1. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

 

2. Pháp luật về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng  

Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh được đưa ra trong Luật cạnh tranh 2018, theo đó hành vi cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Như vậy, dấu hiệu để nhận biết hành vi cạnh tranh không lành mạnh là:

– Hành vi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp;

– Hành vi trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh;

– Hành vi gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Nhìn chung, khái niệm và các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật Việt nam tương đồng với pháp luật các nước và thông lệ quốc tế. Ví dụ, Luật về bảo vệ cạnh tranh trên thị trường dịch vụ tài chính của Liên bang Nga năm 1999, các luật cạnh tranh của các nước khác cũng có qui định tương tự. Điều này dễ hiểu bởi lẽ các nhà làm luật đã tham khảo pháp luật nước ngoài khi soạn thảo luật này.

Bên cạnh đó Luật Các tổ chức Tín dụng 2010 có quy định về các hành vi cạnh tranh bị cấm trong lĩnh vực ngân hành như sau:

Điều 9. Hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này.

 

3. Đặc điểm về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng

Cạnh tranh, theo nguyên nghĩa được hiểu là việc các đối thủ tranh đua nhau nhằm mục đích giành lấy thắng lợi về mình thông qua việc sử dụng những khả năng sẵn có về mọi phương diện. Trong diễn trình hình thành và phát triển của kinh tế thị trường, cạnh tranh đã từng được chứng minh là động lực chủ yếu để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đối với một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt như thị trường dịch vụ ngân hàng, vai trò động lực của yếu tố cạnh tranh cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, ngoài những điểm chung giống như sự cạnh tranh trong các lĩnh vực khác, cần nhận thức rằng sự cạnh tranh giữa các đối thủ trong thị trường dịch vụ ngân hàng còn thể hiện những điểm khác biệt sau đây:

Một là, các đối thủ cạnh tranh trong thị trường dịch vụ ngân hàng thường có số lượng giới hạn và sự gia tăng hay giảm bớt số lượng này là rất khó khăn và hạn chế, đôi khi không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của chính các đối thủ cạnh tranh. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ, việc cho phép một tổ chức được tham gia vào hoạt động kinh doanh ngân hàng hoặc cho phép các tổ chức kinh tế này được rút lui khỏi thị trường dịch vụ ngân hàng đòi hỏi phải tuân thủ một quy trình kiểm soát chặt chẽ và với những điều kiện rất ngặt nghèo. Sự kiểm soát chặt chẽ từ phía chính quyền đối với việc thành lập hay chấm dứt hoạt động của một tổ chức kinh doanh ngân hàng là điều hợp lí nhằm tránh cho nền kinh tế và công chúng khỏi những tổn thất lớn lao do hoạt động yếu kém, không rõ ràng, minh bạch hay những âm mưu lừa đảo của tổ chức này mang lại. Chính sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền đối với việc gia nhập thị trường hay rút lui khỏi thị trường dịch vụ ngân hàng của các đối thủ cạnh tranh đã khiến cho thị trường này trở nên an toàn hơn, lành mạnh hơn và mức độ cạnh tranh giữa các đối thủ trên thị trường cũng ít quyết liệt hơn. Có thể nói, sự khó khăn và tính hạn chế trong khả năng và cơ hội gia nhập hay rút lui khỏi thị trường dịch vụ ngân hàng là một trong những dấu hiệu có tính đặc thù của môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng.

Hai là, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường dịch vụ ngân hàng thường có mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình tác nghiệp kinh doanh và sự liên kết này là tất yếu, bởi lẽ không một tổ chức tín dụng nào có thể hoạt động được một cách bình thường trong thị trường nếu không có sự liên kết bình đẳng, thân thiện và minh bạch với các đối thủ khác. Chính sự liên kết mang tính tự nhiên giữa các đối thủ cạnh tranh trên thị trường dịch vụ ngân hàng khiến cho mối quan hệ cạnh tranh giữa họ trở nên ít khốc liệt hơn.

