1. Bảo lãnh vay tiền là gì?

Hiện nay, quan hệ vay tiền là một quan hệ phổ biến hiện nay, tùy thuộc vào số tiền vay là lớn hay nhỏ mà bên cho vay sẽ yêu cầu bên vay phải thực hiện những biện pháp bảo đảm nhất định để bảo đảm rằng khi mà người vay tiền không còn khả năng trả nợ thì vẫn sẽ nhận lại được số tiền vay đó. Và bảo lãnh vay tiền là một trong số hình thức bảo đảm đó.

Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Từ nghĩa vụ bảo lãnh có thể sẽ là cơ sở để làm phát sinh các nghĩa vụ khác. Ví dụ: nghĩa vụ hoàn lại giữa những người đồng bảo lãnh cho người bảo lãnh đã hoàn tất nghĩa vụ; hay nghĩa vụ hoàn trả của người được bảo lãnh với người bảo lãnh đã hoàn tất nghĩa vụ bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh là loại nghĩa vụ có điều kiện theo cách quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành.

 

2. Phạm vi và cách thức bảo lãnh vay tiền

Theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì phạm vi bảo lãnh của bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Đồng thời, nhiều người có thể cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ, trong trường hợp đó, người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh; trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập.

Bên cạnh đó, pháp luật dân sự quy định nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, các bên bảo lãnh không được từ chối trả các khoản tiền phát sinh nếu hợp đồng có thỏa thuận về các khoản tiền trên. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại. 

 

3. Trách nhiệm của bên bảo lãnh vay tiền

Căn cứ vào quy định Điều 342 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh như sau:

+ Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

+ Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Do đó, khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (căn cứ vào khoản 2 Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Từ các quy định trên, bên bảo lãnh sẽ có nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau:

– Trường hợp có thỏa thuận về việc bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

– Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, nếu bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì bên bảo lãnh còn có thể bị yêu cầu phải thanh toán tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. 

Ngoài ra, ta thấy khi giải quyết vấn đề vay vốn, bên vay (chủ yếu là các tổ chức tín dụng, ngân hàng) thường yêu cầu người vay không có tài sản hoặc quá tuổi lao động phải có người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hoặc đưa tài sản cho người bảo lãnh ra bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được, có thể đang hiện có hoặc hình thành trong tương lai. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Theo quy định của pháp luật, biện pháp bảo đảm có ý nghĩa tương tự như biện pháp bảo lãnh, đó là những cách thức, giải pháp nhằm hỗ trợ, khẳng định, bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, thỏa thuận một cách chắc chắn. Do đó, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết thì bên có quyền có thể áp dụng biện pháp bảo đảm đã thỏa thuận hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình. Nghĩa là, tài sản bảo đảm của bên bảo lãnh sẽ được bán để trả nợ và được định giá theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Dân sự năm 2015 nếu bên được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ hay có thực hiện nghĩa vụ nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ.

Người bảo lãnh có phải trả nợ thay khi bảo lãnh vay vốn cho người khác hay không?

Căn cứ vào trách nhiệm của người bảo lãnh nêu trên, ta có thể thấy, theo pháp luật hiện hành thì có 02 trường hợp bên bảo lãnh phải trả nợ thay cho bên vay. Nếu các bên có thỏa thuận thì khi bên vay không có khả năng trả nợ, bên bảo lãnh cũng phải trả nợ thay cho bên vay trừ trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ theo Điều 341 Bộ luật Dân sự năm 2015. Và đặc biệt, ngoài nghĩa vụ trả nợ thì bên bảo lãnh còn có thể phải trả cả tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thay cho bên vay.

Như vậy, người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người được bảo lãnh khi các bên có sự thỏa thuận từ trước hoặc bên được bảo lãnh không thể thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật nếu đến hạn thanh toán nghĩa vụ. Khi đó, ngân hàng có quyền yêu cầu người bảo lãnh thanh toán nghĩa vụ theo như đã cam kết trong hợp đồng, sau khi thanh toán nghĩa vụ trả nợ người bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh bồi hoàn lại khoản tiền đã bỏ ra để bảo lãnh. 

