Thưa Luật sư của LVN Group, trong thời gian qua nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra do hành vi của người say rượu, chất kích thích. Vậy trong những trường hợp đó pháp luật hình sự quy định xử lý như thế nào? Liệu có được miễn trách nhiệm hình sự khi phạm tội trong tình trạng say rượu hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Hoài Thương – Điện Biên

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

2. Phạm tội khi say rượu, bia hoặc chất kích thích, xử lý thế nào?

Việc dùng rượu, bia hoặc dùng chất kích thích mạnh khác đều có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của con người ở những mức độ khác nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là cần xác định về mặt pháp lý năng lực trách nhiệm hình sự của người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác.

Điều 13 Bộ luật Hình sự đã quy định về vấn đề này như sau:

“Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”

Như vậy, theo luật hình sự Việt Nam, người có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn bị coi là người có năng lực trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có nhiều cách giải thích cho quy định này, trong đó có cách giải thích cho rằng, họ vẫn bị coi là có năng lực trách nhiệm hình sự vì họ có năng lực trách nhiệm hình sự khi dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác và như vậy cũng có nghĩa vì họ đã tự tước bỏ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, tự đặt mình vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Họ là người có lỗi đối với tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và do vậy bị coi là có lỗi đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện trong tình trạng như vậy. Với cách giải thích này, cần chú ý, người không có lỗi đối với tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác được thừa nhận là người không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện trong tình trạng đó.

So sánh trường hợp trên đây với trường hợp được quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự (tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự) và được trình bày tại mục 2 có thể thấy hai trường hợp này vừa có điểm giống và vừa có điểm khác nhau. Ở cả hai trường hợp, chủ thể đều không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vì theo đòi hỏi của xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội ở hai trường hợp này là hoàn toàn khác nhau. Một trường hợp có nguyên nhân khách quan (mắc bệnh) và một trường hợp có nguyên nhân chủ quan (dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác).

Điều luật chỉ xác định, người phạm tội trong tình trạng nêu trên “… vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, họ phải chịu trách nhiệm hình sự tăng nặng so với trường hợp bình thường. Đó là trường hợp lạm dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như là “phương tiện” để phạm tội hoặc là trường hợp đã dùng nó khi thực hiện công việc có tính chất đặc biệt – công việc mà người thực hiện bị cấm sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác ngay trước hoặc trong khi thực hiện công việc này như công việc điều khiển các loại phương tiện giao thông.

So với Bộ luật Hình sự cũ năm 1999, nội dung điều luật này tuy không có sự thay đổi nhưng được thể hiện rõ ràng hơn qua việc mô tả tình trạng của người dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thay vì chỉ dùng khái niệm “tình trạng say” là khái niệm chưa rõ ràng mà trước đây Bộ luật Hình sự cũ năm 1999 đã sử dụng.

3. Phạm tội khi ngáo đá, say rượu phải chịu trách nhiệm hình sự

Ở một số quốc gia, trong đó có các quốc gia thuộc hệ thống các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) coi trường hợp “say rượu bệnh lý” được loại trừ trách nhiệm hình sự. Vậy pháp luật hình sự Việt Nam quy định phạm tội khi say rượu, ngáo đá có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS), thì tình trạng say rượu được giảm nhẹ hay bị tăng nặng TNHS?

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, người trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (tình trạng “say rượu”, “ngáo đá”) do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác (Ví dụ: ma túy,… ), thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật hình sự nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do bị say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác. Bởi vì:

– Trước đó họ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và khi họ uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích khác (ví dụ: ma túy đá dẫn đến “ngáo đá”,… ) là tự họ đặt mình vào trong tình trạng “say”, “ngáo” nên họ có lỗi.

– Say rượu là một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội, là một thói quen xấu trong sinh hoạt. Việc bắt người say rượu/người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với tệ nạn này.

– Phòng chống, ngăn ngừa tội phạm lợi dụng tình trạng say rượu bia, chất kích thích khác để thực hiện hành vi phạm tội.

Vì vậy, có quan điểm cho rằng, nếu người phạm tội không có lỗi trong việc uống rượu và sử dụng các chất kích thích khác (Ví dụ: như họ bị ép uống, họ bị người khác cho ma túy vào cốc nước mà không biết,… ) thì họ không có lỗi trong việc bị “say”, “phê ma túy” nên được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự, trường hợp này được gọi là trường hợp “say rượu bệnh lý”.

Điển hình là các quốc gia thuộc hệ thống các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) coi trường hợp “say rượu bệnh lý” được loại trừ trách nhiệm hình sự.

4. Phạm tội khi ngáo đá, say rượu là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ?

Thực tiễn xét xử đã cho thấy: mặc dù Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận giám định kết luận người phạm tội do “say rượu bệnh lý”, nhưng họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đó là trường hợp Phạm Đình Tứ ở Nghệ Tĩnh (nay tách thành 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), sau khi uống rượu cùng với thầy giáo cũ tại nhà thầy, trong đêm hôm đó Tứ đã thức dậy dùng dao chém nhiều nhát vào người vợ, con của thầy giáo và thầy giáo, nhưng chỉ có vợ và con của thầy giáo chết, còn thầy giáo của Tứ thoát nạn.

Do có 02 bản giám định trái ngược nhau về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự của Phạm Đình Tứ nên Tòa án nhân dân tối cao trưng cầu Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định pháp y tâm thần và kết luận Phạm Đình Tứ phạm tội do “say rượu bệnh lý”. Căn cứ vào hành vi phạm tội của Phạm Đình Tứ, có thể xem xét đến kết quả giám định của Hội đồng giám định pháp y tâm thần do Bộ Y tế thành lập nên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân đối với Phạm Đình Tứ về tội giết người.

Như vậy, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, ở nước ta không thừa nhận tình trạng say rượu, dù đó là say rượu bệnh lý cũng không được loại trừ trách nhiệm hình sự.

4.1. Say rượu có thể được giảm nhẹ hình phạt

Theo các quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì “Say rượu” không phải là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu người phạm tội lâm vào tình trạng say rượu không có lỗi của họ thì có thể được Hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “khác” theo quy định tại khoản 2, Điều 51 BLHS năm 2015 để giảm nhẹ một phần hình phạt như vụ án Phạm Đình Tứ nêu trên.

4.2. Say rượu có thể bị tăng nặng hình phạt

Mặc dù tình trạng “say rượu” hay “ngáo đá” không được quy định là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 52 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, trong cấu thành của một số tội danh, có quy định tình tiết “phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác” là tình tiết định khung tăng nặng. Cụ thể:

– Tại điểm b, khoản 2, Điều 260 BLHS năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”

– Tại điểm b, khoản 2, Điều 272 BLHS năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường thủy”

– Tại điểm b, khoản 2, Điều 267 BLHS năm 2015 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường sắt”

Ở cấu thành cơ bản: người phạm tội khi tham gia giao thông “đường bộ” và “đường thủy” chỉ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (riêng đối với “đường sắt” là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng), phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nhưng đối với trường hợp phạm tội do sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập