1. Mức phạt người dưới 18 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản ?

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi: 1900.0191

Câu hỏi: A và B (17 tuổi) cùng nhau vào cửa hàng điện thoại để trộm tài sản. A giả vờ là khách hàng vào hỏi mua điện thoại, nhân lúc nhân viên cửa hàng ko để ý A đã lén bỏ chiếc đt vào túi quần và nhanh chóng leo lên chiếc xe máy có B chờ sẵn ở ngoài. A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì, và B có bị coi là đồng phạm hay không ?

Luật sư tư vấn:

1.1. Tội trộm cắp tài sản được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.”

Theo đó, A đã 17 tuổi nên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Có thể thấy rằng, trong trường hợp này A đã nhân lúc nhân viên bán hàng không để ý liền lén lấy chiếc điện thoại bỏ vào túi quần và chạy đi. Hành vi A thực hiện hoàn toàn là do lỗi cố ý, thể hiện ý chí của người thực hiện hành vì là A, và hành vi đó đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản là tài sản của chủ cửa hàng điện thoại đó. Như vậy hành vi này đã cấu thành tội trộm trộm cắp tài sản. Do đó, A sẽ bị xử phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội này.

“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Trong trường hợp này, vì tôi không nắm rõ được chi tiết các tình tiết phạm tội cũng như nhân thân của anh A nên không thể khẳng định được mức phạt mà A anh sẽ phải chịu là như thế nào. VÌ vậy bạn có thể tham khảo điều luật trên để đối chiếu.

1.2. Quy định về đồng phạm?

Theo Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về đồng phạm như sau:

“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Có thể thấy trong trường hợp trên, A và B đã cố ý cùng nhau thực hiện một tội phạm khi có chủ đích vào cửa hàng điện thoại để chiếm đoạt tài sản. Ở đây A đóng vai trò là người thực hành, B sẽ bị coi là đồng phạm của A và với vai trò là người giúp sức, B đã tạo điều kiện vật chất cho A thực hiện hành vi của mình khi chờ sẵn ở xe để đợi A và giúp A hoàn thành hành vi chiếm đoạt tài sản.

-Trân trọng –

2. Có được tố cáo về tội trộm cắp không?

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự, gọi: 1900.0191

Câu hỏi: Nhà em có đồi cây gỗ đến kỳ thu hoạch và đã cho anh Tuấn. Khi làm giấy tờ bán gỗ là không bán cành củi. Và cũng đã có Ký là người cùng làng nhận lấy số củi này. Do ở trong đồi cao nên phải chặt gỗ từ trên đồi cao mang xuống dưới đất bằng tập kết. Bãi đất bằng này là mảnh ruộng thuộc sở hữu ông Đạo. Và anh Tuấn đã hỗ trợ gia đình ông Đạo 2 triệu tiền đường.
Bên trên ruộng có 1 khoảng đất rộng khoảng 5 mét Ông Đạo cho con trồng sắn. Con trai ông không lấy tiền hỗ trợ nên anh Tuấn cho con ông Đạo số đầu mẩu gỗ cắt thừa dưới ruộng và ít củi trên ven đồi để coi như bù vào chỗ sắn hỏng do cây gỗ lao từ trên đồi xuống. Nhưng anh Tuấn không nói lại với gia đình em, con trai ông Đạo vào lấy củi cũng không nói và không xin gia đình em. Cả làng ai vào lấy củi cũng bảo là anh Tuấn cho củi ông bà Đạo nên cho ai là quyền của ông bà Đạo.
Do người làng cứ kéo lên lấy củi nhiều. Gia đình Ký không giữ được và có vào nói lại với gia đình em nhờ vào nói giúp. Em đi vào trong đồi thấy mọi người đang lấy củi và có hỏi mây câu. Thấy vậy, người con trai ông Đạo có đưa ra những lời đe dọa và đánh em. Em cứ lo nghĩ mãi việc này. Luật sư cho em hỏi bây giờ em có thể làm đơn trình báo hay tố cáo con ông Đạo với công an xã (vì đã báo công an thôn bản nhưng không giải quyết được) về tội trộm cắp tài sản ( vì lấy củi không hỏi xin) và dọa nạt nhục mạ nhân phẩm đạo đức người khác không? Em không quay lại video lúc xảy ra trong đồi gỗ được, có anh Ký là người chứng kiến sự việc xảy ra. Và có video xuống nhà ông Đạo xác nhận lại có nhận tiền hỗ trợ của anh Tuấn. Chứng cứ và nhân chứng như vậy liệu có đủ thuyết phục hay không? Dựa vào những lời dọa nạt trên có tác dụng gì trong việc kết tội đối tượng trên không? Và đối tượng trên sẽ phải chịu những khung hình phạt nhẹ nhất đến hình phạt nặng nhất nào ?

