Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015;

– Thông tư 29/2016/TT-BCTVT;

1. Cứu hộ hàng hải

Điều 264 Bộ luật hàng hải Việt Nam có quy định:

– Cứu hộ hàng hải là hành động cứu tàu biển hoặc các tài sản trên tàu biển thoát khỏi nguy hiểm hoặc hành động cứu trợ tàu biển đang bị nguy hiểm trên biển, trong vùng nước cảng biển, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cứu hộ hàng hải.

– Hợp đồng cứu hộ hàng hải là hợp đồng được giao kết giữa người cứu hộ và người được cứu hộ về việc thực hiện cứu hộ. Thuyền trưởng của tàu biển bị nạn được thay mặt chủ tàu giao kết hợp đồng cứu hộ. Thuyền trưởng hoặc chủ tàu của tàu biển bị nạn được thay mặt chủ tài sản chở trên tàu giao kết hợp đồng cứu hộ tài sản đó.

– Hợp đồng cứu hộ hàng hải được giao kết bằng hình thức do các bên thỏa thuận.

– Các bên tham gia hợp đồng cứu hộ hàng hải có quyền yêu cầu hủy bỏ hoặc thay đổi những thỏa thuận không hợp lý trong hợp đồng, nếu các thỏa thuận này được giao kết trong tình trạng nguy cấp và bị tác động bởi tình trạng đó hoặc chứng minh được là bị lừa dối, lợi dụng khi giao kết hoặc khi tiền công cứu hộ quá thấp hoặc quá cao so với thực tế được cung cấp.

2. Tiền công cứu hộ

2.1. Quyền hưởng tiền công cứu hộ

Theo quy định tại Điều 266 Bộ luật hàng hải Việt Nam thì:

1. Mọi hành động cứu hộ hàng hải mang lại kết quả có ích đều được hưởng tiền công cứu hộ hợp lý.

2. Tiền công cứu hộ bao gồm tiền trả công cứu hộ, chi phí cứu hộ, chi phí vận chuyển, bảo quản tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ và tiền thưởng công cứu hộ.

3. Tiền công cứu hộ được trả cả trong trường hợp người cứu hộ có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp giúp người được cứu hộ bảo vệ các quyền lợi liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý; cứu hộ tàu biển thuộc cùng một chủ tàu.

4. Hành động cứu hộ trái với sự chỉ định rõ ràng và hợp lý của thuyền trưởng tàu biển được cứu thì không được trả tiền công cứu hộ.

2.2. Nguyên tắc xác định tiền công cứu hộ

– Tiền công cứu hộ được thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải hợp lý và không được vượt quá giá trị của tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ.

– Trong trường hợp tiền công cứu hộ không được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc không hợp lý thì tiền công cứu hộ được xác định trên cơ sở sau đây:

+ Giá trị của tàu biển và tài sản cứu được;

+ Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại ô nhiễm môi trường;

+ Hiệu quả cứu hộ của người cứu hộ;

+ Tính chất và mức độ nguy hiểm của tai nạn;

+ Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc cứu hộ tàu biển, người và tài sản trên tàu biển;

+ Thời gian, chi phí và các tổn thất liên quan của người cứu hộ;

+ Rủi ro về trách nhiệm và rủi ro khác đối với người cứu hộ hoặc thiết bị cứu hộ;

+ Tính kịp thời của hoạt động cứu hộ do người cứu hộ thực hiện;

+ Tính sẵn sàng, năng lực của tàu và các thiết bị khác sử dụng trong việc cứu hộ;

+ Tính sẵn sàng, hiệu quả và giá trị của các thiết bị cứu hộ.

– Tiền công cứu hộ có thể bị giảm hoặc không được công nhận, nếu người cứu hộ đã tự gây ra tình trạng phải cứu hộ hoặc có hành động trộm cắp, lừa đảo, gian lận khi thực hiện hợp đồng cứu hộ.

