Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Câu hỏi của bạn được chúng tôi nghiên cứu và trả lời cụ thể như sau:
– Hướng dẫn 30-HD/BTCTU ngày 12-8-2009 về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1 tháng 1 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8 năm 1945 đã hy sinh, từ trần.
1. Điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945
Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020:
Điều 8. Điều kiện, tiêu chuẩn người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945
1. Người hoạt động cách mạng được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 khi có một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây:
a) Đã tham gia một tổ chức cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Được kết nạp hoặc kết nạp lại vào Đảng Cộng sản Đông Dương trước ngày 19 tháng 8 năm 1945.
2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.
Theo Hướng dẫn 30-HD/BTCTU ngày 12-8-2009 Điều kiện để xét, công nhận đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã hy sinh, từ trần:
Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã hy sinh, từ trần là người có quá trình hoạt động cách mạng được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận trong những trường hợp sau đây:
Người hoạt động trong một tổ chức quần chúng của Đảng và được giao công tác hoặc không ở trong tổ chức quần chúng nhưng đã thực sự hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng Tám năm 1945, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 24/12/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) “về chính sách, chế độ đối với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm” và Thông tri số 07-TT/TC ngày 21/03/1979 của Ban Tổ chức Trung ương “hướng dẫn vận dụng tiêu chuẩn và xác nhận những đối tượng hưởng chính sách, chế độ đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 19 tháng Tám năm 1945”.
2. Căn cứ xét, công nhận đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đã hy sinh, từ trần
Đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước:
a. Trường hợp người hoạt động cách mạng có lý lịch:
– Căn cứ để xét, công nhận là lý lịch của cán bộ, đảng viên do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý, khai từ năm 1962 trở về trước(2); nếu lý lịch này bị thất lạc có lý do xác đáng thì được sử dụng lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01/03/1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III).
– Đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B-C-K từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975, thì căn cứ lý lịch đảng viên viết năm 1975, 1976 khai theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20/4/1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) để xem xét, công nhận.
b. Trường hợp người hoạt động cách mạng không có lý lịch (hoặc không còn lý lịch) thì căn cứ vào một trong các tài liệu có liên quan sau đây:
– Hồ sơ của người hoạt động cách mạng đã được khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập;
– Hồ sơ của người hoạt động cách mạng được truy tặng danh hiệu liệt sĩ;
– Người hoạt động cách mạng được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cho xuất bản từ ngày 01/10/2007 trở về trước(3);
– Người hoạt động cách mạng có hồ sơ đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của Trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên;
– Người hoạt động cách mạng bị địch bắt, giam giữ tại các nhà tù của đế quốc mà vẫn giữ được khí tiết của người cách mạng; có hồ sơ, danh sách đang lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của Trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên.
Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần sau ngày 30 tháng 6 năm 1999
– Căn cứ để xét, công nhận là lý lịch của cán bộ, đảng viên được khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý; nếu lý lịch này bị thất lạc, có lý do xác đáng thì được sử dụng lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01/03/1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III).
– Đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B-C-K từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975, thì căn cứ vào lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20/4/1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) để xem xét, công nhận.
3. Quy trình xét công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945
Trách nhiệm lập hồ sơ và thủ tục xét, công nhận:
– Thân nhân của người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng) viết bản khai tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng của người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần, gửi cùng hồ sơ (Bao gồm các tài liệu được nêu ở phần 2 trên) đến đảng ủy xã, phường, thị trấn nơi thân nhân cư trú hoặc nơi người hoạt động cách mạng đã hoạt động.
– Trường hợp người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần không còn cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, thì một người con được ủy quyền đứng ra khai sau khi được sự ủy quyền của những người con khác và có ý kiến xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã.
– Trường hợp người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần không có con thì người được gia đình, họ tộc ủy quyền đứng ra khai kèm theo giấy ủy quyền của họ tộc; giấy ủy quyền phải có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã.
– Cấp ủy xã tổ chức Hội nghị liên tịch gồm: Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, đại diện Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ lao động – thương binh xã hội (nếu có), đại diện ban nghiên cứu lịch sử đảng bộ (nếu có), đại diện cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa (nếu có) hoặc cán bộ hoạt động qua 2 thời kỳ kháng chiến để xem xét hồ sơ và lập biên bản (có mẫu kèm theo), sau đó chuyển hồ sơ đủ điều kiện đến Ban tổ chức huyện, quận, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là cấp ủy huyện) để tổng hợp và thẩm định.
– Cấp ủy huyện thành lập hội đồng tư vấn gồm: đại diện ban tổ chức, phòng lao động – thương binh và xã hội, đại diện cán bộ lão thành cách mạng hoặc cán bộ tiền khởi nghĩa là người am hiểu phong trào cách mạng của địa phương và đại diện ban nghiên cứu lịch sử đảng để thẩm định hồ sơ do cấp ủy xã gửi lên. Ban tổ chức huyện ủy có trách nhiệm tổng hợp danh sách trình Ban thường vụ huyện ủy xem xét, quyết định; sau đó lập danh sách tổng hợp kèm biên bản (có mẫu kèm theo) và các bản khai, lý lịch gốc hoặc trích lịch sử đảng bộ cấp xã trở lên (nếu có) gửi lên Ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương hoặc Vụ (Ban) tổ chức các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương.
– Ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy hoặc Vụ (Ban) tổ chức các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, căn cứ hồ sơ theo quy định tại khoản 2.2 Hướng dẫn 30-HD/BTCTU ngày 12-8-2009 để tổng hợp, thẩm định, trình Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương hoặc Ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương xét, quyết định công nhận.
Thẩm quyền xét, quyết định:
Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 trước khi hy sinh, từ trần thuộc diện cấp ủy địa phương quản lý thì do Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương xét, quyết định; thuộc diện Ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương quản lý thì do Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc trung ương xét, quyết định. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam thì do Tổng cục Chính trị xét, quyết định.
4. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945
Theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 bao gồm:
– Cấp “Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945” theo quy định của Chính phủ.
– Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng.
– Bảo hiểm y tế.
– Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
– Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao và hoàn cảnh của từng người.
– Chế độ ưu đãi: Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;
– Cấp tiền mua báo Nhân dân hằng ngày; tạo điều kiện tham gia sinh hoạt văn hóa, tinh thần phù hợp.
5. Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945
Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 bao gồm:
– Bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
– Chế độ ưu đãi đối với con: Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
+ Trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
Trường hợp vợ hoặc chồng sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng;
+ Trợ cấp một lần với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng.
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi nêu ở phần 4 trên thì thân nhân hoặc người thờ cúng được hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ.
– Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đang hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng chết.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.