Ba là, trong thị trường dịch vụ ngân hàng, mặc dù Nhà nước vẫn chấp nhận và khuyến khích sự cạnh tranh giữa các đối thủ tham gia thị trường nhưng vì mục tiêu giữ gìn sự ổn định của nền kinh tế và quyền lợi của công chúng gửi tiền hay các chủ thể vay tiền, Nhà nước có thể can thiệp vào quá trình cạnh tranh này bằng việc thực thi những chính sách đặc thù như chính sách tiền tệ quốc gia (trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu như chính sách tín dụng, chính sách dự trữ bắt buộc, chính sách ngoại hối, chính sách thị trường mở…) hay chính sách kiểm soát đặc biệt. Sự can thiệp này từ phía công quyền khiến cho giới hạn cạnh tranh giữa các đối thủ trên thị trường dịch vụ ngân hàng có phần bị thu hẹp. Những quy định đặc thù của “luật chơi” trong thị trường dịch vụ ngân hàng không cho phép các đối thủ cạnh tranh được toàn quyền hành xử theo ý chí của riêng mình chỉ cốt để nhằm thoả mãn những lợi ích tư của chính họ. Các quyết định rõ ràng manh tính cạnh tranh của mỗi đối thủ trên thị trường dịch vụ ngân hàng như tăng lãi suất tiền gửi và giảm lãi suất cho vay hoặc đưa ra những điều kiện cho vay dễ dãi để thu hút và lôi kéo khách hàng về phía mình bằng mọi cách đều bị kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi một cơ quan công quyền đặc biệt là Ngân hàng trung ương.

 

4. Các hành vi được coi là cạnh tranh không lành mạnh     

Điều 45 Luật cạnh tranh 2018 cũng quy định chi tiết các hành vi được coi là cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm:

Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

 

5. Nhận diện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng

5.1. Cung cấp thông tin dễ gây hiểu lầm có hại cho các tổ chức tín dụng và khách hàng khác

Trong hoạt động thương mại nói chung, việc cung cấp thông tin dễ gây nhầm lẫn thường liên quan tới sự không rõ ràng về việc nhận dạng nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, ví dụ thông tin khiến khách hàng nhầm lẫn trong việc xác định xuất xứ hàng hóa

Trong hoạt động ngân hàng, việc cung cấp thông tin thông tin gây hiểu lầm có thể được thể hiện như:

– Sử dụng các tên gọi, logo, chỉ dẫn địa lý dễ gây nhầm lẫn với các tổ chức tín dụng nước ngoài, khiến cho khách hàng tưởng nhầm dịch vụ đó do tổ chức tín dụng uy tín hoặc nổi tiếng cung cấp

– Cung cấp thông tin sai sự thật về các chiến lược trong tương lai với các đối tác nước ngoài như: đối tác nước ngoài mua cổ phần, ký kết hợp đồng hợp tác cung cấp dịch vụ… khiến cho khách hàng lầm tưởng vào khả năng tài chính, khả năng kinh doanh của tổ chức tín dụng.

 

5.2. Xâm phạm bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng

Theo điều 3 khoản 11 Luật cạnh tranh thì bí mật kinh doanh là thông tin thỏa mãn các điều kiện sau:

– Không phải là hiểu biết thông thường và đạt được bằng cách thông thường;

– Giúp người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn những người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó;

– Được người chủ sở hữu bảo mật bằng các biên pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Xuất phát từ quy đinh chung này, bí mật kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm những bí mật liên quan đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (trừ những bí mật mà theo qui định của pháp luật phải công khai), bí mật liên quan đến tài khoản của khách hàng. Những thông tin liên quan đến chiến lược phát triển của tổ chức tín dụng, các hợp đồng, giao dịch, tình hình tài chính….đều được coi là những bí mật kinh doanh. Ngoài ra, những thông tin liên quan đến khách hàng gửi tiền (ví dụ số dư tiền gửi của khách hàng, các giao dịch phát sinh trên tài khoản của khách hàng) cũng được coi là thông tin mật và pháp luật ngân hàng ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tín dụng phải giữ bí mật thông tin này trừ trường hợp phải tiết lộ theo yêu cầu của cơ quan pháp luật có thẩm quyền (k3 điều 17, điều 101 Luật các TCTD)

– Các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng có thể bao gồm:

+ Tiếp cận thông tin, phá hệ thống bảo mật của tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt những thông tin bảo mật của tổ chức tín dụng

+ Tiết lộ những thông tin thuộc bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng mà không được phép 

+ Lừa gạt, mua chuộc, lợi dụng lòng tin của nhân viên bảo mật của tổ chức tín dụng cạnh tranh nhằm thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng này