Nếu đến hạn mà người bảo lãnh từ chối thanh toán nghĩa vụ này thì Ngân hàng sẽ lấy đó làm cơ sở để khởi kiện yêu cầu bên bảo lãnh hoàn trả nghĩa vụ bằng tài sản thay cho bên được bảo lãnh. Tuy nhiên, trước đó, trong trường hợp nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn mà vẫn chưa trả hết nợ thì người được bảo lãnh có thể xin gia hạn thời gian trả nợ với bên cho vay. Khi này, bên cho vay có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể có thể gia hạn nếu xét thấy khả năng trả nợ vẫn còn.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Để yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay thì phía ngân hàng phải gửi văn bản yêu cầu bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh kèm với hồ sơ thỏa thuận tại cam kết bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

Hình thức gửi yêu cầu có thể thông qua hình thức trực tiếp hoặc thông qua mạng bưu chính công cộng. Nếu gửi thư yêu cầu qua hình thức bưu chính công cộng thì ngày bảo lãnh nhận được yêu cầu được xem là ngày ký nhận thư bảo đảm. Và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do ngân hàng gửi cho bên bảo lãnh chỉ được coi là hợp lệ nếu bên bảo lãnh nhận được yêu cầu trong thời gian làm việc của bên bảo đảm và trong thời hạn còn hiệu lực của cam kết bảo lãnh.

Theo khoản 2 Điều 21 Thông tư 07/2015/TT-NHNN do Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 25/06/2015 quy định về bảo lãnh ngân hàng thì thời hạn thực hiện bảo lãnh được tính như sau:

– Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày bên bảo lãnh nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 07/2015/TT-NHNN thì bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết đối với bên nhận bảo lãnh, đồng thời hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh và thông báo cho bên được bảo lãnh biết. Và khi đó, bên được bảo lãnh có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền bên bảo lãnh đã trả thay và số tiền lãi theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư 07/2015/TT-NHNN.

– Chậm nhất 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nếu từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối thực hiện nghĩa vụ.

 

4. Khi nào người bảo lãnh được miễn hoặc chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh?

4.1. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bên được bảo lãnh nếu thuộc các trường hợp được miễn việc thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 341 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

– Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

– Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

– Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại. 

 

4.2. Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh

Nghĩa vụ bảo lãnh của người bảo lãnh được xem là chấm dứt khi thuộc vào trường hợp quy định tại Điều 343 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể là các trường hợp như sau:

– Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt khi hết thời hạn bảo lãnh.

– Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

– Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

– Theo thỏa thuận của các bên.

 

5. Ví dụ về trách nhiệm và nghĩa vụ của bên bảo lãnh vay tiền

Ví dụ: Để vay được 500.000.000 đồng từ Ngân hàng, chị A đã nhờ anh B (là anh trai của chị A) ký giấy bảo lãnh để chị A vay vốn. Nghĩa vụ đóng lãi và trả nợ gốc là do chị A chịu trách nhiệm. Đến kỳ hạn thanh toán nợ vay, chị A không có khả năng thanh toán nên nhân viên Ngân hàng đã liên hệ với anh B để yêu cầu trả nợ thay. Vậy anh B có phải trả nợ thay cho chị A hay không?

Giải đáp:

– Căn cứ pháp lý:

Điều 340 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

– Tùy thuộc vào nội dung hợp đồng bảo lãnh mà anh B đã ký để xác định thời hạn cũng như phạm vi chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo lãnh của anh B. Trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể thì anh B sẽ phải chịu trách nhiệm với phần gốc và cả phần lãi của nghĩa vụ vay tiền nói trên. Việc Ngân hàng liên hệ yêu cầu anh B thực hiện nghĩa vụ thay cho chị A là đúng pháp luật và đúng với thỏa thuận giao kết trong hợp đồng bảo lãnh.

– Do đó, anh B phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ cho tổ chức tín dụng các khoản tiền gốc và tiền lãi của hợp đồng vay, khi hợp đồng đó đến hạn thực hiện mà chị A không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Sau đó, anh B có quyền yêu cầu em gái anh là chị A thanh toán lại cho anh số tiền anh đã bỏ ra để thanh toán thay này. 

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.