1. Nhập cảnh trái phép là gì ?
Nhập cảnh trái phép là (Hành vi) từ ngoài biên giới Việt Nam vào Việt Nam trái với những quy định về nhập cảnh của Nhạ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhập cảnh trái phép là hành vi nguy hiểm chọ xã hội, xâm phạm chế độ quản lí nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
2. Cấu thành của tội phạm
– Khách thể
Tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Mặt khách quan
+ Hành vi xuất, nhập cảnh trái phép là hành vi xuất, nhập cảnh mà không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, như không có hộ chiếu, visa hoặc có nhưng không thực thi. Trường hợp sử dụng giấy tờ giả để xuất, nhập cảnh sẽ cấu thành thêm tội độc lập là sử dụng giấy tờ giả.
+ Hành vi ở lại Việt Nam trái phép là khi xuất, nhập cảnh hợp pháp nhưng không rời Việt Nam theo thời hạn của giấy phép.
Tội phạm hoàn thành khi chủ thể đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
– Mặt chủ quan
Tội phạm được thực hiện với mỗi cố ý. Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi này được thực hiện với mục đích “ chống chính quyền nhân dân ” sẽ bị truy cứu theo Điều 109 Bộ luật hình sự.
– Chủ thể
Tội phạm này có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc không quốc tịch có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
3. Xử phạt đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép?
3.1. Đối với người có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép
– Về xử phạt hành chính, Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định
“3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;” (điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
“5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
….
b) Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;” (điểm b Khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
– Về xử phạt hình sự, căn cứ theo Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định
“Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ xảy ra khi một người xuất nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Như vậy, nếu một người xuất nhập cảnh trái phép bị xử lý lần đầu thì dù có dẫn đến hệ quả gây nguy hiểm cho xã hội cũng chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội này mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
3.2. Đối với người có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép
Theo Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định
“Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, tạo điều kiện, sắp xếp để người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Còn môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi làm trung gian giữa các bên để thu xếp cho người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Như vậy, đối với tội tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
3.3. Hướng dẫn thi hành xử phạt về tội nhập cảnh trái phép trong tình hình dịch bệnh
Trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã, đang diễn biến phức tạp nên việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hành vi vô cùng nguy hiểm và đáng bị lên án. Hành vi đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép diễn ra rất phức tạp nên việc áp dụng pháp luật với các tội được quy định tại Điều 347 và Điều 348 BLHS 2015 trở nên khó khăn với cơ quan chức năng. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 1557/VKSTC-V1 hướng dẫn:
“2.2.Việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347 BLHS)
Điều 347 BLHS quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm…”. Do Điều luật quy định 03 hành vi phạm tội độc lập (xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép), nên tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” được hiểu là đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương ứng.
2.3. Việc xử lý trong trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại Điều 348 BLHS
Điều 348 BLHS quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội. Ví dụ 1: A tổ chức cho B xuất cảnh trái phép, sau đó A lại tổ chức cho B nhập cảnh trái phép, thì bị xử lý về 02 tội.
Trường hợp người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép), thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Ví dụ 2: C có mục đích cho E ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho E nhập cảnh trái phép để E ở lại Việt Nam, thì C bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 BLHS.
2.4. Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348 BLHS) đối với người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép
Việc người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không ảnh hưởng đến việc định tội đối với người tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
2.6. Việc xử lý đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam
Trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Ví dụ 1: A biết B sẽ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì vụ lợi vẫn giúp B đưa người nước ngoài từ Lạng Sơn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp này, A bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.
Ví dụ 2: C hành nghề lái xe ô tô Grab, biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP. Hà Nội để tìm việc làm. Vì vụ lợi, C đồng ý chở các đối tượng này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này, xem xét xử lý C về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Như vậy, theo hướng dẫn của Viện kiểm sát tối cao thì với những trường hợp có nhiều hành vi phạm tội sẽ được xử lý vi phạm theo từng tội độc lập. Điều này thể hiện sự quyết liệt của cơ quan chức năng về xử lý vi phạm về tội nhập cảnh trái phép đối trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
4. Khó khăn trong kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép ở Việt Nam
Có thể thấy, quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý người nhập cảnh trái phép đến thực tiễn thi hành còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng quy định pháp luật, bởi lẽ việc xác định một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay chưa không hề dễ dàng khi những đối tượng này sẽ đi những đường mòn, lỗi mở khác nhau, qua những tỉnh khác nhau mỗi lần nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự rất khó thực hiện nếu không có một hệ thống dữ liệu mang tính liên thông giữa các tỉnh thành để thống kê, theo dõi những người đã bị xử lý vi phạm hành chính.
Một số kiến nghị:
Thứ nhất, cần tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép. Bởi lẽ với mức xử phạt hành chính thấp như hiện nay là chưa đủ sự răn đe. Thực tế đã chứng minh điều này khi những hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép diễn ra rất thường xuyên và phổ biến dù đã có những trường hợp bị phạt trước đó. Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình kiểm soát dịch Covid-19 thì vẫn có rất nhiều người bất chấp pháp luật, tiếp tục vi phạm những quy định về xuất nhập cảnh.
Thứ hai, sửa đổi quy định về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 347 BLHS 2015 theo hướng dựa trên mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi đối với xã hội chứ không dựa vào số lần xử phạt vi phạm hành chính. BLHS cần dự liệu và bổ sung những tình huống có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội phát sinh từ hành vi nhập cảnh trái phép như là một yếu tố cần thiết về mặt khách quan của tội phạm. Đồng thời, chúng tôi cho rằng cần phải quy định hình phạt bổ sung tịch thu các khoản lợi bất chính từ hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép.
Luật LVN Group (tổng hợp và phân tích theo quy định pháp luật)