2.3. Tiền công đặc biệt trong cứu hộ hàng hải

Theo Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015:

Điều 268. Tiền công đặc biệt trong cứu hộ hàng hải

1. Trường hợp người cứu hộ đã thực hiện hoạt động cứu hộ liên quan đến tàu biển hoặc hàng hóa trên tàu biển đe dọa gây thiệt hại cho môi trường mà không được hưởng số tiền công xác định theo khoản 1 và khoản 2 Điều 267 của Bộ luật này thì người cứu hộ có quyền được hưởng một khoản tiền công đặc biệt từ chủ tàu.

2. Khoản tiền công đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều này mà chủ tàu trả cho người cứu hộ không quá 30% chi phí phát sinh của người cứu hộ. Trường hợp có khiếu kiện, nếu thấy hợp lý và căn cứ vào các quy định tại khoản 2 Điều 267 của Bộ luật này thì Tòa án hoặc Trọng tài có thể quyết định tăng thêm mức tiền công đặc biệt, nhưng không quá 100% chi phí phát sinh của người cứu hộ.

3. Chi phí phát sinh của người cứu hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là các chi phí hợp lý mà người cứu hộ trực tiếp chi trả và các chi phí hợp lý khác phát sinh từ thực tế sử dụng thiết bị, nhân viên cứu hộ trong hoạt động cứu hộ. Khi xác định chi phí phát sinh của người cứu hộ phải căn cứ quy định tại các điểm h, i và k khoản 2 Điều 267 của Bộ luật này.

4. Trong mọi trường hợp, toàn bộ khoản tiền công đặc biệt quy định tại Điều này chỉ được trả khi khoản tiền đó lớn hơn khoản tiền công cứu hộ mà người cứu hộ có thể được hưởng theo quy định tại Điều 267 của Bộ luật này và là phần chênh lệch giữa khoản tiền công đặc biệt và tiền công cứu hộ.

5. Trường hợp do cẩu thả của người cứu hộ mà không ngăn ngừa hoặc giảm thiểu được thiệt hại ô nhiễm môi trường thì người cứu hộ có thể bị mất một phần hoặc toàn bộ quyền hưởng khoản tiền công đặc biệt đó.

6. Các quy định tại Điều này không ảnh hưởng đến quyền truy đòi của chủ tàu đối với các bên được cứu hộ.

3. Phân chia tiền công cứu hộ hàng hải

Điều 272 Bộ luật hàng hải Việt Nam có quy định:

Điều 272. Phân chia tiền công cứu hộ hàng hải

1. Tiền công cứu hộ được chia đều giữa chủ tàu và thuyền bộ của tàu cứu hộ, sau khi trừ chi phí, tổn thất của tàu và chi phí, tổn thất của chủ tàu hoặc của thuyền bộ liên quan đến hành động cứu hộ.

Nguyên tắc này không áp dụng đối với tàu cứu hộ chuyên dùng.

2. Trong trường hợp có nhiều tàu cùng tham gia cứu hộ thì việc phân chia tiền công cứu hộ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 267 của Bộ luật này.

 Khoản 2 Điều 267 của Bộ luật hàng hải cụ thể như sau:

2. Trong trường hợp tiền công cứu hộ không được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc không hợp lý thì tiền công cứu hộ được xác định trên cơ sở sau đây:

a) Giá trị của tàu biển và tài sản cứu được;

b) Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại ô nhiễm môi trường;

c) Hiệu quả cứu hộ của người cứu hộ;

d) Tính chất và mức độ nguy hiểm của tai nạn;

đ) Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc cứu hộ tàu biển, người và tài sản trên tàu biển;

e) Thời gian, chi phí và các tổn thất liên quan của người cứu hộ;

g) Rủi ro về trách nhiệm và rủi ro khác đối với người cứu hộ hoặc thiết bị cứu hộ;

h) Tính kịp thời của hoạt động cứu hộ do người cứu hộ thực hiện;

i) Tính sẵn sàng, năng lực của tàu và các thiết bị khác sử dụng trong việc cứu hộ;

k) Tính sẵn sàng, hiệu quả và giá trị của các thiết bị cứu hộ.