Trả lời:

Để biết được con ông Đạo có phạm tội trộm cắp tài sản hay không cần căn cứ vào Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”

Dấu hiệu phạm tội:

“Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ và thuộc một trong các trường hợp sau:

– Tài sản trộm cắp có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên;

– Gây hậu quả nghiêm trọng;

– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;

– Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và chưa được xóa án tích.

Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu khác thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt – dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.

Dấu hiệu chiếm đoạt trong CTTP tội trộm cắp tài sản được thực tiễn xét xử từ trước đến nay hiểu là chiếm đoạt được. Với cách hiểu như vậy, tội trộm cắp tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa, đã làm chủ được tài sản hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt. Thực tiễn xét xử đã chấp nhận hướng giải quyết cụ thể về những trường hợp chiếm đoạt được ở tội trộm cắp tài sản như sau:

– Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi là đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.

– Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.

– Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu.

Hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản có hai dấu hiệu phân biệt với hành vi chiếm đoạt của tội khác. Đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.

Lén lút là dấu hiệu có nội dung trái ngược với dấu hiệu công khai ở các tội đã trình bày. Dấu hiệu này vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt tài sản vừa chỉ ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi đó. Hành vi chiếm đoạt tài sản có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện cũng là lén lút.

Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không có phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra.Ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt người phạm tội có ý thức che dấu hành vi đang thực hiện của mình. Việc che giấu này chỉ đòi hỏi đối với chủ tài sản. Đối với những người khác, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản có thể vẫn là công khai. Nhưng trong thực tế, ý thức chủ quan của người phạm tội trong phần lớn các trường hợp cũng là lén lút, che giấu đối với người khác. Ý thức lén lút, che giấu này có thể là:

– Che giấu toàn bộ hành vi phạm tội như che giấu đối với chủ tài sản hoặc

– Chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Ví dụ: lợi dụng thủ kho đi vắng, mở cửa kho chuyển hành lên ô tô một các đàng hoàng như là có việc xuất hàng bình thường. Trong trường hợp này người phạm tội không che giấu hành vi thực tế mà chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Những người không phải là chủ tài sản vẫn biết sự việc xảy ra nhưng không biết đó là hành vi trộm cắp tài sản.

Tài sản là đối tượng của trộm cắp tài sản là tài sản đang có chủ. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ. Hành vi lấy tài sản của mình hoặc đang do mình quản lí cũng như hành vi lấy tài sản không có hoặc chưa có chủ đều không phải là hành vi trộm cắp. Tài sản được coi là đang có chủ là tài sản sau:

– Tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác, nghĩa là đang năm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm. Thông thường việc xác định tài sản còn nằm trong sự chiếm hữu của chủ tài sản hoặc của người có trách nhiệm hay không, không phức tạp, trừ một số trường hợp tài sản là những vật nuôi có thể tự động di chuyển vị trí ngoài ý muốn của chủ nuôi như trâu, bò, ngựa,…

– Tài sản đang còn trong khu vực quản lí, bảo quản của chủ tài sản. Đây là trường hợp tài sản cụ thể, tuy đã thoát li khỏi sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc của người có trách nhiệm nhưng vẫn nằm trong phạm vi thuộc khu vực bảo quản. Ví dụ: Tài sản đã bị lấy ra khỏi nhà kho cụ thể nhưng còn được giấu bên trong hàng rào bảo vệ của khu vực kho.

