1. Khái niệm người giúp sức
Người giúp sức là người đồng phạm đã cố ý tạo ra những điều kiện vật chất hay tinh thần cho việc thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo ra những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi của người giúp sức có thể ở dưới dạng như cung cấp công cụ, phương tiện, thông tin cần thiết để thực hiện tội phạm hoặc khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm; hứa che giấu người phạm tội hoặc hứa tiêu thụ tài sản do tội phạm mà có…Hành vi này không trực tiếp gây thiệt hại cho khách thể mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm.
Người giúp sức là một trong bốn loại người đồng phạm. Họ có thể có hành vi giúp sức về vật chất hoặc có thể có hành vi giúp sức về tinh thần hoặc có cả hai loại hành vi đó.
Giúp sức về vật chất có thể là cung cấp công cụ, phương tiện hoặc khắc phục những trở ngại… để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm được dễ dàng, thuận lợi hơn.
Giúp sức về tinh thần có thể là những chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp tình hình…
Thông thường, hành vi giúp sức được thực hiện qua hành động nhưng cũng có thể có trường hợp giúp sức qua không hành động. Đó có thể là trường hợp của những người có nghĩa vụ pháp lí phải hành động nhưng đã cố ý không hành động và qua đó đã loại trừ trở ngại khách quan ngăn cản việc thực hiện tội phạm của người trực tiếp thực hiện tội phạm, tạo điều kiện cho họ có thể thực hiện hoặc tiếp tục thực : hiện tội phạm được đến cùng.
Một dạng giúp sức đặc biệt là giúp sức bằng lời hứa hẹn trước sẽ che giấu người phạm tội, che giấu các tang, vật chứng hoặc sẽ tiêu thụ các vật do phạm tội mà có sau khi tội phạm thực hiện xong. Lời hứa hẹn trước này có tác dụng củng cố ý định phạm tội, củng cố quyết tâm phạm tội của người trực tiếp thực hiện tội phạm… Chính do có sự tác động tinh thần như vậy mà luật hình sự Việt Nam coi hành vi hứa hẹn trước là một dạng giúp sức tinh thần.
Hành vi giúp sức thường được thực hiện trước khi người thực hành thực hiện tội phạm. Nhưng cũng có trường hợp người giúp sức có hành vi tham gia khi tôi phạm đang được tiến hành.
2. Vai trò giúp sức trong đồng phạm theo Bộ luật hình sự
Theo khái niệm được quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Với định nghĩa này luật hình sự Việt Nam quan niệm hành vi nguy hiểm cho xã hội của người giúp sức trong đồng phạm là hành vi tạo ra những điều kiện cho người thực hành thực hiện hành vi phạm tội. Những điều kiện đó có thể có tính vật chất hoặc có tính tinh thần. Người giúp sức có thể giúp sức về vật chất hoặc là giúp sức về tinh thần.
Trong thực tế, giúp sức về vật chất có thể là cung cấp công cụ, phương tiện hoặc khắc phục những trở ngại… để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm được dễ dàng, thuận lợi hơn.
Giúp sức về tinh thần có thể là những hành vi cung cấp những gì tuy không có tính vật chất nhưng cũng tạo cho người thực hành điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện tội phạm như chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp tình hình…
Dạng giúp sức đặc biệt là dạng giúp sức tinh thần là giúp sức bằng lời hứa hẹn trước sẽ che giấu cho người phạm tội, che giấu các tang chứng, vật chứng. Lời hứa hẹn trước của người giúp sức trong trường hợp này tuy không tạo ra những điều kiện thuận lợi cụ thể nhưng cũng có những tác động tích cực vào quá trình thực hiện tội phạm. Sự tác động này thể hiện ở chỗ đã củng cố ý định phạm tội, củng cố quyết tâm phạm tội hoặc quyết tâm phạm tội đến cùng của người trực tiếp thực hiện tội phạm. Hành vi thực hiện tội phạm có thể xảy ra hoặc không xảy ra, có thể tiếp tục xảy ra hoặc dừng lại đều có thể phụ thuộc vào lời hứa hẹn của người giúp sức. Lời hứa hẹn của người giúp sức có thể xảy ra ra trước khi quá trình thực hiện tội phạm bắt đầu nhưng cũng có thể xảy ra khi quá trình đó đang diễn ra.
3. Ý nghĩa của việc xác định vai trò của người giúp sức trong đồng phạm
Người giúp sức là một trong những loại người đồng phạm vi thế việc xác định đúng vai trò của người giúp sức trong đồng phạm là cơ sở quan trọng trong việc định tội danh và trách nhiệm hình sự.
Khái niệm người giúp sức là cơ sở để từ đó xác định đúng vai trò của họ trong những loại người đồng phạm; các giai đoạn thực hiện tội phạm của người giúp sức trong đồng phạm, tụ ý nửa chừng châm dút việc phạm tội của người giúp sức trong đồng phạm, các hình thức đồng phạm và trách nhiệm hình sự của người giúp sức trong đồng phạm. Khái niệm người giúp sức trong đồng phạm còn là cơ sở pháp lý để phân biệt hành vi đồng phạm của người giúp sức và những hành vi liên quan đến tội phạm nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực hình sự nhằm xử lý đúng người, đúng tội, không kết tội oan, không bỏ lọt tôi phạm. Như vậy, khái niệm người giúp sức trong đồng phạm có ý nghĩa thông nhất về mặt nhận thức trong nghiên cứu lý luận cũng như trong thực lên xét xử.