+ Tiếp cận thông tin, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng này làm các thủ tục hành chính nhà nước, (ví dụ đăng ký thêm loại hình dịch vụ ngân hàng), hoặc dùng các biện pháp thâm nhập hệ thống thông tin bảo mật của cơ quan nhà nước để chiếm đoạt thông tin về tổ chức tín dụng khác nhằm mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh của mình

 

5.3. Ép buộc khách hàng trong kinh doanh

Điều 42 Luật cạnh tranh cấm doanh nghiệp ép buộc khách hàng ngừng giao dịch với doanh nghiệp khác hoặc không giao dịch với doanh nghiệp đó. Hành vi ép buộc khách hàng xảy ra khi doanh nghiệp lạm dụng vị trí của mình để đưa ra những yêu cầu không hợp pháp đối với khách hàng nhằm ràng buộc khách hàng chỉ giao dịch với mình.

 Trong hoạt động ngân hàng, hành vi ép buộc khách hàng có thể thể hiện trong việc ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng kèm theo các điều kiện bất hợp lý như: chỉ được sử dụng các dịch vụ kèm theo do ngân hàng đó cung cấp hoặc phải mở tài khoản duy nhất ở ngân hàng đó mà không được có tài khoản ở ngân hàng khác…

Hành vi của ngân hàng trong những trường hợp này bị coi là vi phạm quyền lợi của khách hàng trong việc lựa chọn dịch vụ mình cần cũng như vi phạm quyền tự do kinh doanh của các tổ chức tín dụng khác.

 

5.4. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác 

Khoản 3 Điều 45 của Luật Cạnh tranh 2018  quy định ung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Trong hoạt động ngân hàng, hành vi gièm pha các tổ chức tín dụng khác có thể được thể hiện như: Nói xấu tổ chức tín dụng khác, tung tin không chính xác về tình hình tổ chức hoặc hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng khác nhằm gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức này. Có thể kể đến vụ ngân hàng ACB bị tung tin là Tổng giám đốc bỏ trốn vào mấy năm trước khiến khách hàng gửi tiền đồng loạt kéo đến ngân hàng đòi rút tiền. Mặc dù chưa thể xác định được đây có phải là tin đồn do một ngân hàng khác đưa ra hay không nhưng nếu các cơ quan chức năng xác định được điều này thì đây có thể coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc gièm pha tổ chức tín dụng khác.

 

5.5. Gây rối hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng khác

 Đây là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng khác. Hành vi này trên thực tế hiếm khi xảy ra. Mặc dù vậy có thể kể đến ví dụ như chi nhánh của một ngân hàng có hành vi cản trở hoạt động bình thường của một chi nhánh khác trên địa bàn thông qua các hành động như thuê người đứng ở tại chi nhánh đó và cản trở khách hàng vào giao dịch với chi nhánh đó, hoặc tìm cách làm phá hoại hệ thống máy tính nối mạng của chi nhánh đó khiến việc thanh toán qua chi nhánh đó bị gián đoạn hoặc không thực hiện được

Những hành vi này nếu ở mức độ nhẹ xử lý theo quy định của pháp luật cạnh tranh, nếu nặng thì sẽ bị xử lý hình sự.

 

5.6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh có thể là hành vi quảng cáo sai sự thật về mình. Đối với một tổ chức kinh doanh thông thường, hành vi này có thể gây lầm lẫn và dẫn đến hậu quả không nhỏ đối với một bộ phận khách hàng. Tuy nhiên, hậu quả của quảng cáo sai sự thật của một tổ chức tín dụng sẽ lớn hơn nhiều bởi lẽ số lượng khách hàng lớn hơn, phạm vi ảnh hưởng lớn hơn và cao hơn hết là có thể dẫn đến sự mất niềm tin của khách hàng vào cả hệ thống ngân hàng

Trong lĩnh vực ngân hàng, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể được thể hiện như tổ chức tín dụng quảng cáo sai sự thật về khả năng tài chính, số lượng chi nhánh, mạng lưới phục vụ, chất lượng và số lượng dịch vụ, đội ngũ nhân viên…     

Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh cũng có thể là hành vi so sánh dịch vụ mình cung cấp với dịch vụ của các tổ chức tín dụng khác theo hướng làm giảm uy tín của các tổ chức tín dụng khác, gây nhầm lẫn cho khách hàng để nhằm mục đích làm giảm lượng khách hàng của các tổ chức tín dụng này.

