Lao động chính là hoạt động tay chân và trí óc của con người nhằm tác động, biến đổi các vật tự nhiên thành những vật phẩm có ích, đáp ứng nhu cầu của con người. Trong doanh nghiệp, để quá trình sản xuất kinh doanh được diễn ra thường xuyên, liên tục thì…
1. Sự cần thiết phải tổ chức kế toán tiền và các khoản trích theo lương trong doanh nghiệp
Lao động chính là hoạt động tay chân và trí óc của con người nhằm tác động, biến đổi các vật tự nhiên thành những vật phẩm có ích, đáp ứng nhu cầu của con người. Trong doanh nghiệp, để quá trình sản xuất kinh doanh được diễn ra thường xuyên, liên tục thì chúng ta phải tái tạo sức lao động hay phải trả thù lao cho người lao động trong thời gian tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, khoản thù lao đó chính là tiền lương.
>> Luật sư tư vấn pháp luật thuế, gọi: 1900.0191
Lao động không chỉ là tiền đề cho sự tiến hoá của loài người mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của quá trình sản xuất. Do vậy trong các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thì yếu tố con người luôn đặt lên vị trí hàng đầu, người lao động chỉ phát huy hết khả năng của mình khi sức lao động mà họ bỏ ra được đền bù xứng đáng dưới hình thức tiền lương và các khoản trợ cấp thuộc BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, như ốm đau, thai sản…. Mặt khác tiền lương cũng là đòn bẩy kinh tế quan trọng để quản lý lao động, quản lý tài chính, khuyến khích người lao động nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc từ đó mới đảm bảo chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Bởi vậy không ngừng nâng cao mức sống của người lao động là động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Dưới mọi hình thức kinh tế xã hội tiền lương luôn được coi là bộ phận quan trọng của giá trị hàng hoá. Nó chịu tác động của nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử. Ngược lại tiền lương cũng tác động đối với sự phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và ổn định chế độ chính trị, xã hội.Chính vì thế, không chỉ ở tầm vĩ mô là Nhà nước mà ngay cả người chủ sản xuất, người lao động đều quan tâm tới chính sách tiền lương. Chính sách tiền lương phải thường xuyên được đổi mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị xã hội của từng nước trong từng thời kỳ.
2. Khái niệm và bản chất của tiền lương
2.1 Khái niệm tiền lương
Trong sản xuất kinh doanh tiền lương là một yếu tố quan trọng của chi phí sản xuất, nó có quan hệ trực tiếp và có tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Để xác định tiền lương, tiền công hợp lý cần phải có cơ sở tính đúng, tính đủ giá trị của sức lao động. Đó là giá trị của các yếu tố đảm bảo quá trình tái sản xuất sức lao động, đảm bảo cho người lao động hòa nhập với thị trường xã hội.
Để có nhận thức đúng về tiền lương, phù hợp với cơ chế quản lý mới khái niệm tiền lương phải đáp ứng một số yêu cầu sau:
Quan niệm sức lao động là một hàng hoá của thị trường yếu tố sản xuất. Tính chất hàng hoá của sức lao động có thể bao gồm không chỉ lực lượng lao động làm việc trong khu vực, lĩnh vực SX-KD thuộc sở hữu nhà nước mà cả đối với công chức, viên chức trong quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Tuy nhiên do những đặc thù riêng trong việc sử dụng lao động của từng khu vực kinh tế và quản lý mà các quan hệ thuê mướn, mua bán, hợp đồng lao động cũng khác nhau.
Tiền lương là tiền trả cho sức lao động tức là giá cả hàng hoá sức lao động mà người sử dụng (nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp…) và người cung cấp thoả thuận với nhau theo quy luật cung cầu, giá cả trên thị trường lao động.
Tiền lương là bộ phận cơ bản trong thu nhập của người lao động. Đồng thời là một trong các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nền kinh tế thị trường càng phát triển và được xã hội hoá cao thì quan hệ cung ứng và sử dụng sức lao động trên tất cả các lĩnh vực trở nên linh hoạt hơn, tiền lương trở thành nguồn thu nhập duy nhất, là mối quan tâm và động lực lớn nhất với mọi đối tượng cung ứng sức lao động.
Cùng với khái niệm trên, tiền công chỉ là một biểu hiện, một tên gọi khác của tiền lương. Tiền công gắn trực tiếp hơn với các quan hệ thoả thuận, mua bán sức lao động và thường sử dụng trong lĩnh vực SX – KD, các hợp đồng thuê có thời hạn. Tiền công còn là tiền trả cho một đơn vị thời gian lao động cung ứng, tiền trả cho khối lượng công việc được thực hiện phổ biến trong những thoả thuận thuê nhân công trên thị trường tự do và có thể gọi là giá công lao động.
Từ đó ta có thể đưa ra khái niệm về tiền lương như sau:
“Tiền lương (hay tiền công) là số tiền thù lao lao động được biểu hiện bằng tiền mà doanh nghiệp trả cho người lao động căn cứ vào thời gian, khối lượng và chất lượng công việc của họ trong quá trình sản xuất kinh doanh”.
Nói chung, khái niệm tiền lương có tính phổ quát hơn và cùng với nó là một loạt các khái niệm: tiền lương danh nghĩa, tiền lương thực tế, tiền lương tối thiểu.
Tiền lương danh nghĩa: Là khái niệm chỉ số lượng tiền tệ mà người sử dụng sức lao động căn cứ vào hợp đồng thoả thuận giữa hai bên trong việc thuê lao động. Trên thực tế. Mọi mức lương trả cho người lao động đều là lương danh nghĩa.Song bản thân tiền lương danh nghĩa lại chưa có thể cho ta một nhận thức đầy đủ về mức tiền công thực tế cho người lao động.
Tiền lương thực tế: Là số lượng tư liệu sinh hoạt và dịch vụ sinh hoạt và dịch vụ người lao động có thể mua được bằng tiền lương của mình, sau khi đã đóng các khoản thuế theo quy định của Chính phủ
Tiền lương tối thiểu: Được xem là cái ngưỡng cuối cùng, để từ đó xây dựng các mức lương khác, tạo thành hệ thống tiền lương. Với quy định như vậy mức lương tối thiểu được coi là yếu tố rất quan trọng của một chính sách tiền lương, nó liên hệ chặt chẽ với 3 yếu tố: Mức sống trung bình của dân cư một nước, chỉ số giá cả hàng hoá sinh hoạt, loại lao động và điều kiện lao động.
2.2 Bản chất của tiền lương
Trong nền kinh tế bao cấp, tiền lương không phải là giá cả sức lao động, vì nó không được thừa nhận là hàng hóa, không ngang giá trị theo quy luật cung cầu. Thị trường lao động theo danh nghĩa không tồn tại trong nền kinh tế quốc dân và phụ thuộc vào quy định của Nhà nước.
Chuyển sang cơ chế thị trường thì sức lao động là một hàng hóa của thị trường yếu tố sản xuất. Tuy nhiên do đặc thù riêng trong việc sử dụng lao động của từng khu vực mà quan hệ thuê mướn, mua bán hợp đồng, thỏa thuận về tiền lương cũng khác nhau. Mặt khác tiền lương là tiền trả cho sức lao động tức giá cả hàng hóa sức lao động mà người lao động và người thuê lao động thỏa thuận với nhau theo quy luật cung cầu, giá cả thị trường. Tiền lương là bộ phận cơ bản của người lao động.
Tiền lương là một trong những yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh và đối với chủ doanh nghiệp thì tiền lương là một phần cấu thành chi phí nên nó được tính toán, quản lý chặt chẽ.
Đối với người lao động thì tiền lương là thu nhập từ lao động của họ, là phần thu nhập chủ yếu đối với đa số người lao động và chính mục đích này đã tạo ra động lực cho người lao động nâng cao trình độ và khả năng làm việc của mình.
2.3 Vai trò và ý nghĩa của tiền lương
2.3.1 Vai trò của tiền lương
Vai trò là đòn bẩy kinh tế trong sản xuất – kinh doanh, kích thích của tiền lương: Vì động cơ của tiền lương, người lao động phải có trách nhiệm cao trong công việc, tiền lương phải tạo ra được sự say mê nghề nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ về chuyên môn và các lĩnh vực khác.
Vai trò điều phối lao động của tiền lương: Với tiền lương thỏa đáng người lao động tự nguyện nhận mọi công việc được giao dù ở đâu, làm gì hay bất cứ khi nào trong điều kiện sức lực và trí tuệ của họ cho phép.
Vai trò quản lý lao động của tiền lương: Doanh nghiệp sử dụng công cụ tiền lương còn với mục đích khác là thông qua theo dõi trả lương mà kiểm tra theo dõi giám sát người lao động làm việc theo ý đồ của mình, đảm bảo tiền lương chi ra phải đem lại kết quả và hiệu quả rõ rệt
Đối với doanh nghiệp, tiền lương là một yếu tố của chi phí sản xuất. Đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu. Mục đích của người sử dụng lao động là lợi nhuận còn mục đích của người lao động là tiền lương.
Đối với người lao động, tiền lương nhận được thỏa đáng sẽ là động lực thúc đẩy năng lực sáng tạo để làm tăng năng suất lao động.
Mặt khác khi năng suất lao động tăng thì lợi nhuận sẽ tăng, do đó nguồn phúc lợi của doanh nghiệp mà người lao động nhận được cũng sẽ tăng lên, nó là phần bổ sung thêm cho tiền lương, làm tăng thu nhập và tăng lợi ích cho người lao động.