4. Các quy định khác của pháp luật hình sự về đồng phạm
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về đồng phạm như sau:
” Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự chung trong đồng phạm
Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã xảy ra. Nguyên tắc này xuất phát từ đặc điểm đồng phạm về tính chất liên kết hành vi cùng thực hiện một tội phạm, hành vi của mỗi người đồng phạm đều là nguyên nhân gây ra hậu quả tác hại chung.
Vì vậy Luật Hình sự quy định những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ đã thực hiện, đều bị áp dụng hình phạt của tội phạm mà tất cả những người đồng phạm đã cùng thực hiện.
Nguyên tắc độc lập của trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm:
” Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”
Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất, mức độ tham gia gây án của người đồng phạm khác nhau, đặc điểm nhân thân khác nhau, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi người khác nhau. Trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm ở chỗ: mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm đến đó…Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.
5. Thực tiễn áp dụng
Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về đồng phạm vẫn được kế thừa từ Bộ luật Hình sự năm 1999, tuy nhiên, việc vận dụng các quy định này trong thực tiễn tố tụng hình sự để giải quyết các vụ án vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc phân biệt giữa đồng phạm với vai trò là người giúp sức và đồng phạm với vai trò là người thực hành.
Theo khoa học luật hình sự nước ta thì người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm, nghĩa là tự mình thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan quy định trong cấu thành tội phạm, như trực tiếp chiếm đoạt tài sản; trực tiếp mua bán, tàng trữ chất ma tuý; trực tiếp chôn, lấp, đổ thải chất thải nguy hại ra môi trường…
Người thực hành có thể không phải là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án đồng phạm, nhưng người thực hành luôn là người có vai trò quyết định việc thực hiện tội phạm, vì hành vi của người thực hành được coi là có vị trí trung tâm, trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác phụ thuộc vào hành vi của người thực hành; đồng thời, nếu không có người thực hành, thì thủ đoạn phạm tội của người tổ chức có nham hiểm đến đâu, tội phạm cũng chỉ có thể dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, hậu quả tội phạm chưa xảy ra.
Còn người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Giúp sức về vật chất là các trường hợp cung cấp tiền bạc, công cụ, phương tiện, khắc phục những trở ngại… để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm dễ dàng, thuận lợi hơn. Giúp sức về tinh thần là các trường hợp chỉ dẫn, cung cấp tình hình, góp ý kiến về kế hoạch, cách thức thực hiện tội phạm, hoặc hứa hẹn che giấu, ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó…
Thực tiễn xét xử của các Toà án hiện nay, hầu như các vụ án hình sự có đồng phạm mà Toà án đưa ra xét xử đều có bị cáo tham gia với vai trò là người thực hành, nhưng rất ít khi gặp trường hợp bị cáo tham gia vụ án với vai trò là người giúp sức. Nguyên nhân tình trạng này theo chúng tôi có thể là so với trước đây thì hiện nay tính manh động, liều lĩnh của tội phạm tăng lên, người thực hiện hành vi giúp sức nếu như trước đây tìm cách giấu mặt thì nay sẵn sàng trực tiếp tham gia thực hiện tội phạm, nên trong các trường hợp này vai trò của họ trong vụ án không còn là vai trò của người giúp sức nữa, mà họ trở thành người thực hành. Mặt khác, việc thu thập chứng cứ buộc tội đối với người giúp sức thường gặp rất nhiều khó khăn, do họ là người không trực tiếp thực hiện tội phạm, ít khi để lại dấu vết, nên chỉ với những lời khai của các đồng phạm khác về hành vi giúp sức của họ, rất khó để các cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ; và cũng có thể các đồng phạm khác không khai ra họ để trả ơn đối với hành vi giúp sức của họ.
Tuy nhiên, qua theo dõi các bản án hình sự mà các Toà án xét xử trong những năm gần đây thấy rằng có tình trạng xác định không chính xác vai trò đồng phạm, theo đó, người thực hành biến thành người giúp sức. Có thể thấy trong thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp vụ án có đồng phạm, Toà án đã xác định sai vai trò đồng phạm, cụ thể xác định người thực hành thành người giúp sức, dẫn đến đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không chính xác.
Khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể.
Quy định này cho thấy quan điểm của nhà làm luật là nói chung trong vụ án đồng phạm, đồng phạm giúp sức thường có vai trò hạn chế nhất, do đó, họ có thể được xét xử với mức án thấp hơn nhiều so với các loại người đồng phạm khác. Tuy nhiên, khái niệm đồng phạm giúp sức phải được hiểu theo đúng tinh thần khoa học luật hình sự, chứ không phải theo nhận thức cảm tính như các vụ án đã nêu trên.
Luật Minh KHuê (tổng hợp & phân tích)