thống, song cũng có khách hàng chia sẻ rằng sử dụng thẻ eTag đôi khi vẫn lỗi. Như vậy, về cơ bản, để đảm bảo có thể xác thực thông tin định danh phương tiện thì thẻ thu phí của các nhà cung cấp này đều được tích hợp các thông tin tương tự nhau, cùng phục vụ cho một mục đích như nhau nên để nói thẻ của nhà cung cấp nào tốt hơn thì câu trả lời vẫn sẽ là như nhau.

Bên cạnh đó, cùng với sự cạnh tranh thì mức phí đăng ký thẻ của hai nhà cung cấp cũng tương đương nhau. Và để thu hút khách hàng lựa chọn dịch vụ của mình, cả hai nhà cung cấp đều không ngừng nỗ lực hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống điện tử mạng lưới chăm sóc khách hàng để làm sao phục vụ khách hàng có được trải nghiệm thu phí tự động một cách nhanh chóng, thuận tiện và mượt mà nhất, mọi khó khăn, bất tiện mà khách hàng gặp phải có phản ánh đều được các nhà cung cấp lắng nghe và xử lý thỏa đáng.

 

5. Dán thẻ của ePass có qua được trạm của VETC không?

Câu trả lời là có. Dán thẻ của VDTC (Epass) hoàn toàn qua trạm thu phí của VETC chỉ cần trạm thu phí đó có cửa dành cho thu phí tự động không dừng.

 

6. Một xe có dán 2 thẻ thu phí không dừng được không?

Bộ Giao thông vận tải quy định mỗi phương tiện chỉ được đăng lý dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ không dừng là VETC hoặc VDTC. Theo đó, nếu đã dán thẻ e-Tag thì khách hàng không dán thẻ ePass và ngược lại. Nếu khách hàng cố tình dán 2 thẻ của cả 2 nhà cung cấp dịch vụ thì sẽ xảy ra tình trạng lỗi khi di chuyển qua trạm vì máy quét không thể nhận diện chính xác phương tiện và tài khoản đó. Trên thực tế thì khi khách hàng lựa chọn đăng ký dán thẻ tại nhà cung cấp sẽ được kiểm tra thông tin, nếu khách hàng đã dán thẻ của nhà cung cấp khác thì nhà cung cấp được yêu cầu sau cũng không tiếp nhận dán thẻ tiếp cho khách hàng này.

 

7. Không dán thẻ có được đi vào cửa dành cho thu phí điện tử không dừng?

Hiện nay trên toàn quốc đã có 112 trạm thu phí tự động do VETC và VDTC vận hành hoặc kết nối hệ thống tính phí và lưu trữ thông tin khách hàng. Đa phần các trạm thu phí đều có làn ETC và làn hỗn hợp để các phương tiện dán thể thu phí không dừng dễ dàng lưu thông qua các trạm mà không cần dừng để trả phí tiền mặt.

Tại Chỉ thị 39/CT-TTg năm 2020 về đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đã quy định rõ trách nhiệm của người điểu khiển phương tiện “Tuyệt đối không điều khiển phương tiện đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng khi phương tiện chưa gắn thẻ đầu cuối hoặc đã gắn thẻ đầu cuối nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả cho giao dịch thu phí.”

Như vậy, đối với xe chưa dán thẻ thu phí tự động thì tuyệt đối không được đi vào cửa dành cho thu phí điện tử không dừng (làn ETC).

 

8. Xe không dán thẻ thu phí tự động vào làn ETC bị phạt thế nào?

Như tại mục 7 đã nêu, tại Chỉ thị 39/CT-TTg đã quy định rõ chủ phương tiên/người điều khiển phương tiện tuyệt đối không được điều khiển phương tiện đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng khi phương tiện chưa gắn thẻ đầu cuối hoặc đã gắn thẻ đầu cuối nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả cho giao dịch thu phí. Do đó, nếu xe không dán thẻ thu phí tự động mà tài xế lại điều khiển xe vào làn ETC thì là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao thông.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định hành vi điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (bao gồm cả xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc có gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị xử phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người điều khiển xe vào làn ETC tại trạm thu phí cần lưu ý cần giảm tốc độ và đảm bảo khoảng cách giữa các xe để đảm bảo cho tầm nhìn của hệ thống trong việc nhận diện thẻ của phương tiện. Cụ thể, khi di chuyển qua ETC, người điều khiển phương tiện cần lưu ý:

– Duy trì tốc độ tối đa 40km/h;

– Duy trì khoảng cách tối thiểu 3-5m đối với xe đi trước để đảm bảo an toàn, tránh va chạm và không cản trở tầm nhìn của hệ thống nhận diện phương tiện;

– Chú ý biển báo điện tử phía trước, di chuyển ra khỏi làn khi thấy hiển thị đúng biển số xe của phương tiện mình.

 

9. Có bắt buộc dán thẻ thu phí tự động không dừng không?

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2022 về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng có quy định: “Bộ Công an chỉ đạo Cục cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng phối hợp với Bộ giao thông vận tải, các cơ quan chức năng của địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện điều tiết giao thông tại khu vực trạm thu phí ETC; xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với phương tiện cố tình vi phạm hoạt động thu phí ETC, gây mất trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong giai đoạn sau ngày 01/08/2022 khi các trạm thu phí chấm dứt làn thu phí thủ công để chuyển sang thu phí ETC và chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp tại mỗi trạm thu phí”.

Theo đó, chủ trương sau ngày 01/8/2022 tại các trạm thu phí đường bộ không còn cửa dành cho thu phí truyền thống, mà chỉ có một làn thu phí hỗn hợp. Do đó, nếu tài xế không dán thẻ thu phí tự động không dừng thì sau ngày 01/8/2022 khi qua các trạm thu phí sẽ chỉ được đi vào làn thu phí hỗn hợp (ít sự lựa chọn làn thu phí hơn) điều này sẽ khiến các tài xế mất nhiều thời gian hơn khi qua trạm thu phí, khá bất tiện. Do đó, tuy rằng không dán thẻ thu phí tự động không dừng vẫn qua được trạm thu phí song quá trình thu phí lại mất nhiều thời gian hơn. Vì vậy, để thuận tiện cho việc di chuyển của mình, khuyến khích các tài xế nên dán thẻ thu phí tự động không dừng để được trải nghiệm dịch vụ thu phí tự động khi qua trạm thu phí một cách nhanh chóng, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về thẻ thu phí tự động không dừng của hai nhà cung cấp VETC và VDTC và một số thông tin pháp lý liên quan. Hy vọng sẽ cập nhật tới bạn đọc những thông tin hữu ích. Mọi vướng mắc pháp lý cần tham vấn ý kiến Luật sư của LVN Group vui lòng liên hệ tới Hotline 1900.0191 để được tư vấn hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư của Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!