Phân chia tiền công cứu hộ hàng hải được quy định chị tiết tại Thông tư 29/2016/TT-BGTVT:

* Nguyên tắc phân chia tiền công cứu hộ

– Tiền công cứu hộ được thanh toán bằng loại tiền nào thì cũng được chia bằng loại tiền đó.

– Thuyền trưởng tàu cứu hộ là người đại diện cho thuyền bộ để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ trong việc xác định chi phí cứu hộ, đánh giá tổn thất và khoản tiền công cứu hộ sẽ dành cho thuyền bộ.

– Việc phân chia tiền công cứu hộ trong nội bộ tàu phải được tiến hành công khai dưới sự giám sát của tổ chức công đoàn cơ sở hoặc một hội đồng do toàn thể thuyền viên của tàu bầu ra.

* Cách thức phân chia tiền công cứu hộ

Điều 3. Cách thức phân chia tiền công cứu hộ

Phần tiền được dành để phân chia cho thuyền bộ được phân chia theo cách thức sau đây:

1. Chia cho tất cả các thuyền viên có mặt trên tàu khi thực hiện hoạt động cứu hộ.

2. Chia theo nguyên tắc tỷ lệ thuận với tiền lương chính của mỗi thuyền viên được hưởng tại thời điểm thực hiện hoạt động cứu hộ.

Tiền lương chính là số tiền lương mà chủ tàu phải trả cho mỗi thuyền viên hàng tháng trên cơ sở chức danh của họ mà không bao gồm các khoản tiền bồi dưỡng, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng hàng tháng, hàng quý hoặc các khoản phụ cấp khác.

3. Trường hợp thuyền viên có sự dũng cảm và nỗ lực đặc biệt trong hoạt động cứu hộ thì được hưởng hệ số thưởng. Hệ số thưởng do thuyền bộ đề xuất và thuyền trưởng quyết định.

4. Thuyền viên từ chối không thực hiện nhiệm vụ do thuyền trưởng giao hoặc lợi dụng tình huống cứu hộ để vụ lợi hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cứu hộ đều bị tước bỏ quyền được hưởng phần tiền công cứu hộ của mình. Phần tiền này được gộp chung vào tổng số tiền công cứu hộ dành cho thuyền bộ để chia cho số thuyền viên còn lại theo cách thức phân chia quy định tại Điều này.

* Khiếu nại và giải quyết tranh chấp:

– Khiếu nại liên quan đến việc phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

– Tranh chấp liên quan đến việc phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ được giải quyết bằng thương lượng hoặc khởi kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền.

 4. Nghĩa vụ của người cứu hộ, chủ tàu và thuyền trưởng

Trong quá trình cứu hộ, người cứu hộ có nghĩa vụ sau đây:

– Tiến hành việc cứu hộ một cách mẫn cán;

– Áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa hoặc giảm thiệt hại cho môi trường;

– Phải yêu cầu sự hỗ trợ của những người cứu hộ khác trong trường hợp cần thiết;

– Chấp nhận hành động cứu hộ của những người cứu hộ khác khi có yêu cầu hợp lý của chủ tàu, thuyền trưởng của tàu biển hoặc chủ của tài sản đang gặp nguy hiểm. Trong trường hợp này, số tiền công của người cứu hộ đó không bị ảnh hưởng, nếu việc cứu hộ của những người cứu hộ khác là bất hợp lý.

Chủ tàu, thuyền trưởng của tàu biển hoặc chủ của tài sản đang gặp nguy hiểm có nghĩa vụ sau đây:

– Hợp tác với người cứu hộ trong suốt quá trình thực hiện cứu hộ;

– Phải hành động mẫn cán để ngăn ngừa hoặc giảm thiệt hại cho môi trường khi đang được cứu hộ;

– Khi tàu biển hoặc các tài sản khác được cứu hộ được đưa đến địa điểm an toàn, phải giao lại tàu biển hoặc tài sản đó cho người cứu hộ, nếu người cứu hộ yêu cầu hợp lý.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.