– Xét về khách quan, chỉ những tài sản thuộc hai loại nêu trên mới có thể là đối tượng của tội trộm cắp tài sản. Xét về chủ quan, người phạm tội trộm cắp tài sản khi thực hiện hành vi phạm tội cũng biết tài sản chiếm đoạt có đặc điểm đang có chủ. Nếu người phạm tội thực sự có sự sai lầm cho rằng tài sản không có chủ thì hành vi không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Để đánh giá sự sai lầm của người phạm tội là có căn cứ hay không, cần xem xét trước hết đặc điểm của tài sản cũng như vị trí và cách để tài sản đó.

Theo các quy định trên của pháp luật thì con ông Đạo không phạm tội trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, con ông Đạo có những hành vi lăng mạ, xúc phạm bạn gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bạn. Bạn có thể làm đơn tố giác cơ quan công an nơi bạn đang cư trú, cơ quan công an sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này (xem thêm mức phạt hành chính tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, phòng chống bạo lực gia đình

-Trân trọng-

3. Tổng hợp hình phạt giết người và trộm cắp?

Câu hỏi: A 17 tuổi phạm tội giết nguời theo khoản 2 điều 123 Bộ luật Hình sự mức phạt tù cụ thể A phải nhận là bao nhiêu năm tù? Nếu tổng hợp hình phạt với tội trộm cắp tài sản (32 triệu đồng) thì mức hình phạt cao nhất là bao nhiêu năm ?

Luật sư trả lời:

a/ A phạm tội giết người theo khoản 2 điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sủa đổi bổ sung 2017, tội danh của A được quy định như sau:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. “

Đối với tội giết người thuộc khoản 2 điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 chủ thể A (17 tuổi) sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm theo quy định của pháp luật. Hình phạt cao nhất của A với tội giết người theo khoản 2 điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 là 15 năm tù.

b/ Số tiền trộm cắp của chủ thể A là 32 triệu đồng nên sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 2 điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Như vậy, tổng mức hình phạt cao nhất của A với hai tội danh giết người và trộm cắp tài sản sẽ là 15+7= 22 năm tù.

Tuy nhiên chủ thể A chưa đủ 18 tuổi (17 tuổi) nên tổng mức hình phạt của A sẽ được áp dụng theo khoản 1 điều 103 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 103. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

1. Khi xét xử cùng một lần người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.”

Như vậy, tổng mức hình phạt đối với hai tội giếtngười và trộm cắp tài sản sẽ không được vượt quá 18 năm. Trong khi đó, tổng mức hình phạt cao nhất của A với hai tội danh đã là 22 năm vượt quá 18 năm theo quy định của pháp luật nên tổng mức hình phạt cao nhất của A phải chịu trong trường hợp phạm tội này là 18 năm.

-Trân trọng-.

4. Tình tiết giảm nhẹ khi phạm tội trộm cắp?

>>Luật sư tư vấn luật hình sự về tội trộm cắp tài sản, gọi : 1900.0191

Câu hỏi: Hơn một năm trước em và A có ngồi ăn uống chung với nhau, em đã rủ bạn ý về phòng ngủ tạm. Về tới cửa lên phòng thì bạn A đưa túi cho em cầm. Lúc đó em muốn mượn điện thoại nên có mở túi của A thì thấy có 17 triệu đồng. Trong lúc đầu óc không tỉnh táo, không nghĩ hậu quả, đã trót lấy của bạn. Hôm sau tỉnh ngủ dậy cũng đã rất ân hận và sợ, nhưng không dám thú nhận. Với thấy bạn đó không muốn điều tra, nên em cũng không tự thú. Sau đó thì em có đưa tiền cho bạn ý nhiều lần. Tổng lại khoảng gần 50 triệu. Nhưng đưa em chỉ nói với A là cho vay, không tính lãi, bao giờ có thì trả. Bản thân em thấy rất day dứt nên 5 tháng trước em có thú nhận và nói rằng số tiền em đưa là số trả và bồi thường. Từ đó tới nay hễ em làm hay nói gì không phải là A lại dọa sẽ kiện em. Vậy thì em sẽ bị xử như thế nào?