2.3.2 Ý nghĩa của tiền lương
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương có vai trò quan trọng, là đòn bẩy kinh tế thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động, tạo điều kiện cơ bản tái sản xuất sức lao động. Do đó tiền lương có ý nghĩa rất lớn với cả doanh nghiệp lẫn người lao động.
Đối với người lao động: Tiền lương là một bộ phận cơ bản nhất trong thu nhập của người lao động giúp họ và gia đình trang trải các chi tiêu, sinh hoạt, dịch vụ cần thiết.
Không ngẫu nhiên mà tiền lương trở thành chỉ tiêu đầu tiên, quan trọng của người lao động khi quyết định làm cho một tổ chức nào đó.
Đối với doanh nghiệp: Tiền lương là một trong những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, cấu thành nên giá thành sản phẩm. Do đó thông qua các chính sách tiền lương có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của việc sử dụng lao động.
Đối với xã hội: Tiền lương là một phần quan trọng của thu nhập quốc dân, là công cụ kinh tế quan trọng để Nhà nước điều tiết thu nhập giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thu nhập bình quân đầu người là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự thịnh vượng và phát triển của một quốc gia.
2.3.3 Yêu cầu và nhiệm vụ của tiền lương
Tiền lương là một chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và hạch toán vào giá thành sản phẩm. Do đó việc kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương phải đảm bảo tính chính xác, trung thực, hợp lý.
Tổ chức ghi chép, phản ánh, tổng hợp số liệu về số lượng lao động, thời gian lao động, kết quả lao động của từng người, từng bộ phận một cách chính xác, kịp thời.
Tính và phân bổ chính xác tiền lương và các khoản trích theo lương cho các đối tượng sử dụng.
Hướng dẫn, kiểm tra các nhân viên kinh tế phân xưởng và phòng ban liên quan thực hiện đầy đủ việc hạch toán ban đầu về lao động, tiền lương theo đúng quy định.
Lập báo cáo về lao động và tiền lương kịp thời, chính xác.
Tham gia phân tích tình hình quản lý, sử dụng lao động cả về số lượng, thời gian, năng suất. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng lao động.
Phân tích tình hình quản lý, sử dụng quỹ tiền lương, xây dựng phương án trả lương hợp lý nhằm kích thích người lao động nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
3. Hạch toán số lượng, thời gian, kết quả lao động
3.1 Hạch toán số lượng lao động
Để quản lý lao động về mặt số lượng, các doanh nghiệp sử dụng sổ danh sách lao động. Sổ này do phòng Tổ chức hành chính – nhân sự lập( lập chung cho toàn doanh nghiệp và lập riêng cho từng bộ phận) để nắm bắt tình hình phân bổ, sử dụng lao động hiện có trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn căn cứ vào sổ lao động( mở riêng cho từng lao động) để quản lý nhân sự về số lượng và chất lượng lao động, về biến động và chấp hành chế độ với người lao động.
3.2 Hạch toán thời gian lao động
Muốn quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng lao động cần phải tổ chức hạch toán việc sử dụng thời gian lao động.
Hạch toán thời gian lao động là công việc đảm bảo ghi chép kịp thời chính xác ngày công, giờ công làm việc thực tế cũng như ngày nghỉ việc, ngừng việc của từng lao động, từng bộ phận sản xuất, từng phòng ban trong doanh nghiệp. Trên cơ sở này tính lương phải trả cho người lao động. Bảng chấm công là chứng từ ban đầu quan trọng nhất để hạch toán thời gian lao động.
3.3 Hạch toán kết quả lao động
Hạch toán kết quả lao động là nội dung quan trọng trong toàn bộ công tác quản lý và hạch toán lao động ở các doanh nghiệp. Công việc tiến hành là ghi chép chính xác kịp thời số lượng hoặc chất lượng sản phẩm hoặc khối lượng công việc hoàn thành của từng cá nhân, tập thể làm căn cứ tính lương và trả lương chính xác.
Để hạch toán kết quả lao động, kế toán sử dụng các loại chứng từ ban đầu khác nhau tùy theo từng loại hình và đặc điểm sản xuất của từng doanh nghiệp. Mặc dù sử dụng các mẫu chứng từ khác nhau nhưng các chứng từ này bao gồm các nội dung cần thiết như tên công nhân, tên công việc hay sản phẩm, thời gian lao động, số lượng sản phẩm hoàn thành nghiệm thu,….là các báo cáo về kết quả như: Phiếu giao nhận sản phẩm, phiếu xác nhận sản phẩm, công việc hoàn thành, hợp đồng giao khoán, phiếu báo làm thêm giờ,…..
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật thuế – Công ty luật LVN Group