Bắt chước sản phẩm quảng cáo của một tổ chức tín dụng khác cũng thuộc nhóm hành vi này. Việc bắt chước như vậy sẽ làm cho khách hàng nhầm lẫn về dịch vụ mình cung cấp là dịch vụ mà khách hàng đã biết và tín nhiệm trước đó do tổ chức tín dụng khác cung cấp.

 

5.7. Lạm dụng cơ chế lãi suất trong cạnh tranh

Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng cũng không phải là ngoại lệ. Các tổ chức tín dụng được quyền ấn định lãi suất kinh doanh của mình trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố trong từng thời kỳ. Mặc dù vậy, vẫn có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc lạm dụng cơ chế lãi suất mở.

Có thể xem xét hai thành tố của cơ chế lãi suất: Lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Hai thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và quyết định hiệu quả hoạt động ngân hàng. Bởi lẽ, phần lớn lợi nhuận ngân hàng của Việt nam hiện nay thu được đều từ sự chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong hoạt động ngân hàng truyền thống là đi vay để cho vay.  

Thực tế thời gian qua cho thấy, các ngân hàng đã tham gia vào “cuộc chiến lãi suất tiền gửi” nhằm mục đích tăng thị phần huy động vốn của mình. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đua nhau nâng mức lãi suất huy động tiền gửi trong dân cư mà không cần hiệu quả kinh tế cao. Nếu việc đưa ra lãi suất huy động cao dựa trên cơ sở sự tính toán hiệu quả kinh tế và có lợi nhuận thì đây là cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên nếu lãi suất được đưa ra trên cơ sở tổ chức tín dụng chấp nhận lỗ để dành thị phần (đây được coi như bán dịch vụ dưới giá thành) thì lại là cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh cũng có thể hiện diện trong hoạt động cho vay. Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng, các ngân hàng dưới sức ép của cạnh tranh và vì chạy theo lợi nhuận mà có thể bỏ qua các quy định an toàn của Ngân hàng nhà nước. Một ví dụ điển hình là việc Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị về hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán nhưng một số ngân hàng vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc hoặc vẫn tìm cách lách quy định này. Đây là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh bởi lẽ nó gây thiệt thòi cho các ngân hàng mà tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng nhà nước.

 

5.8. Phân biệt đối xử của hiệp hội

Hiện nay, các tổ chức kinh tế được tự do thỏa thuận thành lập các Hiệp hội nghề nghiệp đê giúp nhau hoạt động và bảo vệ cho quyền lợi của mình. Ở Việt nam đã có Hiệp hội ngân hàng Việt nam. Trong tương lai có thể có các hiệp hội khác nữa trong lĩnh vực ngân hàng. Điều đặc biệt quan trọng là các hiệp hội này phải không được có những hoạt động mang tính phân biệt đối xử với các tổ chức tín dụng. (Ví dụ: không được từ chối tổ chức tín dụng gia nhập hội viên vì những lý do như: quy mô vốn, linh vực hoạt động, địa bàn hoạt động). Tất cả các tổ chức tín dụng là thành viên của các hiệp hội phải được đối xử bình đẳng như nhau. Nghiêm cấm việc hạn chế bất hợp lý hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác có liên quan tới mục đích kinh doanh của các tổ chức tín dụng thành viên.

 

5.9. Đầu cơ dẫn đến lũng đoạn tỷ giá ngoại tệ, vàng và thị trường tiền tệ

Hoạt động mua, bán ngoại tệ và vàng là hoạt động kinh doanh bình thường của các tổ chức tín dụng nếu được Ngân hàng nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, nếu một tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng lợi dụng quyền này, thỏa thuận đầu cơ nhằm lũng đoạn tỷ giá ngoại tệ, vàng và thị trường tiền tệ thì hậu quả sẽ rất tai hại. Trước hết, hành vi này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cạnh tranh bình thường trong lĩnh vực ngân hàng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng khác. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ và giá vàng có tác động rất lớn đến nền kinh tế. Do vậy, mọi sự biến động của những chỉ số này chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến sự bình ổn của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng trong đó.

Luật LVN Group (tổng hợp)