Trả lời:

* Đầu tiên, hành vi của bạn đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 . Theo đó, hình phạt sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. Tuy nhiên, bạn sẽ được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;…

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;…

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.”.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.”

Theo quy định của Bộ luật hình sự, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Như vậy, trong trường hợp bị kiện ra Toà, bạn hãy thành khẩn khai báo, hỗ trợ điều tra, cùng với đó bạn đã hoàn trả và bồi thường cho bạn của bạn cũng như phạm tội lần đầu, dựa trên tất cả các yếu tố đó thì hình phạt sẽ nhẹ hơn, có thể chỉ bị phạt cải tạo.

Trân trọng./.

5. Công nhiên chiếm đoạt tài sản khác trộm cắp như thế nào?

>>Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến, gọi:1900.0191

Câu hỏi: A, B,C là bạn bè nên B rủ A và C đến nhà B kéo cá nấu cháo nhưng vì cha B ở nhà nên B không dám bắt cá mà rủ A và C đến quán cafe gấn đó uống nước. A điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 63-48123 của A chở B và C đi uống nước.
Khi vào quán thì A vẫn để chìa khóa trong ổ khóa mà không rút ra. Sau khi uống xong thì cả 3 người đến quầy tính tiền. Do không có ai mang theo tiền nên B nói ông chủ quán nước cho thiếu, nhưng ông chủ quán nước không cho thiếu mà kêu B lấy xe của A đi mượn tiền đem lại trả. Lúc này A có điện thoại nên A quay lưng lại nghe điện thoại, còn B thì đi thẳng ra xe của A nổ máy và chạy đi. Khi B nổ máy xe chạy đi khoảng 10m thì A nhìn thấy và có kêu B nhưng B vẫn chạy đi mất. Hỏi hành vi của B là tội trộm cắp tài sản hay công nhiên chiếm đoạt tài sản?

Trả lời:

Tội trộm cắp tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có hai điểm khác biệt cơ bản sau:

Thứ nhất, điểm khác biệt nhất là hành vi khách quan của tội phạm: hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, còn hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản ngay trước sự chứng kiến của chủ tài sản.

Thứ hai, từ sự khác nhau về hành vi phạm tội có thể thấy một điểm khác nhau nữa giữa hai tội là về nhận thức chủ quan của chủ tài sản: ở tội trộm cắp tài sản, hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng khả năng không cho phép chủ tài sản biết khi xảy ra hành vi phạm tội, trước khi xảy ra hành vi phạm tội thì tài sản vẫn đang trong sự kiểm soát của chủ tài sản nhưng khi xảy ra hành vi phạm tội chủ tài sản không hề biết tài sản của mình bị chiếm đoạt, chỉ sau khi mất tài sản chủ tài sản mới biết; còn ở tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, khi có hành vi chiếm đoạt tài sản chủ tài sản vẫn nhận biết được có hành vi chiếm đoạt nhưng do họ không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình nên người phạm tội mới ngang nhiên chiếm đoạt tài sản mà không cần dùng bất kì thủ đoạn nào để đối phó với chủ tài sản.

Trong tình huống đó, B đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của A. Bởi vì lúc B nổ máy chạy xe đi khoảng 10m A nhìn thấy và có kêu B, nhưng B vẫn chạy đi mất. Do lúc B chiếm đoạt tài sản là chiếc xe máy của A, A vẫn nhận thức được sự việc diễn ra xung quanh mình, vẫn nhận biết được có hành vi chiếm đoạt của B. Nhưng do A không có điều kiện để bảo vệ chiếc xe máy của mình lúc đó, nên B mới ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của A mà không cần dùng bất cứ thủ đoạn nào để đối phó với A. Như vậy B đang công nhiên chiếm đoạt tài sản của A. Điều 172 Bộ luật hình sự quy định cụ thể về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự qua Email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật hình sự​ – Công ty luật LVN Group