Sự phân đôi cổ điển (classical dichotomy) là quan điểm của các nhà kinh tế cổ điển cho rằng có thể chia các biến số kinh tế thành hai loại là biến danh nghĩa và biến thực tế, rằng các biến số danh nghĩa không tác động đến các biến số thực tế và rằng khi nghiên cứu các hiện tượng kinh tế chỉ cần tập trung nghiên cứu các biến số thực tế.
Ví dụ, trong phân tích của trường phái cổ điển và tân cổ điển về việc làm và sản lượng, tất cả các biến số ban đầu đều được biểu thị bằng hiện vật và giá tương đối. Dưới hình thức đơn giản nhất của nó, sản lượng là một hàm của lượng lao động sử dụng và phương pháp sản xuất. Lượng lao động sử dụng phụ thuộc vào tiền lương thực tế. Tiền lương thực tế phụ thuộc vào cung và cầu về lao động. Dựa trên những lập luận như vậy, người ta sử dụng lý thuyết số lượng tiền tệ để xác định mức giá và tiền lương tuyệt đối.
Hàm ý của quy trình suy luận trên là tiền giữ vai trò trung lập, chỉ tác động tới các biến danh nghĩa, chứ không ảnh hưởng tới quy mô của các biến thực tế. Kết luận này khác với kinh tế học của Keynes, người đưa ra một trong các định đề gắn các biến thực tế với các biến danh nghĩa và khẳng định rằng tiền không đóng vai trò trung lập. Nó có thể được giữ dưới dạng số dư nhàn rỗi khi phải đối mặt với tương lai không chắc chắn và quyết định đó có thể dẫn tới sự trục trặc của nhu cầu thực tế về một số hàng hoá và dịch vụ, qua đó gây ra tình trạng thất nghiệp. Kết luận của Keynes chống lại quan điểm cổ điển về tính trung lập của tiền và vì vậy quan điểm của ông bị những người bảo vệ chủ nghĩa tiền tệ tấn công. Bằng cách- nêu ra kỳ vọng hợp lý, họ lập luận rằng hành vi kinh tế chịu ảnh hưởng của các biến thực tế, chứ không chịu ảnh hưởng của biến số danh nghĩa. Điều này hàm ý rằng ngoại trừ trường hợp ngắn hạn, khi kỳ vọng về các biến số có thể hình thành một cách không hoàn hảo, tiền chỉ quyết định giá trị danh nghĩa của các biến số, chứ không tác động tới quy mô của các biến thực tế như sản lượng và việc làm, Theo quan điểm kỳ vọng hợp lý, sự phân đôi cổ điển vẫn đúng.