1. Khái niệm nhận hối lộ

Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận lợi ích vật chất (của hối lộ) do đã hoặc sẽ làm hay không làm một việc có lợi cho bên đưa hoặc theo yêu cầu của bên đưa hối lộ.

Nhận hối lộ là một dạng hành vi tham nhũng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Trong luật hình sự Việt Nam, nhận hối lộ bị coi là một tội phạm về chức vụ.

Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý nhà nước.

2. Quy định về nhận hối lộ

Tội nhận hối lộ thuộc một trong những tội phạm về chức vụ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể:

“Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

3. Cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ

Các yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ

– Về mặt chủ thể:

Người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại không giống như người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản. Nếu người có chức vụ, quyền phạm tội tham ô tài sản phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, thì người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội nhận hối lộ rộng hơn. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

+ Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với chủ thể của tội nhận hối lộ có tổ chức, ngoài những người có chức vụ, quyền hạn còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ. Những yêu cầu đó có thể là yêu cầu về lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, người có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ phải là việc thực hiện công vụ. Nếu có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết yêu cầu cho người khác để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất của họ, nhưng không phải là thực hiện công vụ thì không phải là nhận hối lộ.

+ Người có trách nhiệm đối với việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ là người được giao nhiệm vụ và do nhiệm vụ đó mà họ quyền đối với việc giải quyết yêu cầu của người khác. Việc xác định trách nhiệm của một người đối với việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ là rất quan trọng, vì trong thực tế không ít trường hợp người đưa hối lộ cứ tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có trách nhiệm giải quyết được yêu cầu của mình.

– Về mặt khách thể:

Khách thể của loại tội phạm này là hoạt động đúng đắn, bình thường, tính chuẩn mực trong công tác của cơ quan, tổ chức do nhà nước quy định. Đối tượng của tội nhận hối lộ phải là tiền của, tài sản hoặc những giấy tờ có giá trị tài sản. Trường hợp người có chức vụ không nhận tiền của, tài sản mà nhận tình cảm của người khác giới thì không coi là nhận hối lộ.

– Về mặt khách quan của tội phạm.

Có hành vi ” nhận” của hối lộ từ người khác nhằm làm hoặc không làm một việc gì đó vì mục đích vụ lợi, người nhận hối lộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới vất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Hành vi nhận hối lộ được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhau (trường hợp sẽ nhận là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ).

Trường hợp, người có chức vụ nhận quà biếu sau khi đã làm đúng chức trách của mình không được coi là nhận hối lộ bởi giữa người có chức vụ và người đưa quà biếu không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc tặng quà biếu, người nhận quà biếu thực hiện công việc của mình đúng chức năng, quyền hạn, vô tư thì quà biếu được như sự biết ơn, có trước có sau, là tấm lòng, đạo đức của người Việt nam.

– Về mặt chủ quan của tội nhận hối lộ

Mặt chủ quan của tội phạm được thể hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được họ là người có chức vụ, quyền hạn tuy nhiên họ lại lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền hối lộ của người khác. Nhận thấy đây là hành vi trái với pháp luật, đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn mong muốn nhân được tiền của hối lộ, thậm chí còn có những hành vi vòi vĩnh, hay gợi ý, nhũng nhiễu đối với người đưa hối lộ.

4. Khung hình phạt của tội nhận hối lộ

– Người vi phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội danh về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc lợi ích phi vật chất khác.

– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Đối với những hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi có những tình tiết sau: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

5. Vấn đề đặt ra đối với Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng

Trong những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở các phiên Tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu biểu là vụ án Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án chung thân về tội “Vi phạm quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ” vào ngày 23/4/2020 vì có sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, trong đó ông Nguyễn Bắc Son và đồng phạm nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Vì vậy , trước hết đấu tranh chống tham nhũng phải bắt đầu từ phòng ngừa tham nhũng. Tác dụng của phòng ngừa tham nhũng có ý nghĩa sau:

– Một là, các biện pháp phòng ngừa được thực hiện một cách thường xuyên sẽ có tác dụng rộng khắp, có tính lan tỏa đến từng đối tượng, ngăn ngừa mầm móng hành vi tham nhũng.

– Hai là, phòng ngừa tham nhũng sẽ làm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và chính trị hơn là để tham nhũng xảy ra.

– Ba là, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, bộ máy nhà nước pháp quyền cũng đồng thời phải hoàn thiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả theo hướng cơ bản, chung nhất hiện nay thì cần tập trung vào ba vấn đề lớn.

– Một là phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng;

– Hai là nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước;

– Ba là phát huy, khơi dậy tinh thần làm chủ của các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và quần chúng nhân dân.

Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)